1. Dàn ý nghị luận về câu nói: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào”
a. Mở bài: Các em cần tiến hành dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.
– Ví dụ mở bài: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào” đây là quan điểm khá sâu sắc cho những người muốn vươn đến thành công, câu nói ấy như một nguồn động lực nhằm giúp chúng ta vững vàng hơn trên con đường học vấn để có một tương lai rực rỡ sau này. Hãy nhớ muốn được “trái ngọt” thì phải bỏ công sức ra vun đắp, “trái ngọt” không tự nhiên mà rơi xuống chính chỗ chúng ta.
b. Thân bài:
– Giải thích từ khóa:
+ “Học hành” là quá trình học và thực hành để mở mang kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết của mỗi người.
+ “Rễ đắng” và “quả ngọt” là hình ảnh ẩn dụ chỉ công lao học hành và kết quả học tập. Câu ngạn ngữ thể hiện nhận thức sâu sắc về qui luật của học vấn và vai trò quan trọng của việc học hành đối với mỗi người.
– Phân tích – chứng minh:
+ Học hành có những chùm rễ đắng cay:
- Việc học đòi hỏi tốn thời gian, công sức, trải qua cả một quá trình.
- Quá trình học tập có những khó khăn, vất vả, gian nan: Chiếm lĩnh tri thức, luyện tập, thực hành. Để có thể giỏi giang, thành công đòi hỏi phải từng bước chinh phục những bậc thang học vấn.
- Quá trình học tập có khi phải trải qua những thất bại, phải nếm vị cay đắng: Điểm kém, bị quở mắng, thi hỏng.
+ Vị ngọt của quả tri thức hái được từ việc học hành:
- Vị ngọt của kết quả học tập trước hết là người học được nâng cao hiểu biết của bản thân, giàu có hơn về tri thức và tâm hồn, tự tin hơn trong cuộc sống.
- Thành quả học tập mang lại niềm vui, niềm tự hào cho bản thân, gia đình, thầy cô giáo, nhà trường, quê hương.
- Thành công trong học tập cũng chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng mới trên con đường lập nghiệp.
- Phải biết chấp nhận đắng cay trong giai đoạn đầu để sau đó hưởng thành quả tốt đẹp lâu dài.
– Đánh giá – mở rộng:
+ Câu nói bao hàm một nhận thức đúng đắn, một lời khuyên tích cực: Nhận thức được quá trình chiếm lĩnh tri thức, mỗi người cần có bản lĩnh, chủ động vượt qua khó khăn để thu nhận được thành quả tốt đẹp trong học tập.
+ Trong thực tế, nhiều người lười biếng không chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức, không biết biến nhựa đắng thành quả ngọt dâng cho đời; hay có những người ỷ lại người khác, không nỗ lực, dẫn đến những hành động gian lận, không trung thực trong học tập
+ Kết quả học tập nếu không từ công sức bản thân sẽ không bền, sẽ có lúc phải trả giá, sẽ trở thành kẻ kém cỏi trong cái nhìn của mọi người.
– Bài học rút ra cho bản thân:
+ Nhận thức: Xem câu ngạn ngữ là phương châm nhắc nhở, động viên bản thân trong quá trình học tập.
+ Hành động: Rèn ý thức vươn lên trong học tập, không đầu hàng gian nan thử thách, luôn hướng tới những ước mơ, khát vọng hái quả ngọt từ học vấn để thành công.
c. Kết bài: Khái quát lại vấn đề.
+ Ví dụ kết bài: Sẽ không có “trái ngọt” cho những người lười biếng, giống như một cái cây muốn ươm mầm, lớn lên và thu hoạch “trái ngọt” thì chúng ta phải bỏ công chăm sóc, bón phân từng ngày. Tương tự như vậy, nếu chúng ta muốn thành công thì phải cố gắng học hành, trao dồi kiến thức từng ngày một. Câu nói “học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào” là một quan niệm đúng đắn và rất sâu sắc. Chúng ta cần phải xem nó như một bài học cho chính bản thân mình trên con đường vất vả, gian nan để đi đến thành công.
2. Viết đoạn văn ngắn bàn về câu nói: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào”
Trên con đường đi đến thành công không phải lúc nào cũng dễ dàng, chúng ta phải trải qua đắng cay mới đến được ngọt ngào giống như câu nói: “Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. “Chùm rễ đắng cay” ở đây chỉ sự gian nan vất vả trên con đường đi tìm tri thức cho mình, việc đi tìm tri thức là cả một quá trình cố gắng. Nếu không có ý chí, kiên trì thì sẽ dễ bỏ cuộc giữa đường. Xã hội đang ngày càng phát triển, trên đà hội nhập Quốc Tế, để theo kịp những tiến bộ này đòi hỏi chúng ta phải có những tri thức tiến bộ. Việc tiếp thu tri thức không phải một sớm một chiều, nó cần rất nhiều thời gian để tự học, tự tìm tòi, trong cả quá trình khó khăn ấy bản thân bạn cần phải giữ vững ý chí, kiên trì không bỏ cuộc bởi con đường đi tìm tri thức luôn gập ghềnh như người đi trên bãi cát của Cao Bá Quát. Có thể nói, câu nói “học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào” đã khái quát được quá trình chúng ta đi tìm tri thức, có đắng cay nhưng rồi cũng sẽ ngọt ngào, bạn bỏ ra bao nhiêu thì thu về bấy nhiêu trái ngọt cho bản thân mình. Câu nói như một tuyên ngôn sống đầy ý nghĩa, nó hướng chúng ta đến một tương lai rực rỡ phía trước. Có một câu danh ngôn rất hay liên quan đến câu nói này đó là: “Ánh sáng luôn có ở cuối đường hầm!”. Ngay cả khi hiện thực của bạn đã nhuộm một màu đen. Thì tôi cũng xin bạn đừng bao giờ để mất đi niềm hy vọng trong quả tim của mình. Bạn hãy can đảm, kiên trì rồi xác định một hướng đi đúng đắn cho bản thân để vượt qua hiện thực tăm tối đó. Rồi ánh sáng mặt trời sẽ hiện ra. Một cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi bạn ở phía trước. Vì không có một con đường hầm nào sẽ kéo dài ra vô tận. Hết buồn thì đến vui, không có một cái cây nào cho trái đắng suốt mùa, đó là một quy luật muôn đời của loài người. Khi chúng ta có sự tự chủ bản thân, chúng ta có niềm tin vào tương lai, thì chúng ta sẽ có những hành động đúng đắn để biến những niềm hy vọng tốt đẹp của mình trở thành sự thật. Hãy tưởng tượng rằng có một rừng cây toàn“trái ngọt” đang chờ chúng ta phía trước để tiếp thêm động lực cho bản thân cố gắng từng ngày.
3. Viết bài nghị luận về câu nói: “Học vấn có những chùm rể đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào”
Hơn một ngàn năm trước, ở nước Trung Quốc xuất hiện Tôn Ngộ Không – con khỉ đá ngổ nghịch nhưng dám quỳ suốt ba mùa đông trong mưa tuyết để “tầm sư học đạo”. Là Tôn Hành Giả hay chính con người ngộ ra sự cần thiết của học vấn với bản thân mình? Với Tôn Ngộ Không ba năm quỳ trong mưa tuyết và mấy chục năm học tập, vất vả kia là cái giá phải trả cho sự bất tử của “Tề Thiên Đại Thánh”.
Còn ở nước Anh xa xôi có anh chàng Rôbinxơn Cruxô nhờ có tri thức về các môn khoa học, về trồng trọt, chăn nuôi đã sống được trên đảo hoang suốt hai mươi tám năm trời để rồi trở về trong sự ngạc nhiên, khâm phục của mọi người. Dù học vấn ở dạng nào thì Tôn Ngộ Không hay Rôbinsơn đều nhờ có học vấn mà sống sót được. Ở Hi Lạp, xứ sở của những vị thần thông minh, nhân bản đã đúc kết một câu nói rất đơn giản nhưng chính xác chứa đầy một sự thực về học vấn: “Học vấn có chùm rễ đắng ngắt nhưng hoa quả lại rất ngọt ngào”.
Từ “đắng ngắt” cho đến “ngọt ngào” là cả một quá trình vất vả. “Chùm rễ” kia là cái gốc, là bước khởi đầu cho cả một con đường gian nan vất vả đi tìm học vấn, đi tìm tri thức nhân loại. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, trên trái đất này mấy nghìn năm qua, từ nền văn minh cổ đại cho đến nay, không một vĩ nhân nào thành danh mà lại không có học vấn cả. Một nhà bác học được người ta kính phục vì đầu óc anh ta chứa đựng nhiều kiến thức hơn người bình thường, cái đầu của anh ta có khả năng cải tạo thế giới, cải tạo và làm biến đổi xã hội. Chính học vấn và tri thức đã giúp con người tiến xa hơn trong nấc thang tiến hóa tránh xa hơn với lối sống động vật, cuộc sống của con người ngày một được cải thiện hơn. Như vậy có thể nói học vấn có vai trò hết sức quan trọng đối với con người, một xã hội văn minh và hiện đại.
Nhưng học tập là một con đường rất khó khăn đó là “tẩu lộ nan” mà kẻ nào không có đủ ý chí và nghị lực để vượt qua sẽ ngã quỵ và bị tụt lại phía sau mãi mãi. Bởi tri thức thì vô cùng mà sức lực và trí tuệ của con người thì có hạn. Trước một vấn đề khó khăn nan giải liệu anh có đủ kiên nhẫn để giải tỏa vướng mắc hay không?
Mà trên con đường học vấn sẽ xuất hiện không ít những hòn đá to, những vực sâu mà chỉ có những kiến thức anh mới vượt qua được nhưng biết đâu anh sẽ nản lòng? Thu nhận kiến thức là một quá trình lâu dài và vất vả. Với học vấn sự quyết tâm và chiến thắng những ham muốn cá nhân của mình là rất quan trọng. Điều đó thật khó bởi những con số tính toán những con chữ chắc gì có đủ sức giữ được chân ta, tâm trí ta trước những trò vui, những tiếng còi đang hấp dẫn, gọi mời? Chỉ cần buông thả mình một chút, anh sẽ bị bỏ xa biết bao nhiêu và anh sẽ trở thành một kẻ bại trận trước học vấn.
Bể học vô cùng, ta không thể một sớm, một chiều mà có thể thu nhận tất cả, học vấn cũng như góp nhặt, tích trữ cần phải cần mẫn thu nhặt từng tí một làm đầy thêm kiến thức của mình. Nếu bắt anh đếm chính xác hàng trăm con cá đang bơi qua lại trong cái bể kia anh không thể chỉ đứng nhìn và đếm mà phải nhẫn nại, phải vớt từng con một sang bể khác như vậy mới đếm đúng được. Học vấn cũng như vậy, mỗi ngày học một ít dần dần tích luỹ lại cứ thế mà học vấn sẽ cao lên. Học không phải chỉ mấy ngày, mấy năm mà có thể sẽ phải học cả đời. Quả thật học vấn là một “chùm rễ đắng ngắt” mà chúng ta phải nếm trải dù nhọc nhằn, ta có quyền phủ nhận, có quyền từ chối không tiếp nhận học thức nhưng rồi ta sẽ là kẻ vô học, kẻ lạc hậu và vô dụng mà thôi. Cho nên dù đắng ngắt tới đâu nhưng nếu muốn có hoa quả ngọt ngào ta phải nếm trải cái chùm rễ ấy, nó là cái gốc, là điều kiện đầu tiên để ta có thể thành công và vững bước trên đường đời. Cuối cùng, sau bao nhiêu năm học tập miệt mài vất vả những kiến thức mà ta thu nhận được dù chỉ như một hạt cát trong sa mạc, một giọt nước trong đại dương học thức, nhưng điều quan trọng là với vốn kiến thức ấy, chúng ta có khả năng đảm bảo cho cuộc sống của chính mình, có khả năng xây dựng hay tái tạo xã hội và đặc biệt có quyền tự hào mình là người có học, là kẻ hiểu biết. Tục ngữ Việt Nam có câu “không thầy đố mày làm nên”, vâng, một người dù có tài năng thiên bẩm nhưng nếu không có người thầy dạy dỗ cung cấp cho những hiểu biết cơ bản thì anh ta cũng không thể thành công được. Xã hội đang phát triển từng ngày, con người hiện đại càng phải luôn luôn có ý thức nâng cao học vấn để theo kịp tốc độ phát triển của thế giới. Học tập vì tương lai của mình và vì công cuộc xây dựng đất nước không chỉ là một khẩu hiệu. Đã hơn 10 năm em ngồi trên ghế nhà trường, trải qua thực tế, em cũng đã thấu hiểu phần nào vị đắng của chùm rễ ấy, nhưng không chỉ em mà hàng triệu học sinh khác cố gắng và luôn tự hào vì chùm rễ ấy bởi chỉ có học vấn mới đảm bảo tương lai của các em.
Ngày nay chất rađium và tia X có nhiều ứng dụng quan trọng trong đời sống và khoa học kỹ thuật, chính những phát minh đó đã đưa Marie Curie trở thành nhà nữ bác học đạt giải Nobel đầu tiên thế giới. Để đạt được thành tựu ấy, người phụ nữ Balan này đã phải vượt qua bao sóng gió tới Vương quốc Anh xa xôi để có thêm điều kiện nghiên cứu và tự học. Bà đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì khoa học. Đó là Marie Curie người đạt giải Nôbel hóa học. Còn ở đất nước Việt Nam chúng ta, hẳn không ai quên “bông sen trong giếng ngọc” Mạc Đĩnh Chi – chú bé nghèo bắt đom đóm làm đèn học sinh, vượt qua bao nỗi mặc cảm miệt mài học tập kinh sử để có ngày đỗ bảng vàng vinh quy bái tổ, để có ngày trở thành “Lượng quốc trạng nguyên” và nơi nơi trên đất nước Việt Nam ta, trên thế giới này có biết bao nhiêu tấm gương nghèo hiếu học và cuối cùng họ đặt chân được vào đỉnh vinh quang của thành công.
Thế giới hiện đại, quan niệm học vấn được mở rộng ra, học vấn không phải chỉ là văn thơ, là kinh sử, là tri thức khoa học mà học vấn bao gồm nhiều vấn đề văn hóa, xã hội… học vấn là vô cùng nhưng để đạt thành công trong một lĩnh vực nào đó, ta nên am hiểu kiến thức về lĩnh vực ấy. Một diễn viên muốn nổi tiếng ngoài tài năng vốn có thì buộc anh ta phải có nhiều kiến thức về kĩ năng, kỉ xảo diễn xuất, một họa sĩ cần thành thục về kỹ thuật phối màu và pha màu hay sắp đặt mà điều ấy hầu như chỉ học tập mới đạt được.
“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, nhờ có học vấn mà một kẻ vô danh sẽ trở thành một vĩ nhân, chỉ có chùm rễ đắng ấy mới giúp ta có được những hoa trái ngọt ngào. Câu nói trên đã đúc kết nên một quan niệm thật đúng đắn về học tập nó giúp em có thêm nghị lực, quyết tâm để đi tiếp con đường học vấn đầy vất vả chông gai, đầy đắng chát để rồi trong cuộc đời các mà em nhận được là những hoa trái ngọt ngào của chiến thắng và thành công.