A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn bài chi tiết
Đề bài: Nhân đạo là một trong hai cảm hứng xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Cảm hứng nhân đạo đó ở văn học từ 1930-1945 có gì giống và khác ở văn học từ 1945-1975?
Qua việc phân tích và chứng minh qua hai truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11, Tập 1) và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập 2).
1. Mở bài
- Tư tưởng nhân đạo vốn là nguồn mạch xuyên suốt trong nền văn học Việt Nam. Tùy theo mỗi giai đoạn văn học mà giá trị ấy có cách thể hiện khác nhau. Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là hai tác phẩm tiêu biểu cho những giá trị ấy.
- Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là hai tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Nếu như Nam Cao luôn đau đáu về số phận bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, về số phận hẩm hiu của những người nông dân bị đẩy vào con đưòng bần cùng tha hóa thì Tô Hoài lại trăn trở khuôn nguôi về cuộc đời khổ đau của nhân vật Mị và A Phủ khi bị gia đình thống lí Pá Tra áp bức, bóc lột và cướp đoạt quyền sống. Thông qua những mảnh đời đó, nhà văn thể hiện tấm lòng xót thương, chia sẻ với những bi kịch của người nông dân đồng thời lên tiếng tố cáo những thế lực phong kiến đă trà đạp, cướp đi quyền sống của con người. Nhưng cao cả hơn thế là sự đề cao, trân trọng với những vẻ đẹp, phẩm chất tốt đẹp trong con người họ và niềm tin vào sự đổi thay xã hội của mỗi nhà văn. Đó chính là cội rễ, mạch nguồn sâu xa của giá tinh thần nhân đạo.
2. Thân bài
- Giới thuyết về khái niệm: giá trị nhân đạo.
- Chủ nghĩa nhân đạo trong các tác phẩn bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt Nam. Nó xuyên suốt quá trình lịch sử văn học, từ cội nguồn văn học dân gian đến văn học hiện đại.
- Theo Từ điển tiếng Việt thì giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của một tác phẩm văn học chân chính, là tiếng nói tố cáo những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người, là niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với nỗi đau của con người; sự khẳng định, đề cao con người về các mặt: phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, quyền công lí, chính nghĩa và niềm tin vào khả năng vươn dậy của con người trong mọi hoàn cảnh khốn cùng. Nói cách khác, bản chất của tinh thần nhân đạo chính là thái độ, cảm xúc của nhà văn trước hiện thực.
- Văn học Việt Nam từ xưa đến nay luôn coi trọng nội dung nhân đạo và xem đó là chuẩn mực trong sáng tác văn học. Nhìn chung từ những năm 1930 cho đến năm 1975, văn học nước ta đứng trước nhiều cơn bão táp lịch sử, những cuộc chiến tranh trường kì và những đổi thay của chế độ xã hội nên mỗi giai đoạn, cảm hứng nhân đạo lại có những biểu hiện giống và khác nhau. Và giá trị nhân đạo những năm 1930-1945 thể hiện rõ nét trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.
- Khái quát về giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm:
- Trong Chí Phèo của Nam Cao:
- Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao thể hiện trong các tác phẩm đó là tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương đối với những con người nghèo khổ bị áp bức, bị khinh miệt trong xã hội.
- Ông luôn trăn trở trước vấn đề nhân phẩm con người bị chà đạp, đau đớn trước tình trạng xã hội đọa đày con người trong sự nghèo đói, vùi dập ước mơ, lẽ sống cao đẹp, làm chết mòn đời sống tinh thần, thậm chí hủy hoại cả thân xác, nhân cách.
- Cả cuộc đời lao động nghệ thuật, Nam Cao phấn đấu không mệt mỏi vì lí tưởng nhân đạo. Ông quan niệm, không có tình thương đồng loại thì không đáng gọi là con người.
- Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao thể hiện trong các tác phẩm đó là tấm lòng nhân hậu, chan chứa yêu thương đối với những con người nghèo khổ bị áp bức, bị khinh miệt trong xã hội.
- Tư tưởng nhân đạo sâu sắc được thể hiện trong truyện ngắn Chí Phèo chính là bi kịch của người nông dân hiền lành, nhẫn nhục bị xã hội chà đạp tàn nhẫn, vùi dập vào cảnh nghèo đói, bị xua đuôi, cự tuyệt, bị đẩy vào con đường bần cùng, tha hóa.
- Viết về đau khổ của nhân vật Chí, Nam Cao kết án đanh thép xã hội tàn bạo đã hủy diệt nhân cách của con người, đẩy con người đến bước đường cùng và kết thúc cuộc đời trong bế tắc, bi kịch.
- Điều mới mẻ trong tư tưởng nhân đạo của Nam Cao là tìm tòi, đi sâu vào đời sống nội tâm nhân vật, phát hiện và khẳng định nhân phẩm, bản chất lương thiện của họ, ngay cả khi họ bị cướp mất hình hài, nhân phẩm.
- Trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:
- Kể về tội ác của cha con thống lí Pá Tra đối với Mị và A Phủ, Tô Hoài tố cáo sự tàn bạo của giai cấp thống trị ở miền núi đối với những con người nghèo khổ.
- Kể về thân phận nô lệ, bị áp bức, chà đạp đến cùng cực của Mị và A Phủ, nhà văn bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc với những khổ đau và bất hạnh của họ.
- Nhà văn đi sâu, tìm hiểu, khám phá, trân trọng những khát vọng và sức sống tiềm tàng trong Mị và A Phủ. Đó là sự ngợi ca phẩm chất tốt đẹp trong con người lao động.
- Nhà văn đồng tình với tinh thần đấu tranh của Mị và A Phủ và tin tưởng về một hướng đi tốt đẹp dành cho nhân vật của mình.
- Trong Chí Phèo của Nam Cao:
- Điểm gặp gỡ giữa hai tác phẩm:
- Cả Nam Cao và Tô Hoài đều có chung điểm nhìn. Đó là họ đã nhìn thấy nỗi đau của con người bị áp bức, bị bóc lột, bị chà đạp, bị lăng nhục. Đó là những người nông dân nghèo khổ dưới chế độ cũ.
- Nam Cao là đại diện xuất sắc của trào lưu hiện thực phê phán. Ông luôn tâm niệm “đứng trong lao khổ để nhìn về phía lao khổ” cho nên những nhân vật của ông hiện lên rõ nhất từ những cảm thông, đồng cảm. Trước đây có nhiều ngộ nhận cho rằng, Nam Cao đã bôi nhọ danh dự người nông dân khi xây dựng họ qua hình tượng Chí Phèo và Thị Nở. Bởi một người thì xấu đến ma chê, quỷ hờn còn kẻ kia thì mang dáng hình của một con quỷ dữ. Có thể thấy, nhận xét đó là vội vàng, chủ quan bởi ngọn nguồn của sự tha hóa này đã chỉ ra rằng, những người nông dân như Chí Phèo vốn có bản tính hiền lành lương thiện chỉ vì hiện thực quá tủi cực, tối tăm, mà họ lại là nạn nhân của xã hội, trở thành những con người tha hóa và tuyệt vọng như Chí. Trong câu chuyện này, Nam Cao đã tái hiện trọn vẹn cuộc đời Chí Phèo để đồng cảm và thấu hiểu cho những bi kịch mà Chí Phèo phải trải qua. Hắn bước vào tác phẩm từ cái lò gạch cũ với bản tính hiền lành, lương thiện nhưng nhà tù thực dân và tầng lớp thống trị phong kiến đã cướp đi tất cả. Xót xa nhất là chúng đã cướp đi giá trị con người hắn ở cả thân hình và nhân tính. Cuộc đời hắn chỉ là số 0 tròn trĩnh. Từ một anh canh điền lương thiện, Chí biến thành một kẻ lưu manh, con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Không những thế, nhân tính của hắn cũng bị tha hóa, Chí trở thành quỷ dữ: “đạp đổ biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người dân lương thiện”. Và cứ thế, Chí Phèo dấn thân vào con đường tha hóa, từng bước một, hắn bị khước từ quyền làm người với những vết sẹp dày lên theo năm tháng với nghề rạch mặt ăn vạ và trở thành tay sai cho Bá Kiến – công cụ đòi nợ thuê.
- Sự xuất thiện của Thị Nở và tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn nhất là sau cái đêm chung chạ với Thị đã khiến Chí thức tỉnh, khát khao hoàn lương, khát khao “làm hòa với mọi người”. Nhưng trong xã hội còn đầy rẫy những bất công và định kiến thì ước mơ đó của Chí mãi mãi bị vùi dập và lãng quên để rồi cuối cùng Chí Phèo phải chết tức tưởi trên ngưỡng cửa trờ về của mình. Câu hỏi kết lại tác phẩm “Ai cho tao lương thiện” mãi là niềm day dứt của Chí, của Nam Cao, của chúng ta về nỗi đau thân phận con người.
- Miêu tả Thị Nở như sự trêu đùa của tạo hóa: xấu, nghèo, dở hơi và dòng giống mả hủi, Nam Cao đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đối với những mảnh bất hạnh, thiếu nhan sắc và chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng đằng sau hình hài vốn dĩ xấu xí của Thị Nở là những ước mơ và bản chất con người. Thị biết mơ hạnh phúc gia đình hay chính hạnh phúc đã làm thay đối Thị từ một phụ nữ ngẩn ngơ để giờ đây Thị biết ngượng ngùng khi nghĩ về hai từ “chồng vợ”. Rõ ràng đây là một con người hoàn chỉnh cho dù tạo hóa không cho Thị những tài sản mà đáng lẽ một người phụ nữ đáng được hưởng nhưng bù lại vẻ đẹp tâm hồn đã trở thành cứu cánh cho Thị. Chúng ta không chi đồng cảm mà còn rất trân trọng Thị Nở như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa nhân đạo trong ngòi bút của Nam Cao.
- Ở Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài lại dành tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với số phận những người lao động nghèo ở miền núi như Mị và A Phủ. Toàn bộ câu chuyện là cuộc đời của Mị và A Phủ được gọi tên ở Hồng Ngài. Họ là những đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của con người miền núi song cũng là nạn nhân tiêu biểu trong bàn tay thống trị dã man của bọn chúa đất.
- Với Mị vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, yêu đời và nhiều khát khao. Mị có ý thức về mình, về lòng hiếu thảo nhưng vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ mà cô phải chấp nhận trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí. Và khi về làm dâu nhà thống lí một lần nữa cuộc đời cô bị đày đọa trong nỗi cay cực đến khốn cùng. Mị phải lao động vất vả quanh năm suốt tháng đầy khổ nhục “hơn trâu hơn ngựa”, phải chịu những trận đòn dã man của A Sử, thậm chí hắn còn vô tâm trói đứng cô vào cột trong những đêm tình mùa xuân. Tất cả những điều đó cộng với sự thống trị của thần quyền đã làm cho Mị tê liệt về ý thức sống, cô sống như một công cụ lao động biết nói, dần dần Mị chấp nhận số phận nô lệ trong nhà Pá Tra “lầm lũi như một con rùa nuôi trong xó cửa” và chỉ còn biết “chờ ngày chết rũ xương ở đây thôi”.
- Nhà văn cũng đau đớn trước số phận của A Phủ bị đánh đập trong một buổi xử kiện bất công mà cả người đi kiện lẫn người xử kiện đều là gia đình nhà thống lí. A Phủ cũng giống như Mị, từ cuộc đời của một chàng trai tự do, bản lĩnh, anh không chốn khỏi vòng quay khắc nghiệt của số phận. A Phủ phải làm người ở gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra và mang thân phận của kẻ tôi đòi. Khi tái hiện những điều này, Tô Hoài thể hiện tấm lòng xót thương đến tột cùng với những cảnh đời lầm lũi, khốn khổ của người nông dân ở vùng cao Hồng Ngài.
- Thương xót trước số phận chịu nhiều bi kịch của người nông dân, Nam Cao và Tô Hoài đã cùng nhau cất lên tiếng nói tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây dau khổ cho con người:
- Không chỉ dừng lại ở những thấu hiểu, cảm thông mà ngòi bút nhân đạo của Nam Cao còn bênh vực cho người nông dân, đấu tranh với tầng lóp thống trị phong kiến và các hủ tục xã hội vì những người như Thị Nở, Chí Phèo là nạn nhân của xã hội đương thời mà Chí Phèo là tiêu biểu nhất. Nhân vật này bị cướp đi phần người ở phần thân hình của mình vì nhà tù thực dân, bị bàn tay thống trị phong kiến cuớp đi phần người trong nhân tính và cuối cùng là những định kiến xã hội, hủ tục phong kiến đã chặn đứng con đường hoàn lương của Chí. Vì vậy, ngòi bút của Nam Cao lên tiếng đấu tranh gay gắt với những thế lực hủy diệt quyền người cơ bản của con người.
- Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài lên án giai cấp thống trị, bọn chúa đất miền núi mà tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra. Chúng bóc lột người lao động bằng cách cho vay nặng lãi và lợi dụng sức lao động của con người. Mị làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí và A Phủ cũng chịu chung số phận đó: người ở gạt nợ. Chính sự bạo tàn của thống trị, mà bọn chúa đất đã hủy diệt đi ý thức về tự do của người nông dân. Mị từng là một cô gái khát khao yêu đời trờ thành lầm lũi, mất mọi ý thức về thời gian. Còn A Phủ trước khi về nhà thống lí là một chàng trai tự do gan dạ nhưng dưới sự thong trị bằng cường quyền và thần quyền, anh trở nên cam chịu và chấp nhận số phận nô lệ trong nhà thống lí.
- Bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, bằng tình yêu thương dành cho những số phận nhỏ nhoi, Tô Hoài và Nam Cao đã khám phá, trân trọng và nâng niu những vẻ đẹp và khát vọng thầm kín của người nông dân. Đồng thời cả hai nhà văn cũng đồng tình với ước mơ, nguyện vọng chính đáng của con người, khát khao đối thay số phận của họ.
- Ở Chí Phèo, Nam Cao phát hiện bên trong sâu thẳm con quỷ dữ ấy là anh Chí hiền lành, lương thiện. Hắn hiền như đất, có lòng tự trọng, biết “nhục hơn là thích” khi bị bà Ba bắt bóp chân “mà cứ bóp lên trên”. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã làm đổi thay nhận thức và số phận của Chí Phèo. Khi được yêu thương, chăm sóc, phần Người còn sót lại trong con người Chí đă được đánh thức. Chí tĩnh táo để nhận ra đã sang đến dốc bên kia của cuộc đời mà hắn vẫn bơ vơ, hắn nghĩ về tương lai già, đói, và cô độc của mình mà hắn sợ. Hắn nhận ra hương sắc và âm thanh của cuộc sống “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng gõ mái thuyền đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về” để rồi giấc mơ thời trai trẻ lại sống dậy, Chí đã từng có ước mơ về cuộc sống gia đình “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải…”. Chí biết xúc động khi thấy Thị Nở chăm sóc cho mình mà bát cháo hành kia như là hiện thân của một câu chuyện cổ tích. Nó mộc mạc, bình dị nhưng cũng kì diệu biết bao, nó làm thức tỉnh phần Người bị khuất nấp bấy lâu trong dáng hình của một con quỷ dữ, làm cho Chí có khát khao về cuộc sống. Chí muốn được yêu thương, làm nũng với Thị Nở như với mẹ và điều quan trọng hơn là hắn nhận ra hắn có thể làm hòa với mọi người và khát khao sống lương thiện. Như vậy, tình thương có giá trị thật thiêng liêng, nó đã cứu rỗi và thức tỉnh Chí Phèo, đánh đổ bức bình phong vô hình của quyền lực và chiến thắng mọi bạo tàn của nhà tù thực dân và bàn tay tàn độc của Bá Kiến.
- Vợ chồng A Phù không chỉ là câu chuyện đơn thuần về số phận, cuộc đời người Mèo ở Tây Bắc mà thông qua đó Tô Hoài còn lên tiếng ngợi ca, trân trọng những vẻ đẹp rất thiêng liêng trong tâm hồn họ: Mị và A Phủ.
- Cuộc đời cô con dâu gạt nợ mang tên MỊ là chồng chất những bất hạnh, những cay cực và khổ đau. Cô phải mang thân mình để đánh đổi món nợ truyền kiếp của cha mẹ, phải sống tủi nhục như thân trâu ngựa trong nhà thống lí Pá Tra nhưng bên trong tâm hồn cô vẫn toát lên vẻ đẹp rất đáng được đề cao. Đó là một tâm hồn trẻ trung, yêu đời và khao khát tự do. Mi xinh đẹp lại thôi sáo hay, có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Trong tâm hồn ấy còn là một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Đã bao mùa xuân trôi qua, bao lần Mị lên nương phá rẫy, dù làm bất cứ việc gì cô cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Tưởng rằng, sức sống của cô sẽ cạn kiệt đi theo năm tháng nhưng mùa xuân ở Hồng Ngài năm đó với những bông bí đỏ, những chiếc váy hoa xòe và tiếng sáo gọi bạn đã làm thức tỉnh ý thức sống trong con người Mị. Quá khứ ùa về, sức sống bùng lên mãnh liệt, Mị nhận thấy mình vẫn còn trẻ, cô muốn đi chơi và sống theo tiếng gọi nơi con tim chứa chan tình yêu của mình. Chính từ giây phút ý thức trở lại đó, Mị đã vượt qua mọi nỗi sợ hãi, đồng cảm với những số phận khốn cùng như mình, cởi trói cho A Phủ để giải thoát cho anh ta và cũng là giải thoát cho chính Mị.
- Còn A Phủ lại là vẻ đẹp của sự bản lĩnh, gan dạ. Dù xuất phát là một đứa trẻ mồ côi nhưng lớn lên A Phủ sống rất phóng khoáng, yêu đời, ham thích tự do và không chịu luồn cúi trước quyền lực.
- Cho dù vòng quay số phận khác nhau nhưng cả trái tim Mị và A Phủ cùng chung nhịp đập khi họ cùng có khát vọng được giải phóng. Những ngày tủi cực trong nhà thống lí, họ mang thân phận nô lệ, sợ con ma nhà Pá Tra đã “nhận mặt mình”. Tưởng chừng họ đã đầu hàng trước số phận nhưng khi ranh giới giữa sự sống và cái chết còn rất mong manh thì bản năng sống trong họ trỗi dậy mạnh mẽ. Vượt qua nỗi sợ hãi, họ cùng nhau bỏ trốn khỏi Hồng Ngài. Đó là ước mơ được giải phóng, để rồi xuống Phiềng Sa họ trở thành vợ chồng và tham gia cách mạng.
- Cả Nam Cao và Tô Hoài đều có chung điểm nhìn. Đó là họ đã nhìn thấy nỗi đau của con người bị áp bức, bị bóc lột, bị chà đạp, bị lăng nhục. Đó là những người nông dân nghèo khổ dưới chế độ cũ.
- Sự khác biệt:
- Ở Chí Phèo, Nam Cao nhìn những người nông dân như Chí Phèo, Thị Nở là những nạn nhân, sản phẩm của hoàn cảnh xã hội thực dân phong kiến. Mặc dù đồng cảm và khát khao thay đổi số phận cho những người nông dân khốn cùng, những con người dưới đáy xã hội, bị bóc lột, chịu nhiều bất công nhưng cuối cùng tác giả cũng đành bất lực. Kết thúc tác phẩm là sự chấm dứt đột ngột của mối tình Chí – Thị, là cái chết đau đớn của Chí Phèo trong tuyệt vọng, là sự quẩn quanh, bế tắc trong hành trình đổi thay số phận người nông dân của nhà văn.
- Ở Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài nhìn người lao động miền núi Tây Bắc không phải là nạn nhân của hoàn cảnh mà là những người có khả năng cải tạo hoàn cảnh. Đồng tình với khát vọng đổi thay số phận của họ, quan trọng hơn, Tô Hoài đã chỉ ra con đường tất yếu họ cần phải đi và khẳng định khả năng giác ngộ cách mạng của họ, tin vào khả năng tự giải phóng của họ. Mị và A Phủ đã cùng giải thoát cho nhau, cùng tới Phiềng Sa trở thành du kích.
- Thông qua việc phân tích hai tác phẩm trên, ta thấy giá trị nhân đạo trước và sau năm 1945 vừa thống nhất vừa có những điểm riêng biệt.
- Điểm chung:
- Đồng cảm, chia sẻ với những số phận bất hạnh với những số phận chịu nhiều bất hạnh, khố cực.
- Tố cáo, lên án những thế lực bạo tàn gây đau khổ cho con người.
- Trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp, những ước mơ trong sáng giản dị của con người.
- Điểm khác biệt:
- Văn học 1930 -1945 coi con người là nạn nhân của hoàn cảnh, nhà văn khao khát đổi thay số phận con người nhưng bất lực (Mở đầu và kết thúc Chí Phèo là hình ảnh cái lò gạch cũ: vòng quẩn quanh, bế tắc).
- Văn học 1945 – 1975: đề cao vai trò của con người, tin vào con người có khả năng cải tạo hiện thực và thay đổi số phận của mình bàng con đường đấu tranh cách mạng.
- Lí giải nguyên nhân của sự khác biệt
- Các nhà văn giai đoạn 1930- 1945 (chủ yếu là các nhà văn hiện thực phê phán) mang ý thức hệ tư sản, tiểu tư sản, hầu hết chưa tham gia cách mạng nên mới chỉ nhìn thấy tác động một chiều của hoàn cảnh đối với con người, nhìn con người và hiện thực khách quan có phần bi quan, bế tắc.
- Do hạn chế khách quan từ hoàn cảnh lịch sử.
- Các nhà văn giai đoạn 1945-1975, họ đều là những người chiến sĩ cách mạng, họ trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giác ngộ và thấm nhuần cao độ lí tưởng cộng sản nên có tinh thần lạc quan, thấu suốt tương lai.
- Điểm chung:
3. Kết bài
- Cảm hứng nhân đạo là nguồn mạch xuyên suốt tiến trình văn học Việt Nam. Tuy có những điểm gặp gỡ nhưng ờ mỗi thời kì do sự chi phối từ hoàn cảnh khách quan và các nhân tố chủ quan khác nên tồn tại những đặc điểm riêng.
- Nhưng chính sự giống nhau và khác nhau đó ở các giai đoạn văn học tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền văn học Việt Nam cả trên bình diện nội dung và tư tưởng. Và Chí Phèo của Nam Cao và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là minh chứng sinh động cho sự đa dạng đó. Với mạch nguồn nhân đạo vững chắc, Nam Cao và Tô Hoài cùng với tác phẩm của hai ông sẽ có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.
Trên đây là bài văn mẫu Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:
—–LOP12.COM—–