1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Giới thiệu tác phẩm Tây Tiến, Đồng chí.
– Giới thiệu hình ảnh người lính trong hai tác phẩm.
2.2. Thân bài
* Điểm giống:
– Tây Tiến và Đồng Chí cùng ra đời năm 1948.
– Hai tác giả Quang Dũng và Chính Hữu đều cùng trong quân ngũ( nhà thơ quân đội). Cả hai sáng tác cùng nói về vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp
* Điểm khác:
Người lính trong Tây Tiến
a) Xuất thân: Từ đô thành, chiến sĩ Tây Tiến (trong đó có tác giả) số đông ra đi từ Hà Nội thanh lịch. Họ là những thanh niên có học. Và vì vậy họ mới có lúc “Đêm mơ Hà Nội”.
b) Bối cảnh hoạt động: Người lính Tây Tiến hiện ra trong khung cảnh rừng núi miền Tây Tổ quốc vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở, hoang dại khác thường. Đó là những “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” , “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”; Đó là còn nơi “thác gầm thét, cọp trêu người” khiến cho có khi cả “đoàn quân mỏi” trong sương lấp, có lúc người lính “không bước nữa”…
c) Đặc điểm: Chiến binh Tây Tiến mang vẻ đẹp khác thường. Hình tượng các anh nổi lên vừa hào hùng, dữ dội lại vừa hào hoa, mơ mộng.
– Hào hùng, dữ dội trong dáng vẻ ngoại hình
– Hào hùng trong ý chí
– Hào hùng ngay trong cái chết
– Người chiến sĩ về với đất trong hoàn cảnh có thể nói là rất buồn. Theo tác giả cho biết thì đồng đội ông ngã xuống, ngay manh chiếu bó thân cũng không có, nhưng sự ra đi vĩnh viễn đó thật anh hùng. Con sông Mã thay lời núi sông cất lên lời ai điếu hùng tráng tiễn đưa người chiến sĩ.
– Hào hoa, mơ mộng ở tâm hồn
Tâm hồn phải hết sức hào hoa mới “gửi mộng qua biên giới” và mơ về dáng kiều thơm.Người chiến sĩ đẹp trong giấc mơ đẹp, mơ dáng kiều diễm,thanh lịch,quyến rũ của người phụ nữ thủ đô.Đối đầu với nhọc nhằn, chết chóc, anh vẫn không quên một dáng hình thanh thú, toả hương. Chính dáng hình này tiếp sức cho anh bộ đội đi tới.
Người lính trong Đồng chí
a) Xuất thân: Đó là những người nông dân mặc áo lính. Các anh ra đi từ những làng quê nghèo.
b) Bối cảnh hoạt động: Các anh cầm súng chờ đợi giặc nơi rừng hoang sương muối. Cảnh ở đây không rõ nét hiểm trở,hoang vu như vùng núi người lính Tây tiến hiện diện ( với dốc,thác,nước lũ,cọp trêu người…)
c) Đặc điểm: Người chiến sĩ dưới ngòi bút Chính Hữu mang vẻ đẹp bình dị. Các anh hiện ra với dáng vẻ:
– Chất phác: Nhớ về quê hương,các anh nhớ về gian nhà trống ,nhớ về giếng nước gốc đa rất đỗi quen thuộc. Còn người lính Tây Tiến nhớ quê hương là nhớ “dáng kiều thơm” có phần mĩ lệ, kiêu sa hơn.
– Lam lũ: Trang phục của chiến sĩ trong Đồng chí có phần thiếu thốn. Hình ảnh thực của người nông dân mặc áo lính:
2.3. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề
Nhìn chung lại, tuy hai hình tượng người lính này mang những vẻ đẹp khác nhau ( nông dân và trí thức, địa bàn hoạt động và quan hệ với nhân vật trữ tình….) nhưng làm hoàn chỉnh bức chân dung anh bộ đội Cụ Hồ trong buổi đầu tiến hành cuộc cách mạng kháng chiến chín năm chống Pháp.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: So sánh hình ảnh người lính trong Tây Tiến và Đồng chí
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Tây Tiến” của Quang Dũng, ta đều bắt gặp hình ảnh những người lính thời kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng. Một cách giản dị và thân thương, hình ảnh người lính với những điểm chung và nét riêng độc đáo đã đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về người lính thời kháng chiến chống Pháp, đồng thời chia sẻ với những cảm xúc, suy nghĩ của hai tác giả và trân trọng hơn tài năng, cách phác họa hình tượng khéo léo, tinh tế của hai nhà thơ.
Cùng chắp bút viết thơ trong một giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc, cả Chính Hữu và Quang Dũng đã xây dựng nên hình tượng người lính vô cùng chân thực trong hai bài thơ “Đồng chí” và “Tây Tiến”. Những người lính trong hai bài thơ này đều mang nét hào hùng và rất mực hào hoa, lãng mạn.Người lính trong “Tây Tiến” của Quang Dũng xuất hiện trên một nền cảnh thiên nhiên vùng cao kỳ vĩ, hiểm trở:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa sa khơi”
Những hình ảnh dốc đèo khúc khuỷu, heo hút với “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” ấy đã diễn tả chân thực khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng vô cùng hiểm trở, khiến cho chặng đường hành quân của những người lính càng thêm gian lao, vất vả hơn. Dẫu có khó khăn, nhọc nhằn, người lính Tây Tiến vẫn trong tư thế chủ động, sẵn sàng, ung dung, lạc quan đối diện với thực tại vô vàn khắc nghiệt:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Đây là một cách nói giảm nói tránh về sự hy sinh, mất mát đầy đau thương mà bất kỳ người lính Tây Tiến nào cũng có thể phải đối mặt. Song, những người lính ấy vẫn quyết tâm, tinh thần hừng hực lòng căm thù giặc, quyết chiến đấu để trả thù để đền đáp sự ngã xuống anh dũng của đồng đội mình trên chặng đường dài hành quân ra trận.
Trong cảnh rừng thiêng nước độc, người lính Tây Tiến vẫn lạc quan, ung dung, họ coi nhẹ cái chết bởi lý tưởng cách mạng đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh tinh thần cho họ:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Chiến tranh xảy đến, mất mát là không thể tránh khỏi, Quang Dũng nói đến sự trở về với đất mẹ của các anh một cách rất bi hùng, cao cả:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Vẻ đẹp hào hùng của người lính cũng được Chính Hữu phác họa rất rõ nét. Họ là những con người không ngại gian khó, hiểm nguy, đặt lý tưởng, mục tiêu chiến đấu lên trên hết:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”
Cái hoàn cảnh chiến đấu “rừng hoang sương muối” khắc nghiệt, dữ dội là vậy cũng không thể làm chùn bước chân, làm nản ý chí những người lính. Vượt lên hiện tại, họ là những con người hiên ngang, bất khuất “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”.
Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng, những người lính trong cả hai bài thơ đều mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn. Quang Dũng miêu tả nét hào hoa ấy khi người lính cùng đồng bào vùng cao tham gia những lễ hội vui tươi, đầm ấm:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Hay như sự lãng mạn của người lính trong “Đồng chí” được thể hiện qua câu thơ:“Đầu súng trăng treo”.
Đều là những nhà thơ đã từng cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc, nên Quang Dũng và Chính Hữu đều có những trải nghiệm và kỉ niệm sâu sắc để từ đó viết về người lính đặc sắc và cảm động. Bên cạnh những nét giống nhau, người lính trong hai bài thơ còn có những nét riêng ấn tượng. Người lính Tây Tiến đa phần ra đi từ Hà Nội, họ là những thanh niên, những trai trẻ vừa mới bước ra từ giảng đường. Còn ở “Đồng chí”, người lính đều là những nông dân bỏ áo lấm bùn khoác lên mình áo lính, họ ra đi từ những làng quê nghèo vì sự nghiệp bảo vệ đất nước: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Nếu như trong “Đồng chí”, Chính Hữu dùng bút pháp tả thực để tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của tình đồng chỉ cùng chung hoàn cảnh, chung quân ngũ, chung lý tưởng cao đẹp thì Quang Dũng lại lựa chọn khái quát vẻ đẹp chung của người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân nhiêu gian truân thử thách trong “Tây Tiến”.
Vẻ đẹp người lính Tây Tiến được gợi nên từ những cảm xúc, những kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng của nhà thơ Quang Dũng trong thời gian tác giả gắn bó đậm sâu nghĩa tình với đoàn quân Tây Tiến. Nhà thơ gợi nên vẻ đẹp riêng của người lính Tây Tiến nhưng đồng thời cũng phác họa chân thực và sâu sắc vẻ đẹp của cả một thế hệ anh hùng trong thời kỳ lịch sử kháng chiến gian khổ, gian lao của quê hương, dân tộc. Để tái dựng lại một cách sinh động hình tượng người lính, nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng tài tình bút pháp lãng mạn trên cái nền của hiện thực.
Qua hai bài thơ “Tây Tiến” và “Đồng chí”, hai nhà thơ đã phác họa nên trước mắt người đọc hình ảnh những người lính có những điểm chung và nét riêng ấn tượng, góp phần làm hoàn chỉnh hơn bức tranh ngôn từ phác họa chân dung anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Hình tượng anh Vệ quốc quân – Người lính Cụ Hồ – được khắc họa đậm nét trong nhiều bài thơ của nhiều tác giả. Ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hình tượng người lính trong mỗi bài thơ có sức hấp dẫn, cổ vũ và với vẻ đẹp riêng, nét riêng nổi bật thể hiện trong cảm hứng. “Đồng chí” của Chính Hữu, chủ yếu là cảm hứng hiện thực giữa cảnh và người; “Tây tiến” của Quang Dũng phát triển cảm hứng lãng mạn nhằm khắc họa nét phi thường, kỳ vĩ, hùng tráng của người lính.
“Tây tiến” quan niệm người anh hùng theo lý tưởng thẩm mỹ cổ điển, truyền thống; còn “Đồng chí” tô đậm nét hiện thực, bình dị, sự lam lũ, chất phác của người nông dân chân chất hiền lành, không có ý định làm anh hùng hoặc để được tôn vinh là anh hùng. Họ tìm thấy sức mạnh ở đồng chí, đồng đội, ở một tình cảm thiêng liêng, cao cả và mới mẻ trong những người nông dân được giác ngộ trở thành người lính.
Trong thơ Quang Dũng và thơ Chính Hữu nói riêng, có sự “đổi ngôi” của cái “Tôi” trữ tình. Cái “Tôi” trong thơ ca là một khái niệm “kép”, bao gồm 2 bình diện: một là cái “Tôi” với tư cách là chủ thể nhận thức, hoạt động tư duy, và hai là cái “Tôi” đối tượng cảm thụ với vai trò khách thể. Trong thơ kháng chiến nói chung, cái “Tôi” cơ bản ở bình diện quan sát, nhận thức, rung cảm với cuộc sống lớn. Điều đó tạo ra nét mới trong thơ, thơ rộng mở trong hơi thở cuộc sống, tắm mình trong không khí thời đại, sự giao hòa này tạo cho thơ thêm đa dạng, phong phú.
Chân dùng tinh thần người lính trong “Tây tiến” mang nét hoành tráng, kỳ vĩ, bí hiểm nổi bật trong bối cảnh hoang sơ, dữ dội, nghiệt ngã và cũng vô cùng mơ mộng trong không gian cụ thể của vùng núi Tây Bắc:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Bằng bốn câu thơ nhưng hiện lên một bức tranh toàn cảnh với đầy đủ nét hoang vu, heo hút, dữ dằn và vô cùng hiểm trở trên chặng đường hành quân của người lính Tây tiến. Một loạt những từ giàu giá trị tạo hình mang tính hội họa, với những mảng hình khối, đường nét, màu sắc “Dốc lên khúc khuỷu” rồi lại “Dốc thăm thẳm”; các từ láy “heo hút”, “thăm thẳm”, “khúc khuỷu” như những nét chạm khắc đặc sắc tạo nên những ấn tượng về dốc cao, vực sâu. Cả những thanh trắc tả chiều cao khi leo lên và những thanh bằng gợi khoảng không gian khi leo xuống: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Trong gian nan thử thách không đè bẹp nổi ý chí, nghị lực, sức sống của người lính Tây tiến, nét đẹp của họ một phần cũng chính là chỗ đó. Vẫn sống mãi với thời gian ấn tượng mãnh liệt không phai bạc, mờ nhòa theo năm tháng:
Tây tiến những đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Quang Dũng khéo chọn cách nói, có tóc rụng, có da xanh của anh lính ốm (ốm nhưng không yếu) nhưng không mất đi dáng vẻ kiêu bạc, anh hùng, vẫn phong thái “dữ oai hùm” giữa chốn sơn cùng thủy tận. Ngay cả sự “ra đi” cũng rất nhẹ nhàng của những anh hùng hào hoa, mã thượng: “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Ba lần nói về sự hy sinh trong những hoàn cảnh khác nhau của người lính “Tây tiến” nhưng không một lần như nhiều nhà thơ vẫn dùng từ “hy sinh” hoặc “chết”. Quang Dũng bằng ngòi bút tài hoa sử dụng những cụm từ “hồn về”, “bỏ quên đời”, “về đất” giản dị hơn, nhằm tự nhiên hóa, bình thường hóa cái chết, đúng theo quan niệm lý tưởng của học sinh, sinh viên cầm súng thời kỳ đầu kháng chiến, còn hừng hực hào khí.
Với bút pháp lãng mạn, cốt cách tài hoa và phong độ hào hùng của chiến sĩ – thi sĩ trên cả hai bình diện tác giả và tác phẩm, Quang Dũng đã tạc bằng ngôn ngữ thi ca vào lịch sử, hình tượng người lính Vệ quốc anh hùng.
Mang nét riêng, người lính Vệ quốc trong “Đồng chí” của Chính Hữu bình dị trong nghĩ suy mà “sâu sắc đến giật mình” (Xuân Diệu). Chất liệu hiện thực cuộc sống được đưa vào thơ vừa đủ tạo men say cảm xúc và nâng tầm khái quát.
Cách mạng Tháng Tám không chỉ phục sinh một dân tộc, khai sinh một thời đại, tân tạo những bảng thang giá trị tinh thần, mà còn trả lại cho mỗi người cuộc sống mới; kiến tạo những quan hệ mới, tình cảm mới chưa hề có trong lịch sử, trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Đó là tình đồng chí đồng đội. Chính quan hệ mới, tình cảm mới này tạo nên những vẻ đẹp khác trong chân dung tinh thần người lính Vệ quốc.
Không kỳ dị “đoàn binh không mọc tóc”, “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” như trong thơ Quang Dũng. Người lính Vệ quốc trong thơ Chính Hữu vô cùng bình dị, hiền lành, chất phác. Bức tranh về hai người vệ quốc được phác thảo bằng chất liệu cuộc sống đồng quê, trên nền “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” của những người có cùng cảnh ngộ; từ những vùng nông thôn khác nhau trên nhiều miền đất nước có chung cảnh nghèo. Những người nông dân đồng cảnh, đồng cảm nên đồng tâm, đồng chí trong chọn lựa mục đích cống hiến, chiến đấu. Mở đầu bài thơ là sự gặp gỡ của hai người đồng cảnh:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Sự tương đồng về hoàn cảnh tạo nên cộng hưởng trong tình cảm gắn bó:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Nhưng cái khốn khó, nghèo khổ của những con người ở những vùng miền khác nhau không vì vậy mà hèn kém (nghèo nhưng không hèn), nghĩa là không bị cái cảnh nghèo bó buộc, câu thúc, người nông dân vượt lên số phận, vượt lên cảnh ngộ, ở trên tầm khốn khó bước vào cuộc chiến.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra, người lính Vệ quốc hầu hết thoát thai từ nông dân, trong hành trang người lính mang theo có cái nghèo đeo đẳng “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Cái rét trong rừng sâu, cái rét trong vùng địch hậu, cái rét được đề cập phản ánh trong nhiều bài thơ kháng chiến, không chỉ chuyển tải nét khắc nghiệt của khí hậu, mà còn đối sánh cảnh nồng ấm của nghĩa tình đồng chí – đồng đội, nghĩa tình quân – dân. Câu thơ của Chính Hữu vừa nói lên một thực tế về sự thiếu thốn của người lính Vệ quốc trong kháng chiến, nhưng cao hơn là một thực tế khác: Cái rét đã tạo nên tình tri kỷ giữa hai người chung chăn.
Thơ kháng chiến nói chung, thơ Chính Hữu nói riêng, cái “Tôi” trữ tình không đơn thuần là cái “Tôi” cá nhân, tâm trạng, cái “Tôi” phô diễn, cái “Tôi” giãi bày, mà là cái “Tôi” thế hệ, cái “Tôi” công dân, cái “Tôi” sử thi. Ở đây “Anh-Tôi” chuyển hóa trong biên độ cái “Ta” chung, cái “Ta” đa số đông đảo:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Nhưng không vì vậy mà người lính mất đi niềm tin, niềm lạc quan, vẫn yêu đời, yêu người trong tình đồng chí – đồng đội:
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Hai người lính Vệ quốc trong tình đồng chí, trong nhiều câu thơ có hai vế nhưng một hoàn cảnh. Do vậy, có khi chỉ một hoàn cảnh nhưng người đọc liên tưởng cho cả hai. Có lúc câu thơ nói gia cảnh một người mà như cả hai:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Điều này cho thấy thêm một bình diện trong chân dung tinh thần người lính vệ quốc, đó là sự hy sinh âm thầm không so đo, mặc cả, không toan tính thiệt – hơn cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính vẻ đẹp này ánh xạ rực rỡ cái tình của những người “đồng chí” trong thơ.
Đóng góp của Quang Dũng và Chính Hữu cho nền thơ kháng chiến trên nhiều lĩnh vực thi pháp. Bằng chính cuộc đời với những trải nghiệm, kiểm chứng, bằng vốn sống phong phú của đời lính, các anh đã phản ánh được nhiều nét thẩm mỹ khác nhau về chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng trong “ba ngàn ngày không nghỉ”, góp phần quan trọng làm nên những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc.
———-LOP12.COM———–