1. Viết đoạn văn ngắn nghị luận về cách mạng công nghệ 4.0
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi thế hệ trẻ phải có những thay đổi phù hợp để có thể thích ứng và thành công. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, đem tới sự thay đổi toàn diện cho cuộc sống của con người. Không phải ngoại lệ, cuộc Cách mạng 4.0 với nền tảng là công nghệ vạn vật kết nối, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, được dự đoán sẽ tạo ra một bộ mặt hoàn toàn mới cho thế giới. Những công việc nặng nhọc và không đòi hỏi tính sáng tạo sẽ được thay thế bằng rô bốt, Internet với tốc độ siêu nhanh và phủ sóng khắp mọi nơi cũng thay đổi cách ta làm việc và giao tiếp. Đồng thời, những cỗ máy với khả năng tính toán, xử lý siêu việt sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các cơ quan, viện nghiên cứu, đe dọa trực tiếp tới việc làm của hàng triệu lao động. Viễn cảnh ấy không hề xa vời bởi mới đây, Google đã tạo ra một phần mềm có thể giành chiến thắng tuyệt đối trước nhà vô địch cờ vây thế giới, một công ty tại Nhật Bản đang bắt đầu thử nghiệm rô bốt thay cho nhân viên văn phòng và ô tô tự hành cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố… Đối mặt với thực tế này, ta – những chủ nhân tương lai của đất nước – cần phải làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: tất cả chúng ta cần nghiêm túc học tập, trau dồi tri thức, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy khoa học của bản thân. Bởi giờ đây, cơ hội được chia đều cho tất cả. Tiến bước thật mạnh mẽ và tiếp nhận thành quả văn minh nhân loại hay mãi mãi tụt lại phía sau, câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn vào sự nỗ lực của bạn.
2. Nghị luận về cách mạng công nghệ 4.0
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bùng nổ việc phát triển và thành lập mới các trường đại học. Rất nhiều trường trung cấp cũng được nâng cấp lên cao đẳng và trường cao đẳng thì nâng cấp lên đại học. Một ví dụ cụ thể có thể nói tới là Trường Trung học Văn thư Lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ chỉ trong có hơn 5 năm đã được nâng cấp thành Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương rồi thành Đại học Nội vụ. Trong khi đó ở các nước Phương Tây, rất nhiều trường qua hàng trăm năm vẫn chỉ là cao đẳng và họ cũng chỉ chuyên tâm làm tốt sứ mạng đào tạo nhân lực của mình chứ không có nhu cầu nâng cấp, thay tên.
Người ta cũng nói nhiều về vấn nạn sao chép luận văn của sinh viên song trên thực tế là những đề tài mà vượt quá khuôn khổ đào tạo, nghiên cứu của nhà trường thường không được khuyến khích với lý do chưa có thầy hướng dẫn hoặc còn phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của bộ chủ quản và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và ngay cả khi sinh viên đã tìm được thầy hướng dẫn chính là tác giả của những nghiên cứu đó thì đôi khi vẫn không được tạo điều kiện với lý do là học lực chưa đủ tư cách để nhận các đề tài mới. Bởi thế, nếu không sao đi chép lại những đề tài cũ thì sinh viên cũng khó có quyền làm các đề tài mới (!).
Nay chúng ta đã và đang bước vào cuộc Cách Mạng Công Nghệ 4.0 và trong cuộc cách mạng này thì không ai có thể đợi ai. Và đương nhiên, các học trò phải có quyền không chờ đợi các bậc thầy của họ. Ngoài các kiến thức được nhà trường cung cấp, các sinh viên có cả một kho tài nguyên khổng lồ trên mạng Internet. Giáo dục đại học cũng vì thế mà phải chuyển từ học tập (learning) sang nghiên cứu (studying) và sinh viên phải được chủ động tự học. Thậm chí, sẽ là rất tốt nếu các sinh viên chủ động đến với các đề tài không có trong danh mục được khuyến cáo nghiên cứu.
Nhìn sang nền giáo dục đại học của các nước phát triển, họ thường khuyến khích sinh viên nước ngoài, nhất là những đối tượng giành được học bổng toàn phần trở về quê hương mình để lấy số liệu cho đề tài tốt nghiệp. Cũng chính vì lẽ đó, khi thương mại điện tử ở Việt Nam còn manh nha thì các nước phát triển đã có ngay những số liệu thực tiễn về vấn đề này ở Việt Nam trong khi các cơ quan quản lý nhà nước và nghiên cứu khoa học của chúng ta lại chưa thể có ngay được những số liệu đó dù nó rất cần để hoạch định các chính sách thực tiễn.
Theo không ít nhận xét, chúng ta đang nói quá nhiều đến Cách Mạng Công Nghệ 4.0 nhưng thực tế các đại học và ngành giáo dục cần phải làm gì thì đó vẫn là vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ. Tuy nhiên, CMCN 4.0 vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ và chắc chắn sẽ tác động tới giáo dục đại học cũng như các nhà tuyển dụng. Chính vì thế, các đại học càng không thể thỏa mãn với kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn của các tổ chức đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp phép mà cần chủ động tiếp cận với những thực tiễn của CMCN 4.0 để luôn làm mới chính mình. Còn về phía các nhà tuyển dụng, thay vì phê phán chất lượng đầu ra của sinh viên thì việc cần làm của họ là chủ động hợp tác với các nhà trường. Đây là sự nghiệp trồng người và chắc chắn không thể có ngay kết quả như mong muốn. Vì thế, các nhà tuyển dụng mà trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không chỉ là các tập đoàn lớn hãy coi đây là trách nhiệm của mình với tương lai của đất nước. Chính những trải nghiệm thực tiễn với môi trường doanh nghiệp dù ở mọi quy mô sẽ giúp sinh viên trưởng thành, biết vận dụng kiến thức được học cho các công việc phải làm.
3. Bàn luận về cách mạng công nghệ 4.0
Cách Mạng Công Nghệ đánh dấu thay đổi lớn trong phương pháp sản xuất qua qui trình sử dụng máy móc nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Cách Mạng Công Nghệ 1.0 đánh dấu thay đổi từ hàng hóa làm bằng tay sang dùng máy hơi nước. CMCN 2.0 chuyển đổi từ máy hơi nước qua động cơ điện. Cách Mạng Công Nghệ 3.0 ứng dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa dây chuyền sản xuất. Cách Mạng Công Nghệ 4.0 đánh dấu sự phối hợp tuyệt vời của nhiều công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực khác nhau để dần xóa đi ranh giới giữa con người và máy móc, ranh giới giữa thế giới thật và ảo, và có thể ranh giới giữa sự sống và cái chết. Phim ‘Ghost in the Shell’ ra rạp năm nay 2017 thể hiện nhiều viễn cảnh của xã hội trong tương lai do Cách Mạng Công Nghệ 4.0 mang lại.
Trước mỗi cuộc Cách Mạng Công Nghệ, sự lo lắng về khả năng mất việc làm của nhiều người dân lao động đều dấy lên. Với ba cuộc Cách Mạng Công Nghệ trước, thị trường lao động có thay đổi lớn, một số ngành nghề biến mất và thay vào đó nhiều ngành nghề hoàn toàn mới chưa từng có trước đó. Kết quả mạng lại là chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao. Do đó tôi có cái nhìn tích cực hơn là tiêu cực đối với Cách Mạng Công Nghệ 4.0. Tuy nhiên Cách Mạng Công Nghệ 4.0 có một số đặc điểm cũng như cơ hội và thử thách riêng mà chúng ta, những con người sẽ sống trong thời kỳ này, nên lưu ý để có khả năng đáp ứng với những thay đổi mà nó đem lại. Đặc biệt tốc độ thay đổi của Cách Mạng Công Nghệ 4.0 theo cấp độ lũy thừa chứ không biến đổi theo đường thẳng như ba cuộc Cash Mạng Chủ Nghĩa trước do đó những ảnh hưởng của nó sẽ đến rất nhanh chóng. Như ông Ray Kurzweil, Giám đốc kỹ thuật của Google từng tuyên đoán ’20.000 năm tiến hóa có thể dồn vào trong 100 năm tới’.
Hãy tưởng tượng cuộc sống của con người sẽ như thế nào với vài thí dụ đột phá công nghệ trong trí tuệ nhân tạo giúp robots có khả năng tự học hỏi, thực tế ảo càng giống thật, tính toán lượng tử (quantum computing) có thể làm cho các thiết bị di động chạy nhanh gấp nhiều lần, robots có khả năng tương tác rất giống con người, tương tác của con người và máy (human-machine interface) giúp con người có thể điều khiển robots chỉ bằng suy nghĩ, ứng dụng in 3 chiều (3D-printing) trong nhiều lĩnh vực kể cả thực phẩm, xe/tàu/máy bay tự điều khiển, Internet of things (IoT) làm vạn vật thông minh, bio-compatible materials phối hợp với công nghệ IoT và in 3D có thể làm những bộ phận con người nhân tạo và thông minh, bio-degradable batteries giúp điều hành những động cơ trong cơ thể, cũng như độc phá trong y khoa như head transplant – ca đầu tiên vào cuối 2017 có thể xóa ranh giới giữa con người và máy móc, giữa thế giới thật và ảo.
Trí tưởng tượng của bạn ngày hôm nay sẽ là thực tế của ngày mai.