I. Các đường tiệm cận
Định nghĩa:
– Tiệm cận đứng: Đường thẳng \(x = {x_0}\) được gọi là tiệm cận đứng của đồ thị hàm số \(y = f\left( x \right)\) nếu nó thỏa mãn một trong 4 điều kiện sau: \(\left[ \begin{array}{l}\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ + } y = + \infty \\\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ + } y = – \infty \\\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ – } y = + \infty \\\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ – } y = – \infty \end{array} \right.\)
– Tiệm cận ngang:
Đường thẳng \(y = {y_0}\) được gọi là tiệm cận ngang của đồ thị hàm số \(y = f\left( x \right)\) nếu nó thỏa mãn một trong 2 điều kiện sau: \(\left[ \begin{array}{l}\mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } y = {y_0}\\\mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } y = {y_0}\end{array} \right.\)
– Tiệm cận xiên:
Đường thẳng \(y = ax + b\left( {a \ne 0} \right)\) được gọi là tiệm cận xiên của đồ thị hàm số \(y = f\left( x \right)\) nếu nó thỏa mãn một trong 2 điều kiện sau: \(\left[ \begin{array}{l}\mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } \left[ {f\left( x \right) – \left( {ax + b} \right)} \right] = 0\\\mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } \left[ {f\left( x \right) – \left( {ax + b} \right)} \right] = 0\end{array} \right.\) , trong đó:
\(\left\{ \begin{array}{l}a = \mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } \dfrac{{f\left( x \right)}}{x}\\b = \mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } \left[ {f\left( x \right) – ax} \right]\end{array} \right.\) hoặc \(\left\{ \begin{array}{l}a = \mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } \dfrac{{f\left( x \right)}}{x}\\b = \mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } \left[ {f\left( x \right) – ax} \right]\end{array} \right.\)
Chỉ có khái niệm “Tiệm cận của đồ thị hàm số”, KHÔNG có “Tiệm cận của hàm số”.
II. Tìm tiệm cận ngang của đồ thị hàm số
Phương pháp:
– Bước 1: Tính cả hai giới hạn\(\mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } y\) và \(\mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } y\).
– Bước 2: Kết luận:
Đường thẳng \(y = {y_0}\) được gọi là tiệm cận ngang của đồ thị hàm số \(y = f\left( x \right)\) nếu nó thỏa mãn một trong 2 điều kiện sau: \(\left[ \begin{array}{l}\mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } y = {y_0}\\\mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } y = {y_0}\end{array} \right.\)
Hàm phân thức có tiệm cận ngang khi và chỉ khi bậc của đa thức tử nhỏ hơn hoặc bằng bậc của đa thức mẫu.
III. Tìm tiệm cận đứng của đồ thị hàm số
Phương pháp:
– Bước 1: Tìm các điểm mà tại đó hàm số không xác định.
– Bước 2: Tính cả 2 giới hạn \(\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ + } y\) và \(\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ – } y\).
– Bước 3: Kết luận:
Nếu xảy ra một trong 4 trường hợp \(\left[ \begin{array}{l}\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ + } y = + \infty \\\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ + } y = – \infty \\\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ – } y = + \infty \\\mathop {\lim }\limits_{x \to x_0^ – } y = – \infty \end{array} \right.\) thì \(x = {x_0}\) là một tiệm cận đứng của đồ thị hàm số.
+ Ta chỉ cần 1 trong 4 điều kiện trên thỏa mãn là kết luận được.
+ Riêng đối với hàm phân thức thì \({x_0}\) thường là nghiệm của mẫu thức nhưng không là nghiệm của tử thức.
IV. Tìm tiệm cận xiên của đồ thị hàm số
Phương pháp:
– Bước 1: Tính cả hai giới hạn \(a = \mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } \dfrac{{f\left( x \right)}}{x}\) và \(a’ = \mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } \dfrac{{f\left( x \right)}}{x}\).
– Bước 2: Nếu \(\left[ \begin{array}{l}a \ne 0; \pm \infty \\a’ \ne 0; \pm \infty \end{array} \right.\) thì tính \(\left[ \begin{array}{l}b = \mathop {\lim }\limits_{x \to + \infty } \left[ {f\left( x \right) – ax} \right]\\b’ = \mathop {\lim }\limits_{x \to – \infty } \left[ {f\left( x \right) – a’x} \right]\end{array} \right.\)
– Bước 3: Kết luận: Nếu các giới hạn trên là hữu hạn thì \(y = ax + b\) và \(y = a’x + b’\) là các tiệm cận xiên của đồ thị hàm số.
Đồ thị hàm phân thức có tiệm cận xiên khi và chỉ khi bậc của đa thức tử lớn hơn bậc của đa thức mẫu là \(1\).
Khi đó, để tìm tiệm cận xiên ta chỉ cần chia tử cho mẫu được đa thức thương \(ax + b \Rightarrow y = ax + b\) là tiệm cận xiên của đồ thị hàm số.
V. Tìm điều kiện của tham số để đồ thị hàm số phân thức có tiệm cận đứng
Phương pháp:
– Bước 1: Tìm điều kiện để mẫu thức có nghiệm (nếu cần) và tính các nghiệm \({x_1},{x_2},…,{x_n}\) của mẫu thức.
– Bước 2: Nêu điều kiện để hàm phân thức có tiệm cận đứng:
Hàm số có một (hai, ba,…) tiệm cận đứng nếu mẫu thức có một (hai, ba,…) nghiệm không là nghiệm của tử thức.
– Bước 3: Thay các nghiệm \({x_1},{x_2},…,{x_n}\) lên tử thức và biện luận dựa trên yêu cầu đề bài về số tiệm cận đứng.
Nếu bài chỉ yêu cầu có tiệm cận đứng thì ta chỉ cần một nghiệm của mẫu không phải nghiệm của tử là đủ.