1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề chọn nghề nghiệp trong tương lai:
+ Cuộc sống luôn vận động kéo theo sự vận động của rất nhiều yếu tố trong đời sống của mỗi cá nhân: sở thích, khát vọng, mối quan tâm, các quan hệ trong cuộc sống, cách sống… Bên cạnh rất nhiều những yếu tố có thể đổi thay ấy lại có những yếu tố mà sự thay đổi của nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp. Một trong số đó chính là nghề nghiệp – công việc lao động để đảm bảo cuộc sống cũng là đảm bảo ý nghĩa tồn tại của mỗi người.
+ Việc chọn nghề là việc quan trọng, cần thiết và luôn được đặt ra khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của cuộc sống.
2.2. Thân bài
a. Thực tế xã hội và sự cần thiết của việc chọn nghề
– Xã hội càng phát triển, yêu cầu chuyên môn hoá càng cao và sự phân công lao động càng được đặt ra và thực hiện một cách nghiêm ngặt.
– Để tồn tại và đế tự khẳng định mình trong cuộc sống, mỗi người cần lựa chọn cho mình một nghề nghiệp và chuyên tâm theo đuổi, phấn đấu cho sự chọn lựa ấy.
b. Những cách chọn nghề trong thực tế hiện nay
– Chọn nghề kiếm được nhiều tiền: ưu thế của sự lựa chọn này là nó sẽ đảm bảo cho tương lai một cuộc sống ổn định và dư dật về mặt vật chất. Vấn đề là ở chỗ chính sức hấp dẫn của nghề nghiệp sẽ tạo ra một môi trường có tính cạnh tranh cao với những đòi hỏi khắt khe, nghiệt ngã. Nếu bản thân người lựa chọn không đủ nội lực để đáp ứng và bản lĩnh đế trụ vững có thể sẽ vấp phải những khó khăn không lường trước được.
– Chọn nghề thời thượng: Ưu thế của sự lựa chọn này là sẽ đem lại cho người lựa chọn một sự tự tin nhất định. Đồng thời, những nghề được cho là thời thượng trong xã hội thường cũng là những nghề mang lại nguồn thu nhập cao nên cũng sẽ tạo ra sự đảm bảo vững chắc về kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý tới quy luật cung cầu của xã hội bởi nó có thề sẽ khiến cho cái hôm nay là thời thượng song đến ngày mai đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.
– Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân thường là cách lựa chọn của những người ưa cuộc sống bình thường, yên ổn. Khi yêu cầu của nghề nghiệp phù hợp với khả năng thực có, mồi người sẽ làm được tốt nhất công việc của chính mình, hoàn thành được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân. Trong trường hợp này, nếu có một năng lực tốt, con người hoàn toàn có thể khẳng định mạnh mẽ giá trị bản thân mình bằng những đóng góp nổi bật.
– Chọn nghề mà mình yêu thích sẽ tạo niềm say mê, thậm chí đam mê với công việc. Yếu tố tâm lí này rất quan trọng để kích thích khả năng, phát triển năng lực giúp người lựa chọn có thể làm tốt nhất các yêu cầu của công việc. Thường thì nghề yêu thích cũng là nghề mà người lựa chọn có khả năng đề đáp ứng vì có như vậy mới có niềm yêu thích thật sự.
c. Quan điểm lựa chọn của cá nhân
– Mục tiêu đặt ra trong cuộc sống.
– Năng lực thực tế của bản thân.
– Quan điểm lựa chọn.
– Định hướng phấn đấu hiện tại.
Lưu ý: Quan điểm lựa chọn cần xuất phát trên cơ sở xác định mục tiêu và nhận thức sâu sắc về năng lực thực tế để đảm bảo tính chính xác, hợp lí của sự lựa chọn.
2.3. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề nghị luận.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận xã hội về việc chọn nghề nghiệp trong tương lai
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi người trong cuộc sống đều gắn liền với một công việc, một nghề nghiệp nhất định. Nó không chỉ gắn bó với chúng ta mỗi ngày mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Và cũng chính vì có ý nghĩa to lớn mà việc lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho tương lai là một công đoạn vô cùng quan trọng tạo nên sự thành công sau này.
Chọn nghề là chọn cho mình công việc mà bản thân mình cho là phù hợp với sở trường, với khả năng của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay việc chọn nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp vẫn còn chưa được coi trọng cũng như chưa phát huy được hết ý nghĩa của nó. Thực tế rất nhiều bạn trẻ hiện nay có những định hướng hay chọn nghề nghiệp cho tương lai chưa thực sự phù hợp.
Thật vậy, có những người do gia đình đã có truyền thống làm một công việc gì đó mà cũng quyết định sẽ tiếp nghiệp của gia đình. Điều này không có gì là sai nhưng nó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Nếu như nghề nghiệp truyền thống của gia đình còn có thể phát triển mạnh, đem lại nhiều giá trị lợi nhuận và đặc biệt là phù hợp với khả năng của bản thân thì điều đó hoàn toàn tốt. Nhưng ngược lại, nếu sự tiếp nối nghề nghiệp truyền thống đó chỉ là sự gượng ép, không phù hợp với xã hội hiện tại cũng như khả năng của bản thân thì điều đó hoàn toàn phản tác dụng.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ lại phó mặc sự chọn lựa nghề nghiệp của tương lai của mình cho bố mẹ quyết định. Điều này nảy sinh một số khuyết điểm rằng nghề nghiệp mà bố mẹ chọn có thể không phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Nó sẽ gây ra những sự gượng ép và bức xúc nhất định giữa cả 2 bên. Mặt khác, cũng có nhiều người chọn nghề nghiệp cho mình theo trào lưu. Tức là ở thời điểm họ chọn lựa nghề nghiệp, ngành nghề đó rất thịnh hành nên họ chọn. Điều này cũng như 1 con dao hai lưỡi có thể “làm chảy máu” bất cứ ai không chắc chắn, kiên định với lựa chọn. Điển hình như đầu những năm 2000, ngành ngân hàng, tài chính là một trong những ngành nghề nhận được rất nhiều sự quan tâm và đăng ký thi đại học tại các trường có chuyên ngành này. Cũng chính vì thế, mà sau khi tốt nghiệp, số lượng cử nhân bị quá tải so với nhu cầu hiện có của thị trường, hàng ngàn cử nhân đại học thất nghiệp….
Việc chọn sai nghề nghiệp còn gây ra nhiều hậu quả về lâu dài khác. Thứ nhất, chọn sai nghề sẽ khiến bản thân người đó phải chật vật để có thể làm quen với công việc vì nó không phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân. Nó sẽ khiến người đó mất thêm nhiều thời gian để học hỏi lại những kiến thức bị thiếu hụt. Hơn nữa, việc chọn sai nghề khiến bản thân không thể phát huy hết khả năng của bản thân vốn có, làm giảm năng suất công việc… Về lâu dài, việc chọn sai nghề nghiệp sẽ dẫn đến tâm lý nhàm chán, chán nản và thậm chí là ức chế khi phải làm quá lâu công việc mà mình không yêu thích…
Chính vì thế, cần phải có những giải pháp, những phương hướng rõ ràng nhằm đưa ra những quyết định chọn nghề đúng đắn nhất. Để đưa ra sự chọn lựa đúng đắn, bản thân mỗi người phải hiểu rõ năng lực của mình như thế nào, điểm mạnh điểm yếu ra sao cũng như phải tìm hiểu thật kĩ về ngành nghề mà mình định theo học và định hướng sau này. Tuy nhiên, khi đứng trước quyết định lựa chọn nghề nghiệp thì chúng ta cũng cần có sự cố vấn, góp ý của những người lớn đã có kinh nghiệm. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi họ có thể sẽ đưa cho mình những góp ý tốt về xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong tương lai cũng như những tố chất cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nắm bắt được nhu cầu của xã hội để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được hết khả năng của bản thân với công việc mình yêu thích.
Chọn nghề nghiệp đôi khi quan trọng như chọn bạn đời vậy. Nó sẽ gắn bó với chúng ta cũng như quyết định nhiều mặt trong cuộc sống. Chính vì thế, hãy đưa ra những quyết định sáng suốt để vững bước thành công trong tương lai.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Nghề nghiệp là một vấn đề quan trọng đối với mỗi con người khi đủ tuổi trưởng thành biết suy nghĩ. Bởi nghề nghiệp không những đem lại của cải vật chất mà nó còn mang lại cho ta một chỗ dựa vững chắc xã hội giúp cuộc sống của ta được phù hợp hơn với xã hội trong mọi thời đại.
Hiện nay rất nhiều các bạn thanh niên trẻ đang rất băn khoăn về việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân mình. Đặc biệt đối với những bạn vừa học xong cấp ba. Có những bạn muốn bước tiếp vào đại học, học một chuyên ngành mình yêu thích rồi mới xác định đi làm. Còn một số bạn khác lại muốn đi làm để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống dù ít hay nhiều.
Mỗi một con người sinh ra đã khác nhau thì năng lực và trí tuệ cũng khác nhau dẫn đến cách lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người mỗi khác.Có những người muốn lựa chọn cho mình các công việc mà có mức lương cao làm nhanh có nhiều tiền và có những người muốn chọn cho mình một công việc mà mình thích không quan tâm lương ra sao. Có những người ngay từ nhỏ đã muốn trở thành giáo viên, bác sĩ, công an, kĩ sư…và họ đã ra sức học tập rèn luyện để làm được công việc đó.
Dù là lựa chọn công việc gì đi chăng nữa cũng không quan trọng mà quan trọng hơn cả là lương tâm và đạo đức nghề nghiệp phải phù hợp và đúng đắn với xã hội. Mỗi một công việc lại có một khía cạnh, tầm quan trọng khác nhau do vậy mồ hôi công sức và mức thu nhập khác nhau. Có nghề làm ra được nhiều tiền, có nghề làm được ít tiền nhưng những nghề đó sẽ là nền tảng sự nghiệp cho tương lai về sau. Khi con người ta đã có một công việc ổn định trong xã hội cũng đồng nghĩa với việc họ có một vị trí và một tương lai tốt đẹp trong xã hội và người ta gọi đó là thành công. Mà thành công thì rất quan trọng với mỗi người khiến con người ta ai cũng muốn với tới.
Khi ngày nay xã hội ngày càng hiện đại, mở cửa hội nhập với thế giới thì việc lựa chọn nghề nghiệp cho đúng đắn là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không xác định từ trước có khi bạn sẽ trở thành một người thất nghiệp. Để đảm bảo được sự lựa chọn của mình các thanh niên trẻ hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng xem xã hội cần gì, đang thiếu và năng lực của mình ra sao có đáp ứng được không thì cơ hội việc làm của bạn chọn là rất dễ.
Hiện nay tình trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp nhiều là do mọi người đua nhau học một ngành mà xã hội đã đủ khiến nhiều bạn không xin được việc hay đi làm trái ngành. Điều này làm chúng ta mất rất nhiều thời gian của bản thân. Nếu bạn lựa chọn được và kiên nhẫn thực hiện nó thì bạn sẽ thấy rằng công việc của bạn chọn là không có gì đáng tiếc.
———-LOP12.COM———–