1. Cảm nhận hai khổ cuối bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh
Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những câu thơ tình của Xuân Diệu mà ông đã từng viết về tình yêu: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Đúng như vậy! Tình yêu là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống, chính vì thế đã tự bao giờ nó đã tràn vào thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Mỗi vần thơ viết về tình yêu đều mang những rung cảm thật đặc biệt, mỗi câu chuyện tình yêu đều là những chuyện cổ tích thật đẹp đẽ mà nhà thơ đã mang đến cho ta. Sóng là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Quỳnh viết về đề tài tình yêu. Nếu tình yêu của Xuân Diêụ luôn cuống quýt và hối hả thì Xuân Quỳnh lại rất đỗi kín đáo, mang nhiều trăn trở nhưng vô cùng say đắm. Suốt cả bài thơ, tác giả đã mang đến cho ta nhiều cung bậc cảm xúc, nỗi nhớ nhung da diết, lòng chung thủy trong tình yêu. Không chỉ thế, đến cuối bài thơ tác giả còn cho ta thấy cả những trăn trở và khát vọng tình yêu vĩnh hằng:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Xuân Quỳnh được biết đến là một nhà thơ nữ không may mắn, bà không được hạnh phúc viên mãn trong tình yêu, liên tục gặp sóng gió và trắc trở. Chính vì thế những trang thơ của chị luôn chứa đầy cảm xúc với thật nhiều cung bậc khác nhau. Dịu dàng và sâu lắng, e ấp, nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa sức sống dồi dào và khát khao mãnh liệt – đó là những nét đặc trưng riêng thường thấy trong mỗi trang thơ trữ tình của chị. Nét nổi bật của hồn thơ Xuân Quỳnh là sự dung dị, hồn nhiên, tươi tắn, nồng nhiệt và chân thành, vừa giàu trực cảm vừa sâu lắng suy tư. Bài thơ Sóng là kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền cuối năm 1967 và được đưa vào tập thơ Hoa dọc chiến hào. Vào những năm tháng khắp nơi trên đất nước diễn ra những cuộc chia li, những chàng trai cô gái đã từ giã gia đình khi tuổi đôi mươi để vào tiền tuyến. Ấy vậy mà nhà thơ không viết về những con người Việt Nam thời kháng chiến mà chị lại viết về tình yêu. Vì thế bài thơ được coi là bông hoa lạ vẫn nở dọc chiến hào trong những năm chống Mỹ. Xuân Quỳnh là người nhạy cảm với sự chảy trôi của thời gian. Ý thức về thời gian trong chị thường đi liền với niềm lo âu và khát khao nắm lấy hạnh phúc trong hiện tại. Tuy lúc này thời gian với Xuân Quỳnh dường như còn ở cả phía trước, cuộc đời còn rộng dài nhưng ý thức về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh khó bền chặt của hạnh phúc đã hiện ra thành một thoáng âu lo:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Nhà thơ không trực tiếp bày tỏ tình yêu có những chiêm nghiệm như thế nào, nhưng đằng sau những vần thơ về cái vĩnh hằng trường cửu của thiên nhiên, người ta vẫn nhận ra cái hiện thực đối lập: “cuộc đời” và “năm tháng”; “biển cả” và “mây trời”. “Cuộc đời” chỉ thời gian rất ngắn ngủi của mỗi đời người, “năm tháng” là hoán dụ cho dòng thời gian vô thủy vô chung; “biển cả” là không gian mênh mông như thế nhưng vẫn chỉ là hữu hạn, còn “mây trời” lại gợi sự phiêu du trong vũ trụ vô cùng vô tận. Khổ thơ thấm thía nỗi lo âu về sự chảy trôi của thời gian. Thời gian cứ thế trôi đi, bốn mùa luân chuyển, nó chẳng bao giờ vì ai mà dừng lại cũng chẳng đứng lại chờ ai bao giờ. Tình yêu là vô biên, là vĩnh cửu, trường tồn mãi với thời gian. Sóng biển ngàn năm nó vẫn thế, vẫn lăn mãi vào bờ chỉ có thời gian cuộc đời con người là hữu hạn. Lúc này ta có thể thấy được những lo âu của Xuân Quỳnh về sự bền vững của tình yêu. Đối với Xuân Quỳnh, dù biển kia có “rộng” lớn bao nhiêu, bao dung đến mấy như tình yêu của người thi sĩ thì áng mây là tình yêu nhỏ bé mong manh vẫn có thể “bay về xa” mãi mãi. Tâm hồn người phụ nữ khi yêu là thế, dù có đang hạnh phúc bao nhiêu, say đắm bao nhiêu vẫn mang một chút trắc trở và hoài nghi về sự bền vững của tình yêu. Những dự cảm, lo âu không đem lại một cách ứng cử xử tiêu cực, bi quan mà trở thành nguồn gốc của những khát vọng trong tâm hồn Xuân Quỳnh:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Xuân Quỳnh là một người phụ nữ vô cùng hiện đại, bà mong muốn được trường tồn, vĩnh cửu với tình yêu, nhà thơ ao ước được sống trọn vẹn bất tử với tình yêu con người và tình yêu cuộc đời. Đó cũng là cách để nữ thi sĩ chống lại quy luật khắc nghiệt của cuộc đời con người. Nhà thơ muốn tìm đến tình yêu như là cứu cánh để giải quyết bi kịch giữa khát vọng lớn và cái hữu hạn nhỏ bé của cuộc đời con người. Khát vọng tình yêu là mãnh liệt nhưng cách bày tỏ khát vọng đó vô cùng giản dị. Chị không chán nản, không tuyệt vọng mà trái lại càng khát được sống hết mình trong tình yêu. Chị muốn được hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ” để vĩnh viễn hóa tình yêu của mình, để nó sống mãi với thời gian. “Biển” của Xuân Diệu dẫu nồng nàn đam mê thì vẫn có ngày thôi dạt dào, còn “Sóng” của Xuân Quỳnh thì ngàn năm vẫn vỗ. Chữ “tan ra” chưa đủ cường độ sánh với chữ “nghiến nát” của Xuân Diệu nhưng nó thăm thẳm hơn cái thăm thẳm của hai khát vọng nhập làm một – yêu hết mình. Con sóng Xuân Quỳnh giàu nữ tính ở chỗ nó tìm hạnh phúc không phải để hưởng thụ mà là dâng hiến. Hạnh phúc được dâng hiến là vẻ đẹp thánh thiện của phụ nữ trong tình yêu.
Xuân Quỳnh đã sử dụng khổ thơ năm chữ, đồng thời nhịp thơ uyển chuyển, nhẹ nhàng. Những vần thơ thì giàu tính tự sự, giàu sức biểu cảm, giàu tính triết lí, giàu chất suy tưởng, kết hợp những biện pháp tu từ đặc sắc như nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ,… Đoạn thơ đã thể hiện ước vọng một tình yêu thật đẹp, thật mới mẻ trong tâm hồn lại thêm quan niệm người phụ nữ khi đã yêu. Ngoài tình yêu riêng, mang vẻ đẹp truyền thống lại thêm một ước vọng, một tình yêu bất tử, vĩnh hằng là lẽ sống đẹp, vẻ đẹp của tình yêu chung trong tâm hồn người phụ nữ. Phải chăng, tình yêu là sự kết hợp giữa cái riêng và cái chung, giữa bản thân và cộng đồng, quê hương và đất nước mãi mãi là tình yêu bất tử vĩnh hằng.
2. Phân tích hai khổ thơ cuối trong bài Sóng của Xuân Quỳnh
Có những vần thơ tình đẹp như thế, như giọng chim ríu rít đa điệu đa thanh giữa mùa xuân. Có những vần thơ nói lên niềm tin và mong ước về tình yêu hạnh phúc đẹp như thế:
“Cuộc đời tuy dài thế
……….
Để ngàn năm còn vỗ”
Hai khổ thơ cuối của bài thơ được Xuân Quỳnh thể hiện về nỗi khát vọng tình yêu của thiếu nữ. Từ thương nhớ đợi chờ: “Cả trong mơ còn thức” tâm hồn thiếu nữ ánh lên một niềm tin mãnh liệt trong tình yêu. “Năm tháng” nhất định sẽ “đi qua” cuộc đời “dài”. “Mây” trên bầu trời nhất định sẽ vượt qua biển “rộng” để “bay xa”. Thời gian dài dằng dặng gian rộng mênh mông, cũng như tình yêu là vô cùng mãnh liệt:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”.
Chúng ta có thể thấy những câu thơ này được Xuân Quỳnh sáng tác trong sự song hành, đối xứng với nhau. Cụ thể thì chúng ta thấy trong câu 1, 2 song hành đối xứng với câu 3, 4 làm cho giọng thơ, âm điệu thơ tha thiết, ngọt ngào. Cấu trúc chính – phụ được sử dụng đắc địa: “tuy… vẫn..”, “dẫu… vẫn”, ý thơ được khẳng định mạnh mẽ. Điệp từ “vẫn” biểu lộ một niềm tin về tình yêu: “Năm tháng vẫn đi qua”, “Mây vẫn bay về xa”. “Năm tháng” và “mây” là hai ẩn dụ nói về tình yêu, một tình yêu đẹp hướng tới hạnh phúc. Tình yêu như con sóng trên biển: “Dữ dội êm – Ồn ào và lặng”. Có lúc “em” lại cảm thấy cô đơn trong xa cách:
“Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em”.
(“Chỉ có sóng và em”)
Lại có lúc tràn ngập nỗi nhớ khắc khoải chờ mong:
“Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu”.
(“Thời gian trắng”)
Đối với khổ thơ cuối cùng của bài, Xuân Quỳnh đã thể hiện một niềm tin vô cùng mãnh liệt về tình yêu. Con thuyền tình nhất định cập bến bờ hạnh phúc. Nữ sĩ đã lấy độ dài của thời gian, chiều rộng của không gian để đo niềm tin về tình yêu hạnh phúc. Các từ ngữ: “vẫn đi qua”, “vẫn bay về xa” là sự kết đọng “đinh ninh lời thề” của một tình yêu đẹp. Khổ cuối bài thơ là lời nguyện cầu của em về một tình yêu thủy chung bền vững. Hình tượng sóng hội tụ bao cảm xúc nồng hậu:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
Câu thơ mang hai từ “làm sao” đã gợi lên một niềm mong ước cháy bỏng trong tâm hồn của nhân vật “em”. Sóng trên đại dương trường tồn bất diệt. “Trăm con sóng nhỏ” rì rào vỗ, xôn xao reo “giữa biển lớn tình yêu” mang vẻ đẹp nhân văn cao quý của tình yêu. Đó là niềm ước mong của thiếu nữ được sống trong hạnh phúc bền vững như những con sóng vỗ mãi trên “biển lớn tình yêu” đến ngàn năm sau. Con số “ngàn năm”, “nghìn năm”, hơn một lần đã từng làm ta xúc động:
“Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”
(Thề non nước”- Tản Đà)
Ngẫm kĩ chúng ta sẽ thấy tình yêu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh không đơn thuần là tình yêu đôi lứa. Tình yêu ấy không hề làm cho em trở nên nhỏ bé ích kỉ; trái lại tình yêu của em sẽ mãi mãi chan hòa trong tình thương của đồng bào, xã hội. Một ý tưởng rất đẹp, rất mới trong tình yêu. Một trái tim đa tình và nhân hậu biết bao! Nói đến thơ là nói đến nhạc điệu, vần điệu. Đoạn thơ trên đây có điệu thơ nhẹ nhàng, đằm thắm. Vần thơ phong phú, nhạc điệu dư ba. Sự phối hợp giữa vần bằng và vấn trắc, giữa vần liền và vần cách rất tinh tế, nhịp nhàng. Từ “qua” bắt vần với “xa” và “ra”; chữ “nhỏ” hiệp vần với “vỗ”, đọc lên nghe rất thú vị.
Xuân Quỳnh đã sáng tạo nên một đoạn thơ mang một ý tưởng đẹp về tình yêu. Đó là sự vững tin trong tình yêu vĩnh cửu. Giọng thơ nồng nàn, ngọt ngào. Hình tượng “con sóng nhỏ” và “biển lớn tình yêu” rất sáng tạo. Đoạn thơ mang vẻ đẹp nhân văn sáng giá.
3. Bình giảng hai khổ thơ cuối bài Sóng của Xuân Quỳnh
Còn nhớ những câu thơ tình của Xuân Diệu:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Bởi vì mấy khi yêu mà đã chắc được yêu”
Trong thơ ca Việt Nam tình yêu là một đề tài rất phổ biến và nhiều lần xuất hiện. Nếu Xuân Diệu trong tình yêu luôn vội vàng, cuống quýt và hối hả thì tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh lại rất đỗi kín đáo, mang nhiều trăn trở nhưng cũng vô cùng say đắm. “Sóng” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh, mượn hình ảnh sóng để nói lên tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Đặc biệt hai khổ thơ cuối của bài thơ Sóng đã nói lên tâm trạng lo lắng khi yêu cùng niềm khát khao mãnh liệt muốn sống hết mình vì tình yêu của đời mình.
Trong tình yêu, người phụ nữ có nhớ có mong, có tương tư và hi vọng. Không những thế, sự lo âu về hạnh phúc mong manh cũng luôn thường trực trong tâm hồn người phụ nữ. Điều đó đã được Xuân Quỳnh thể hiện qua bốn câu thơ:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.”
Đầu tiên, Xuân Quỳnh lo lắng cho hạnh phúc, tình yêu sau này của mình. Tiếp đến nhà thơ lại suy tư đến cuộc đời và năm tháng. “Cuộc đời” “tuy dài” nhưng nữ sĩ lo âu “năm tháng” “vẫn đi qua”. Qua đó tác giả nhấn mạnh cuộc đời dù có dài nhưng so với sự trôi đi của bánh xe thời gian vô tận thì cuộc đời vẫn thật nhỏ bé và trôi nhanh lắm. Nhà thơ đã rất khéo léo khi mượn hình ảnh ẩn dụ “biển” và “mây” để nói lên cảm xúc lo âu của mình. Trong thơ ca viết về tình yêu, biển là một hình ảnh quen thuộc và mang giá trị biểu cảm lớn, ta đã bắt gặp khá nhiều hình ảnh của biển như:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu”
Nhà thơ nghĩ rằng dù biển kia có rộng đến bao nhiêu, bao dung đến mấy như tình yêu của người thi sĩ thì áng mây là tình yêu nhỏ bé mong manh vẫn có thể “bay về xa” mãi mãi. Tâm hồn người phụ nữ khi yêu là thế, dù có đang hạnh phúc bao nhiêu, say đắm bao nhiêu vẫn mang một chút trắc trở và hoài nghi về sự bền vững của tình yêu. Bởi thế, những lo âu thấp thỏm thường trực trong tâm hồn nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng là một điều dễ hiểu. Từ sự lo âu về sự bền vững trong tình yêu mong manh, nhà thơ bày tỏ niềm khát khao mãnh liệt muốn sống hết mình với tình yêu vĩnh hằng:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Hai từ “làm sao” mở đầu câu thơ vang lên như một câu hỏi tu từ cho thấy nhà thơ đang mong mỏi tìm kiếm một phép màu để có được tình yêu chân thành, hạnh phúc vô ngần. Từ những con sóng lòng trong tình yêu, nhà thơ Xuân Quỳnh khát khao “được tan ra” thành “trăm con sóng nhỏ”. Điều đó cho thấy từ những trăn trở, nữ sĩ trở nên khao khát một cách mãnh liệt và cháy bỏng vô cùng, ao ước một tình yêu trọn vẹn, tròn đầy. Đối với trái tim đang yêu của người thi sĩ, dường như một con sóng vẫn chưa đủ, một con sóng quá nhỏ bé so với “biển lớn tình yêu” mênh mông, lớn lao. Bởi thế ước muốn tan ra thành “trăm con sóng nhỏ” của nhà thơ là hi vọng, là khát vọng vô cùng chính đáng. Nhà thơ không chỉ ước muốn tan thành trăm con sóng mà còn khát khao “ngàn năm còn vỗ”. Hình ảnh “ngàn năm còn vỗ” cho thấy khát khao tột cùng được sống hết mình muôn đời mãi mãi trong tình yêu. Đọc câu thơ, người đọc hình dung ra những con sóng đang xôn xao vô đập trên biển lớn, từng con sóng cứ dồn dập nối tiếp nhau vào bờ. Đó cũng chính là nhịp tim, là tiếng sóng lòng của thi sĩ Xuân Quỳnh vẫn đang thiết tha, khao khát và đắm say được sống với tình yêu vĩnh hằng.
Chỉ với hai khổ thơ ngắn gọn, Xuân Quỳnh đã mang đến một tình yêu có sức gợi lớn đối với người đọc, người nghe. Nhịp thơ khi nhịp nhàng, lúc dồn dập tựa như tiếng sóng vỗ đập lúc nhanh, lúc chậm mang cho người đọc cảm giác như được hòa mình vào bài thơ, được sống trong những phút giây dạt dào hạnh phúc của tâm hồn một người đang yêu. Đó là một trong những đặc sắc nghệ thuật tạo nên dấu ấn riêng cho bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Gấp trang thơ lại mà hình ảnh những con sóng đang xôn xao đua nhau xô vào bờ vẫn như hiện lên trong tâm trí người đọc. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh cũng như hai khổ thơ cuối đã diễn tả thành công tâm trạng của người phụ nữ khi yêu luôn thấp thỏm lo âu về sự mong manh trong tình yêu, đồng thời cũng nhấn mạnh khát khao mãnh liệt và vô cùng cháy bỏng của nữ sĩ muốn sống hết mình trong tình yêu vĩnh hằng. Bằng việc sử dụng hình ảnh “sóng” để nói lên tiếng lòng của mình, bài thơ trở thành một tác phẩm xuất sắc đã và sẽ để lại nhiều dư vang trong trái tim bạn đọc và đặc biệt là những tâm hồn đang say đắm trong tình yêu.