1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
– Nêu đề tài nghị luận: Người anh hùng trong thời đại ngày nay
– Đưa ra quan điểm chung của bản thân về đề bài.
b. Thân bài:
* Bàn luận vấn đề:
– Anh hùng là những con người sống và thực hiện những hành động dựa trên lý tưởng của bản thân và kỳ vọng của mọi người. Là những người không ngại khó khăn, thử thách, nghịch cảnh mà luôn luôn làm những điều tốt đẹp hướng tới xã hội và cộng đồng.
– Anh hùng về danh từ có thể hiểu là người lập nên công trạng to lớn với nhân dân đất nước hoặc có những hành động hoặc bản lĩnh phi thường; về động từ chỉ các hành động anh hùng. Từ anh hùng được sử dụng với nghĩa tốt để tuyên dương các cá nhân, tập thể hoặc hành động nào đó.
* Lập luận, quan điểm bản thân:
– Ngày nay, có rất nhiều những “anh hùng” xuất hiện không chỉ bằng những hoạt động hay cống hiến lớn lao cho xã hội, đất nước mà những người “anh hùng” còn xuất hiện cả trong hành động nhỏ của mình giữa cuộc sống. Nhưng điểm chung là họ đều hành động không phải vì cái danh “anh hùng” được mọi người bình bầu mà nó chỉ đơn giản là xuất phát từ tấm lòng, từ quan niệm sống và cách nhìn nhận về vấn đề đó, khiến họ không thể ngồi im hay khoanh tay đứng nhìn.
* Liên hệ thực tế: Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, có rất nhiều những nhà hảo tâm đã làm cơm trưa, phục vụ miễn phí cho các y bác sĩ trong bệnh viện, cổ vũ để các bác sĩ có thêm động lực, giúp phần nào để đất nước đẩy lùi khó khăn và vượt qua dịch bệnh. Hay nhà hảo tâm giúp cho người nghèo đảm bảo những bữa cơm trưa trong những ngày cả nước thực hiện “Cách ly toàn dân”. Họ làm việc này xuất phát từ cái tâm, không màng lợi ích. Và đó chính là “hành động nhỏ” tạo nên những “anh hùng” đời thường.
* Phản đề: Hiện tượng anh hùng bàn phím: Cư dân mạng đặt ra nhiều cụm từ dùng để chỉ đến những người sử dụng máy tính, internet để làm, hoặc nói bất cứ thứ gì mình thích: nói xấu, bới móc, thích gây chú ý, chê trách người này và đả kích người kia,… và “anh hùng bàn phím” là cái tên đang được đề cập nhiều nhất.
c. Kết bài:
– Tóm lại suy nghĩ của em về người anh hùng thời nay.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Sự sống đang vỗ nhịp không ngớt vào từng cuộc đời. Đôi khi nó lăn tăn âu yếm, đôi khi nó cuồn cuộn như muốn nghiền nát tất cả. Chính những lúc ấy, khi mà cuộc sống trở nên không chịu được nữa, khi mà phong ba bão táp điên cuồng kiêu hãnh với tất cả thì cũng chính là khi người ta cần đến một sức mạnh tột đỉnh, một ý thức chịu đựng cao.
Đối với chúng ta, quãng đời mà ta đã tô lên nó màu xanh ước mơ và màu đỏ khát vọng, quãng đời ta vùng lên mãnh liệt nhất để chống chọi với bão táp, đó chính là những chuỗi ngày ở tuổi thanh xuân, và nhất là đối với nam nhi, lớp người có thể làm nên “mùa xuân của dân tộc” thì sự hi sinh của họ mới thật sự là một ý thức của anh hùng tuyệt vời.
Nhưng vấn đề hiện nay là, trong thời đại phát triển, ta có cần anh hùng không và anh hùng có thể xuất hiện không? Theo tôi thì rất cần và rất mong sẽ xuất hiện những hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển này, đặc biệt là những anh hùng trong giới lãnh đạo và quan chức, là những người có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh đất nước. Anh hùng thuộc giới này trong thời đại này cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác.
Chẳng hạn tài trí (có tri thức, có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo…), dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước (chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết), trọng dụng và thu phục được người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn (dùng người giỏi thật sự và lắng nghe trí thức)…
Dĩ nhiên bàn luận tổng quát và chung chung như vậy thì dễ và ai cũng thấy đương nhiên đất nước cần những người như vậy. Nhưng đặt tiếp câu hỏi là làm thế nào có những anh hùng đúng tầm như thế thì câu trả lời không dễ chút nào. Dưới đây tôi chỉ đưa ra vài tình huống khách quan và bàn về kinh nghiệm các nước.
Ai trong chúng ta cũng có từng đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích có những chàng hoàng tử, những người anh hùng “đầu đội trời chân đạp đất”. Những tưởng họ chỉ có trong câu chuyện mà thôi nhưng nay chúng ta sẽ bắt gặp họ ngay ngoài đời thường. Họ không phải là những điều gì to lớn mà chỉ với những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Hành động nhỏ là gì? Hành động nhỏ chính là những hành động bình dị, nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Còn ” những người anh hùng giữa đời thường” chính là những cá nhân luôn luôn sống và cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho sự tươi đẹp của cộng đồng. Trước đây, ta luôn có một ý niệm rằng những điều to lớn vĩ đại mới tạo nên những người anh hùng. Nhưng không cái đẹp, cái tốt vẫn được nảy nở từ hành động nhỏ có ý nghĩa góp phần xây dựng và bảo vệ cộng đồng, bảo vệ xã hội. Nó còn tạo động lực cho xã hội phát triển và ngày càng lớn mạnh. Có những cá nhân họ luôn thực hiện hành động nhỏ, cống hiến cho xã hội, có ích cho xã hội mà không cần sự đền đáp họ chính là những người anh hùng giữa đời thường trong lòng chúng ta. Hơn bao giờ hết, trong đại dịch Covid-19 chúng ta đã thấy được nhiều anh hùng giữa đời thường. Họ là những người bác sĩ tuyến đầu thầm lặng làm việc để ngăn cho dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng hơn. Hay đó những những chiến sĩ công an, bộ đội trong những khu cách ly tập trung, nhìn những hình ảnh đó khiến cho những người dân như chúng ta thấy ấm lòng. Anh hùng giữa đời thường còn là những người có lòng hảo tâm quyên góp lương thực, khẩu trang, trang thiết bị y tế,…Không chỉ trong đại dịch này mới có người anh hùng mà trong công cuộc phòng chống tội phạm có nhiều nhóm hiệp sĩ đường phố đã giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ nhà nước chống lại những kẻ tội phạm. Họ không ngại hy sinh tính mạng chỉ mong muốn cống hiến một điều gì đó cho cộng đồng. Là thanh niên, là những chủ nhân tương lai của đất nước thì chúng ta cần có những hành động để giúp đỡ cộng động và xã hội. Trước tiên, ngay hiện nay đó là ” chống dịch như chống giặc”” hãy ở nhà”. sau đó là tập trung học hành để ” đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều Bác Hồ đã dặn chúng ta.
Mong rằng hai, ba mươi năm nữa, những quan chức, những vị lãnh đạo đầu đã bạc ngồi ở quán cà phê bên hồ Hoàn Kiếm trò chuyện mãi về những ngày của thời trung niên đã hết lòng vì nước vì dân nên Việt Nam đã vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình, chen chân được vào hàng ngũ những nước giàu mạnh trên thế giới.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Đất nước Việt Nam đi qua biết bao đau thương, mất mát, biết bao nhiêu người đã đánh đổi sự sống, tuổi thanh xuân của mình để giành lấy độc lập cho dân tộc. Họ là những người anh hùng. Ngày nay, đất nước đã hoà bình, thế nhưng vẫn còn nhiều lắm những người anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Họ xuất sắc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau thế nhưng đều có công sức to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời xa xưa, người anh hùng có thể là người “Đi đường thấy nỗi bất bình mà tha” hay trong thời kỳ chiến tranh, kháng chiến chống quân xâm lược, anh hùng là những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì trong thời đại ngày nay, người anh hùng là những người sẵn sàng tay không lao lên đuổi theo tên cướp có vũ khí, là người sẵn sàng đứng lên tố cáo những biểu hiện sai trái của lãnh đạo, là người sẵn sàng chia sẻ cho những người nghèo khổ hơn mình miếng cơm, manh áo…
Trong tiếng Việt, hai từ “anh hùng” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, họ là “Người lập nên công trạng đặc biệt lớn lao đối với nhân dân, đất nước”, hoặc là “Nhân vật thần thoại có tài năng và khí phách lớn, làm nên những việc phi thường” (trích dẫn từ điển Wikipedia). Tuy nhiên với nhịp sống hiện đại, sự phát triển của xã hội, nghĩa của hai từ “anh hùng” có xu hướng được mở rộng, nới lỏng ra cho nhiều đối tượng, đồng thời xuất hiện khái niệm “anh hùng giữa đời thường” được hiểu là những con người đã có đóng góp, cống hiến có ích cho xã hội dưới nhiều hình thức, anh hùng trở thành một khái niệm gần gũi và quen thuộc hơn với mọi người. Trong đó “các hành động nhỏ” tức là những việc làm bình dị, diễn ra xung quanh chúng ta trong đời sống thường ngày, không có ý nghĩa tạo tiếng vang hay sự nổi tiếng.
“Vinh quang Việt Nam” là một chương trình được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, những gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 5 năm, “Vinh quang Việt Nam” đã trở thành một thương hiệu, một niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, góp phần tạo nên không khí phấn khởi, niềm lạc quan tin tưởng vào vận hội phát triển mới của đất nước. Việt Nam có nhiều những anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đồng chí Võ Văn Kiệt – một trong những lãnh đạo hàng đầu đi tiên phong trên con đường đổi mới đất nước đã từng quan niệm: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người ”. “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 10 đã cho ta thấy rõ được chân dung của những người anh hùng thời kỳ đổi mới – họ có những nỗi vất vả, khó khăn nhưng sự dũng cảm, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho bản thân và cộng đồng thì thật đáng khâm phục.
Trong cuộc sống thiết nghĩ rằng không tất cả những điều đẹp, điều tốt đều mang trong mình dáng vẻ hào nhoáng, kỳ vĩ và lớn lao, trái lại những sự kiện ấy chỉ chiếm một phần rất nhỏ và không phải lúc nào cũng có thể xảy ra bởi có câu “thời thế tạo anh hùng”. Cái thời thế ấy đã qua đi cách đây khá nhiều năm, và thực sự rằng dẫu xuất hiện nhiều vĩ nhân, nhiều anh hùng kiệt xuất, thế nhưng thời thế loạn lạc đã đem lại quá nhiều đau thương mất mát mà không ai mong muốn. Còn ngày nay, phải chăng sự vắng bóng của thời thế, cũng dẫn tới sự biến mất của anh hùng? Quan điểm ấy là hoàn toàn sai lầm, bởi chúng ta vẫn có thể trở thành những anh hùng tí hon giữa đời thường, cần gì công trạng kinh thiên động địa, chúng ta chỉ cần góp chút sức, chung chút trí tuệ để làm nên những việc có ích cho xã hội, xây dựng xã hội, đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Tự tạo ra thời thế, hoặc nhận ra thời thế để trở thành anh hùng của chính mình cũng là một điều rất tốt. Ví như bạn thấy một bà lão già yếu, chậm chạp đang hoang mang ngơ ngác chưa biết phải qua đường như thế nào trước dòng xe cộ tấp nập, thì còn ngại gì mà không nhanh đến giúp bà cụ qua đường được mau lẹ. Chỉ một hành động nhỏ, mất chút thời gian, chút sức thế nhưng có lẽ trong mắt bà cụ bạn đã trở thành ân nhân, trở thành người anh hùng có tấm lòng lương thiện giữa cuộc đời nhiều ngổn ngang này rồi. Hoặc xuất phát từ tấm lòng yêu thương động vật, vô tình đi ngoài đường bạn thấy một chú mèo con yếu ớt bị vứt bỏ, bạn nhặt nó về chăm sóc, nuôi nấng hoặc tìm cho nó một người chủ tốt. Thế là chỉ từ một hành động nhỏ tuy không giải cứu được cả thế giới hay nhân loại nhưng bản thân bạn đã giải cứu được một sinh mạng, đã cứu rỗi cuộc đời của một con vật tội nghiệp và trở thành một anh hùng tí hon rồi hay sao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán mang tên Covid 19 đang đe dọa cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, thì những con người đang ở tuyến đầu ròng rã suốt mấy tháng đối mặt với hiểm nguy, cứu chữa cho người bệnh như các nhân viên ngành y tế, hay lực lượng vũ trang công an, quân đội, dân phòng đang tích cực khoanh vùng dập dịch,… Họ đều là những người anh hùng đang ngày đêm lao động trong thầm lặng, ngay lúc này đây họ đang hành động bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Họ chính là những người anh hùng giữa đời thường tuyệt vời nhất. Không chỉ vậy giữa bối cảnh dịch bệnh hành động đóng góp của cải vật chất của các mạnh thường quân cũng là những hành động mang ý nghĩa tích cực ủng hộ tuyến đầu đương đầu với khó khăn, và nghiễm nhiên họ cũng xứng đáng được gọi là anh hùng. Mà có lẽ kết lại sau nhiều ví dụ tôi muốn khẳng định rằng anh hùng chính là những người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình để giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ người khác bằng tấm lòng lương thiện, không kể đó là việc nhỏ hay việc lớn.
Anh hùng không chỉ nằm trong sách vở, trong lịch sử, trong truyền thuyết, cũng không phải là một hình tượng để mọi người chỉ mãi ao ước và tự cảm thấy mình thật bé nhỏ. Trái lại trong đời sống hiện nay, chính chúng ta cũng có thể trở thành anh hùng, khi có những hành động, đóng góp tích cực trong xã hội, vấn đề là bản thân các bạn có lựa chọn hành động để trở thành anh hùng giữa đời thường hay không mà thôi.
—–LOP12.COM—–