1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận: Chấp nhận sự khác biệt trong cuộc sống
2.2. Thân bài
a. Giải thích:
– “Sự khác biệt trong cuộc sống” không chỉ dùng để chỉ sự khác biệt trong ngôn ngữ, màu da, tôn giáo mà còn dùng để chỉ sự khác nhau trong tính cách, nhận thức, ước mơ, cá tính ở mỗi con người.
b. Phân tích:
– Vì sao cần phải chấp nhận sự khác biệt?
+ Mỗi con người là một cá thể riêng biệt, có cá tính, nhân cách và màu sắc riêng
+ Sự khác biệt có thể làm cho cuộc sống trở nên phong phú, ý nghĩa hơn.
+ Giúp con người hòa nhập với cuộc sống xã hội, gắn kết những mối quan hệ tốt đẹp.
+ Tôn trọng sự khác biệt của người khác sẽ được nhận lại sự tôn trọng, yêu quý của mọi người xung quanh.
+ Trong nhiều trường hợp sự khác biệt còn góp phần tạo nên những thành quả đáng tự hào, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, nhân loại.
– Chứng minh: Đưa ra dẫn chứng trong cuộc sống từng chứng kiến.
– Bài học nhận thức:
+ Cần học cách tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt
+ Hãy nhìn mọi việc bằng con mắt khách quan, thấu đáo và một trái tim chân thành, biết yêu thương.
+ Đừng lấy bản thân ra để đánh giá, phê phán sự khác biệt của người khác vì mỗi người có một giá trị, màu sắc riêng.
– Phê phán những hành động kì thị sự khác biệt.
2.3. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
3. Bài văn mẫu
Đề bài:
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ luôn luôn xuất hiện những khác biệt. Những khác biệt đó là gì? Nó có thể đến từ con người, từ những hành động, lời nói, sự vật hiện tượng… Và điều quan trọng là con người đón nhận và chấp nhận sự khác biệt đó như thế nào.
Có câu nói “Họ cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau”. Sự khác biệt luôn là nguồn cơn của những thái độ, những đối xử khác biệt, bởi đơn giản khác biệt thì rất đặc biệt. Khác biệt ở đây có thể đến từ ngoại hình: màu da, chiều cao, hình dạng; cũng có thể sự khác biệt ở đây là khác biệt về văn hóa, tiếng nói, tôn giáo, dân tộc… Mỗi con người đều có những điểm đặc biệt của riêng mình và những điểm chung của nòi giống, đồng bào mình. Con người nên chấp nhận và tôn trọng những khác biệt ấy.
Bạn nhìn thấy một người có điểm bất thường trên khuôn mặt, một khiếm khuyết nào đó trên cơ thể. Vậy thì đừng vội vàng chỉ trỏ cười cợt họ. Đó là một thái độ vô cùng bất lịch sự, cho thấy bạn là một người có ý thức cùng văn hóa ứng xử rất kém. Không có ai dám đảm bảo mình là một người thực sự hoàn hảo cả. Chúng ta phải biết tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của họ nếu điều đó không ảnh hưởng gì đến chúng ta. Nhìn thấy một người châu Phi trên đường hay một người phụ nữ Hồi giáo bạn sẽ làm gì, có nhìn người ta chằm chằm không, có đưa tay chỉ trỏ, thì thầm với người đi bên cạnh về họ không, có ngoái lại nhìn họ khi đã đi qua rồi không? Nếu có thì quả thực bạn là người có lối ứng xử rất tệ hại. Tại đất nước chúng ta, họ có thể là lạ lùng, nhưng khi ta sang đất nước của họ, ta mới chính là người lập dị. Hãy thử tưởng tượng bạn đang bước đi trên một đường phố châu Âu, châu Mỹ, châu Phi hoặc một đất nước Hồi giáo, tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm và thì thào bàn tán vẻ kì thị, giễu cợt màu da tiếng nói của bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào.
Nếu con người biết đón nhận những sự khác biệt trong cuộc sống, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau hòa đồng, hòa hợp trong một cộng đồng. Điều này sẽ giúp cho mỗi người mở rộng mối quan hệ của mình, sẽ giúp cho mọi người đến gần với nhau hơn, mọi người cùng nhau chung tay tập trung phát triển những mặt khác của cuộc sống thay vì đi soi mói, đàm tiếu về nhau. Nếu một xã hội mà sự khác biệt luôn được tôn trọng thì ở đó những rào cản thông thường sẽ không còn, con người sẽ cùng nhau vững bước, xây dựng một cộng đồng chung lớn mạnh. Ngược lại, người luôn đi săm soi, dị nghị, bàn tán người khác thì chỉ tổ mất thời gian, tâm sức suy nghĩ vào những điều không đâu. Khiến cho con người khác biệt cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Và chính sự kì thị này có thể khiến người khác khinh thường về bạn, đánh giá bạn là một con người thiếu chuyện nghiệp, không thể cố gắng hết mình.
Hãy giáo dục cho mọi người, từ trẻ em đến người lớn cách làm quen và tôn trọng sự khác biệt trong xã hội, để loài người trở nên hòa nhập hơn. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em nhận thức được rằng sự khác biệt chính là yếu tố căn bản và cần thiết để làm nên cuộc sống đa dạng, phong phú, muôn hình vạn trạng. Con người phải biết dung hòa và chấp nhận khác biệt, tôn trọng sự khác biệt vì tất cả đều là bình đẳng với nhau.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Không khó để nhận thấy, những xung đột xảy ra ở lớp trẻ ngày càng nhiều, ngày càng dễ dàng. Ngoài lý do về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự giáo dục không chu đáo chính là nguyên nhân cơ bản. Từ gia đình cho tới nhà trường đều chưa chú ý giáo dục cho các con một điều quan trọng, đó là biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.
Gần đây, trên mạng xã hội, một cuộc hôn nhân rất đẹp của cặp vợ chồng chênh lệch tuổi khá nhiều bị dân mạng “đánh hội đồng” không thương tiếc, thậm chí chửi bới, sỉ nhục, chỉ vì họ đã không yêu và lấy nhau theo cách thông thường là vợ ít tuổi hơn chồng. Một tục lệ có ở một số làng quê là đi ăn cỗ lấy phần đem về cũng bị ném đá tơi bời trên mạng mặc dù nó không làm hại đến ai cả, chủ nhà cũng vui vẻ vì không sợ thừa cỗ, lại còn chuẩn bị sẵn túi nilon để khách mang phần về.
Báo chí từng dẫn ra khá nhiều những vụ đụng độ dẫn đến đổ máu chỉ vì trông đối phương gây “ngứa mắt”. Lên các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy những bài viết, những bình luận có sắc thái phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo. Còn có thể kể ra muôn vàn ví dụ về sự phân biệt, kì thị vô lý như vậy. Tất cả chỉ vì người ta không biết cách tôn trọng sự khác biệt của người khác.
Vậy tại sao cần phải tôn trọng sự khác biệt? Bản chất của cuộc sống, của thế giới là sự đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc đáo không trộn lẫn, không lặp lại. Ngay cả những cặp anh chị em sinh đôi, có cùng cha mẹ, cùng hưởng thụ một cách nuôi dưỡng, một nền giáo dục gia đình, cũng không hoàn toàn giống nhau, thậm chí sự khác biệt cũng rất rõ nét. Vậy làm sao có thể bắt người khác giống mình về sở thích, khiếu thẩm mĩ, quan điểm sống và nhiều thứ khác nữa?
Bởi vậy, không thể hình thành một xã hội đồng phục: đồng phục về trang phục, lối sống, đồng phục về quan điểm, cách cư xử, thậm chí đồng phục về tư tưởng. Nếu có một xã hội như vậy, thì nó thật sự phản nhân văn. Vấn đề là mỗi người phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt. Cha mẹ cần dạy con điều này nếu muốn con có suy nghĩ và hành xử đúng đắn. Khi ta kì thị người khác, tức là ta đang đứng trên, tự cho mình là ở tầng lớp trên, đẳng cấp cao hơn kẻ khác. Cách suy nghĩ này cho thấy óc hẹp hòi, bảo thủ, tầm suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ.
Biết chấp nhận sự khác biệt, tức là con đang hướng đến một cách sống bao dung, độ lượng, vị tha. Điều đó giúp con chan hòa với mọi người, với cuộc sống chung, và đương nhiên con sẽ có thêm nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống. Biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, con đang tiến dần đến sự chín chắn, trưởng thành.
Tôn trọng sự khác biệt không phải là tự đánh mất mình, cũng không phải là xuôi chiều, ba phải. Đơn giản là con yêu những màu sắc phong phú của cuộc sống, như yêu hoa hồng kiêu sa lộng lẫy thì vẫn có thể yêu hoa xuyến chi giản dị, khiêm nhường, yêu hoa tigon hồng hình trái tim tan vỡ, hoa sim hoang dại mà ngan ngát màu chiều…và khi đó, con mới biết chấp nhận cuộc sống như nó vốn có. Chỉ khi con biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, con mới nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Tôn trọng sự khác biệt, chính là tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người. Không thể bắt một con cá leo cây, cũng như không thể bắt một con ong phải sống dưới nước. Con cần biết tôn trọng lựa chọn của người khác: quần áo, đầu tóc, quan điểm sống…cũng như tôn trọng tự do cá nhân của chính mình.
Con nên nhớ, chiếc áo không làm nên thầy tu, những biểu hiện bên ngoài đó chưa phải là tất cả để nói lên bản chất con người. Con không nên vội vàng đánh giá người khác chỉ dựa vào những biểu hiện bề ngoài.
Tôn trọng sự khác biệt, khó nhất là chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Con cần hiểu rằng đã là văn hóa thì không có cao hay thấp, chỉ có sự khác biệt mà thôi. Chỉ khi nào nét văn hóa riêng biệt đó nó phản nhân văn, phản khoa học thì mới coi là hủ tục, mới đáng lên án, bài trừ. Con không nên phân biệt vùng miền, lại càng không nên chỉ trích nét văn hóa đặc trưng của vùng miền nào đó.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống riêng cho mình. Con không nên kỳ thị người đồng tính, kỳ thị dân tộc, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo… Con cần hết sức tránh thái độ xoi mói, xâm phạm vào đời tư, vào quyền riêng tư của người khác. Tọc mạch là một thói xấu, một cách hành xử hết sức đáng chê trách. Sống với thái độ kỳ thị, chính là đào sâu thêm hố ngăn cách biệt giữa người với người, làm cho mối quan hệ giữa người với người xấu đi.
Một xã hội văn minh, tốt đẹp là một xã hội con người biết tôn trọng lẫn nhau, biết tôn trọng tự do cá nhân của nhau, biết chấp nhận sự khác biệt từ người khác. Con hãy sống chân thành với thái độ tôn trọng mọi người, rồi cuộc sống sẽ mỉm cười với con. Hãy là một người sống và cư xử văn minh, con nhé.
———-LOP12.COM———–