1. Lập dàn ý nghị luận về quan điểm “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”
a. Mở bài:
Giới thiệu về bệnh thành tích, một căn bệnh gây nguy hại cho xã hội đang ngày càng lan rộng.
b. Thân bài:
– Thành tích là gì? (là kết quả tốt đẹp đạt nhờ sự nỗ lực). Vai trò của thành tích (tác dụng tích cực).
– Bệnh thành tích là gì? (Làm việc mà không quan tâm đến thực tê, không suy nghĩ về hậu quả lâu dài chỉ chăm chú đến vẻ bề ngoài, đến việc đạt được những chỉ tiêu một cách khiên cường).
– Tác hại của bệnh thành tích:
+ Gây ra sự đôi lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yêu tập trung vào “bề nổi”.
+ Là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiêp tay cho tham nhũng, quan liêu.
– Nguyên nhân của bệnh thành tích:
+ Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy”, đốt cháy giai đoạn muôn có thành tích ngay.
+ Sự quan lí thiếu sát sao của các cấp lãnh đạo, hình thức trong quản lí chỉ quan tâm đến văn bản, báo cáo.
– Giải pháp:
+ Cần chú ý đến hậu quả lâu dài, tránh “ăn xổi ở thì”
+ Các cấp lãnh đạo phải sát sao, thực tế hơn, điều chỉnh quản lí.
c. Kết bài:
Khẳng định tầm quan trọng của việc khắc phục bệnh thành tích. Đó là công việc của toàn xã hội.
2. Nghị luận về quan điểm “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”
Trên đà phát triển của xã hội, sự thay đổi của kinh tế, khoa học kĩ thuật đã kéo theo những thay đổi trong suy nghĩ, giá trị và chuẩn mực đạo đức của con người. Bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, đáng mừng thì cũng có không ít những sự thay đổi theo hướng tha hóa biến chất, đặc biệt là những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Nổi lên trong thời gian gần đây chính là những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng này ngày càng có quy mô lan rộng và phức tạp, trước tình hình đó Bộ Giáo Dục đã phát động cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu về khái niệm “Tiêu cực”, tiêu cực có thể hiểu là những biểu hiện, hành vi không lành mạnh, trong hoạt động thi cử, biểu hiện của tiêu cực chính là gian lận. Trong thời buổi công nghệ hiện đại như hiện nay, những thiết bị phục vụ cho gian lận thi cử không chỉ đơn giản là tài liệu thu nhỏ nữa mà còn vô số các thiết bị ghi âm, chụp ảnh, nghe lén được thiết kế siêu tinh vi, phục vụ cho những người có nhu cầu sử dụng trong mỗi kì thi.
Việc gian lận cũng bắt nguồn từ phía phụ huynh, vì muốn con đạt thành tích cao, nhiều người đã lạm dụng tiền và quyền cũng như mối quan hệ để xin điểm, mua điềm trong những kì thi. Đáng tiếc thay, phụ huynh muốn mua lại có giáo viên muốn bán, giáo viên là người chủ chốt trong quá trình thi cử vậy mà chính họ lại tiếp tay cho tiêu cực và gian lận thi cử. Bằng mọi thủ đoạn và bất chấp nội quy, kỉ luật nhiều giáo viên vẫn bán đề thi, gợi ý đề, bán điểm, chấm bài thiếu trung thực, cho điểm khống. Còn một thành phần quan trọng nữa trong mỗi kì thi là cán bộ quản lí và coi thi, nếu cán bộ quản lí và giám sát tốt thì khả năng xảy ra tiêu cực sẽ được hạn chế rất đáng kể, và khó để xảy ra gian lận trong thi cử. Thế nhưng khi cán bộ lại làm không hết trách nhiệm, quản lí lỏng lẻo và thiếu trung thực thì tất cả những gian lận và tiêu cực trong thi cử đều có thể xảy ra. Phải có hậu quả thì những gian lận trong tiêu cực mới bị gọi là tiêu cực, và không chỉ là hậu quả đơn thuần, những gian lận trong thi cử gây ra hiệu quả vô cùng nghiêm trọng, thí sinh làm bài không dựa trên năng lực và khả năng thực sự của bản thân, kết quả bài thi không phải là kết quả của thí sinh dẫn đến điểm bài thi của thí sinh không chính xác, rồi chất lượng của kì thi thiếu minh bạch và không công bằng, những người có năng lực, thi cử bằng chính thực lực của mình thì không được công nhận, còn những người gian lận lại được tung hô, trở thành người chiến thắng.
Những hành vi tiêu cực trong thi cử làm cho ngành giáo dục ngày càng rối ren, đạo đức nghề xuống cấp, kéo theo sự đi xuống của xã hội. Một xã hội muốn phát triển phải có nhân tài, mà nhân tài phải là những người có năng lực thực sự, thi cử trong giáo dục chính là nơi lựa chọn nhân tài, thi cử tốt sẽ cho nguồn nhân tài chất lượng, ngược lại, còn tồn tại tiêu cực trong thi cử thì đất nước ngày càng tụt dốc. Nhìn nhận rõ những tác hại và ảnh hưởng của tiêu cực trong thi cử đối với tương lai chính bản thân chúng ta nói riêng và đối với sự phát triển của xã hội nói chung, chúng ta hãy nói không với tiêu cực trong thi cử, trả lại giá trị và vai trò đích thực của những kì thì.
Cũng là một biểu hiện tiêu cực của giáo dục, “bệnh thành tích” trong giáo dục đang là vấn đề nóng mà cả xã hội lên án. “Thành tích” là kết quả của sự nỗ lực, đó không chỉ là lợi ích về vật chất hay tinh thần mà còn tạo nên động lực để con người ta phấn đấu và nỗ lực hơn nữa. Tuy nhiên “bệnh thành tích” lại là kết quả không có thực, không hề tồn tại sự nỗ lực thực sự, yếu tố ngăn cách giữa thành tích và bệnh thành tích chính là sự trung thực.
Trong phạm vi nhà trường, mỗi năm mỗi trường đều có chỉ tiêu được bàn giao và yêu cầu phải hoàn thành được chỉ tiêu đó. Có khi những số liệu thống kê về chỉ tiêu được đem đi báo cáo chỉ là những số liệu khống mà nhà trường đã tự nâng lên để đạt được thành tích hoàn thành chỉ tiêu, có trường chỉ làm đến mức hoàn thành chỉ tiêu, không bị khiển trách nhưng có nhiều trường còn làm quá lên để được khen thưởng. Có những em chưa đủ kiến thức và năng lực để được lên lớp nhưng vẫn được lên, có em chưa đủ tiêu chuẩn học sinh giỏi, nhà trường lại cố tình nâng lên cho đủ số lượng, vì thế mà có chuyện năm 2006, tại trường Trung học cơ sở Trần Phú thuộc huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên, 26 em học sinh lớp 6 còn chưa đọc viết thông thạo vẫn được lên lớp. Đáng lo ngại là bệnh thành tích còn tồn tại trong các bậc phụ huynh, nhiều gia đình quá coi trọng thành tích học tập của con mà thúc giục, bắt ép và bằng mọi cách để con có thành tích xuất sắc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ cho ra thành tích tốt và trung thực, từ đó sẽ tạo nên những nhân tài đóng góp mạnh mẽ cho dân tộc đưa đất nước đi lên. Vì vậy chúng ta hãy nói không với bệnh thành tích trong giáo dục vì tương lai và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nếu cứ để tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, công sức của học sinh, lãng phí tiền bạc, công lao của phụ huynh và lãng phí của cải xã hội, suy thoái đạo đức trong xã hội. Toàn thể nhân dân và xã hội cần phải quyết liệt tham gia chống lại tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, bắt đầu từ chính những sai phạm của ngành giáo dục, đặc biệt là người học sinh, chúng ta phải tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử, phấn đấu học tập bằng chính năng lực của bản thân.
3. Bàn luận về quan điểm “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”
Học sinh, sinh viên là tương lai của đất nước. Vì vậy, giáo dục luôn là vấn đề quan trọng gây quan tâm cho mọi người trong xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Tuy nhiên hiện nay đang xuất hiện nhiều tiêu cực gây nhiều ảnh hưởng xấu cho nền giáo dục nước ta, cho nên cuộc vận động “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” rất đang rất được sự ủng hộ và hưởng ứng trên cả nước.
Hiện tượng “tiêu cực thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục” trong nhà trường hiện nay là một hiện tượng xấu cần xoá bỏ, nó làm cho học sinh ỷ lại, không tự phát huy năng lực học tập của mình, làm cho giáo viên mất đi lương tâm nghề nghiệp. “Tiêu cực trong thi cử” là những hành vi gian lận khi thi cử như thí sinh mang vào phòng thi và sử dụng những tài liệu hoặc thiết bị không được cho phép, hay giám thị coi thi cố tình lờ đi cho thí sinh sử dụng tài liệu hay trao đổi với nhau… Còn “bệnh thành tích trong giáo dục” là gì? Đó là những danh hiệu thi đua của thầy và trò, giữa các lớp, các trường và các phòng ban với nhau gây nên hiện tượng điểm ảo, thành tích ảo, không phản ánh đúng khả năng và trình độ. Đó là hành động vi phạm có ý thức. Vậy ý nghĩa của cuộc vận động này là phòng chống và ngăn chặn các hành vi gian lận, bao che trong dạy, học và thi cử.
Vấn đề đã và đang trở nên rất cấp thiết. Đây không còn chỉ là cuộc vận động của bộ, ngành mà là của toàn ngành giáo dục. Tiêu cực và bệnh thành tích đã có từ lâu. Nếu để tiêu cực tiếp tục kéo dài, học sinh không có động lực để học, không tiếp thu được kiến thức, sẽ không có tương lai.
Các thầy cô cũng không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học, nền giáo dục khi ấy sẽ ngày càng trì trệ.
Hiện nay, cái mà học sinh cần khi tốt nghiệp phổ thông không phải là tấm bằng thuần tuý mà là năng lực để học nghề, hay học lên đại học, gây dựng một tương lai cho bản thân. Vì vậy, cuộc vận động này chính là lợi ích của học sinh. Nếu loại bỏ được căn bệnh “chạy theo thành tích” như hiện nay thì sẽ không còn tình trạng học sinh, sinh viên phải “chọi nhau” ở các kỳ thi trung đông đúc do việc học, cách học, thời gian học, … thầy cô sẽ không phải làm những việc không đúng với lương tâm, tấm lòng mình, đó là báo cáo sai sự thật để đạt thi đua. Khi đó, thầy cô sẽ được giải phóng khỏi những việc không hiệu quả, cả thầy lẫn trò không còn phải bận tâm với chuyện thi cử, tranh đua mà được tự do lựa chọn và việc đánh giá chất lượng học hành trở nên thông thường như mọi hoạt động khác diễn ra trong trường học. Hơn nữa nếu học sinh, sinh viên sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đúng với thực lực của mình thì khi bước vào đời họ sẽ không gặp phải những bỡ ngỡ, khó khăn, loay hoay tìm một chỗ đứng cho mình trong xã hội, mà những kiến thức họ tiếp thu được trên ghế nhà trường sẽ là hành trang hữu ích, là nền tảng để họ thể hiện mình, phát huy hết năng lực của mình trong công cuộc phát triển đất nước. Với lực lượng những người trẻ và hoài bão muốn cống hiến của họ như hiện nay thì việc nước ta có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” sẽ không còn xa.
Cuộc vận động được triển khai đã gần ba năm và nhận được sự đồng tình lớn từ xã hội. Tuy nhiên, vần còn khá nhiều trường hợp không hưởng ứng, không tích cực tham gia cuộc vận động.
Một số nhà quản lý giáo dục và giáo viên còn thoả hiệp hoặc làm ngơ, vô cảm trước các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng chạy trường, chạy lớp, lấy tỉ lệ để nâng thành tích vẫn còn ở một số nhà trường, học sinh vẫn còn xu hướng ỷ lại, chán học, và rồi dẫn đến gian lận trong các kì kiểm tra và thi cử. Ngoài ra còn xảy ra trường hợp một số giáo viên dũng cảm đứng lên tố cáo tiêu cực nhưng lại bị trù dập và chịu sức ép từ nhiều phía. Đó đều là những hành vi đáng lên án và chê trách. Tuy không thấy được cái hại trước mắt nhưng sẽ gây hại cho cho tương lai của học sinh, hay rộng hơn là cho xã hội, cần phải được ngăn chặn.
Để phòng chống “tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, mỗi cá nhân và tập thể cần phải hưởng ứng và hành động. Bắt đầu từ gia đình, nếu các bậc cha mẹ cứ chăm chăm vào lỗi lầm của con cái, la mắng, trách phạt chúng vì những lỗi lầm ấy, sẽ rất dễ khiến con cái họ khó lòng vượt lên mặc cảm là kẻ hậu đậu mà tự ti, không chịu khó cố gắng, không có ý chí vươn lên. Hoặc trái lại là một số phụ huynh mặc cho con cái buông thả, rồi sau đó chạy chọt khắp nơi cho con vào trường tốt, lớp tốt dù chúng không đủ trình độ, để rồi “đuối”, không theo kịp và tiếp tục dẫn đến nhiều hậu quả về sau. Vậy nên các bậc cha mẹ cần phải điều chỉnh cách suy nghĩ, cách dạy dỗ con cái để không gián tiếp hại con của mình. Các nhà quản lí giáo dục và giáo viên nên triển khai cuộc vận động bằng cách đừng quá coi trọng thành tích, thay đổi suy nghĩ sai lệch của phụ huynh và học sinh về “trường chuyên, lớp chọn”, xóa bỏ tình trạng “ngồi nhầm lớp”, đổi mới phương pháp kiểm tra và đánh giá nhằm đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh, chú trọng hơn trong việc dạy tốt, học tốt… Và yếu tố cuối cùng, cũng là yếu tố quan trọng nhất để cuộc vận động thành công là chính bản thân học sinh. Mỗi học sinh nên nhận thức được bản chất và tầm quan trọng của việc học để tiếp thu kiến thức một cách có hiệu quả, và có thể tự tin thành công bằng chính thực lực của mình. Bên cạnh đó học sinh cũng cần rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để tránh thực hiện những hành vi sai trái, phản giáo dục.
“Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là cuộc vận động có ý nghĩa to lớn và thiết thực đối với nền giáo dục nước ta hiện nay. Những năm gần đây, với sự cố gắng không ngừng của một số tập thể, cuộc vận động đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Vì vậy chúng ta có quyền tin rằng nền giáo dục Việt Nam trong tương lai sẽ xóa bỏ được những tiêu cực và vươn xa theo đà phát triển của đất nước. .