Phát biểu ý kiến về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: Học đế biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình
1. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
2. DÀN BÀI CHI TIẾT
Mở bài
- Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích đúng đắn của việc học.
- Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng… nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.
Thân bài:
a. Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO:
- Học để biết:
- Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống “trường đời”.
- “Học để biết” tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người…
- Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc…
- Con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết mình”,…
- Học để làm:
- “Học để làm” là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống.
- Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống
- Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.
- Học để chung sống:
- “Chung sống” là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người…
- “Con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.
- Học để tự khẳng định mình:
- “Tự khẳng định mình” là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình
- Mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…
b. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:
- Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.
- Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay.
- Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống,…
- Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học
- Mục đích học tập này giúp người học:
- Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập.
- Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế.
- Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.
3. Kết bài:
- Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.
- Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?
3. BÀI VĂN MẪU
Đề: Phát biểu ý kiến về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: Học đế biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.
Gợi ý làm bài
Lênin từng khích lệ: “Học, học nữa, học mãi” – việc học luôn luôn được toàn xã hội quan tâm, bởi nó có vai trò vô cùng to lớn trong chính bản thân mỗi người và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Học trở thành một kim chỉ nam sống của mỗi người. Bởi vậy, việc xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn là điều cốt yếu. UNESCO đã đưa ra sự khẳng định rất sâu sắc về việc học: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Mỗi ngày trôi qua, thông qua việc “học” mà chúng ta lĩnh hội được rất nhiều tri thức. Học giúp chúng ta biết nhiều hơn, mở mang hơn tầm nhìn, thế giới quan của đời sống. “Học để biết” là nhờ học tập mà chúng ta tiếp thu những tri thức kiến thức mới mẻ, bổ ích, biết nhiều hơn về cuộc sống. “Học để làm” là áp dụng tri thức vào đời sống, kết hợp lí thuyết với thực hành. Từ việc “biết”, việc “làm” mà chúng ta “học để chung sống”, học để thích nghi với mọi hoàn cảnh và giúp cho các mối quan hệ giữa con người với con người trở nên khăng khít bền chặt hơn, các mối quan hệ xã hội cũng từ đó mà được mở rộng, phát triển. Và cũng qua việc học của mỗi người, bản thân họ bằng chính năng lực, nhận thức, nhân cách và hành vi đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Đó là “học để khẳng định mình”, sự tự khẳng định giá trị của bản thân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội thực tại. UNESCO khẳng định tầm quan trọng, thúc đẩy nhận thức đúng đắn trong xác định mục đích học tập. Đây cũng là lời nhắn gửi đến mỗi người, đặc biệt là mỗi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường việc xác định được cho chính mình mục tiêu, động cơ học tập.
Tri thức của nhân loại là vô bờ bến, mỗi người sinh ra không phải tự nhiên mà biết hết, mọi thứ trong tâm trí đều phải từng ngày học tập tích lũy được. Bằng những kiến thức trong đời sống và trong học tập trên ghế nhà trường, chúng ta biết nhiều hơn về thế giới và dân tộc. Ta được đi qua những năm tháng sau hào hùng đấu tranh chống giặc ngoài xâm của dân tộc qua môn Lịch sử, ta biết thêm về không gian địa lí, sông ngòi, núi rừng và cả những đất nước tươi đẹp và đầy hấp dẫn trên thế giới qua môn Địa lí. Ta được học cách tính toán, logic, phân tích, giải thích các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên qua Toán học, Vật lí hay Hoá học. Ta được trau dồi, bồi dưỡng năng khiếu qua Âm nhạc, Hội hoạ, Thể thao. Tất cả đều góp phần vào sự hiểu biết của bản thân mỗi người. Giữa nền tri thức bao la, vô tận, ta như hạt cát nhỏ giữa sa mạc mênh mông khát khao chiếm lĩnh vốn tri thức của nhân loại cung cấp cho tầm hiểu biết của mình. Nhưng nếu học chỉ để biết thôi thì đó là lí thuyết suông, sự học chỉ có tác dụng khi chúng ta biết vận dụng nó vào thực tiễn, vào đời sống. Từ kiến thức lí thuyết vào thực hành phải cần có kĩ năng, năng lực thực sự. Thông qua các nguyên lí hoạt động mà chế tạo ra được nhiều loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thông qua kiến thức về hoá học để bào chế các loại thuốc phục vụ cho y học,… Học cả từ những kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được để áp dụng vào lao động, nâng cao sản lượng, năng suất và chất lượng làm việc. Mọi sự học đều nhằm mục đích là để làm, để cống hiến cho đời sống xã hội.
Học còn là để hoà nhập, để chung sống trong cộng đồng. Con người không bao giờ có thể tách khỏi cộng đồng mà tồn tại, đó là mối quan hệ xã hội. Việc học giúp chúng ta rèn luyện nhân cách đạo đức, lối sống, có thức và trách nhiệm công dân. Học mang đến cho chúng ta những bài học sâu sắc về đối nhân xử thế, học cách lắng nghe, tôn trọng, thấu hiểu và thông cảm cho nhau, giúp đỡ nhau trong những sự khốn cùng của đời sống. Qua bao bài văn, bài thơ, ta thêm yêu đất nước con người.
Thật vậy, văn học dạy cho ta cách làm người, học văn học ta trở nên “người” hơn bao giờ hết. Đó là tiếng nói thương cảm trước số phận bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, là phẫn uất và xót xa trước kiếp người tài hoa bạc mệnh của nàng Kiều, là khâm phục học tập trước lý tưởng anh hùng của những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc. Học đã mang lại cho ta những tình cảm chân thành, để ta biết yêu thương và sẻ chia hơn, để ta được hoà nhập tốt hơn vào nền văn minh của nhân loại, thích nghi với những tiến bộ của xã hội để loại bỏ những hành vi, suy nghĩ còn lạc hậu, cũ kĩ trong đời sống. Song, mỗi người đều là những bản ngã, khao khát được khẳng định chính mình trong xã hội. Sự học giúp con người tự khẳng định năng lực tài năng của chính mình trong công việc, trong xã hội và được mọi người công nhận tài năng của mình. Một chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được cả thế giới ngưỡng mộ và biết đến với học thức sâu rộng, uyên thâm và nhân cách lớn lao. Một giáo sư Ngô Bảo Châu bằng sự quyết tâm, nỗ lực và sự say mê học tập, nghiên cứu đã mang vinh quang về cho Tổ quốc với giải thưởng toán học danh giá. Một doanh nhân thành đạt, một ca sĩ nổi tiếng, một nhạc sĩ tài ba, một nhà văn được người người yêu mên, khâm phục cũng không phải ngẫu nhiên họ có được mà chính bởi sự kiên trì mài giũa, tích lũy hàng ngày mới nên. Khẳng định chính mình không chỉ mang lại niềm vui cho bản thân, niềm tự hào cho gia đình mà nó còn là niềm hãnh diện của cả đất nước.
Hiện nay, vẫn còn nhiều bạn xem thường việc học, học qua loa, sơ sài và không ý thức, tham gia vào các trò chơi vô bổ, tiêu tốn thời gian vô ích, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Việc gian lận trong thi cử, học tập cũng diễn ra thường xuyên bằng nhiều hình thức. Điều này cần lên án, để có một môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn. Để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước trong thời đại công nghiệp hoá hiện đại hóa, kinh tế hội nhập quốc tế. Mỗi chúng ta hãy xác định đúng đắn hơn nữa việc học, mục đích học của chính mình ngay từ bây giờ. Chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức, trau dồi tri thức, tự học, tự rèn luyện hơn nữa. Hãy là những chủ nhân tương lai đầy nhiệt huyết và tài năng, khẳng định chính mình trên trường quốc tế.
—–LOP12.COM—–