1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
– Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lối sống có trách nhiệm trong xã hội.
– Ví dụ: Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào cấu thành nên một xã hội. Vai trò của con người trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước vô cùng quan trọng. Ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Đó là yếu tố thiết yếu giúp chúng ta vừa có trách nhiệm với bản thân vừa có trách nhiệm với xã hội.
b. Thân bài:
* Giải thích khái niệm sống có trách nhiệm:
– Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân; dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân.
– Sống có trách nhiệm là biết hành xử đúng đắn, biết phân biệt phải trái, biết đối nhân xử thế, giữ lời hứa, dám làm dám chịu hậu quả.
– Tích cực và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động làm những việc cần làm, không né tránh hay thờ ơ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
– Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công việc.
* Vì sao cần phải sống có trách nhiệm?
– Sống có trách nhiệm là một chuẩn mực để đánh giá nhân cách, sự trưởng thành của một người.
– Là một nét sống đẹp, là phẩm chất cần có của những người trẻ hiện đại.
– Là hành động khẳng định giá trị bản thân, dấu hiệu cơ bản, quan trọng của việc hòa nhập với cộng đồng, giúp cho cuộc sống chung trở nên tốt đẹp hơn.
* Biểu hiện của sống có trách nhiệm:
– Đối với học sinh:
+ Chăm lo học tập tốt, hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp
+ Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của nhà trường.
+ Có tinh thần yêu nước.
+ Sống hòa nhập với bạn bè cộng đồng
+ Có mục đích học tập định hướng tương lai nghề nghiệp rõ ràng.
– Đối với công chức:
+ Thực hiện đúng nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao cho
+ Hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho
+ Không vì mục đích tư lợi cá nhân mà làm cho người khác bị thiệt thòi, ảnh hưởng.
– Đối với công dân:
+ Thực hiện tốt quy định của nhà nước, của pháp luật
+ Có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và mọi người xung quanh.
+ Biết chia sẻ và yêu thương
+ Tích cực tham gia các hoạt động tập thể.
+ Biết giữ gìn sức khỏe, biết cách học tập, đổi mới và tích cực phấn đấu.
+ Có trách nhiệm với bố mẹ, với anh chị em, với những lời nói mà mình nói ra hằng ngày đối với họ.
+ Khi làm việc gì đó sai lầm, không nên chối cãi, cố tình lảng tránh mà nên có trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm.
+ Biết ý thức bảo vệ môi trường, ngăn chặn những hành vi xấu xa.
* Ý nghĩa, vai trò của sống có trách nhiệm:
– Hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ được giao
– Giúp chúng ta ngày càng tốt đẹp, hoàn thiện bản thân mình hơn.
– Được mọi người xung quanh yêu quý, kính trọng và giúp đỡ
– Có được lòng tin của mọi người
– Thành công trong công việc và cuộc sống
– Đảm bảo quyền hạn, lợi ích của mình và người khác góp phần phát triển và giữ gìn đất nước.
* Bài học nhận thức và hành động:
– Sống có trách nhiệm là một lối sống đúng đắn cần phải được cổ động và thực hiện phổ biến trong cộng đồng.
– Mỗi con người cần phải sống có trách nhiệm để góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
– Hãy sống có trách nhiệm với cuộc đời mình vì chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn mong muốn.
c. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề: Trong thời đại ngày nay, lối sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và đất nước rất cần thiết, trở thành động lực để phát triển đất nước và xây dựng văn hóa xã hội lành mạnh, tiến bộ.
– Liên hệ bản thân: Em sẽ học tập tốt để trở thành người có trách nhiệm.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về lối sống có trách nhiệm bằng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Cuộc sống càng hiện đại và phát triển thì đi cùng nó cũng là sự bận bịu lo toan cho cuộc sống khiến con người ta mệt mỏi, và một lúc nào đó tự đánh mất sự nghiêm khắc với chính bản thân, nhiều người trở nên vô trách nhiệm với chính việc mình đã làm. Ở một khía cạnh khác, công nghệ dần thống trị cuộc sống, để rồi ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng chung, ta trở nên ích kỉ hơn, vô trách nhiệm hơn. Nếu mỗi cá nhân cứ tiếp diễn như vậy, có lẽ chỉ một khoảnh khắc thôi nó sẽ bám rễ trong cuộc sống của ta, của cả thế hệ sau nữa. Vậy chúng ta còn chờ đợi gì mà không thay đổi, để sống có tinh thần trách nhiệm, không phải vì xã hội mà là vì chính bản thân bạn đã.
Vậy để hiểu rõ hơn về vấn đề này trước tiên chúng ta phải biết và hiểu về thế nào là trách nhiệm, thế nào là tinh thần trách nhiệm? Câu trả lời không hề khó khăn như bạn nghĩ, nó đơn giản vô cùng, trách nhiệm là nhiệm vụ, nghĩa vụ mà ta phải hoàn thành khi được người khác giao cho, người có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn sẵn sàng dốc hết sức lực và nhiệt huyết để hoàn thành công việc, dù có khó khăn đến mấy nhưng họ vẫn cố gắng hoàn thành. Kể cả khi họ phạm lỗi, họ cũng dám đứng ra sửa sai và nhận lỗi lầm đó về mình.
Không dễ dàng gì mà ta có thể làm được mọi việc, tất nhiên sự trọn vẹn ấy chỉ đặt ra cho chúng ta một cách tương đối, làm tốt được việc ta phải làm mỗi ngày, hoàn thành trách nhiệm của một người công dân đối với cộng đồng, ta sẽ cảm thấy ưng ý, cảm thấy vui. Thế nhưng nếu tất cả mọi việc ấy không được thực hiện thì tức là ta đã và đang không có trách nhiệm gì đối với cuộc sống này. Vì vậy việc xác định trách nhiệm của mỗi người là việc rất cần thiết. Là một người học sinh ta phải xác định được trách nhiệm đối với việc học, đối với thầy cô. Là một người con thì đó lại là trách nhiệm đối với gia đình, cha mẹ. Nếu là một công dân ta phải biết mình đã, đang và sẽ làm gì để cống hiến cho đất nước, cho cộng đồng. Trong quá trình hòa nhập cộng đồng thì việc đi lại là điều tất yếu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những người khuyết tật không thể tự mình di chuyển được. Ý thức được nỗi đau khổ của những người kém may mắn hơn ta, nhiều người từ mọi miền đất nước đã chung tay góp sức cùng giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Ngoài ra còn có nhiều người mà ngày đêm họ phải đối mặt với cuộc sống mưu toan vất vả, thiếu thốn bộn bề cũng đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm, dang rộng vòng tay giúp đỡ. Là một công dân của xã hội, trách nhiệm làm cho xã hội phát triển là điều ưu tiên hàng đầu. Mỗi việc làm của mỗi người chúng ta ít nhiều đều góp phần vào việc phát triển của xã hội. Đi trong công viên tiện tay vứt rác xuống bãi cỏ hay ngồi trên ghế đá tiện tay hái hoa, khạc nhổ bừa bãi. Đó có phải là lối sống đẹp, lối sống có trách nhiệm đối với môi trường hay không? Một câu nói ấm êm lúc buồn bã sẽ làm dịu đi nỗi đau và một hành động thiết thực sẽ góp phần làm nên một hành tinh xanh. Đó là một phần nho nhỏ trong ngàn việc ta phải làm để thể hiện mình là người sống có trách nhiệm với môi trường chung của cộng đồng.
Nếu bạn là một người học sinh, bạn cần có tinh thần trách nhiệm không? Tất nhiên ai cũng cần phải có đức tính này và học sinh cũng không ngoại lệ. Học tập là một quá trình khó khăn và đầy thử thách, nếu mỗi chúng ta không tự có trách nhiệm với bản thân mình thì sẽ không thể đạt được kết quả tốt trong học tập. Cùng là học sinh, cùng nhận thức chung một nền giáo dục nhưng tại sao lại có những em học sinh giỏi và những em học sinh cá biệt yếu kém. Câu trả lời là những em học sinh giỏi đã sớm rèn luyện cho mình phải có tinh thần trách nhiệm trong việc học tập của bản thân.
Việc cố gắng học tập, tìm tòi các phương pháp mới sẽ khiến việc học trở lên lý thú hơn. Không phải học nhồi nhét là tốt, mà học phải đi đôi với hành, vận dụng những kiến thức được học vào đời sống để làm cuộc sống ý nghĩa hơn mới gọi là học. Nhưng nhiều em học sinh vẫn còn lười biếng, ngại khó không dám học, hoặc học vẹt, học tủ một cách qua loa. Việc vô trách nhiệm trong học tập đó đã khiến một số bạn ngày càng bỏ bê việc học, làm kết quả học tập dần thụt lùi, thua kém bạn bè.
Thực tế ngày nay, không ít những người trẻ đang hờ hững với cuộc sống, thiếu lí tưởng, khát vọng. Thiết nghĩ những người trẻ chúng ta đang hoang phí sự sống để rồi tự hủy hoại ước mơ, hoài bão, lí tưởng của mình cũng như niềm tin tưởng của gia đình, bạn bè và xã hội. Thái độ thiếu trách nhiệm ấy còn thể hiện ở việc làm sai mà không thừa nhận và cho rằng đó không phải là nghĩa vụ của mình. Nhiều bạn trẻ đi trên đường ăn mặc hở hang mà không hề ngại ngùng gì trước bao con mắt cười chê của cộng đồng. Và đáng trách hơn nữa là những ai không xác định được mục tiêu, trách nhiệm của mình. Suốt ngày ăn chơi lêu lõng, bỏ bê việc học, lãng quên đi trách nhiệm của một người công dân đối với cộng đồng, bổn phận một người con đối với gia đình.
Vậy ta cần làm gì để có thể giúp cho xã hội phát triển? Bác Hồ có nói: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Trước hết là chúng ta phải ra sức học tập để cống hiến cho xã hội. Không nên tự hài lòng với những gì mình làm được hay hưởng thụ những thành quả do mình tạo nên. Hãy biết quan tâm tới cảm xúc của người khác và đối xử công bằng với họ. Học cách sống có trách nhiệm là một quá trình kéo dài xuyên suốt trong đó bản thân ta phải là người nỗ lực phấn đấu để làm tốt trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Là một học sinh, em cũng nhận ra trách nhiệm của mình không chỉ có mỗi việc học mà còn phải giúp đỡ bố mẹ việc nhà, trở thành một người con ngoan trò giỏi, góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh hơn. Em sẽ cố gắng trở thành một người có tinh thần trách nhiệm, có ích cho xã hội.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Từ xưa đến nay, con người vẫn được xem là tế bào cấu thành nên một xã hội. Vai trò của con người trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước vô cùng quan trọng. Ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Đó là yếu tố thiết yếu giúp chúng ta vừa có trách nhiệm với bản thân vừa có trách nhiệm với xã hội. Bởi vậy sống có trách nhiệm chính là lối sống lành mạnh và cần phải phát huy.
Sống có trách nhiệm là gì? Sống có trách nhiệm chính là lối sống làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, chức trách đối với bản thân mình, với gia đình và xã hội. Hơn hết còn phải có trách nhiệm với những suy nghĩ, hành động và việc làm của bản thân mình. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm làm, có trách nhiệm gánh vác, có trách nhiệm nhận sai khi gây ra lỗi lầm. Đó mới chính là một công dân tốt và có ích cho xã hội.
Trở nên có trách nhiệm với bản thân nghĩa là tập trung vào những mong muốn, nhu cầu của mình đồng thời tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề của bản thân. Điều cấm kị nhất đối với mỗi cá nhân là đứng cách ly, tự tách biệt mình với xã hội. Phải để bản thân tham gia các hoạt động tập thể, trái nghiệm những cái tốt đẹp và mới mẻ để tự rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân. Gia đình là nền tảng xây dựng lên nhân cách của mỗi con người, một đứa trẻ sinh và lớn lên theo chiều hướng xấu hay tốt một phần là do ảnh hưởng của gia đình. Vì thế nên đối với gia đình, ta phải xây dựng cho mình một hình mẫu ngoan ngoãn, lễ phép và yêu quý các thành viên khác. “Kính trên nhường dưới” là tiêu chuẩn đặc biệt cần chú trọng trong quan hệ gia đình. Mặt khác, ta cũng cần phải biết chia sẻ và yêu thương. Sẽ không bao giờ thiệt thòi nếu ta cho đi yêu thương của chính mình.
Và vấn đề, cũng như trách nhiệm chính yếu của mỗi học sinh chính là học tập. Trong học tập, chúng ta cần phải chú tâm và biết tìm tòi, khám phá. Kiến thức không chỉ gói gọn trong những trang sách mà còn trải dài ra thế giới bao la nhiệm vụ của mỗi học sinh là sử dụng sách vở để dẫn dắt ta ra thế giới kiến thức đó, tìm kiếm và thu thập những tài liệu quý báu cho bản thân, trau dồi kinh nghiệm thực tế để giúp đỡ ta trong quá trình học tập. Mặt khác, cách học và đạo đức trong việc học cũng có ý nghĩa không kém. Không phải học nhồi nhét là tốt, mà học phải đi đôi với hành, vận dụng những kiến thức được học vào đời sống để làm cuộc sống ý nghĩa hơn mới gọi là học. Và tránh ngay kiểu học vẹt, học qua loa cho xong, vì đó chính là những cách học giết chết tri thức bạn. Bên cạnh đó, ta phải biết tự điều chỉnh hành vi trong việc học, giữ cho tâm mình ngay thẳng thật thà là một điều tốt. Giả sử như trong một bài kiểm tra nào đó, ta có hành vi gian lận thì đó chính là vô trách nhiệm với bản thân. Đây không phải là trịnh trọng hóa vấn đề, nhưng thử nghĩ xem, ta làm một lần thì khả dĩ sẽ có lần thứ hai, thứ ba, tương lai chúng ta sẽ ra sao nếu như cứ mãi quen thói lừa dối và ỷ lại ? Vận mệnh đất nước sẽ thế nào nếu rơi vào tay một kẻ như thế?
Là học sinh, mỗi ngày chúng ta cần phải có trách nhiệm với việc học. Trước khi đến lớp cần phải hoàn thành bài tập của ngày hôm qua và chuẩn bị bài mới cho ngày mai. CHúng ta cần phải trình bày cẩn thận sạch sẽ với chính bài làm của mình, không được cẩu thả, sống buông thả không có trách nhiệm. Từ những việc nhỏ thế này mà chúng ta không làm được thì những việc lớn hơn liệu chúng ta có đủ sức và đủ bản lĩnh để làm hay không?
Đối với gia đình, chúng ta nên có trách nhiệm với bố mẹ, với anh chị em, với những lời nói mà mình nói ra hằng ngày đối với họ. Tuy chỉ là những việc nhỏ nhặt nhưng nó sẽ hoàn thành nên thói quen và nhân cách của bạn sau này. Khi bạn làm việc gì đó sai lầm, bạn nhận ra rằng nó sai, bản thân không nên chối cãi, cố tình lảng tránh nó mà cần thiết nên có trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm. Đó chính là cách để chúng ta có thể định hình được phương châm sống lâu dài mai sau.
Sống có trách nhiệm còn được thể hiện qua những hành động rất nhỏ nhặt trong đời sống, những thói quen hằng ngày mà chúng ta dần như quên đi vì nó quá quen thuộc. Giả sử như việc đúng giờ, đúng hẹn cũng là sống có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với công việc của bản thân, trách nhiệm với uy tín và có trách nhiệm với đối phương.
Tuy nhiên, hiện nay có không ít người thể hiện lối sống vô trách nhiệm. Tình trạng nhiều bạn nữ phải vào bệnh viện khi còn rất trẻ như hiện nay thì đó là một hiện thực quá đau lòng. Nhiều người sa ngã vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma úy, nghiện hút…
Đối với một học sinh, trách nhiệm quan trọng nhất đó chính là cố gắng học tập tốt, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của trường, lớp cũng như biết yêu thương bạn bè, kính trọng thầy cô và những người xung quanh. Đồng thời, cần phải xác định cho bản thân một ước mơ, một lý tưởng để cố gắng hoàn thành nó và trở thành người có ích trong tương lai.
Tóm lại, mỗi người cần có ý thức xây dựng cho mình một lối sống có trách nhiệm. Cũng như nhà diễn thuyết, tác gia, chính trị gia người Mỹ – Les Brown từng khẳng định: “Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy biết rằng chính bạn là người sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai khác”.
—–LOP12.COM—–