Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng
I. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
1. Mở bài
+Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng.
2. Thân bài
a. Giải thích
+Câu nói khuyên nhủ con người ta hãy biết kiên trì, vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt ta sẽ tìm được con đường đi riêng cho bản thân mình và hướng đến thành công.
b. Phân tích
+Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần kiên trì theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, lòng kiên trì chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người.
+Nếu trong xã hội con người ai khi gặp khó khăn cũng bỏ cuộc thì xã hội sẽ không phát triển được như hiện nay, con người sẽ rơi vào bế tắc.
+Người có lòng kiên trì luôn là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo, giúp xã hội này tiến bộ hơn.
c. Chứng minh
+Học sinh tự lấy dẫn chứng để minh họa cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.
Gợi ý: nhà giáo Nguyễn Ngọc Kí, chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Thomas Edison,…
d. Phản đề
+Trong xã hội vẫn còn có nhiều người nóng vội, muốn đạt được thành quả nhanh chóng, lại có người dễ nản chí, bỏ cuộc khi gặp khó khăn,… những người này đáng bị xã hội chỉ trích, phê phán.
3. Kết bài
+Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Đề bài: Suy nghĩ về câu nói: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng
Gợi ý làm bài
“Sinh, lão, bệnh, tử” là hành trình mà mỗi một con người cần trải qua kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Trong quá trình đó, con người luôn muốn đạt đến bến bờ của niềm vui, hạnh phúc. Bàn về những phạm trù có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc này, nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” (trích “Mùa lạc”). Câu văn đã thể hiện một cách nhìn nhận, đánh giá về ranh giới của sự sống – cái chết, hạnh phúc – hy sinh, gian khổ và đề cao nỗ lực, cố gắng của con người.
Sự sống là một khái niệm vô cùng phức tạp và là phạm trù nghiên cứu chính của lĩnh vực sinh học. Trong cuộc sống thực tại của con người, sự sống bao hàm ý nghĩa về mặt vật chất và tinh thần, thể hiện qua việc con người tồn tại như một cá thể độc lập, đồng thời đó còn là sự sống trong tâm hồn. Còn “cái chết” là trạng thái hoàn toàn đối lập với sự sống. “Hạnh phúc” là vạch đích mà con người luôn muốn chạm tay tới trong cuộc đời; ngược lại, “hy sinh, gian khổ” là những điều không tốt đẹp, những gian nan, thử thách, buồn đau mà con người mong muốn không bao giờ gặp phải trong cuộc đời. Vậy thì tại sao trong quan niệm của mình, nhà văn Nguyễn Khải lai đặt những khái niệm mang ý nghĩa đối lập ở cạnh nhau trong mối quan hệ tương đồng gần gũi: sự sống – cái chết, hạnh phúc – hy sinh, gian khổ. Là một nhà văn với những triết lí nhân sinh quan sâu sắc, ông cho rằng sức mạnh, sự nỗ lực sẽ giúp con người làm nên những điều kì diệu.
“Sự sống nảy sinh từ cái chết” – quan niệm cho thấy quy luật vận động, phát triển và bản chất tồn tại của sự vật, hiện tượng. Trong “Mùa lạc”, trên mảnh đất Điện Biên anh hùng trải qua biết bao mưa bom bão đạn, sự hủy diệt của kẻ thù và tưởng chừng như nó đã hóa thành “mảnh đất chết” đầy đau thương lại có biết bao cây cỏ và niềm vui của con người lao động sinh sôi. Trong thực tế, sự tồn tại của sự vật hiện tượng cũng vậy, trên những cành cây trơ trọi, héo tàn của mùa đông, khi xuân sang, những chồi non lộc biếc lại nảy nở. Còn trong cuộc sống của con người, những hy sinh xương máu về tuổi xuân, tuổi đời của thế hệ cha anh đi trước – những vị anh hùng chống ngoại xâm, các thương binh, liệt sĩ chính là nền tảng để chúng ta được tận hưởng bầu không khí của ngày hòa bình hôm nay. Như vậy, mặc dù sự sống và cái chết là hai trạng thái hoàn toàn đối lập và không thể tồn tại song song nhưng từ trong cái chết, sự sống sẽ được tái lập; hay nói cách khác, cái chết chính là môi trường để gieo mầm, ươm mầm sự sống.
Tương tự như vậy, “hạnh phúc hiện hình trong những hi sinh, gian khổ” thể hiện quy luật mang tính tất yếu: Trong cuộc đời, không có niềm vui, hạnh phúc nào là trọn vẹn. Cuộc sống của con người xen kẽ, đan cài giữa hạnh phúc và hi sinh, gian khổ. Khi trải qua những hy sinh, gian khổ không có nghĩa là chúng ta chịu sự thiệt thòi, mất mát; mà đó chính là cơ sở để tạo nên hạnh phúc. Đồng thời, trong đau khổ, con người cũng có thể tìm thấy những niềm vui, hạnh phúc dù là nhỏ nhoi và còn le lói.
Như vậy, trong cuộc sống, con người cần nhận thức luôn chứa đựng những giá trị tưởng chừng như đối lập nhưng lại có mối quan hệ tương sinh để mạnh mẽ đối diện, dũng cảm để vượt qua ranh giới của những gian khổ, hi sinh, của sự sống và đặt chân đến bến bờ hạnh phúc, giống như Bác Hồ đã từng nói
“Ví không có cảnh đông tàn
Thì sao có cảnh huy hoàng hôm nay”
(Trích “Tự khuyên mình”)
Bởi thế, câu nói “điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” của nhà văn Nguyễn Khải còn hàm chứa một bài học về việc con người cần rèn luyện sự mạnh mẽ, dũng cảm trước những chông gai, thử thách trong cuộc đời. Sự sống là điều con người muốn duy trì, cũng như hạnh phúc là điều ai ai cũng muốn đạt tới. Tuy nhiên, nếu không trải qua những gian nan, thử thách, hy sinh, mất mát, con người sẽ không thể đạt được những điều đó.
Nhà văn Nguyễn Khải đã lấy nông trường Điện Biên làm bối cảnh cho truyện ngắn Mùa lạc. Điện Biên – nơi đã ghi dấu bao nhiêu dấu tích của chiến tranh. Nơi đó, xưa kia là một vùng đất chết, sự sống nói chung và sự sống của con người nói riêng bị chiến tranh tàn phá và hủy diệt. Ai có ngờ đâu, sau chiến tranh, cuộc sống nơi đây đã hồi sinh. Điện Biên đã thành một nông trường rộng lớn, tràn đầy sức sống với “màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khúc của đất hoang”. Đặc biệt là sự hình thành và phát triển ngày càng tốt đẹp, tươi vui, hạnh phúc của cuộc sống con người nơi đây. Dĩ nhiên là cuộc sống tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc ấy không phải tự dưng mà những con người nơi đây có được. Muốn có được cuộc sống như thế họ phải lao động cật lực, họ phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và có khi là cả máu của họ. Chính cuộc sống được hình thành như vậy, nên họ yêu thương nhau, gắn bó với nhau và sống với lòng vị tha cao cả. Được sống trong một môi trường mới với những con người lao động mới và sự nỗ lực tự vượt lên chính bản thân mình, Đào đã vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc. Từ hiện thực sinh động của cuộc sống ở nông trường Điện Biên, nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một câu nói đầy chất triết lí: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh đế bước qua những ranh giới ấy”.
Câu nói của nhà văn Nguyễn Khải đã đưa ra một chân lí của cuộc sống, đề cao sự nỗ lực vươn lên không ngừng của mỗi dân tộc của bản thân của mỗi con người trong việc đi tìm lẽ sống và hạnh phúc cho dân tộc, cho mỗi cá nhân con người.
Thật vậy, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã từng đánh Hán, đuổi quân Nguyên – Mông, diệt Minh, trừ Thanh, đánh Pháp, đuổi Nhật, phá tan bè lũ cướp nước và bán nước Mỹ – ngụy để giành và giữ lấy độc lập tự do cho dân tộc. Nếu không có xương máu của tiền nhân dân đổ xuống trên mảnh đất này trong suốt chiều dài lịch sử thì làm sao ta có được một dải giang sơn Việt Nam gấm vóc chạy suốt từ Bắc đến Nam như ngày hôm nay. Như vậy, không phải là “Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ” đấy ư?
Trở lại với nông trường Điện Biên, ta cũng thấy rõ điều đó. Cuộc sống nơi đây hồi sinh, con người nơi đây tìm ra cuộc sống tươi vui, hạnh phúc cũng đi từ những hi sinh gian khổ, từ ý chí, niềm tin và nghị lực, không đầu hàng cuộc sống. Đào – nhân vật trung tâm của câu chuyện cũng đi từ những bất hạnh trong cuộc đời, nhưng nhờ có lòng khát khao cuộc sống, có ý thức không đầu hàng số phận, nên Đào mới lưu lạc đến nông trường Điện Biên và ở đây, trong một môi trường mới với những con người lao động mới. Đào đã vượt qua số phận và tìm thấy hạnh phúc. Quả đúng là “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Trong cuộc sống đời thường đã có biết bao tấm gương vượt khó để thành công trong cuộc đời, có biết bao con người “tàn” mà không “phế” làm được biết bao điều để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho xã hội.
Cùng với quan điểm này của nhà văn Nguyễn Khải. Trước đó, bà Thác-kơ-rê một nữ văn sĩ nổi tiếng của nước Anh trong bộ tiểu thuyết Hội chợ phù hoa đã nói: “Cuộc đời là một tấm gương soi, cau mặt với nó, nó sẽ cau mặt trả lại với chúng ta ngay. Nếu mỉm cười với nó, nó vẽ trở thành người bạn vui tính và tốt bụng”. Hoàng đế Na-pô-lê-ông của nước Pháp cũng đã từng nói: “Mất tiền là chẳng mất gì cả, mất danh dự là mất một nửa cuộc đời; mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời”.
Câu nói của Nguyễn Khải trong truyện ngắn Mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” là một chân lí, mãi là bài học cho mỗi chúng ta trong cuộc sống.
———-LOP12.COM———–