1. Lập dàn ý nghị luận về tư tưởng đạo lí ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm giá trị của tuổi trẻ
a. Mở bài
– Tình yêu có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người.
– Thi hào Đức Rên-nơ Ma-ri-a Rin-kê đã viết: Tình yêu của một người đối với một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong chúng ta.
b. Thân bài: Giải thích ý nghĩa câu nói
– Tình yêu: là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật. Tình yêu là tình cảm yêu đương giữa nam và nữ.
– Tình yêu là sự say mê, là nhiệt tình cháy bỏng:
+ Tình yêu là một thứ tình cảm đặc biệt khác thường, nếu không có sự rung động mãnh liệt của trái tim thì sẽ không có tình yêu.
+ Tình yêu không chấp nhận sự lạnh nhạt, hững hờ. Nó phải được nuôi dưỡng bằng ngọn lửa nhiệt tình, bằng cảm xúc say mê và sự thuỷ chung.
– Tình yêu chân chính gắn liền với cảm xúc thanh cao, trong sáng, với ý thức trách nhiệm đối với người mình yêu. Nói cách khác: Tình yêu gắn với lòng vị tha và đức hi sinh.
+ Phải tỉnh táo để phân biệt tình yêu chân chính và không chân chính.
+ Thái độ toan tính, ích kỉ sẽ giết chết tình yêu.
+ Khi yêu, người ta tìm mọi cách làm cho người mình yêu được hạnh phúc (trân trọng, nâng niu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển những giá trị tốt đẹp của người mình yêu).
+ Sự quan tâm, chăm sóc đến nhau một cách chân thành, chu đáo sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc lâu bền cho cả hai người.
c. Kết bài:
– Khẳng định ý kiến của Rin-kê là đúng, có ý nghĩa sâu sắc không chỉ trong phạm vi tình yêu lứa đôi mà còn trong đời sống tinh thần cộng đồng với đối tượng phong phú hơn là con người và cuộc sống.
– Ý kiến trên gần gũi với quan điểm đạo lí của người Á Đông nên dễ được tiếp thu và chấp nhận.
2. Viết đoạn văn ngắn nghị luận về tư tưởng đạo lí ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm giá trị của tuổi trẻ
Cuộc sống này có rất nhiều những thứ tình cảm chân ái mà giá trị như tình mẫu tử, tình bạn,…và một trong số đó chính là tình yêu đôi lứa. Tình yêu đôi lứa có thể hiểu là sự gắn kết, yêu thương, trân trọng giữa hai con người với nhau, nó nảy sinh khi họ cảm mến nhau, nhớ nhung về nhau hay chỉ đơn giản là cùng chung sở thích, niềm vui, hợp nhau về tính cách,…Tình yêu nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng sẽ thật đẹp nếu ta hiểu được thực sự ý nghĩa của nó và sử dụng tình yêu của mình một cách có lý trí và đúng đắn. Nó sẽ là một đóa hoa nở rộ tươi sắc khi giữa tình yêu của hai người đến với nhau một cách tự nhiên, không vì một mục đích cá nhân hay vụ lợi nào. Họ có thể là chỗ dựa cho nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào, là nỗi nhớ nhung khi không ở cạnh nhau, là niềm động lực để đạt được nhiều mục tiêu của cuộc sống. Tình yêu mang lại cho con người ta niềm hạnh phúc vì được chở che, được bảo vệ, được sẻ chia và được thấu hiểu, nó sẽ ngày càng phát triển khi giữa hai con người tìm được tiếng nói chung rồi dần dần tiến đến một mối quan hệ nghiêm túc hơn đó là hôn nhân. ” Một cuộc đời tràn ngập tình yêu hẳn cũng có cả gai, nhưng một cuộc đời không có tình yêu thì cũng chẳng có đóa hồng nào.” Quả thực, đôi khi, trong tình yêu, không thể tránh khỏi những cãi vã , tranh luận, chúng là những điều tất yếu cần phải có để con người ta hiểu nhau hơn, thế nhưng những “chiếc gai” ấy cũng chẳng thể làm tổn thương con người bằng việc cuộc sống này không có tình yêu, sẽ thật tẻ nhạt và lạc lõng biết bao. Tình yêu đôi lứa là một thứ tình cảm tự nhiên, không ai có thể ép buộc, nó sẽ càng đẹp hơn nếu con người ta biết cách thể hiện nó với nhau, với mọi người xung quanh. Bạn không cần phải thể hiện tình yêu của mình một cách quá đà hay lố lăng giống như hiện tượng của rất nhiều giới trẻ hôm nay. Có những người yêu quá sớm trong khi bản thân chưa hoàn toàn hoàn thiện về tâm, sinh, lý, hay có những người sau khi kết thúc một mối quan hệ yêu đương thì gây ra những điều xấu xa, làm tổn hại đến đối phương . Cần phải hiểu rằng, tình yêu sẽ tự đến vào một thời điểm thích hợp nhất của đời bạn và sẽ chấm dứt khi những yếu tố của nó không còn được đảm bảo nữa, đó là một quy luật của tự nhiên mà con người ta cần biết chấp nhận và không nên tự ép mình vào một khu rừng tối tăm nếu chưa nắm rõ được đường đi. Vậy nên, tình yêu lứa đôi, xét về một khía cạnh nào đó là vô cùng đẹp và có ý nghĩa khi ta nhìn nó bằng một con mắt trong sáng , bao dung, và sẽ vô cùng tăm tối khi ta lợi dụng hay phá hủy nó. Mỗi người cần nhận thức và thấu hiểu được giá trị của tình yêu để có cho mình một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
3. Bình luận nghị luận về tư tưởng đạo lí ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm giá trị của tuổi trẻ
Tình yêu là vấn đề của muôn đời. Từ xa xưa đến mai sau, có lẽ nhịp đập của trái tim con người vẫn cứ bồi hồi, xao xuyến, khắc khoải, thao thức… như thế trước tiếng gọi của tình yêu. Nhưng quan niệm và cách ứng xử trong tình yêu thì chắc chắn sẽ có những đổi thay theo từng thời đại. Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, có khá nhiều điều cần phải bàn luận, suy ngẫm về tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ với tình yêu.
So với các thế hệ trước, con người hiện đại đã có được sự bình đẳng, tự do trong tình yêu. Họ không còn phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; cũng không bị trói buộc bởi các hủ tục xã hội khắt khe như thời xưa. Hầu hết mọi người được tự do lựa chọn và có thể chủ động trong việc kiếm tìm hạnh phúc. Chúng ta không còn phải chứng kiến nỗi đau khổ của lứa đôi yêu nhau tha thiết mà không được nên vợ nên chồng chỉ vì sự cách biệt về tài sản, đẳng cấp. Người phụ nữ cũng không còn phải nếm trải nỗi khổ vì thân phận lệ thuộc “Thân em như tấm lụa đào – Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”; hoặc “Em thương anh cũng muốn kết nghĩa giao hoà – Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời”… Thậm chí, sau khi kết hôn, nếu tình yêu không còn, họ có thể chia tay và đi tìm hạnh phúc mới mà không phải gánh chịu “búa rìu dư luận” nghiệt ngã như thời xưa (Nứa trôi sông không dập thì gãy – Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia…).
Nhưng cũng chính môi trường của cuộc sống hiện đại đã làm nảy sinh không ít quan niệm lệch lạc và nhiều hiện tượng chưa đẹp trong tình yêu. Hình như chuyện đến và đi trong tình yêu có chiều hướng ngày càng dễ dãi và không hiếm bạn trẻ thay đổi người yêu như thay áo. Nhiều bạn yêu theo “trào lưu” – lớp mình, trường mình có các đôi cặp kè thì mình cũng thế cho khỏi “tụt hậu”. Có người coi việc chinh phục được đối tượng là một chiến tích, càng nhiều “chiến công” càng tự hào về tài “chinh chiến” của mình! Có người biến tình yêu thành phương tiện để thoả mãn nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc. Không ít đôi dễ dàng “sống thử” cuộc sống vợ chồng trước hôn nhân. Kết quả là những tình cảm “giống như tình yêu” ấy thường nhanh chóng tan vỡ, để lại nỗi chán chường, thất vọng và có khi là nỗi hận thù. Đáng buồn nhất là cách ứng xử của một số bạn trẻ khi tình yêu không được đáp lại hoặc dang dở, chia li: nhẹ thì bôi xấu, lăng mạ; nặng thì “cho một trận đòn dằn mặt”; thậm chí có người nhẫn tâm huỷ hoại hình hài người yêu bằng a-xít hoặc cướp đi cả sinh mệnh của họ.
Tôi hoàn toàn không tin khi có người nói rằng những hành động kia bắt nguồn từ tình yêu, vì “quá yêu” mà hành động mù quáng. Bởi vì, tình yêu thực sự không bao giờ chung sống với thói vị kỉ, sự tàn nhẫn. Trái lại, tình yêu luôn gắn liền với lòng chung thuỷ, vị tha và đức hi sinh. Tình yêu phải khiến con người biết hướng tới những hành động đẹp đẽ, cao thượng. Nó sẽ trở thành nguồn sức mạnh kì diệu giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường đời. Tôi nhớ những câu ca xưa:
“Muối ba năm muối đương còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Có xa nhau đi nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.
Tôi nhớ mãi câu chuyện có thật về một chàng trai miền biển, đến bệnh viện chăm sóc người thân, tình cờ gặp một cô gái mang bệnh hiểm nghèo và đem lòng yêu thương cô. Anh đã vượt qua sự phản đối của gia đình, sự mặc cảm của cô gái để trở thành người bạn đời thuỷ chung, ân cần. Hai người đã nên vợ nên chồng và họ hạnh phúc bất chấp những nhọc nhằn, gian khó của cuộc sống đời thường.
Như thế, yêu không chỉ là đắm say, nồng nàn, nhớ nhung da diết, mà trước hết phải biết sống có trách nhiệm với mình, với người yêu. Ở trường tôi học, có một đôi thường được các lứa “đàn em” nhắc đến với lòng ngưỡng mộ. Anh và chị đều là học sinh sống trong khu nội trú. Khi anh học lớp 12 thì chị vào lớp 10. Mọi người xung quanh chỉ thấy anh quan tâm, săn sóc chị như một cô em gái mà không có chuyện hò hẹn, cặp kè như nhiều đôi khác. Vào đại học rồi, anh vẫn thường xuyên trở về thăm các em, giúp đỡ mọi người từ chuyện học hành đến việc treo lại một cái giá sách, đóng lại cái mắc áo… Ngày chị có kết quả thi đại học, anh mới trao cho chị cuốn nhật kí của ba năm được viết từ khoảnh khắc trái tim anh bồi hồi, xao xuyến trước gương mặt ngơ ngác của cô bé lớp 10 vừa nhập học; ghi lại bao lần anh phải kìm giữ lòng mình không dám thổ lộ tình yêu để giữ cho cô bé ấy những ngày tháng hồn nhiên, êm đềm của tuổi học trò… Tôi nghĩ, mình nghe kể đã thấy xúc động, cảm phục rồi, thì “người trong cuộc kia” không biết sẽ hạnh phúc đến thế nào khi được trao, được nhận một tình yêu như thế. Họ chính là những con người biết nâng niu, trân trọng tình yêu.
Khi tình yêu không được đáp lại hoặc tan vỡ vì một lí do nào đó, con người càng phải có trách nhiệm cao hơn để gìn giữ vẻ đẹp của tình cảm thiêng liêng này. Chắc hẳn mỗi chúng ta còn nhớ “cảnh ngộ” của chàng trai trong bài thơ Tôi yêu em của Pu-skin: tâm hồn bị giằng xé bởi bao cảm xúc trái ngược của mối tình đơn phương, khi lặng lẽ, âm thầm, lúc hậm hực ghen tuông, lúc chân thành đằm thắm… Vậy mà chàng trai ấy đã tự nguyện giã từ vì tôn trọng sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn người con gái mình yêu thương. Anh từ biệt cô với lời chúc phúc “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Trong cuộc sống, cũng có bao nhiêu đôi lứa không nên duyên chồng vợ vẫn có thể là bạn hoặc vẫn nhớ về nhau với những kỉ niệm tốt lành. Họ đã vượt lên nỗi đau khổ, thất vọng của riêng mình mà không làm tổn thương người khác, không xúc phạm tình yêu. Bố tôi có một người bạn thân từ nhỏ, bác ấy yêu một cô học cùng trường đại học nhưng cô ấy lại yêu người khác. Suốt mấy năm bác kiên trì “theo đuổi”, rồi thất vọng, đau khổ nhưng không có một lời oán trách, giận hờn dù tình cảm chân thành của mình chẳng được đáp lại. Khi mỗi người đã có gia đình riêng, bác vẫn quan tâm đến cuộc sống của cô, lặng lẽ giúp đỡ lúc cô ấy đau ốm, hoạn nạn. Năm 49 tuổi, cô ấy qua đời vì căn bệnh nan y, bác đi công tác xa về, cùng bố tôi đến nghĩa trang, đốt trên mộ cô tờ giấy có những dòng chữ ố vàng từ ba mươi năm trước: “Người mình yêu thương mãi mãi vẫn yêu thương”… Tôi nghĩ, chính những con người như thế đã tôn vinh giá trị của tình yêu giữa cuộc đời.
Mỗi một thời đại có thể thêm và bớt đi những tiêu chí định giá con người và cuộc sống. Nhưng riêng với tình yêu, có lẽ “chuẩn giá trị” vẫn là một hằng số không đổi. Con đường đến với tình yêu muôn màu muôn vẻ và tình yêu có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc; cũng có thể khiến ta đau khổ, xót xa, tiếc nuối song tình cảm ấy mãi mãi là món quà vô giá của cuộc sống. Tất nhiên, tuỳ thuộc vào cách mỗi người trao và nhận nó. Với tôi, yêu là phải biết sống đẹp hơn…