A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
a. Mở bài:
– Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, với nhiều tác phẩm đặc sắc.
– Rừng xà nu là khúc sử thi văn xuôi hiện đại tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên.
– Một trong những nhân vật mang đậm chất sử thi là cụ Mết.
b. Thân bài:
– Ngoại hình:
+ Quắc thước: “râu dài đến ngực mà vẫn đen bóng”, “vết sẹo ở má phải láng bóng”, cụ là người đã trải qua nhiều thăng trầm
+ “bàn tay nặng trịch như kìm sắt”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”, …mang dáng dấp của anh hùng trong sử thi Tây Nguyên.
– Cụ là người quắc thước và nghiêm nghị:
+ Giọng nói “ồ ồ dội vang trong lồng ngực ”: vừa thể hiện sức mạnh thể chất vừa thể hiện sức mạnh quyền uy của người chỉ huy.
+ Mỗi câu nói như một chân lí “không có gì mạnh bằng cây xà nu trên đất ta”, “cán bộ là Đảng, Đản còn, núi nước này còn”, “chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”.
– Cụ Mết có tình yêu quê hương sâu sắc:
+ Dẫn Tnú ra máng nước đầu làng gội rửa, để nhắc nhở những ai đi xa nhớ về ngườn cội, quê hương.
+ Tự hào về tất cả mọi thứ trên quê hương: “Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này”.
+ Vì muốn bảo vệ quê hương nên luôn tìm hướng đi đúng đắn cho buôn làng: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”.
– Là người giàu tình yêu tình yêu thương:
+ Hết lòng thương yêu và tin tưởng Tnú – chàng trai trẻ có số phận bi tráng: nồng hậu đón Tnú trở về, xót thương khi nhìn những ngón tay còn hai đốt của Tnú, luôn động viên anh: “Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được”.
+ Xúc động khi kể lại cho dân làng nghe câu chuyện của Tnú, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt”.
+ Nhận được muối, dù ít ỏi cụ vẫn chia đều cho mọi người trong buôn làng.
– Cụ Mết là người biết nhìn xa trông rộng: dự trữ lương thực đủ ăn để đánh giặc, biết rõ được sức mạnh chưa đủ khi chưa có vũ khí nên không liều mạng xông ra cứu Tnú,…
– Cụ chính là người chỉ đường dẫn lối. Là chỗ dựa tinh thần cho dân làng.
– Nhận xét: Cụ Mết là biểu tượng thế hệ anh hùng đi trước, hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, hội tụ vẻ đẹp con người Tây Nguyên, mang dáng vẻ của người anh hùng với sức mạnh phi thường trong sử thi.
c. Kết bài:
– Nêu cảm nhận của bản thân về hình ảnh cụ Mết.
– Khái quát nghệ thuật: với kết cấu truyện lồng trong truyện, đầu cuối tương ứng đặc sắc, ngôn ngữ đậm chất sử thi, nhưng cũng mộc mạc giản dị, xây dựng hình tượng,…
– Thông qua câu chuyện của dân làng Xô Man, tác giả đã đặt ra vấn đề có ý nghĩ lớn lao với dân tộc: Để cho sự sống của đất nước và nhân mãi trường tồn thì không có cách nào hơn là đoàn kết đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Em hãy cảm nhận về nhân vật Cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Một trong những nhân vật mà góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm và làm đậm thêm chất sử thi cho truyện ngắn ‘Rừng xà nu’ của Nguyễn Trung Thành chính là nhân vật cụ Mết – kiểu nhân vật già làng tộc trưởng dường như vốn rất quen thuộc trong các thiên anh hùng ca Tây Nguyên, và nhân vật cụ Mết chính là biểu tượng cho sức mạnh truyền thống, tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân Tây Nguyên, là chỗ dựa tinh thần
Ta có thể nhận thấy rằng ngay khi vừa xuất hiện, ấn tượng về một vị già làng mạnh mẽ đã thể hiện trong chi tiết “một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt”. Tác giả Nguyễn Trung Thành như đã vẽ những nét vẽ ngoại hình về một cụ già “quắc thước … mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng … ngực căng như một cây xà nu lớn” . Và những câu văn như đã khắc họa hình ảnh của một già làng sắc sảo, kiến nghị, vững chãi qua đó nói lên được vẻ tiềm tàng sức mạnh thể chất, tràn trề uy lực tinh thần, có sức lôi cuốn, thuyết phục mạnh mẽ với cộng đồng.
Cụ Mết không xuất hiện ở ngay đầu tác phẩm nhưng sự xuất hiện của cụ qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trung Thành cũng thực sự để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. “Một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một kìm sắt… Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng!.. ngực căng như một cây xà nu lớn…” Nhà văn đã tập chung miêu tả ngoại hình từ ngay những dòng văn đầu tiên nói về cụ. Qua đó cụ Mết hiện lên với một thân hình khỏe mạnh, hùng tráng; bộ râu dài tới ngực mà vẫn đen bóng cho thấy cụ mang dáng dấp đúng của một người già làng; đôi mắt sáng xếch ngược hiện lên một con người có trí tuệ tinh nhanh và uy cường. Với chút miêu tả đó nhà văn cũng đã phần nào chứng tỏ được Cụ Mết là sức mạnh của núi rừng Tây Nguyên. Nhưng không chỉ dừng lại đó nhà văn còn miêu tả về giọng nói của cụ Mết với một giọng nói “ồ ồ, dội vang trong lồng ngực” không chỉ minh chứng cho sức ngân vang của cụ mà còn khẳng định sự lãnh đạo và chỉ huy được đám đông làng Xô-man. Cách nói của cụ như ra lệnh; không bao giờ cụ khen tốt hay giỏi nếu vừa ý thì nói “Được!”. Mệnh lệnh chiến đấu phát ra chắc nịch đó được thể hiện trong đêm Tnú bị giặc đốt mười ngón tay, “Chém! Chém hết!” của cụ như tiếng sấm bên tai không chỉ thúc giục tinh thần trong mỗi người xông lên cứu Tnú, mà còn phần nào đã khiến cho bọn thằng Dục bị đòn bất ngờ và có phần khiếp sợ. Nhưng giọng nói cụ Mết cũng thật đầm ấm, trang nghiêm, linh thiêng như một huyền thoại – đó là khi cụ Mết kể về câu chuyện của Tnú cho dân làng Xô-man. Mọi người vây quanh đống lửa trong không gian của nhà ưng và nghe cụ kể về Tnú với “tiếng nói rất trầm”. Qua đó, bạn đọc có thể thấy cụ Mết hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh dân tộc của các đồng bào vùng Tây Nguyên, là niềm tự hào của cộng đồng dân làng Xô-Man. Giọng nói của cụ như là tiếng của cội nguồn,của núi rừng, của lịch sử, lời nói của cụ là sấm truyền sử thi, đó còn như những phán quyết của lịch sử, là sức mạnh hào hùng của thời đại.
Có thể thấy được trong vai trò của một già làng thời đánh Mỹ, cụ Mết kiên cường, vững chãi như một cây xà nu lớn. Và hình ảnh cụ Mết chính là chỗ dựa tin cậy của dân làng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ với dân làng. Và hình ảnh cụ Mết lại luôn luôn giữ cho mình tình yêu, niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng. Câu nói nổi tiếng và chất chứa tình cảm của cụ với Đảng là “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”
Có thể nhận thấy ở trong làng, cụ cũng là người đứng đầu biết nhìn xa trông rộng, biết lo cho cuộc chiến đấu chung của dân làng. Cụ cũng như đã ân cần và động viên dân làng lo dự trữ lương thực để có thể đủ ăn tới ba năm bởi “đánh Mỹ phải đánh dài”. Qua nhân vật cụ Mết dường như cũng đã thể hiện vai trò của một già làng tỉnh táo, sáng suốt để có thể kiềm chế nổi những đau đớn và căm hờn ngay trong giây phút khốc liệt nhất,và quan trọng hơn nữa là đã tìm ra con đường đúng đắn nhất lãnh đạo dân làng nổi dậy cầm vũ khí tiêu diệt kẻ thù. Có thể thấy được trước cái chết của vợ con Tnú, trước cảnh Tnú bị bắt trói, tra tấn dã man kai thì cụ Mết đau đớn nhưng tỉnh táo, không để tình cảm chi phối. Cụ Mết dường như cũng đã nhắc đi nhắc lại: “Tao cũng chỉ có hai bàn tay không. Tao quay vào rừng… tìm bọn thanh niên… tìm giáo mác”. Có thể thấy chính lý trí sáng suốt cần thiết của một già làng, một người đứng đầu, và cụ còn là người chịu trách nhiệm với sự sống còn của cả cộng đồng đã giúp cụ Mết cùng với dân làng chiến đấu và chiến thắng quân giặc tàn bạo.
Tuy đã qua thời kỳ xuân xanh không còn ở tuổi trai tráng lực lưỡng nhất nhưng cụ Mết vẫn giữ được uy lực của một người già làng, trưởng bản, một con người cả cuộc đời hiên ngang, quen dầm mưa dãi nắng, được núi rừng tô luyện cứng như đá, kiên cường, quắc thước….Không sợ bất kỳ một thế lực nào, hiên ngang, sừng sững..
Cụ Mết như những cây xa nu đã trưởng thành dù mưa bão cũng không làm lung lay được. Mưa bão chỉ có thể quật ngã làm đổ những cây non, những cây không đủ sức chống đỡ với bão táp, còn những cây xà nu trưởng thành thì không có gì làm nó gục ngã.
Không chỉ là trụ cột về tinh thần, của dân làng Xô Man cụ Mết còn là người có con mắt chiến lược nhìn xa trông rộng. Cụ luôn lo lắng cho những cuộc chiến của người dân, luôn động viên người dân làng phải biết tích lũy lương thực vì cuộc kháng chiến chống Mỹ còn dài, không phải kết thúc trong ngày một ngày hai được.
Trong tác phẩm “Rừng xà nu” cụ Mết chính là hình tượng vô cùng đẹp như một tộc trưởng, già làng vô cùng oai hùng. Cụ Mết chính là linh hồn là người dẫn dắt dân làng Xô Man đi theo con đường chính đạo, đi theo con đường giải phóng dân tộc, giác ngộ cách mạng căm thù cái ác.
2. Bài văn mẫu số 2
rong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành, nếu được hỏi nhân vật nào là một chứng nhân lịch sử đi cùng những biến cố thời đại và con người của dân làng Xô Man thì có lẽ câu trả lời chính là cụ Mết. Dù không xuất hiện nhiều hay được miêu tả nhiều trong câu chuyện tuy nhiên cụ Mết lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của Tnú, của quá trình đấu tranh của dân làng Xô Man.
Cụ Mết là một già làng, có thể nói là trưởng làng của buôn làng Xô Man. Cụ là người đàn ông mạnh mẽ, nghị lực và đầy khí phách. Khí phách của cụ đã được tác giả miêu tả qua ngoại hình: cụ có khuôn mặt quắc thước, đôi mắt đen sáng, râu dài tới ngực và có bộ ngực cường tráng, tiếng nói vang ồ ồ trong lồng ngực. Cách miêu tả ngoại hình của cụ Mết cũng cho thấy đây là một con người rất mạnh mẽ, dứt khoát và đầy khí thế. Cụ là người đứng đầu buôn làng Xô Man, đóng vai trò cầm cân nảy mực, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người dân trong buôn làng.
Cụ Mết chính là linh hồn của người dân làng Xô Man, là người soi đường cho những thế hệ trẻ đi theo con đường yêu nước, con đường cách mạng của dân làng. Nhân vật cụ Mết được coi như già làng trưởng bản của làng Xô Man, cụ Mết không xuất hiện ở ngay đầu tác phẩm nhưng mỗi lần xuất hiện đều toát lên vẻ oai hùng, của một người lãnh đạo cầm đầu, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Một bàn tay chắc nịch nắm lấy vai Tnú như một kìm sắt, khi anh nhìn cảnh Mai và con mình bị hành hạ, Tnú định từ gốc cây chạy ra nhưng bàn tay cụ Mết đã giữ anh lại.
Ông cụ có khuôn mặt quắc thước ấy râu dài tới ngực, đen bóng đôi mắt ông sáng lên, những vết sẹo trên người cũng láng bóng, ngực căng lên như một cây xà nu lớn trưởng thành qua gió bão. Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cụ Mết bằng những câu văn miêu tả một vị anh hùng, một già làng tộc trưởng được vạn người kính trọng. Qua những nét vẽ đó ta thấy được cụ Mết là người vô cùng cường tráng, khỏe mạnh có diện mạo quắc thước, minh mẫn thể hiện sự nhanh nhẹn trong hành động lời nói và trí tuệ.
Cụ Mết đã một lòng theo Đảng, cách mạng để đi từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mĩ trong vai trò trụ cột, chỉ huy, lãnh đạo dân làng Xô Man. Tình yêu với Đảng, cách mạng còn được thể hiện qua những lời nói giản dị mà đầy ý nghĩa: “Đảng còn. Núi nước này còn”. Không khoa trương ồn ào, nhưng bằng chính lối tư duy mộc mạc, ngôn ngữ tự nhiên, đã thể hiện tình yêu Đảng sâu sắc của cụ, đồng thời khơi dậy tình yêu đó trong lòng mỗi người dân làng Xô Man.
Không chỉ vậy cụ còn là người có kinh nghiệm sống, bản lĩnh và từng trải. Chính những điều ấy khiến cho cụ luôn đưa ra những quyết định đứng đắn, sáng suốt trong những thời điểm quan trọng nhất. Cụ cũng là người đã nhận ra: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”, cũng chính cụ đã vượt qua được sự nôn nóng của Tnú để quay vào rừng, sau đó cùng thanh niên, trai tráng quay trở lại cứu Tnú. Kinh nghiệm bản lĩnh sống của cụ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của dân làng Xô Man.
Trong nhân vật này chứa đựng sự trưởng thành của một con người từng trải đã trải qua nhiều nắng gió của thời gian, của những khó khăn vất vả tạo thành một con người kiên cường bất khuất không sợ gì. Trong giọng nói của cụ Mết tác giả Nguyễn Trung Thành miêu tả cụ có giọng nói ồ ồ vang rộn cả núi rừng Tây Nguyên. Những lời nói của cụ tựa như sấm truyền. Mỗi lần cụ nói như ra lệnh không bao giờ khen tốt hay giỏi với bất kỳ ai mà chỉ nói những lời nói mang tính chất khích lệ như “Được”. Nhưng mỗi lời ông cụ nói đều chắc nịch thể hiện một mệnh lệnh.
Trong lúc Tnú bị bọn thằng Dục tay sai bắt và tra tấn dã man lúc chúng tẩm nhựa xà nu vào mười đầu ngón tay Tnú và đốt trong khoảnh khắc ấy từ “Giết” của cụ Mết vang lên như một lời sấm truyền. Cụ đã chính tay giết chết tên Dục rồi cùng dân làng Xô Man cứu Tnú thoát khỏi vòng vây sự tra tấn của kẻ thù. Khi Tnú cùng quẫn, bất động vì vợ con bị giết chết, mười đầu ngón tay bị thiêu đốt còn hai nhưng cụ Mết chính là người đã cho anh sức mạnh, cho anh thêm nghị lực để tiếp tục đứng lên chiến đấu với kẻ thù. Cụ Mết nói “Không có tay cũng có thể dùng súng giết giặc”.
Cụ cũng là người luôn tìm cách giữ lửa, truyền lửa và động viên thế hệ mai sau tiếp bước con đường của thế hệ cha anh. Và vai trò quan trọng nhất của cụ Mết cũng là phẩm chất nổi bật nhất chính là việc cụ đưa ra những đúc kết và thay tác giả phát ngôn cho những chân lí của thời đại, cộng đồng.
Từng lời chậm rãi, nhưng dõng dạc, chắc nịch: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”, thể hiện sự nhạy bén của cụ trước sự đổi thay của thời đại. Bởi chỉ với bàn tay không Tnú đã không cứu được vợ con, bản thân cũng bị giặc hành hạ tàn bạo; bởi chỉ có bàn tay không nên rất nhiều người dân đã ngã xuống. Cụ đã nhận thức được rằng, thời đại đã thay đổi, quân xâm lược ngày càng sử dụng những vũ khí tối tân với cách đánh tinh vi hơn, bởi vậy chỉ với bàn tay không thì ta chắc chắn sẽ thất bại.
Khi kể cho dân làng nghe về cái chết của vợ con Tnú, cụ cũng không kìm nổi sự căm phẫn tiếc thương, cụ thương cho những người con, người cháu vô tội của cụ đã bị giết bởi những tên giặc mạn rợ, cụ thương cho cuộc đời của Tnú, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt”. Trải qua biết bao sự mất mát, chia ly bởi bom đạn, cụ vẫn phải rơi những giọt nước mắt bởi dân làng, người thân của cụ. Chính cử chỉ vụng về ấy đã bộc lộc trái tim nhân hậu, yêu thương đồng bào của cụ. Cụ đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim, xoa dịu nỗi đau của biết bao con người. Cụ Mết chính là linh hồn của cả một dân tộc Việt Nam và dân làng Xô Man nói riêng.
Hình ảnh cụ Mết tuy ít xuất hiện trong bài, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Trung Thành, nhân vật cụ Mết với những phẩm chất ưu tú hơn người, đã mang trọn những tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân Tây Nguyên. Trong lịch sử của chúng ta, không có ít người như cụ Mết, thế nhưng hình ảnh của cụ già làng sánh vai cùng cây xà nu đại thụ trong Rừng xà nu sẽ sống mãi cùng mọi thế hệ.
—–LOP12.COM—–