1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống (Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình).
2.2. Thân bài
a. Giải thích
– “tử tế”: tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.
b. Phân tích
– Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.
– Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.
– Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
c. Chứng minh
– Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.
Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
– Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
2.3. Kết bài
– Khái quát lại ý nghĩa của việc làm tử tế.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận xã hội về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Yếu tố quan trọng nhất góp phần làm nên một xã hội tốt đẹp, văn minh chính là ở cách cư xử giữa con người với con người. Chúng ta hãy sống với nhau bằng sự tử tế đã cuộc sống ngày càng tích cực hơn.
Sự tử tế là tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.
Tử tế có vai trò vô cùng quan trọng góp phần làm nên những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của con người. Những việc tử tế được biểu hiện bằng hành động giúp đỡ, sẻ chia, cưu mang những người gặp khó khăn, thiếu thốn, dù đó có thể là người thân, bạn bè hay thậm chí là chỉ là những người xa lạ cần sự giúp đỡ. Việc tử tế hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương, cảm thông, đùm bọc giữa người với người. Người tử tế là người luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, không quan tâm đến địa vị, danh vọng, không quá chú trọng vào cái tôi mà luôn luôn nghĩ cho người khác và đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Mỗi người sống tử tế hơn một chút, biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác hơn một chút sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người sống ích kỉ, vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người lấy việc làm giúp người ra nhằm mục đích không tốt như khoa khoang tài sản, đánh bóng tên tuổi,… Những người này cần bị phê phán. Là một người học sinh cũng là công dân của tổ quốc, chúng ta cần phải cố gắng sống thật tốt, chan hòa với mọi người, đối xử với người bằng sự chân thành, lịch sự, tử tế của một trái tim yêu thương đầy rung cảm. Có như thế cuộc sống mới tốt đẹp, bền vững hơn. Việc tử tế ở thời nào cũng đáng trân trọng, ca ngợi. Chúng ta hãy sống và giúp người, cùng nhau hướng đến lợi ích chung cao đẹp để xã hội phát triển văn minh hơn.
Tóm lại, việc tử tế là điều hết sức cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp chúng ta cần trân trọng, phát huy. Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Chúng ta bền bỉ đánh thức sự tử tế, hãy nêu cao tinh thần luôn ý thức tự giác hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Hãy tử tế mỗi ngày với mọi người, chắc chắn bạn cũng sẽ được nhận lại những giá trị tương tự, cái mà bạn cũng rất cần có trong cuộc sống của mình. Là một học sinh mang trong mình sứ mệnh, trách nhiệm to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh thì chúng ta phải không ngừng cố gắng, nỗ lực, trau dồi tri thức, nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức của bản thân để phát huy và lan tỏa việc tử tế đến tất cả mọi người xung quanh.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có những giá trị chung về con người mà hàng ngàn năm không thay đổi. Đó là đã là người thì phải vô hại và hữu ích tức là không hại người và phải có ích với người. Khổng Tử – một người thầy lớn của lịch sử phương Đông có khuyên: “Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác”. Còn người phương Tây từng quan niệm: “Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người khác đối xử với mình”. Phải chăng tất cả những quan điểm, lí luận trên đều hướng đến mục đích là muốn khuyên dạy chúng ta phải biết hướng thiện và sống tử tế.
Sống tử tế là một trong những giá trị căn bản nhất mà bất kì người nào, dân tộc nào, thời đại nào cũng muốn răn dạy con người ta. “Sự tử tế” hay “việc tử tế” nghe có vẻ đơn giản và quen thuộc nhưng có mấy ai đã hiểu hết được ý nghĩa đích thực của nó. “Tử” là những chuyện nhỏ bé, chữ “Tế” có nghĩa là những chuyện bình thường, “Tử tế” gộp lại có nghĩa là sự âm thầm, kỹ lưỡng, chu đáo thận trọng trong những công việc nhỏ nhất, trong lối sống hàng ngày và cách đối xử với mọi người xung quanh. Đó còn là một phẩm chất đáng quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được biểu hiện rõ nhất qua việc con người hành xử, đối nhân xử thế với nhau bằng lòng tốt, quan tâm, chia sẽ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Là cách sống ngay thẳng, thật thà, đầy lòng nhân ái và lương thiện, tốt bụng với tất cả mọi người khác chứ không phải chỉ nghĩ đến riêng mình, có những hành động đứng đắn, sẵn sàng đứng lên bảo vệ công lý, lẽ phải, có văn hóa đạo đức và tình người.
“Tử tế là chia sẻ tấm lòng của bạn để giúp trái tim ai đó rộn ràng hơn và nụ cười của họ tươi vui hơn”. Nếu có những lúc bạn làm mọi điều có thể để cố gắng biến ngày tồi tệ nhất của một ai đó thành ngày tốt đẹp nhất thì đó chính là sự tử tế. Một câu nói chân thành xuất phát từ tình yêu thương có thể cảm hóa được trái tim của một anh chàng hung hăng nào đó, một hành động quan tâm nhỏ nhất có thể thắp sáng niềm hy vọng của một cô gái đang đắm mình trong đau khổ, tuyệt vọng hay một việc tốt bất ngờ có thể kéo con người ra khỏi hố sâu sai trái, lệch lạc. Sức mạnh của việc tử tế không nằm ở việc lớn hay nhỏ mà nằm ở tấm lòng chân thành xuất phải từ những trái tim yêu thương. Ai cũng có thể làm được những việc tử tế, tốt đẹp, bạn không cần phải giàu có hay tài giỏi thì mới có thể ảnh hưởng đến thế giới, một nụ cười tươi tắn, lời chào thân thiện, lời cảm ơn chân thành hay một việc tốt có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn không kể đền đáp xứng đáng của bạn cũng đủ để tạo nên sự khác biệt, ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của người khác. Nếu bạn tin trong cuộc đời này còn có nhiều mảnh đời bất hạnh thiếu thốn hơn mình thì tấm lòng bạn luôn sẵn sàng rộng mở và luôn có những hành động tích cực để san sẻ. Khi ấy, bạn sẽ tìm thấy được niềm vui cho chính mình, chúng ta không sinh ra để gây rắc rối và làm hại người khác, hãy cố gắng nuôi dưỡng những giá trị cơ bản của con người như sự nhiệt tình, lòng tốt, sự đồng cảm, biết sống trung thực đúng lương tâm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, không gian dối, vụ lợi, không làm việc xấu, làm việc có ích cho mọi người… Đó cũng là những biểu hiện rõ ràng nhất của một người biết sống tử tế, tốt bụng. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội làm những điều tử tế chỉ vì nghĩ rằng điều đó thật nhỏ nhặt bạn nhé! Tình yêu thương và sự tử tế không bao giờ là lãng phí và vô nghĩa. “Bàn tay tặng hoa hồng cũng phảng phất hương thơm”, sự tử tế từ những hành động nhỏ bé nhất cũng sẽ mang lại những hạnh phúc to lớn cho cả người cho đi và cả người nhận được.
Để trở thành một con người đúng nghĩa thì trước hết phải có năng lực làm người, trước hết phải là một người tử tế. Đi trên xe bus thấy người già đứng thì nên nhường ghế ngồi cho họ, biết kính trên nhường dưới tôn trọng người khác, biết giúp đỡ cảm thông trước những khó khăn, bất hạnh, đấu tranh cho sự thật, biết thổn thức trước nỗi đau và phẫn nộ trước cái ác cái xấu, không ghen ghét đố kị, nên hài lòng với những gì bạn đang có, sống thực tế hữu ích và không quá coi trọng vật chất, tiền bạc,… Việc cố gắng tạo ra điều gì đó tích cực cho cuộc sống là điều vô cùng quan trọng vì làm được những điều đúng bạn sẽ thấy vui hơn, nếu bạn làm việc tốt thì cuộc đời bạn sẽ khá lên. Nó là thế, bạn không thể một mình ăn hết một cái bánh to, nó sẽ làm bạn thấy chướng bụng đấy, ăn một ít, còn lại để dành cho người khác.Bạn có nhớ nụ cười của một người lạ khi bạn giữ cửa cho họ đi hay lời cảm ơn chân thành từ một người bạn khi được mình giúp đỡ không? Có phải bạn thấy hạnh phúc đến lạ khi làm được điều gì đó cho người khác dù là hành động nhỏ nhất. Nụ cười ấy sẽ giúp ta vui sướng, năng động cả ngày, lời nói thiện chí ấy sẽ giúp ta cảm thấy ý nghĩa và tốt đẹp. Vậy nên sức mạnh đầu tiên của sự tử tế là giúp ta cảm thấy hạnh phúc, bình an, thanh thản trong tâm hồn, được mọi người yêu quý kính trọng. Giúp ta sống có giá trị, tốt đẹp, biết cống hiến, hoàn thiện nhân phẩm đạo đức vì tử tế còn là nguồn gốc để tạo được nhiều giá trị tích cực khác như trung thực, vị tha,kiên nhẫn, rộng lượng, yêu thương con người,…Chính lòng tốt, sự tử tế cũng là nền tảng của một trái tim nồng ấm, trái tim của một người sẵn lòng ra tay giúp đỡ người khác một cách vô tư chân thành. Đối với xã hội, việc tử tế cũng có ý nghĩa to lớn bởi nó chính là sợi dây kết nối tình thương giữa người với người, là tiền đề cho sự phát triển của một xã hội văn minh, lành mạnh mà ở đó con người sống chan hòa sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Nếu như mọi người cùng chung tay làm những điều tử tế mỗi ngày, hãy tưởng tượng xem thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao. Trên dòng đời tấp nập, chúng ta thường mải mê tìm kiếm những khoảnh khắc tuyệt vời, hạnh phúc, ấm áp đến lạ thường, những khoảnh khắc ấy lại xảy ra vào lúc ta không ngờ đến nhất và nó thường ẩn dật trong những việc được cho là nhỏ nhặt. Vậy tại sao ta lại không thử sống tử tế để đạt được những khoảnh khắc kỳ diệu như thế. Bạn có biết “Việc tử tế” cũng là tên của một chương trình được sản xuất và phát huy hàng ngày trên truyền hình VTV nhằm ca ngợi và lan tỏa những việc làm, hành động tử tế giúp đỡ, cưu mang những người có số phận hoàn cảnh bất hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là một cô bé thiên sứ tên là Hải An chỉ mới 7 tuổi nhưng bị u cầu não hoành hành, không chỉ tình nguyện hiến giác mạc giúp hai người khác được nhìn thấy ánh sáng mà còn khơi dậy lòng yêu thương ở nhiều người mong muốn được hiến tặng nội tạng, những bệnh nhân không may, lan tỏa điều tốt đẹp đến cộng đồng. Trong chúng ta luôn có một Việt Nam tử tế, giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid 19 còn chưa hạ nhiệt thì bão lũ lại ghé thăm miền Trung ruột thịt, những dòng nước lũ như chờ trực để cuốn đi những hy vọng sống của người dân. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào ta vẫn luôn thấy được ánh sáng kì diệu của việc tử tế: đó là những cây ATM gạo chưa bao giờ cạn giữa lúc nhân dân đang lao đao vì Covid, đó là những con người sẵn sàng lao vào tâm dịch tận tâm tận lực vì người cách ly, đó là những bàn tay đưa ra níu lấy những hi vọng gần như bị cuốn trôi bởi lũ lụt và cả bao con người vẫn hàng ngày tử tế trong cuộc sống đời thường đã và đang mang đến những giá trị tuyệt vời.
Biết quan tâm đến mọi người là một việc đáng làm, bởi hạnh phúc của chúng ta gắn liền với hạnh phúc của người khác. Nếu dành thời gian để ngẫm nghĩ thì bạn thấy cuộc sống của chính mình còn phụ thuộc vào lòng tốt của rất nhiều người, ngay từ khi còn bé đã nhận được sự chăm sóc của cha mẹ ông bà, khi trưởng thành , đối mặt với chông gai khổ đau, bệnh tật ta lại một lần nữa nhận được lòng tốt, sự giúp đỡ của nhiều người xung quanh. Nếu cuộc đời ta đã có ý nghĩa hơn rất nhiều khi được sống trong lòng tốt của người khác vậy thì ta tại sao lại không sống tử tế với họ như những gì họ đã làm. Hãy luôn tin tưởng vào những điều tốt, những điều tích cực, hãy dùng lòng tốt sự tử tế của mình để cùng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Làm thế nào để trở thành một người tử tế? Nên biết cách rèn luyện tấm lòng bao dung, độ lượng, không nên quá chú trọng địa vị vật chất, không quá đề cao cái tôi lợi ích của bản thân mà luôn quan tâm đến người khác và suy nghĩ cho cộng đồng xã hội, có những hành động cụ thể giúp đỡ cho đi xuất phát từ động cơ trong sáng, không toan tính vụ lợi hướng đến sự lương thiện, ra sức xây dựng cống hiến, thậm chí hy sinh lợi ích cá nhân vì mọi người xung quanh. Sống đúng với những chuẩn mực đạo đức, không vi phạm pháp luật, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. “Hãy tử tế với người khác vì họ sẽ nhớ đến sự tử tế của bạn hơn là sự thành công của bạn”. Sống ở xã hội phát triển và hiện đại ngày nay, thì việc sống tử tế phải chăng quá khó? Chúng ta đang sống trong một xã hội mà đâu đó còn có những con người thực dụng, coi trọng tiền bạc vật chất, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, luôn cạnh tranh, đố kị với người khác mà quên rằng từ khi sinh ra ai cũng mang trong lòng những tấm lòng thơm thảo. Vì vậy, ta phải biết lên án phê phán những lối sống đáng buồn như thế và biết giữ gìn, nuôi dưỡng kiên định với lòng tốt của mình, làm những điều tử tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
“Chúng ta làm giàu vật chất bằng những gì chúng ta có trong tay những làm giàu tinh thần bằng những gì chúng ta cho đi”. Tử tế không phải là món nợ “ngọt ngào” mà ta phải trả cho ai đó mà là những điều tích cực và tốt đẹp. Ta không chỉ biết đón nhận mà còn tiếp nối cũng như lan tỏa tinh thần sống tử tế đến nhiều người khác, vì những niềm hạnh phúc to lớn, niềm vui ngọt ngào sẽ luôn đến với những người tử tế, sống và làm điều tử tế mỗi ngày bạn nhé!
———-LOP12.COM———–