1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Dẫn dắt vào vấn đề giữ gìn tiếng mẹ đẻ và học tập tiếng nước ngoài.
2.2. Thân bài
a. Giải thích
– Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nhân cách và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu.
– Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý.
b. Thực trạng văn hóa ngôn ngữ giao tiếp ở giới trẻ hiện nay
– Trào lưu, “mốt” sử dụng tiếng lóng, tiếng nhại, ngoại ngữ, ngôn ngữ Tây hóa để giao tiếp trở thành yếu tố để muốn tự khẳng định đẳng cấp của mình đang xâm nhập và lan tỏa ở giới trẻ hiện nay.
– Xu hướng lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ trong giao tiếp của giới trẻ biểu hiện dưới các dạng:
+ Lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vay mượn từ nước ngoài.
+ Những hiện tượng biến đổi ngôn ngữ Tiếng Việt như: gọi đơn vị tiền tệ bằng “k”, chê người khác là “cùi bắp”, hoặc nhại âm, cắt âm…có biểu hiện lệch chuẩn.
+ Ngôn ngữ “Chat” có nhiều kiểu viết tối nghĩa, hoặc biến âm, hoặc biến nghĩa cẩu thả.
+ Hiện tượng nói tục chửi bậy đã trở nên phổ biến ở mọi lớp người, nhưng đặc biệt nghiêm trọng trong thế hệ trẻ.
c. Hậu quả việc lạm dụng tiếng nước ngoài
– Trước hết, không thể phủ nhận rằng, việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ nước ngoài cũng có tác dụng nhất định như: khả năng truyền đạt thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian (chủ yếu dùng ký hiệu, viết tắt), có những yếu tố sáng tạo… làm cho hoạt động giao tiếp cũng phong phú hơn.
– Tuy nhiên, lạm dụng tiếng lóng, tiếng nước ngoài hiện nay ở giới trẻ khiến cho tiếng Việt có nguy cơ bị xâm hại xét về phương diện văn hóa ngôn ngữ.
+ Làm cho ngôn ngữ dân tộc bị méo mó, mất giá trị văn hóa của tiếng Việt, mất bản sắc văn hóa ngôn ngữ nước nhà.
+ Làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt và gây ảnh hưởng nguy hại đối với văn hóa ứng xử của con người.
d. Nguyên nhân
– Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại…).
– Sự buông lỏng, thiếu sự quản lý chặt chẽ các trang báo mạng xã hội, các thông tin quảng cáo và kiểm duyệt các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là truyền hình:
+ Các phương tiện thông tin đại chúng trong xã hội gây ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ. Việc tiếp cận các văn hóa phẩm lệch lạc dễ dàng khiến cho giới trẻ mất kiểm soát bản thân.
+ Một số báo cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ ở giới trẻ qua những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. Đặc biệt là hiện tượng ăn theo sự kiện, vụ lợi của các kênh truyền hình vô tình biến một hình tượng lệch lạc trở thành trào lưu nóng, thu hút giới trẻ quan tâm và bắt chước.
– Mặt khác, các nhạc phẩm của các ban nhạc, lời của các bài hát sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực, chạy theo thời thượng.
e. Giải pháp
– Về phía gia đình: Bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài; những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ (viết, nói, giao tiếp) trẻ tiếp thu, bắt chước rất nhanh.
– Về phía nhà trường, xã hội:
+ Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội; tự trau dồi và làm phong phú vốn ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy; dạy đúng chuẩn tiếng Việt; không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh… Không sử dụng sách giáo khoa, từ điển kém chất lượng và có nhiều sai sót; nghiêm cấm các hành vi chửi bậy, nói bậy trong nhà trường.
+ Phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, sàng lọc thông tin kỹ lưỡng trước khi người đọc tiếp cận.
– Mỗi học sinh tự trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình.
g. Bài học nhận thức và hành động
– Nhận thức: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân nước Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với cái mới càng cần tỉnh táo, bản lĩnh trước thời hội nhập, để góp phần giữ vững bản sắc ngôn ngữ dân tộc mình.
– Hành động:
+ Luôn ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp, vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong học tập.
+ Luôn cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới của thời hiện đại; hòa nhập nhưng vẫn giữ được phẩm chất trong sáng của người học sinh.
2.3. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận về việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ và học tập tiếng nước ngoài
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi một người khi sinh ra đều có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình, có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ ta biết nói đầu tiên. Tiếng Việt là ngôn ngữ trong sáng, đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hiện nay việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ lại trở thành một vấn đề tương đối phức tạp và khó khăn, cùng với đó là việc học tập tiếng nước ngoài cũng khiến cho ngôn ngữ nước nhà có phần thay đổi.
Tiếng Việt của chúng ta vốn là một ngôn ngữ vô cùng đa dạng, phong phú. Trong tiếng Việt có rất nhiều cách nói đa thanh, đa nghĩa, chỉ cần trong câu văn đảo trật tự từ hoặc thay đổi cách ngắt nghỉ hay thêm bớt một từ thôi là nghĩa của câu có thể hoàn toàn thay đổi. Tiếng Việt cũng giống như linh hồn của đất nước vậy, nó là bản sắc, là hồn túy của dân tộc. Tiếng Việt chất chứa bề dày lịch sử, nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Người Việt sử dụng tiếng Việt mới thẩm thấu được nhiều những lớp ý nghĩa trong cách nói năng của mọi người. Còn tiếng Việt là còn đất nước. Thế nhưng hiện nay, tiếng Việt lại ngày một trở nên mai một, biến chất. Con người sử dụng tiếng mẹ đẻ không còn khéo léo, phong phú như trước nữa. Nếu để ý, bạn sẽ thấy thế hệ cha ông chúng ta dùng nhiều những từ cổ, cách nói có nhiều ca dao tục ngữ, lời lẽ đa dạng, muốn bay bổng có bay bổng, muốn hài hước có hài hước, muốn bi thương có bi thương. Còn giới trẻ hiện nay, không những không nắm bắt được ngữ nghĩa của nhiều từ mà cách sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng bó hẹp trong những từ thông dụng, căn bản, không thể hiện được sự đa dạng, nhiều sắc thái của tiếng Việt.
Thêm vào đó, việc sử dụng nhiều tiếng lóng, các từ ngữ nước ngoài, chữ cách tân khiến cho tiếng Việt bị biến chất. Việc học tập tiếng nước ngoài thì ngày càng trở nên phổ biến hơn, thông dụng hơn, dễ dàng hơn. Người Việt sử dụng tiếng Anh ngày càng nhiều và thông thạo. Không những thế tiếng tiếng Hàn, tiếng, Trung Quốc, tiếng Nhật Bản cũng ngày càng phổ biến. Việc học tiếng nước ngoài và học tiếng Việt dường như tỉ lệ nghịch với nhau. Người Việt thì sử dụng tiếng nước ngoài ngày càng nhiều nhưng sử dụng tiếng Việt thì lại càng biến chất, nghèo nàn.
Có những thay đổi trên một phần là do sự phát triển của cuộc sống xã hội, sự hội nhập của nước ta với thế giới khiến cho các mặt của đời sống xã hội, kinh tế chính trị đều thay đổi trong đó có yếu tố văn hóa. Chúng ta đang đẩy mạnh giảng dạy tiếng nước ngoài trong giáo dục để phục vụ cho việc công tác sau khi ra trường. Các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Các bộ phim, chương trình truyền hình, làn sóng idol… đã khiến cho các bạn trẻ ngày càng sử dụng nhiều từ nước ngoài. Thay vào đó, việc vận dụng linh hoạt ngôn ngữ mẹ đẻ khá xa lạ và khó khăn với các bạn. Điều này dẫn đến tiếng Việt ngày càng bị mai một, biến chất, có nhiều từ ngữ thậm chí không còn được sử dụng trong giao tiếp, trong đời sống hàng ngày.
Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong đó có tiếng nước ngoài là rất tốt. Nhưng song song với đó, chúng ta phải có ý thức chủ động giữ gìn tiếng mẹ đẻ của mình bằng cách thường xuyên đọc sách, lắng nghe và sử dụng thường xuyên ngôn ngữ tiếng Việt một cách đa dạng, phong phú. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc chúng ta.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Ngôn ngữ mẹ đẻ của một quốc gia dân tộc là biểu hiện cho nền văn hóa của đất nước, là di sản vô cùng quý giá của dân tộc mà ông cha ta đúc kết, hoàn thiện suốt mấy ngàn năm văn hiến, đồng thời là một trong những yếu tố cấu thành đất nước. Ngày nay trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc biết thêm một vài ngôn ngữ để nâng cao trình độ là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, thế nhưng, không vì thế mà chúng ta bỏ quên không còn trân trọng tiếng mẹ đẻ, thay vào đó chúng ta phải hết sức giữ gìn và phát huy nó như một niềm tự hào của dân tộc.
Tiếng mẹ đẻ hiểu nôm na là thứ ngôn ngữ đầu tiên chúng ta được học và tiếp xúc từ thuở thơ ấu, từ khi chúng ta bắt đầu có nhận thức. Con người từ khi sinh ra đã được nghe những tiếng à ơi từ lời ru ngọt ngào của bà của mẹ, tiếng nói đầu đời chẳng phải chúng ta được học ở trường ở lớp mà do chính những người thân trong gia đình chỉ dạy. Nói như vậy để biết rằng tiếng mẹ đẻ gần như là một bản năng được xây dựng trong chính quá trình chúng ta sinh sống và phát triển, dù không được giảng dạy chính thức ở trường học thì bản thân mỗi con người vẫn có thể lĩnh hội được thông qua đời sống hằng ngày, thông qua giao tiếp với xã hội. Tiếng mẹ đẻ là một dạng ngôn ngữ mang tính truyền thống và kế thừa, cha mẹ truyền cho con cái của mình thông qua quá trình nuôi dạy, là cái gốc gác đã ăn sâu vào máu thịt vào tâm hồn của mỗi con người, trở thành nét đặc sắc riêng cho từng quốc gia, dân tộc, dùng để phân biệt giữa các dân tộc với nhau và thể hiện sự thống nhất của một cộng đồng người.
Tiếng nước ngoài hay còn gọi là ngoại ngữ, là một ngôn ngữ thứ hai, của một quốc gia dân tộc khác, việc học tập chúng khá khó khăn, bởi nó không mang tính truyền thống và kế thừa, cũng không phải được sử dụng phổ biến trong một cộng đồng người của một quốc gia. Việc tiếp xúc với chúng khá hạn chế, đặc biệt con người khó có thể nói một ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ bởi chất giọng và thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ từ thời ấu thơ. Ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ hai chúng ta phải học tập tích cực và sử dụng thường xuyên thì mới có thể sử dụng tương đối thành thạo. Người ta có xu hướng quên đi những ngoại ngữ mà mình đã học tập, thậm chí là thành thạo, nếu không có sự củng cố thường xuyên bởi nó là dạng kiến thức tích cực rèn luyện, không phải là một thói quen như tiếng mẹ đẻ.
Đất nước đang trên đà hội nhập, mở cửa giao lưu với thế giới, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự trao đổi giao lưu với người ngoại quốc ngày càng trở nên phổ biến và cực kỳ quan trọng trong công việc. Điều khuyến khích mỗi cá nhân cần ý thức tự trau dồi cho mình thêm một vài ngoại ngữ để phục vụ cho nhu cầu công việc và phát triển bản thân, nâng cao tầm tri thức. Đặc biệt trong các trường học đã bổ sung thêm môn ngoại ngữ, phổ biến nhất là tiếng Anh để phục vụ nhu cầu học tập của các em học sinh. Đó là một dấu hiệu tích cực, đánh dấu sự phát triển và quyết tâm đổi mới của đất nước của nhân dân ta, nhận thức của dân tộc đã ở một tầm cao mới, thật đáng mừng. Tuy nhiên, tích cực trau dồi ngoại ngữ nhưng chúng ta cũng phải chú ý phát triển và củng cố tiếng mẹ đẻ, trước khi học một ngôn ngữ khác thì chúng ta phải nắm cho tinh cho kỹ ngôn ngữ của dân tộc cái đã. Chứ đừng để kiểu nửa vời, tiếng nước họ thì bập bẹ tiếng mẹ đẻ cũng chẳng tinh thông, bởi ngay cả ngôn ngữ của nước mình mà cũng không rành thì mặt mũi nào trò chuyện với bạn bè quốc tế, nếu họ hỏi đến, đó là mất gốc, xấu hổ lắm. Chúng ta phải luôn luôn ý thức được rằng tiếng mẹ đẻ là di sản vô cùng quý giá của dân tộc mà cha ông ta đã mấy ngàn năm phấn đấu để giữ gìn, rồi truyền lại cho con cháu, là niềm tự hào của dân tộc. Đã là người Việt thì phải lấy tiếng Việt làm cái gốc, để dù đi tới đâu người ta cũng nhận ra: “A, anh là người Việt Nam!”, không thể nhầm lẫn với bất kỳ một dân tộc nào khác.
Biết ngoại ngữ cũng là một niềm tự hào, là thứ để khẳng định sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong quá trình hoàn thiện bản thân và chuẩn bị cho bước đường trong tương lai. Thế nhưng, chúng ta phải sử dụng ngoại ngữ sau cho đúng và hợp lý, lúc nào dùng lúc nào không, đừng lạm dụng quá mức mà trở thành người kém duyên, thiếu hiểu biết. Nhiều bạn trẻ, tiếng Anh biết được đôi ba chữ, chẳng lấy gì làm tinh thông, ấy thế mà lúc nói chuyện cứ phải chêm thêm mấy từ vào, cốt là để cho nó “sang”, để khoe khoang với bạn bè rằng ta đây cũng biết ngoại ngữ. Nhưng làm thế để được gì khi trong mắt người đối diện bạn thật kệch cỡm và hài hước, phát âm không chuẩn, cấu trúc của tiếng mẹ đẻ thì bị làm cho rối tung rối mù cả lên, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt? Và đặc biệt không phải trường hợp nào cũng dùng ngoại ngữ, bạn nghĩ sao về việc ông bà, họ hàng xưa nay chỉ nói tiếng mẹ đẻ, bạn lại nói chuyện với họ bằng tiếng Anh, thế không phải là tự tạo sự bất đồng ngôn ngữ và cực kỳ không tôn trọng người đối diện hay sao? Một quan điểm khác về việc học ngoại ngữ, có người nói rằng ngoại ngữ có hay không cũng chẳng sao, bởi tôi chẳng bao giờ dùng đến, cũng chẳng có cơ hội ra nước ngoài. Đó là một quan điểm hết sức sai lầm, đặc biệt là với các bạn trẻ, sao các bạn biết là không dùng đến, sao các bạn biết là không có cơ hội? Trong khi ngoài kia, các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu trình độ ngoại ngữ các loại làm điều kiện ưu tiên, còn cơ hội ra nước ngoài là do bản thân bạn tự tạo ra chứ cớ sao nói là không có cơ hội. Chung quy lại cũng chỉ là do cái suy nghĩ lười biếng, không năng động, tính ì quá lớn của một bộ phận con người, nếu cứ thế mãi thì bao giờ bạn mới có thể thành công được đây.
Tóm lại, chúng ta phải có ý thức giữ gìn tôn trọng và phát huy tiếng mẹ đẻ, luôn tự hào về nền văn hiến 4000 năm của dân tộc, nó giúp tâm hồn chúng ta trở nên trong sáng, tìm về với những bình yên, những giá trị văn hóa tốt đẹp, trân quý của dân tộc. Song song với đó việc học tập ngoại ngữ là vô cùng cần thiết, giúp chúng ta mở mang đầu óc, tạo những cơ hội tốt đẹp cho cuộc sống trong tương lai. Đặc biệt đối với ngôn ngữ nào dù là tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ chúng ta cũng cần phải có thái độ học tập thật nghiêm túc, tránh thái độ hời hợt “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”, hoặc bóp méo ngôn ngữ.
———-LOP12.COM———–