1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: hãy sống là chính mình.
2.2. Thân bài
a. Giải thích
+ Hãy sống là chính mình: mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, sứ mệnh riêng, từ đó có những định hướng, ước mơ, mục tiêu khác nhau. Chúng ta hãy luôn tự tin vào bản thân mình, sống hết mình, luôn là chính mình.
b. Phân tích
– Biểu hiện của người sống luôn là chính mình:
+ Tự tin vào khả năng của mình, hài lòng với ngoại hình của bản thân, không để ý, nhòm ngó cuộc sống của người khác rồi so bì với mình.
+ Có mục tiêu, kế hoạch, ước mơ và biết phấn đấu, cố gắng, giữ vững lập trường vì mục tiêu đó.
+ Không bị tác động từ bên ngoài, có ý kiến, quan điểm riêng và có ý thức bảo vệ quan điểm của mình.
– Ý nghĩa của việc sống luôn là chính mình:
+ Mỗi người sống là chính mình tạo ra những cá tính khác biệt, những màu sắc khác nhau, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình.
+ Người luôn là chính mình là người có lập trường kiên định, từ lập trường kiên định đó chúng ta có thêm động lực, niềm tin để thực hiện kế hoạch mình đề ra.
+ Mỗi người khi không là chính mình thì chỉ là cuộc sống vay mượn từ người khác, tạm bợ, vô định. Chính vì thế, việc luôn là chính mình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
c. Chứng minh
– Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống là chính mình, tự tin về bản thân mình và đạt được nhiều thành công để minh họa cho bài làm của mình.
d. Phản đề
– Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, không tin tưởng bản thân mình, luôn chỉ nhìn thấy nhược điểm của mình và sống trong sự chìm đắm, ao ước được như người khác,…
2.3. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề nghị luận: hãy sống là chính mình; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận về chủ đề hãy sống là chính mình
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, mang một cá tính riêng, màu sắc riêng, không ai giống ai và cũng không có ai sống để làm bản sao của người khác. Vì vậy, “Sống là chính mình” là một quan niệm sống rất đúng đắn trong hành trang của chúng ta.
“Sống là chính mình” ở đây giống với một khái niệm trong tâm lý học là “sống thật”. Tức là nó xuất phát từ việc bạn thực sự là ai. Khi bạn sống được là chính mình tức là bạn đang sống với những gì tự nhiên vốn có trong con người bạn, không cần phải gò bó hay ép buộc mình phải sống giống bất kỳ ai.
Vậy tại sao chúng ta phải sống thật với chính mình? Thật ra câu hỏi này rất dễ để trả lời. Đáp án của câu hỏi trên nằm ở đây: liệu bạn có muốn trở thành bản sao của người khác? Trên thực tế, không ai muốn bị nói rằng mình giống người này, người kia bởi mỗi người đều có cái tôi của họ. Và thử nghĩ mà xem, nếu không được sống là chính mình bạn sẽ phải mang một chiếc mặt nạ đối diện với rất nhiều người. Chắc chắn rằng điều đó sẽ khiến bạn mệt mỏi vô cùng bởi bạn không thể làm vừa lòng được tất cả mọi người.
Chối bỏ bản thân mình là bạn đang đánh mất đi cơ hội để bạn được hoàn thiện mình hơn. Bạn có thể không học giỏi nhưng bạn lại có tài vẽ đẹp, hát hay. Bạn có thể gầy nhưng bạn lại có gương mặt xinh đẹp. Bạn có thể không xinh nhưng bạn lại có giọng nói ấm áp. Bạn có thể không giỏi cầm, kỳ, thi, họa nhưng bạn lại biết nấu ăn ngon… Bất kỳ ai sinh ra cũng có những điểm mạnh nhất định của mình mà chính bản thân ta phải tự mình tìm lấy nó. Tôi từng xem một bộ phim kể về cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho các idol. Để có thể dành quán quân các bạn trẻ trong phim phải vượt qua rất nhiều thử thách nhưng một trong số đó phải nói được ba ngôn ngữ. Rất nhiều người đã bỏ cuộc nhưng cuối cùng quán quân của cuộc thi là người chỉ nói được một ngôn ngữ duy nhất. Điều mà ban tổ chức đòi hỏi ở đây không phải là một người có thể nói được ba thứ tiếng mà là một người dám vượt lên những thiếu sót của mình.
Nhưng cũng phải đặt câu hỏi rằng có bao nhiêu người ngoài kia chấp nhận bản thân thật sự của những người xung quanh họ? Tôi từng đọc một bài báo với tựa đề “Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói”. Không phải ai chúng ta cũng chấp nhận vẻ ngoài không hoàn hảo của những người xung quanh mình. Chính điều này đã khiến họ trở nên tự ti vì thế mà chúng ta mới xuất hiện những con người ngày nào cũng phải đeo những chiếc mặt nạ để tránh đi ánh mắt dò xét của mọi người. Xung quanh ta có quá nhiều hay phán xét người khác chỉ qua vẻ bề ngoài hoặc qua những hành động rất nhỏ của họ. Mọi người cần phải hiểu rằng ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm riêng và chẳng có ai là hoàn hảo cả. Vì vậy, chúng ta cần phải tôn trọng chính những người xung quanh mình cho dù bản thân họ có thiếu sót như thế nào đi chăng nữa.
Nói vậy không có nghĩa là bạn được thể hiện cái tôi cá nhân của mình một cách quá mức. Hãy lắng nghe người khác nói khi họ góp ý cho mình. Hãy biết nhận lỗi khi làm sai. Sống là chính mình không có nghĩa là bảo thủ không chịu lắng nghe góp ý của người khác.
Giá trị của bạn không phải bạn sinh ra ở đâu, bạn bắt đầu như thế nào mà ở cái đích bạn đạt được có bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của bạn. Để đi đến được thành công chưa bao giờ là dễ dàng và quá trình bạn đi trên con đường đó sẽ giúp bạn tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Hãy tự nhìn nhận đúng đắn giá trị của bản thân mình, biết mình là ai và mình muốn gì để có thể phát triển bản thân tốt nhất.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Sống ở đời mỗi người đều có một cách sống riêng, một quan điểm riêng, nhưng dù là ai, dù mang quan điểm sống thế nào, mỗi con người vẫn cần phải là một thể thống nhất giữa bên trong với bên ngoài, một sự kết hợp hài hoà giữa tâm hồn và thể xác. Ai từng đọc vở kịch “Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt”, của Lưu Quang Vũ có lẽ khó quên đoạn thoại: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Vì vậy, “Hãy sống thật với bản thân, gia đình và xã hội” là một quan niệm cần được lưu ý trong hành trang sống của chúng ta.
“Bên trong”, nghĩa đen dùng để chỉ nơi khuất tầm mắt, nơi không nhìn thấy được, nhưng ở đây lại có nghĩa là phần nội tâm, phần sâu sắc trong tâm hồn của mỗi con người, nơi chứa đựng tất cả những suy nghĩ, đánh giá của con người về những gì diễn ra xung quanh. Còn “bên ngoài”, là nơi có thể quan sát được rõ ràng, nơi không có gì che lấp, nhưng ở đây, ta hiểu “bên ngoài” là nơi con người dùng để biểu lộ cảm xúc của trái tim, cảm xúc của tâm hồn. “Toàn vẹn”, toàn vẹn không phải là không có sai sót, toàn vẹn không phải là phải hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ nhặt, toàn vẹn ở đây chỉ đơn giản là con người ta được sống thật với lương tâm, với bản thân của mình.
Con người ta cần nên sống thật với chính mình. Vì con người vốn là một thể thống nhất giữa tinh thần và thể xác, và nếu không sống thật với chính mình, con người sẽ gây ra đau khổ, tai hoạ cho gia đình, cho những người xung quanh và làm cho chính mình bị tổn thương khi suốt ngày phải giấu cảm xúc, phải mang bộ mặt giả tạo như mang một chiếc mặt nạ, như thế thì làm sao có thể sống tốt, làm sao có thể mang đến hạnh phúc cho những người thương yêu xung quanh họ.
Nhưng giữa đời thường, có mấy ai dám sống thật với chính bản thân mình? Còn vướng bận giữa những toan tính đời thường, mấy ai có can đảm nói thật hết những suy nghĩ của mình. Ví như một công nhân đi làm, khi nghe giám đốc nói về một vấn đề nào đó, nghĩ rằng giám đốc nói sai, nhưng là công nhân, có ai dám nói thẳng thừng rằng cấp trên của mình đã sai. Hay như một học sinh đứng trước giáo viên, khi được hỏi rằng có hiểu bài cặn kẽ hay không, thì dù thế nào, người học trò ấy vẫn sẽ trả lời rằng có, dù đôi khi sự thật không phải là như vậy. Chối bỏ bản thân có đôi khi là đánh mất luôn cả cơ hội để thay đổi mọi thứ. Nếu như người công nhân sống thật với chính mình, có thể sẽ gây được ấn tượng với cấp trên, và có thể được thăng tiến hơn, học sinh nếu nói thật lòng mình với giáo viên, khi đó, khoảng cách giữa thầy và trò sẽ được rút ngắn hơn, và kết quả học tập cũng sẽ được cải thiện hơn nhiều. Ngay từ bây giờ, cần xây dựng cách sống thật với bản thân cho mọi người, cho xã hội, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Để không còn những lúc dối người, dối mình, để mỗi cá nhân trong một tập thể có thể có thể phát huy được toàn vẹn năng lực của bản thân. Khi biết sống thật với chính mình, người ta sẽ biết cách trân trọng chính mình và rồi sẽ là đến trân trọng những người xung quanh, sẽ không còn ai làm hại ai, cuộc sống sẽ được xây dựng tốt đẹp hơn rất nhiều.
Người Trung Hoa có câu nói rất hay “Trung ngôn nghịch nhĩ”. Quả vậy, lời nói thẳng thật khó nghe. Tuy nhiên người viết bài này chợt nghĩ ra rằng tuy nói thẳng khó nghe nhưng vẫn dễ nghe hơn những lời ngọt ngào dối trá. Sống thật với lòng mình với mọi người dù sao vẫn tốt hơn. Như vậy, quan niệm sống thật với bản thân mình và mọi người là một trong những chuẩn mực cao nhất của nhân cách con người.
———-LOP12.COM———–