1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
1. Mở bài
+ Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh.
2. Thân bài
a. Giải thích
+ Ý đoạn thơ khuyên con người hãy sống là chính mình.
+ Hãy sống là chính mình: mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, sứ mệnh riêng, từ đó có những định hướng, ước mơ, mục tiêu khác nhau. Chúng ta hãy luôn tự tin vào bản thân mình, sống hết mình, luôn là chính mình.
b. Phân tích
– Biểu hiện của người sống luôn là chính mình:
+ Tự tin vào khả năng của mình, hài lòng với ngoại hình của bản thân, không để ý, nhòm ngó cuộc sống của người khác rồi so bì với mình.
+ Có mục tiêu, kế hoạch, ước mơ và biết phấn đấu, cố gắng, giữ vững lập trường vì mục tiêu đó.
+ Không bị tác động từ bên ngoài, có ý kiến, quan điểm riêng và có ý thức bảo vệ quan điểm của mình.
– Ý nghĩa của việc sống luôn là chính mình:
+ Mỗi người sống là chính mình tạo ra những cá tính khác biệt, những màu sắc khác nhau, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình.
+ Người luôn là chính mình là người có lập trường kiên định, từ lập trường kiên định đó chúng ta có thêm động lực, niềm tin để thực hiện kế hoạch mình đề ra.
+ Mỗi người khi không là chính mình thì chỉ là cuộc sống vay mượn từ người khác, tạm bợ, vô định. Chính vì thế, việc luôn là chính mình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
c. Chứng minh
+ Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống là chính mình, tự tin về bản thân mình và đạt được nhiều thành công để minh họa cho bài làm của mình.
d. Phản đề
+ Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, không tin tưởng bản thân mình, luôn chỉ nhìn thấy nhược điểm của mình và sống trong sự chìm đắm, ao ước được như người khác,…
3. Kết bài
+ Khái quát lại vấn đề nghị luận: đoạn thơ: Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Suy nghĩ của anh chị về đoạn thơ dưới đây:
Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành,
Ta chỉ là chiếc lá,
Việc của mình là xanh
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi con người sinh ra có một đặc điểm, một tính cách riêng tạo nên những màu sắc khác nhau của cuộc sống. Chúng ta cần nhận ra và trân trọng những giá trị riêng của bản thân mình. Để khích lệ con người làm điều đó, trong bài thơ Lá xanh, tác giả Nguyễn Sĩ Đại đã viết:
Người vá trời lấp, bể Kẻ đắp lũy xây thành, Ta chỉ là chiếc lá, Việc của mình là xanh
Mỗi người sinh ra mang một sứ mệnh riêng, có người vá trời lấp bể, có người xây thành đắp lũy, làm nên những việc lớn lao. Tuy nhiên chúng ta không nên nhìn vào đó để ghen ghét hay bắt chước, học tập theo họ làm những việc quá sức so với khả năng của mình mà hãy là chính mình, làm những việc khiến bản thân mình thấy vui, thấy có ích dù là những việc nhỏ nhất. Hãy luôn sống là chính mình, cố gắng thực hiện mục tiêu mà bản thân mình đã đặt ra, hướng đến những điều tốt đẹp. Đôi khi những gì chúng ta có được ngày hôm nay lại là ước mơ của bao người khác. Mỗi con người có một cuộc đời, một hành trình riêng tạo nên những giá trị riêng biệt.
Cuộc sống của con người nếu chỉ có tranh giành hay tính toán sẽ làm cho con người khó chịu, suốt ngày sống trong lo toan, u tối, không tận hưởng được trọn vẹn niềm vui và vẻ đẹp của cuộc sống. Người biết buông bỏ mọi thứ, sống bình yên, thanh thản sẽ có được hạnh phúc, thấy cuộc đời này ý nghĩa hơn. Nếu cả xã hội này ai cũng sống trong sự bình yên thì xã hội sẽ phát triển tươi đẹp hơn. Chúng ta là những cá thể độc lập, vì vậy hãy sống, làm việc theo suy nghĩ, ước mơ, khát vọng của riêng mình, không nên để những yếu tố xung quanh tác động, gây ảnh hưởng quá trình phấn đấu. Hôm nay có thể chúng ta chưa bằng người khác, nhưng nếu chúng ta cố gắng từng ngày, chắc chắn cuộc sống sau này sẽ tốt lên nhiều lần. Việc nhìn vào cuộc sống của người khác hoặc bắt chước theo họ không những không làm cho chúng ta tốt lên, thành công như họ mà ngược lại, chúng ta sẽ làm lỡ dở ước mơ của mình, đánh mất đi nhiều cơ hội quý giá.
Một thực tế đáng lo ngại đó là trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người sống với những tính toán thiệt hơn, với những tham vọng hoặc quá bi quan mà không thể vứt bỏ những đau khổ, luôn tự dằn vặt bản thân mình; những người này đáng bị phê phán và cần chỉnh sửa tính cách này.
Mỗi người chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống, cố gắng vươn lên, trở thành một công dân có ích cho cuộc đời. Không một ai là hoàn hảo nhưng khi ta biết vươn lên ta sẽ đạt được thành quả xứng đáng với những gì bản thân mình bỏ ra.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Mỗi con người là một cá thể độc lập, một cá tính riêng biệt không có sự trùng lặp trên thế giới này. Có lẽ vì vậy, mà quan điểm, cách sống của mỗi người cũng rất khác nhau. Nếu như Xuân Diệu mạnh mẽ khẳng định: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” hay “Ta là Một. Là Riêng. Là Thứ Nhất” thì Nguyễn Sĩ Đại chỉ bình dị, nhẹ nhàng phát biểu ý kiến của mình:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”
(Lá xanh)
Bài thơ thực chất là lời khẳng định về một tuyên ngôn sống giản đơn và ý nghĩa. Những cụm từ như “vá trời lấp bể”, “đắp lũy xây thành” được phóng đại hóa để chỉ những công việc to lớn và mang tầm vóc, quy mô vĩ đại, hoành tráng. Còn “chiếc lá” chỉ là một thực thể bé nhỏ, bình thường như hàng ngàn, hàng vạn chiếc lá khác trên thế gian này. Vì thế, chiếc lá không thể làm những việc lớn lao như trên được. Lá chỉ cần thực hiện trách nhiệm của nó, đó là “xanh”. Có nghĩa là chỉ cần sống hết mình, làm đúng công việc của mình là rất đủ. Bài thơ tưởng như nói về chiếc lá nhưng thực chất là đang nói chuyện con người. Không phải ai trong số chúng ta cũng sinh ra để làm vĩ nhân, ta chỉ cần “xanh” – sống nhiệt huyết và đam mê với công việc của mình là đủ.
Có thể nói rằng, ý kiến của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại là hoàn toàn xác đáng. Mỗi người sinh ra trên cuộc đời này có lẽ đã được Thượng đế ban cho những thân phận, số mệnh và nghĩa vụ riêng. Ta không cần quan tâm, hay so sánh với người này người kia để rồi thấy mình kém cỏi, nhỏ bé. Ta không cần với quá cao, quá xa tới những điều không thể. Ta chỉ cần sống bình dị và an yên, vững tin và miệt mài với chức năng của mình. Chỉ cần “xanh” là đã đủ. Giống như nhà bác học Anh-xtanh từng nói: “Nếu ta bắt con cá phải leo cây, rõ ràng nó là một con cá ngu dốt. Hãy cứ để cho nó tung tăng dưới nước, chẳng phải nó trở thành nhà vô địch sao?”. Hoặc nếu bạn từng đọc câu chuyện về chú bé đánh trống trích trong “Những tấm lòng cao cả” (Etmondo Amixi) bạn càng thấy rõ điều đó. Cậu chỉ là một liên lạc viên nhỏ bé, không có binh hàm, chức tước. Cậu chỉ là kẻ mà trong đội không ai nhớ mặt, nhớ tên. Song, cậu đã dũng cảm chạy nhiều cây số với cái chân bị bắn để có thể đưa tin cho chỉ huy. Nếu không chạy như vậy, cậu sẽ không bị hoại tử và phải cắt một bên chân của mình. Dù vậy, cậu vẫn chạy, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ta liệu có thể phủ nhận cậu không “xanh” hết mình cho tuổi trẻ sao? Chỉ là chú bé liên lạc, cậu vẫn dũng cảm kiên cường. Chỉ là một chiếc lá nhỏ trong vô vàn vô tận chiếc lá, ta vẫn luôn là một cá thể đặc biệt duy nhất. Mỗi chiếc lá đều phải “xanh”, thì cái cây kia mới rợp bóng mát, mới có thể tỏa bóng che chở. Chúng ta phải sống hết mình, thì mới không để thời gian trôi qua lãng phí, để tuổi thanh xuân rực rỡ, tươi đẹp qua đi. Chỉ có như vậy, ta mới có thể tạo lập một cộng đồng vững mạnh, một xã hội rực sáng những màu “xanh”.
Tuy vậy, không phải lúc nào ta cũng chỉ sống cho riêng mình, chỉ an phận thủ thường với những “giấc mơ con” (Chế Lan Viên), con người ai cũng nên mang trong mình một hoài bão, một ước mơ dù lớn dù nhỏ. Để rồi cùng với những quyết tâm, đam mê mãnh liệt biến ước mơ thành sự thật. Chiếc lá vừa phải xanh vừa phải thanh lọc không khí. Đó mới là cuộc sống của một đời lá đích thực. Còn với chúng ta, đặc biệt là giới trẻ càng cần thiết phải bùng cháy, tỏa sáng rực rỡ đúng như lứa tuổi của mình. Màu xanh của ta phải thật đẹp, thật mãnh liệt không nhạt nhòa.
Nhà thơ Tố Hữu cũng có những câu thơ rất ý nghĩa:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”
cũng là để gửi một thông điệp đến chúng ta: Sống có ích, sống nhiệt tình. Ở lứa tuổi của học sinh, sinh viên, ta nên chú ý học tập, cống hiến trí tuệ và sức lực cho Tổ quốc.
———-LOP12.COM———–