1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Thói vô trách nhiệm.
b. Thân bài:
* Giải thích: Vô trách nhiệm: trái ngược trách nhiệm, là việc không có ý thức muốn làm tốt việc của mình.
* Phân tích:
– Biểu hiện của người vô trách nhiệm:
+ Người vô trách nhiệm thường không quan tâm, mặc kệ những công việc mà bản thân mình được giao phó; không hoàn thành đúng hạn công việc hoặc chất lượng công việc không được tốt.
+ Người vô trách nhiệm không dám nhìn nhận thực tế vào những lỗi lầm của mình.
+ Người vô trách nhiệm còn là người không biết giữ lời hứa, từ đó vô tình khiến cho lời nói của mình trở nên mất giá trị, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân.
– Tác hại:
+ Tác hại của việc vô trách nhiệm là làm mất lòng tin ở mọi người vì không thực hiện đúng được những gì bản thân đã cam kết,
+ Người vô trách nhiệm khó có thể thành công trong công việc và cuộc sống…
* Mở rộng:
– Cuộc sống của mỗi người do mỗi người tự lựa chọn và định hướng, hãy trở thành một người để người khác học tập theo.
– Khi chúng ta rèn luyện được đức tính “trách nhiệm”, ta sẽ rèn luyện được nhiều đức tính quý báu khác.
c. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề nghị luận: thói vô trách nhiệm; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn bàn về thái độ sống vô trách nhiệm.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Cuộc sống hiện đại đang kéo con người vào nhịp sống nhanh, sống vội, sống cuồng nhiệt khiến cho khoảng cách cũng như mối quan hệ như bị kéo dãn ra. Có nhiều biểu hiện sai trái, lệch lạc cũng xuất phát từ lối sống này. Một trong những lối sống đang lên án chính là thói vô trách nhiệm.
Thói vô trách nhiệm được hiểu là sự hờ hững, không quan tâm, không có trách nhiệm với việc làm của mình và của người khác. Trong cuộc sống hiện nay thói vô trách nhiệm đang hiển hiện và ngày càng gia tăng. Bạn vô trách nhiệm với chính bản thân mình, vô trách nhiệm với bạn bè, với gia đình và với nhiều mối quan hệ khác. Thói sống này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn và của nhiều người xung quanh.
Tinh thần trách nhiệm là ý thức nỗ lực nhằm hoàn thành tốt những phận sự của mình. Nó được biểu hiện cụ thể, sống động trong ba mối quan hệ cơ bản: giữa cá nhân với gia đình, cá nhân với toàn xã hội và cá nhân với bản thân mình. Tinh thần trách nhiệm là một phẩm chất cao đẹp, một thước đo giá trị con người, là cơ sở để xây dựng hạnh phúc của mỗi gia đình; đồng thời tinh thần trách nhiệm cũng góp phần quan trọng tạo nên quan hệ xã hội tốt đẹp. thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Hình ảnh cô cảnh sát giao thông đưa người già qua đường giữa làn xe tấp nập ở cung đường Nam Kỳ Khởi nghĩa – Võ Thị Sáu ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh mà các cơ quan thông tấn báo chí gần đây đưa tin là những hình ảnh thật đẹp về tinh thần trách nhiệm. Rõ ràng đó là những hình ảnh đẹp, nó toát ra từ nhân phẩm của cá nhân được rèn luyện nghiêm túc. Dù phải sống cùng với căn bệnh ung thư xương đang di căn từng ngày vào cơ thế nhưng Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Hân vẫn sống đẹp dù trong tuyệt vọng. Với cánh tay phải, Hân vẫn miệt mài hàng giờ bên tờ báo tường của lớp, nắn nót từng nét chữ tươi rói màu mực cho ngày lễ 20-11 của lớp trọn vẹn. Những đêm khuya, bà Trần Thị Tư – mẹ Hân – canh cánh trong lòng khi con gái vẫn ngồi bên bàn viết miệt mài với những bài văn, con toán của năm cuối cấp. Hân ngồi lặng lẽ trên phản, trở mình với từng trang giấy được lật, bài học không bỏ phí một ngày. Đó chính là một biểu tượng về tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, không gục ngã trước nghịch cảnh dù đời sống của Ngọc Hân chẳng còn bao lâu nữa. Hình như em đã đang ở cuối con đường.
Mở rộng hơn nữa còn là có trách nhiệm với những người xung quanh mình. Đây là điều mà hiện nay rất nhiều người đã bị guồng quay cuộc sống quá phức tạp cuốn đi mất. Họ sống thờ ơ, dửng dưng, vô trách nhiệm không chỉ với người khác mà còn với chính bản thân mình.
Ở lứa tuổi thanh niên, lối sống vô trách nhiệm với bản thân xuất hiện rất nhiều. Những hành vi, hành động của tuổi trẻ không được kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều hậu quả sai lầm về sau. Một ví dụ điển hình cho thói vô trách nhiệm này là việc các cặp đôi yêu nhau hiện nay không có trách nhiệm với những hành động của mình. Việc sống thử với nhau khi yêu, rồi mang bầu, mọi chuyện được giải quyết bằng cách phá bỏ cái thai trong bụng. Đây chính là hành động vô trách nhiệm, sai lầm lớn khiến cho cuộc đời bạn về sau phải hối hận.
Thói vô trách nhiệm là biểu hiện của lối sống phi đạo đức, thể hiện ở ý thức và hành động không làm tròn phận sự của mình đối với xã hội, gia đình và bản thân, gây nên những hậu quả tiêu cực. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, lối sống ấy đang khá phổ biến, trở thành một vấn nạn trong xã hội. Những cán bộ có tài và có chức vụ cao ở huyện Hóc Môn và Gò Vấp đã và đang ra vòng móng ngựa thời gian vừa qua. Những khi còn tại vị chắc họ đã từng giáo huân nhiều vấn đề đạo đức, trách nhiệm cho cán bộ cấp dưới, cho dân chúng địa phương nhưng rồi cuối cùng họ trở thành tội phạm tham ô. Thói vô trách nhiệm và đạo đức giả ấy làm băng hoại đạo đức con người, gây tổn hại hạnh phúc gia đình, gây tổn thất cho cộng đồng, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Hậu quả của lối sống vô trách nhiệm rất nặng nề. Có rất nhiều cần chúng ta giúp đỡ ở ngoài kia nhưng chúng ta lại làm ngơ, ngó lơ, cứ lạnh lùng bước qua. Có thể hôm nay chúng ta đi qua một khu chợ sầm uất và bắt gặp cảnh tượng hai bà cháu đang ngửa chiếc nón rách để xin tiền về qua. Và chúng ta đã bước qua, chỉ ngoái nhìn và không làm gì. Đây chẳng phải là vô trách nhiệm, thờ ơ trước khó khăn của người khác hay sao.
Khi cuộc sống quá nhanh, con người cạnh tranh khốc liệt với nhau, tranh giành địa vị, chức quyền và chúng ta đã quên mất trách nhiệm với bản thân và với những người xung quanh. Khi sống có trách nhiệm, chúng ta sẽ được nhiều người yêu mến và kính trọng.
Chúng ta có cuộc sống thanh bình hơn 30 năm qua là phải đổi biết bao máu xương của cha, ông, của các anh hùng đã ngã xuống cho Tổ quốc này. Chúng ta cần phải “sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận” để xứng đáng với những hi sinh của thế hệ đi trước và sự kỳ vọng tha thiết của những người ngã xuống cho quê hương. Trách nhiệm sống của mỗi chúng ta là luôn rèn luyện nhân phẩm, năng lực tri thức để làm cho xã hội ngày càng phồn vinh, trong đó cần tuyên chiến một cách dũng cảm nhất với thói vô trách nhiệm và lối sống đạo đức giả.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Mỗi con người chúng ta được sinh ra và tồn tại trên thế giới này đều là một điều may mắn, mặc dù cuộc đời của mỗi người là hoàn toàn khác nhau song chúng ta có chung một trách nhiệm đó chính là trách nhiệm với cuộc đời của mình. Cuộc sống là của mình, mình phải có trách nhiệm chứ không thể phó thác cho ai khác, ngược lại, sống mà vô trách nhiệm với cuộc đời của chính mình thì thật không đáng sống, bởi thói vô trách nhiệm không chỉ gây hậu quả đối với cá nhân mà còn cả những người xung quanh và toàn thể xã hội.
“Vô trách nhiệm” chính là không có trách nhiệm, thói vô trách nhiệm của con người ở mức độ cá nhân là vô trách nhiệm với bản thân, cao hơn là vô trách nhiệm với những người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, cuối cùng là sự vô trách nhiệm với xã hội mà chính mình đang tồn tại trong đó. Người vô trách nhiệm sẽ không chịu trách nhiệm về bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống cũng như công việc và sinh hoạt, họ luôn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, né tránh và luôn ỷ lại, hoặc nếu có tiếp nhận họ cũng chỉ giải quyết theo cảm tính, làm qua loa cho có chứ thực sự không để tâm đến trách nhiệm của mình. Biểu hiện của thói vô trách nhiệm trong cuộc sống rất dễ nhận biết, thói hư tật xấu này như những cây cỏ dại, mọc lan rất nhanh và có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu, bất cứ con người và hoàn cảnh nào nếu như nơi đó có điều kiện cho chúng sinh sôi, nảy nở.
Trái với tinh thần trách nhiệm là thói vô trách nhiệm. Con người vô đạo đức, nhân cách méo mó thì từ lời nói đến cử chỉ, việc làm đều vô trách nhiệm, không hề quan tâm tới lợi ích của mọi người. Họ sống dửng dưng trước đồng loại, sống bàng quan “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, dửng dưng cho rằng: “Trời lụt thì lụt cả làng”, v.v… Cái thói vô trách nhiệm rất đáng sợ, nó tha hóa con người, nó là nguyên nhân sâu xa của mọi hiện tượng tiêu cực, phi đạo lí trong xã hội. Thói vô trách nhiệm bị xã hội phê phán, lên án; kẻ vô trách nhiệm bị cộng đồng chê trách và coi khinh. Vứt rác bừa bãi, đại, tiểu tiện, khạc nhổ bất cứ đâu, chặt phá cây xanh, làm ỗ nhiễm môi trường,… đều là những hành động vô trách nhiệm phải lên án, phải xử phạt. Hiện tượng hứa với dân rồi không thực thi là thói vô trách nhiệm, dẫn đến mất lòng dân đã từng bị báo chí lên tiếng, dư luận phê phán! Tác hại của thói vô trách nhiệm rất ghê gớm! Đúng như ý kiến cho rằng: “Như một thứ Axit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội”.
Bố mẹ thương yêu, chăm sóc, dạy bảo con cái nên con ngoan, trò giỏi. Con cái phải chăm học, chăm làm, hiếu thảo, lễ phép… Anh em phải biết kính nhường, thương yêu chăm sóc lẫn nhau. Có được như thế thì mới có hạnh phúc. Xây dựng gia đình văn hóa mới là trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em, của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nêu cao nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, ông bà thường nhắc nhở con cháu: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Khẩu hiệu: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” là bài học sâu sắc nêu cao đạo lí và tinh thần trách nhiệm công dân. Tố Hữu có câu thơ rất hay ca ngợi tình người, ca ngợi tinh thần trách nhiệm: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Cho là hiến dâng, là phục vụ.
Một con người vô trách nhiệm sẽ không quan tâm tới chính bản thân mình về tất cả mọi mặt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như công việc. Họ không quan tâm đến sức khỏe của chính mình, có ốm đau hay biểu hiện nguy hại gì cũng mặc kệ, không thăm khám hay kiểm tra tình hình sức khỏe cơ thể. Họ không có ý thức chăm sóc cho bản thân, vun vén cho công việc, ngược lại làm việc gì cũng cẩu thả, qua loa, thái độ miễn cưỡng cho xong chuyện, với bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng buông thả, luôn có suy nghĩ “tới đâu hay tới đó”. Đối với mọi người xung quanh, người vô trách nhiệm có thể vô tâm với chính người thân trong gia đình của mình, cha mẹ là người sinh ta ra nhưng đến khi ốm đau những người con lại đùn đẩy trách nhiệm trông nom cho nhau, không ai chịu chăm nom cha mẹ, ai cũng bày biện lý do để thoái thác trách nhiệm của mình.
Một thực trạng đáng buồn rằng hiện nay thói vô trách nhiệm đang lan nhanh như một bệnh dịch khó kiểm soát, đặc biệt là trong giới trẻ. Nó có rất nhiều biểu hiện khác nhau như: họ chỉ nghĩ tới những lợi ích nhỏ mọn của cá nhân mà không quan tâm tới lợi ích chung. Sống ỷ lại, luôn nhờ cậy những người xung quanh. Bàng quang với cuộc sống, không quan tâm tới những vấn đề xã hội không liên quan tới lợi ích bản thân. Thậm chí, dù việc đó có liên quan tới họ thì họ cũng sẽ trông chờ vào sự giúp đỡ của một người khác. Không chịu nhận lỗi sai hay trách nhiệm về bản thân khi có chuyện gì xảy ra…
Để giải quyết thói vô trách nhiệm này, bản thân mỗi người phải biết cách kiểm soát chính mình, sống trách nhiệm với chính những hành động của mình. Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Có những cá nhân như vậy, xã hội mới ngày một tốt đẹp và gắn kết hơn. Về lâu dài, nó sẽ tạo thành một nếp sống văn minh, một xã hội văn minh.
Vô trách nhiệm chính là thứ axit mạnh và nhanh nhất biến một con người hay rộng hơn là cả xã hội trở nên tiêu cực, biến chất. Hãy biết cách sống yêu thương, sống có trách nhiệm để thứ axit đó không thể bào mòn tất cả.
—–LOP12.COM—–