1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài: Dẫn dắt và trích dẫn câu nói cần nghị luận, nêu vấn đề nghị luận: Giá trị của thơ.
b. Thân bài:
– Giải thích ý nghĩa câu nói: Vai trò của cuộc đời với thơ ca, giá trị của thơ ca là cả nội dung và hình thức nghệ thuật
– Thơ trước hết là cuộc đời
+ Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn chương là gắn bó sâu sắc với cuộc sống và vì cuộc sống – giá trị nhân đạo
+ Thơ được kết tinh bởi những rung động và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ với thế giới xung quanh nên chất liệu thơ chính là những chất liệu từ cuộc sống. Đó có thể là những sự vật hoặc từ chính cuộc đời nhà thơ
+ Lấy dẫn chứng phân tích: Sang thu, Tây Tiến… phân tích chất liệu cuộc đời được sử dụng để sáng tạo bài thơ
+ Đánh giá lại giá trị của thơ
– Thơ là nghệ thuật
+ Nếu cuộc đời bước vào trong thơ mà không được trau chuốt sẽ thô sơ và không có tính nghệ thuật
+ Tất cả chất liệu cuộc sống được phát hiện và chọn lựa đều phải được mài giũa mới trở thành hình ảnh thơ
+ Nhà thơ thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật để đưa cuộc sống bình thường vào những bài thơ dạt dào cảm xúc
+ Dẫn chứng: thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Huy Cận…
– Đánh giá chung.
c. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa câu nói và rút ra bài học tiếp nhận văn học
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về câu nói Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Giống như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, văn chương cũng có sứ mệnh của riêng mình. Đánh giá về sứ mệnh văn chương chân chính, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định “Văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có”. Truyện hay thơ cũng như vậy, sứ mệnh của nó là nghệ thuật vị nhân sinh. Chính vì thế, nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã viết “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Câu nói của Bêlinxki có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Thơ là những tác phẩm văn học được cấu trúc bởi thanh điệu, vần, các hình ảnh, cảm xúc của người sáng tác… Cuộc đời là tất cả những gì chân thật nhất xảy ra đối với chúng ta mỗi ngày, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Còn nghệ thuật thường dùng để miêu tả cái đẹp, đẹp hình thức và cả tâm hồn. Nói “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”, Bêlinxki muốn khẳng định vai trò của cuộc đời với thơ ca nói riêng, với văn chương nói chung. Từ đó, khẳng định giá trị chân chính của thơ ca – “nghệ thuật vị nhân sinh” rồi mới “vị nghệ thuật”. Thơ trước hết phải vì con người, vì cuộc đời, vì hiện thực rồi mới là nghệ thuật.
Từ thủa thơ ca xuất hiện mang đến hơi thở ấm áp cho hành tinh xanh xanh những đại dương và điệp trùng những cánh rừng tươi thắm của chúng ta, có thể nói chưa bao giờ tổng kết được những định nghĩa về thơ. Có người cho thơ là “lơ tơ mơ”, “thơ là sự tuôn trào bột phát những tình cảm mãnh liệt”, thậm chí “thơ là một cái gì mà người ta không định nghĩa được”. Phải chăng vì thế mà thơ thuộc về cõi huyền nhiệm, mông lung, xa vời vợi? Không, theo quan niệm của Bêlinxki, thơ là một khái niệm hết sức gần gũi: “Thơ trước hết là cuộc đời”. Trong câu nói của Bêlinxki, chữ “cuộc đời” như một vì sao được chiếc đòn bẫy “trước hết” bật vào từ thơ, làm sáng lên một ánh sáng lung linh, rạng rỡ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không bám rễ vào cuộc đời, nếu không hút nguồn nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uộc, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những phiến lá xanh tươi phơi phới dưới ánh nắng mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Lê Quí Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi non kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được”. Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác để nuôi dưỡng thi ca.
“Văn học là nhân học” (M.Gorki), nâng niu những giá trị tốt đẹp ở đời bằng những tình cảm, cảm xúc chân thực nhất. Bởi lẽ, cuộc đời không chỉ là cuộc sống của những người xung quanh mà còn là chính cuộc đời tác giả. Họ đi qua những thăng trầm, vượt qua những biến động rồi sáng tác thành những bài thơ viết về chính thăng trầm cuộc đời mình. Ví dụ như Tố Hữu trong “Việt Bắc” với những lưu luyến chia xa và ân tình thủy chung với mảnh đất, con người mà mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Hay Nguyễn Khoa Điềm với bao yêu mến và tự hào về “Đất Nước của Nhân Dân” “Đất Nước của ca dao thần thoại” trong bài thơ Đất Nước. Giá trị đích thực của thơ suy cho cùng chính là những giá trị nhân văn cao quý đó.
Thơ trước hết là cuộc đời, rồi, sau đó thơ là nghệ thuật. Nếu thơ chỉ là cuộc đời, nó sẽ mãi là những chất liệu thô sơ, bình thường, giống như viên ngọc chưa được mài giũa. Nhà thơ là những người nghệ sĩ góp nhặt, chọn lựa những chất liệu có giá trị bằng những rung cảm của tâm hồn mình rồi sử dụng tài năng để biến nó thành chất liệu nghệ thuật. Với những công cụ như biện pháp nghệ thuật, những hình ảnh biểu tượng, nhịp điệu…, nhà thơ sáng tạo nên những bài thơ có vần có nhịp và dạt dào cảm xúc. Thơ sẽ không được gọi là thơ nếu không có nhịp điệu, không có cảm xúc hay thanh vần.
Ngược dòng thời gian, ta còn thấy đó là giây phút Lí Thường Kiệt cất tiếng sang sảng đọc tuyên ngôn Nam quốc sơn hà khẳng định chủ quyền độc lập của non sông. Giá trị của thơ ca mới cao cả đến nhường nào! Trở về với hiện tại thơ ca hôm nay, ta bắt gặp những dáng hình thi sĩ trên những ngả đường thơ trải rộng, đang từng bước khám phá, tìm tòi và sáng tạo, đem lại nguồn mới cho thi ca. Phải chăng họ đang đặt chân lên hành trình đến với “Mảnh đất nở hoa dâng tặng người muốn hái” ?
Thi sĩ ơi, dù phải theo ngả nào, có lẽ anh cũng nên tâm niệm: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Ý kiến về thơ của nhà phê bình văn học Nga V.Bêlinxki quả thật đáng để chúng ta suy nghĩ và nghiền ngẫm. Thơ đâu phải là quả bóng bay xa vời vợi nằm ngoài tầm bắt. Thơ ca luôn nồng nàn, ấm áp hơi thở cuộc đời và mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Thơ là dòng sông soi bóng cuộc đời, len vào tâm hồn con người những mạch nguồn cảm xúc dạt dào chảy mãi không thôi. Nhà thơ phải “yêu cuộc đời” và trân trọng “nghệ thuật” mới vun đắp những vần thơ nở ra cánh hoa thơm ngát tô điểm cho cuộc đời và con người.
Ngày xưa, tôi yêu văn thơ Anđecxen bởi nơi ấy bao giờ cũng rung rinh đoá hồng bạch toả hương ngào ngạt bên những nàng công chúa xinh tươi. Nay tôi lại càng say mê những dòng văn đầy nhân ái kia bởi tôi còn cảm nhận được hương vị của cuộc đời, “chất người” ủ kín bên trong.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Nghệ thuật là một mảnh đất màu mỡ, phong phú nhưng mỗi tác giả phải lao động, đào xới thì mới mong thu được thành quả. Thơ là nghệ thuật, thơ nằm trong mạch nghệ thuật, khiến nghệ thuật chẳng thể đẹp đẽ, tròn trịa nếu thiếu thơ. Nếu như nhà thơ không thực sự sống, cống hiến thì văn thơ chỉ là những nét chữ thẳng băng trên trang giấy. Bàn về thơ, nhà phê bình văn học người Nga Bielinxki cho rằng:”Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Thơ là thành quả của sáng tác văn học phản ánh cuộc sống. Thơ là tiếng nói tâm hồn, thuộc phương diện trữ tình. Thơ lấy điểm tựa là thế giới nội tâm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời, cảm xúc đóng vai trò quyết định làm nguồn cội của mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Đuy Blây cho rằng: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Cũng như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nhưng không phải xây dựng từ óc quan sát, tư duy logic, thơ gắn liền với cảm xúc và tâm hồn. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống nên “ nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử” – Saint John Perse đã viết. Như vậy cho dù ý thức hay vô thức, thơ vẫn chảy trong biển lớn cuộc đời và nhà thơ không thể đứng ngoài dòng chảy ấy. Hơn ai hết, họ phải là người cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, sâu sắc nhất.
Người làm thơ, bình thơ xưa và nay đả bộc lộ rất nhiều quan niệm về thơ. Có người cho thơ là “thần hứng” (Pla-tông), là “ngọn lửa thần”, là “cơn điên loạn thần thánh”, “Thơ là sự tuôn trào bột phát những tình cảm mãnh liệt”. Riêng với Bê-lin-xki, nhà phê bình không quan niệm thơ ca phải thuộc về một cõi huyền nhiệm, mông lung, diệu vợi; thơ ca lại càng không phải là “một thứ nghe chơi”, là trò đùa của cảm hứng. Thơ gần gũi mà thân thiết biết bao, thơ gắn với cuộc đời ta đang sống thơ phản ánh cuộc đời theo quy luật văn chương. Cái “trước hết của thơ chính là cuộc đời và để cho cuộc đời trong trang sách, thơ còn phải dừng lại “sau đó là nghệ thuật”.
Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của tâm hồn nghệ sĩ. Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung bao giờ cũng đi ra từ cuộc đời, cũng lớn lên từ hiện thực và rồi từ đó cánh diều nghệ thuật sẽ nhờ gió đời mà cất cánh bay cao. Sẽ “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”; sẽ chẳng có thơ khi người làm thơ không tìm được sợi dây giao nối với cuộc đời, không tìm đến những cánh đồng phì nhiêu để từ đấy hạt giống thơ ca được ươm trồng, nảy nở. Lục Du đời Tống – người đã viết hàng trăm câu thơ lúc sắp mất đã tâm sự với con, lời tâm sự của một hồn thơ đi trọn cuộc đời mới hiểu cái lẽ “công phu của thơ là ở ngoài thơ”. Sức nặng của những trang thơ lại chính là cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính cuộc sống. Gắn với cuộc sống, đấy là đặc trưng thẩm mĩ của văn học, của tác phẩm văn chương mà nhịp nối là nhà văn – chủ thể sáng tạo. Cuộc sống với những hiện tượng phong phú, phức tạp vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn mạch nuôi dưỡng văn học. Quay lưng lại với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu mọi giá trị văn chương chỉ còn là thứ kĩ xảo. Danh sĩ Lê Quý Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì vĩ thì không làm thơ được”.
Thơ bắt nguồn từ cuộc sống, mang bóng hình cuộc đời, con người, chứa đựng tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng, ưu tư, phiền muộn… Thơ không thể tách rời cuộc đời mà cuộc đời truyền nhựa sống mãnh liệt cho thơ, thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời. Thơ ca là cuộc đời nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn cuộc đời mà nhà thơ như con ong hút tinh túy của cuộc đời. Nghệ sĩ tìm đến cuộc đời, chắt lọc tinh túy nhất để làm nên những vần thơ có giá trị, làm rung động lòng người. Thơ ca trước hết là cuộc đời nhưng chưa phải tất cả, bởi nhờ cuộc đời, ta sẽ bước vào lãnh địa của nghệ thuật. Như Sóng Hồng đã nhận định: “Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Thiếu nghệ thuật, bài thơ như một viên ngọc thô chưa được mài dũa, không thể khơi gợi trái tim con người những rung động sâu sắc. Thơ khi ấy chỉ như một khối chữ trên trang giấy.
Thơ như một cánh diều, muốn cánh diều bay cao, bay xa thì cảm xúc của người nghệ sĩ phải được đẩy lên tột cùng của sự thăng hoa, khi ấy người nghệ sĩ phải thực sự sáng tạo. Sáng tạo thi ca là một quá trình phức tạp. Như một ngọn nến, thi nhân tự đốt cháy tâm hồn mới mong thơ tỏa sáng giữa cuộc đời. Vì “ thơ là kết tinh, thơ là ngọc đọng, thơ là phiến kỳ nam trong rừng trầm hương, thơ là hạt minh châu trong biển hạt trai, thơ là tinh hoa trong vườn phương thảo”. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo phải nhạy bén để nhận mọi tín hiệu, mọi làn sóng để phát đi tiếng nói duy nhất đúng đắn, sâu sắc. Người nghệ sĩ cũng phải biết rung cảm trước cuộc đời. Nhà thơ Lê Quý Đôn khẳng định: “Thơ khởi phát từ trong lòng người”.
Cấu trúc thơ hay cấu trúc cảm xúc “bên kia”, “bên này”, quá khứ hay hiện tại cứ đan xen và nhập nhoè trong tiềm thức nhà thơ. Và một bờ sông của ngày xưa lung linh sắc trắng cứ dần hiện hữu.
Chế Lan Viên viết Tiếng hát con tàu khi chưa lên Tây Bắc nhưng chính tình yêu với mảnh đất, con người, chính tiếng lòng thiết tha, rạo rực khiến bài thơ mãi còn nguyên giá trị. Người ta vẫn thấy một ân tình Tây Bắc với những con người Tây Bắc là anh du kích, là em liên lạc, là mế “lửa hồng soi tóc bọc” nhắc nhở ta trong cuộc sống lao động và chiến dấu hôm nay.
“Thơ trước hết là cuộc đời”, Bê-lin-xki đã nói đến gốc rễ, cội nguồn của thơ. Mỗi bài thơ một cây non phải bám rễ vào cuộc đời và nhà thơ bằng xúc cảm, bằng rung động, bằng sự gắn bó với cuộc đời sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho thơ, nuôi lớn những vần thơ.
Nhận định của Bê-lin-xki nhấn mạnh yếu tố “trước hết” của thơ ca chính là cuộc đời. Nhưng bên cạnh cội nguồn sáng tạo là cuộc đời, thơ còn phải tuân theo những quy luật riêng của nó. Xuân Diệu từng biết “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. “Thơ còn là thơ nữa” phải chăng chính là nghệ thuật làm thơ. Phiếm nghệ thuật, thơ chỉ là những hạt ngọc chưa được mài giữa. Thơ ca cũng như những nghệ thuật sẽ làm gió nâng cánh diều mãi mãi bay cao.
——LOP12.COM——