1. Dàn ý nghị luận về câu nói “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới” M. Mandela
a. Mở bài
– Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục trong việc thay đổi bộ mặt của đất nước, thế giới.
– Dẫn dắt vào chủ đề “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.
b. Thân bài
Khái niệm:
– Giáo dục là hình thức học tập phổ biến nhất của con người mà thông qua đó chúng ta được tiếp thu những nguồn tri thức mới từ nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, những kinh nghiệm của người đi trước, những thói quen được hình thành,… dưới sự giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo hoặc nghiên cứu.
– Giáo dục gồm nhiều giai đoạn và được diễn ra như một chân lý của cuộc sống, bản thân giáo dục đã tạo ra đạo đức và trí tuệ của con người.
Giáo dục đã thay đổi thế giới như thế nào?
Thay đổi điều kiện sống và nền văn minh nhân loại:
– Giáo dục đã tạo ra sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, gián tiếp làm thay đổi thế giới thông qua việc đào tạo ra những con người có bộ óc siêu phàm cùng những kỹ năng tuyệt đỉnh.
– Chính con người đã sử dụng giáo dục như một thứ công cụ thần kỳ để tạo ra những bước tiến vĩ đại trong lịch sử loài người, kéo chúng ta ra khỏi sự tối tăm, buồn tẻ, sự đau đớn bệnh tật, sự mệt mỏi về thể xác trong lao động tay chân và nhiều những vấn đề khác nữa.
=> Ví dụ về những phát minh vĩ đại đã làm thay đổi thế giới.
Thay đổi nền nhận thức của con người:
– Một hệ thống giáo dục tốt sẽ tạo ra những con người có nhân cách tốt đẹp, phẩm chất đạo đức đáng quý, luôn hướng về cộng đồng, về thế giới, có cái nhìn khách quan.
– Người đi trước sẽ trở thành người truyền cảm hứng, tri thức cho các thế hệ tiếp nối, con người được sống trong một xã hội nhân đạo và có tình người.
Từ chối giáo dục và được giáo dục là một sai lầm:
– Người không nhận được sự giáo dưỡng từ gia đình và xã hội và cũng không tự nỗ lực học tập thì dễ trở thành người có nhân phẩm tồi tệ, gây hại cho cộng đồng, trở thành gánh nặng của cả xã hội.
– Tôi nghĩ rằng bất cứ ai từ chối sự tốt đẹp của giáo dục đều là những con người thiển cận và thất bại. Người nhận sự giáo dục một cách khiên cưỡng nửa vời, với tâm thế đối phó và hời hợt, tôi cho đó là sự lãng phí và vô trách nhiệm với chính bản thân và cả xã hội.
– Mỗi chúng ta cần cố gắng nỗ lực trong việc tiếp thu kiến thức, tiếp nhận sự giáo dục một cách chủ động.
c. Kết bài
Tổng kết vấn đề và đưa ra suy nghĩ của cá nhân
2. Nghị luận về câu nói “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới” M. Mandela
Từ xưa đến nay, sự phát triển của xã hội, của con người về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, đều không thể thiếu vai trò của giáo dục. Giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Chính vì vậy mà N.Mandela có một câu nói khá nổi tiếng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.
Vậy giáo dục là gì và tại sao nó được xem là vũ khí mạnh nhất để thay đổi cả thế giới?. Giáo dục là hình thức học tập phổ biến nhất của con người mà thông qua đó chúng ta được tiếp thu những nguồn tri thức mới từ nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, những kinh nghiệm của người đi trước, những thói quen được hình thành,… dưới sự giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo hoặc nghiên cứu. Sự học tập một cách không chủ đích dưới hình thức trải nghiệm cũng được xem là một loại giáo dục, bởi thông qua đó con người đã tích lũy được một lượng lớn những tri thức mới thông qua việc quan sát, cảm nhận, hưởng thụ. Sự giáo dục bao gồm nhiều giai đoạn, ở nhà trẻ em chịu sự giáo dục của cha mẹ, đến trường chịu sự giáo dục của thầy cô, khi trưởng thành họ chịu sự giáo dục của xã hội. Chúng ta cũng không nên hiểu sự giáo dục là một hành động cưỡng ép, bởi trên thực tế xã hội, giáo dục đã diễn ra như một chân lý tự nhiên, từ thuở khai thiên lập địa con người đã được thừa hưởng sự giáo dục của các thế hệ đi trước để có thể phát triển và tồn tại. Có thể nói rằng giáo dục hiện diện ở mọi quốc gia dân tộc, thậm chí thế giới động vật cũng có quy luật giáo dục riêng, ví dụ như chim mẹ dạy con tập bay, hổ mẹ dạy con tập săn mồi,… Và có một sự thật không thể chối cãi rằng bản thân giáo dục đã tạo ra đạo đức và trí tuệ của con người, hai điều kiện tối cần để cấu thành một thực thể con người hoàn chỉnh.
Lúc này này đây tôi đặt một câu hỏi ai đã và đang tác động để thay đổi thế giới? Tôi tin chắc đáp án không gì khác ngoài hai tiếng con người, vậy nên ta có thể dễ dàng suy ra giáo dục chính là thứ vũ khí mà con người sử dụng để thay đổi thế giới. Bởi con người ta không thể thay đổi thế giới bằng sự ngu dốt và ấu trĩ, họ cần có kiến thức, dùng chính kiến thức ấy làm công cụ để phát triển thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Hồ Chủ tịch đã từng dạy rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, chúng ta không thể chiến thắng kẻ thù và thay đổi vận mệnh dân tộc nếu chúng ta “yếu” hơn họ về tri thức, điều ấy buộc chúng ta phải tìm kiếm sự giáo dục. Và bản thân Bác chính là người đi tìm kiếm sự giáo dục cách mạng để trở về giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc. Đây có thể xem là một ví dụ kinh điển cho câu nói “Giáo dục chính là thứ vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới”, bởi chính Bác đã thay đổi cả số mệnh của một dân tộc, để có một Việt Nam như ngày hôm nay.
Bàn rộng hơn trên phạm vi thế giới có thể nói rằng giáo dục là một thứ công cụ hữu dụng trong việc thay đổi bộ mặt của xã hội, thay đổi nền văn minh của cả nhân loại. Nếu không có giáo dục có lẽ con người sẽ chỉ dừng lại ở thời kỳ ăn lông ở lỗ, chứ không phải trong thời kỳ công nghệ 4.0, nếu không có giáo dục có lẽ khoa học và công nghệ sẽ mãi dừng ở vạch xuất phát, sẽ không có một Thomas Edison chế tạo ra bóng đèn, để ngày nay nơi nào cũng tràn ngập ánh đèn điện; sẽ không có một James Watt phát minh ra động cơ hơi nước tiền thân của các loại động cơ ngày nay; cũng sẽ không có một A.Fleming chế tạo ra Penicillin, tiền đề cho việc nghiên cứu hàng trăm loại kháng sinh quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người; và cuối cùng sẽ không có một tổ chức nào với bộ óc thiên tài tạo ra internet, máy tính, điện thoại và ti vi, những thứ làm thay đổi cả nhận thức của nhân loại. Như vậy có thể thấy rằng giáo dục đã gián tiếp làm thay đổi thế giới thông qua việc đào tạo ra những con người có bộ óc siêu phàm cùng những kỹ năng tuyệt đỉnh. Chính con người đã sử dụng giáo dục như một thứ công cụ thần kỳ để tạo ra những bước tiến vĩ đại trong lịch sử loài người, kéo chúng ta ra khỏi sự tối tăm, buồn tẻ, sự đau đớn bệnh tật, sự mệt mỏi về thể xác trong lao động tay chân và nhiều những vấn đề khác nữa.
Không chỉ dừng lại ở đó giáo dục thay đổi thế giới còn thông qua việc thay đổi nhận thức của con người, một hệ thống giáo dục tốt sẽ tạo ra những con người có nhân cách tốt đẹp, phẩm chất đạo đức đáng quý, luôn hướng về cộng đồng, về thế giới, có cái nhìn khách quan. Họ sẽ tự ý thức được việc tự hoàn thiện bản thân bằng các tự giáo dục, đồng thời trở thành người truyền cảm hứng, tri thức cho các thế hệ tiếp nối, họ sẽ có một tâm hồn tươi đẹp hướng thiện, sẽ bỏ qua những thói ích kỷ, nhỏ nhen, bỏ qua những thù hằn không đáng có để tiến bước về phía trước.
Ngược lại người không nhận được sự giáo dưỡng từ gia đình và xã hội và cũng không tự nỗ lực học tập thì dễ trở thành người có nhân phẩm tồi tệ, gây hại cho cộng đồng, trở thành gánh nặng của cả xã hội. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai từ chối sự tốt đẹp của giáo dục đều là những con người thiển cận và thất bại, họ đã thua ngay khi bước vào vạch xuất phát. Họ đã từ chối thứ vũ khí tiềm năng mà cả nhân loại đang hướng đến, họ đang tự tách mình ra khỏi nền văn minh nhân loại, có lẽ họ đang có ý định qua về thời tiền sử chăng? Thêm nữa, có một kiểu người nhận sự giáo dục một cách khiên cưỡng nửa vời, với tâm thế đối phó và hời hợt, tôi cho đó là sự lãng phí và vô trách nhiệm với chính bản thân và cả xã hội. Mỗi chúng ta sinh ra đều có bổn phận tự phát triển và hoàn thiện bản thân, để trở thành điểm tựa vững chắc cho gia đình, góp phần xây dựng một xã hội văn minh. Các bạn nên biết rằng, khi chúng ta cầm vũ khí trong tay nhưng lại không biết sử dụng thì điều ấy còn tệ hại hơn cả việc bạn không có gì, thế nên mỗi chúng ta cần cố gắng nỗ lực trong việc tiếp thu kiến thức, tiếp nhận sự giáo dục một cách chủ động, đồng thời năng động hơn trong việc tìm kiếm những nguồn tri thức hữu ích để có thể theo kịp bước chân của nền văn minh nhân loại, bởi William Author Ward đã nói: “Tất cả những người đáng giá đều có phần tự lập trong học vấn của mình”
Tóm lại, câu nói của N.Mandela là một chân lí, đúng là: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng làm thay đổi cả thế giới”. Nếu không có giáo dục thì làm sao chúng ta có được một nền văn minh, làm sao chúng ta được những giáo sư, bác sĩ, kĩ sư, những nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để phát minh ra những cái mới để phục vụ con người. Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội không có giáo dục thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Chắc có lẽ xã hội ấy sẽ đắm chìm trong bóng đêm u tối, con người trong xã hội sẽ sống mãi trong lầm than cơ cực, đói nghèo, lạc hậu.
3. Bình luận về câu nói “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới” M. Mandela
Tương đồng với các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam cũng xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thực tế cuộc sống đã chứng minh không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên cho giáo dục, mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ, thậm chí hủy diệt cả nhân loại. Chính Nel-son Mandela – vị tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Nam Phi cũng đã khẳng định rằng: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Câu nói này khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn về giáo dục – thứ vũ khí vô giá mà mỗi cá nhân vẫn đang sở hữu.
Nhìn vào câu danh ngôn này ta có thể nhận ra ý nghĩa giáo dục là vô cùng quan trọng bởi không có nó thì có lẽ xã hội loài người không thể nào có được sự phát triển vượt bậc như bây giờ. N.Mandela là một nhà cách mạng, nhưng ông đã sớm nhận ra rằng ở một đất nước như Nam Phi nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung khi mà nền giáo dục chưa tốt, ý thức dân tộc còn kém thì mọi cuộc cách mạng đều khó có thể thành công hoặc nếu như có thì cũng chỉ là thành công tạm bợ, nhất thời và không bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định rằng “một dân tộc dốt chính là một dân tộc yếu” mà nếu “ Dốt thì dại, dại thì hèn” khó có thể mà chống chọi lại một lực lượng đông đảo giặc ngoại xâm hung tàn, thủ đoạn. Cho nên chỉ có giáo dục mới làm thay đổi nhận thức của nhân dân, mới mang đến cho họ một cuộc sống mới và một thế giới mới.
Giáo dục có thể hiểu như là một công cụ mà các lớp người đi trước dùng để truyền đạt và gửi gắm những mong muốn và kỳ vọng vào những tầng lớp trẻ sau này là tương lai là sức mạnh của một quốc gia. Giáo dục trước hết góp phần hình thành nhân cách của con người làm cho chúng ta có thể nhận thức được thiện, ác, đúng, sai, biết sống có đạo đức và hành xử đúng đắn theo những chuẩn mực đạo lý của xã hội.Cho dù là ở đất nước nào đi nữa nền giáo dục luôn hướng con người sống đẹp và nhận thức được những gì bản thân cần phải làm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đất nước mình sinh ra. Giáo dục không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nhà trường mà còn có xã hội chính là “trường đời” sẽ mang đến cho mỗi con người những bài học cuộc sống vô cùng quý giá. Như vậy mục đích quan trọng của nền giáo dục chính là hướng chúng ta học làm người, sống có ích, biết cống hiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Giáo dục bên cạnh tác động thay đổi được nhận thức, thì việc mang đến tri thức và sự hiểu biết cho con người chính là một vai trò to lớn có thể thay đổi được bộ mặt của xã hội. Thử hỏi nếu như không có giáo dục thì làm sao có những ngành khoa học và nghệ thuật phát triển như ngày nay, làm sao chúng ta được thừa hưởng những thành tựu phát minh vĩ đại làm thay đổi cả thế giới. Con người có nhận thức thì xã hội mới văn minh, con người có học vấn thì xã hội này mới phát triển và đổi mới. Nếu không có giáo dục thì làm sao chúng ta có được những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, những nhà khoa học ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để phát minh ra những cái mới để phục vụ con người. Chúng ta thử tưởng tượng một xã hội không có giáo dục thì xã hội ấy sẽ đi về đâu? Chắc có lẽ xã hội ấy sẽ đắm chìm trong bóng đêm u tối, con người trong xã hội sẽ sống mãi trong lầm than cơ cực, đói nghèo, lạc hậu.
Ta hãy nhìn vào Nhật Bản một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự tàn phá của chiến tranh thế giới, luôn hứng chịu những hậu quả tồi tệ bởi thảm họa động đất, sóng thần.. thế nhưng họ đã vươn lên phát triển mạnh mẽ nhờ những cải cách lớn về chính sách quản lý, coi con người chính là vốn quý nhất trong công cuộc phát triển đổi mới quốc gia. Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng, quan tâm và đầu tư cho ngành giáo dục nước nhà, là một trong những nước có nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới. Chính nền giáo dục hiệu quả đã giúp nước Nhật từ một nước chịu nhiều thiệt hại chiến tranh, thiên tai đã vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp thứ hai trên thế giới khiến tất cả các quốc gia khác phải thán phục. Như vậy nếu giáo dục là một vũ khí lợi hại đã thay đổi được cả Nhật Bản, như vậy chẳng phải nếu được mọi quốc gia chú trọng phát triển chẳng phải nó sẽ thay đổi được cả thế giới hay sao?
Xin đừng bắt trẻ sống như chúng ta muốn! Xin đừng đòi hỏi trẻ có những thứ chúng không thể có. Xin đừng nghĩ rằng chỉ có trở thành kỹ sư, bác sĩ thì cuộc đời của chúng mới tốt nhất . Hãy để trẻ làm những điều mà chúng cảm thấy hạnh phúc. Hãy giúp trẻ phát hiện đam mê và năng khiếu, giúp trẻ tự định hướng nghề nghiệp chứ đừng bắt chúng thực hiện ước mơ của chúng ta nữa.