Giải bài tập Địa Lí 12 Bài 27: Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ
Mở đầu trang 113 Địa Lí 12: Theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nước ta được quy hoạch thành 6 vùng kinh tế – xã hội gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông cửu Long. Như vậy, Bắc Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Với đặc trưng địa hình có sự phân hóa rõ nét từ núi – đồi ở phía tây đến đồng bằng – biển – đảo ở phía đông, Bắc Trung Bộ có điều kiện thuận lợi để hình thành cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; từ đó tạo thế liên hoàn trong phát triển kinh tế theo không gian. Vậy Bắc Trung Bộ có những thế mạnh, hạn chế như thế nào và những đặc điểm nổi bật gì về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản?
Lời giải:
– Thế mạnh: cấu trúc lãnh thổ thuận lợi hình thành cơ cấu kinh tế nông – lâm – thủy sản; đồng bằng ven biển có đất phù sa, đất cát, khu vực gò đồi có đất badan; khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh; nhiều hệ thống sông lớn, nước ngầm; diện tích rừng tự nhiên lớn, các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển; vùng biển rộng, đường bờ biển dài; dân số đông, lao động dồi dào; ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất,…
– Hạn chế: biến đổi khí hậu, thiên tai, năng suất lao động chưa cao, cơ sở hạ tầng – vật chất kĩ thuật còn hạn chế.
– Đặc điểm nổi bật: chiếm 18,5% GRDP của vùng; nông nghiệp chiếm hơn 74% giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản; lâm nghiệp chiếm 6,8%, thủy sản chiếm hơn 18%.
I. Khái quát
Câu hỏi trang 113 Địa Lí 12: Dựa vào hình 27.1 và thông tin trong bài, hãy:
– Trình bày vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ của Bắc Trung Bộ.
– Nêu một số đặc điểm dân số của Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
– Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ:
+ Diện tích khoảng 51,2 nghìn km2, gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Thừa Thiên Huế là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
+ Có vùng biển rộng lớn, hệ thống đầm, phá tiêu biểu như Tam Giang – Cầu Hai, nhiều đảo, quần đảo như quần đảo Hòn Mê, đảo Biện Sơn, đảo Cồn Cỏ,…
+ Giáp với một số vùng kinh tế của nước ta và nước láng giềng Lào.
=> Vị trí thuận lợi cho việc kết nối giữa các tỉnh phía bắc với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây của tiểu vùng sông Mê Công, là cửa ngõ ra biển của các nước láng giềng.
– Đặc điểm dân số:
+ Năm 2021, số dân khoảng 11,2 triệu người (chiếm 11,3% dân số cả nước), mật độ dân số 218 người/ km2.
+ Dân cư tập trung ở khu vực đồng bằng ven biển, thưa thớt ở khu vực núi phía tây.
+ Có nhiều thành phần dân tộc: Kinh, Thái, Mường, Tày,… Tỉ lệ dân thành thị chiếm 25,5% dân số, tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 48,9%.
II. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
Câu hỏi trang 114 Địa Lí 12: Dựa vào hình 27.1 và thông tin trong bài, hãy phân tích các thế mạnh, hạn chế đối với việc hình thành và phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
– Thế mạnh:
+ Lãnh thổ kéo dài từ bắc xuống nam, hẹp từ đông sang tây với 3 dải địa hình: núi và đồi phía tây – đồng bằng ven biển – biển và thềm lục địa phía đông. Cấu trúc lãnh thổ thuận lợi hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
+ Địa hình, đất: dải đồng bằng ven biển có đất phù sa, đất cát => trồng cây công nghiệp hàng năm và cây lương thực. Khu vực gò đồi diện tích tương đối rộng => chăn nuôi gia súc lớn; một số nơi đất badan khá màu mỡ => cây công nghiệp lâu nă, cây ăn quả và trồng rừng.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, một số nơi phân hóa theo độ cao địa hình => phát triển các cây trồng nhiệt đới, cận nhiệt đới,…
+ Nguồn nước: một số hệ thống sông lớn như sông Mã, sông Cả,… các hồ như hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ,… cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Nguồn nước ngầm góp phần cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
+ Rừng: khu vực đồi núi phía tây có diện tích rừng tự nhiên lớn, ven biển có rừng phòng hộ chắn cát. Rừng có nhiều loại gỗ quý như táu, lim, sến, săng lẻ, lát hoa,… và các lâm sản khác như tre, song mây,… Có các vườn quốc gia như Bến En, Pù Mát, Phong Nha – Kẻ Bàng,…; khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An. Tài nguyên rừng có giá trị trong khai thác gỗ, lâm sản, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế tác động của thiên tai,…
+ Biển, đảo: tiềm năng hải sản lớn, đường bờ biển dài, vùng biển rộng, giàu thành phần loài => phát triển ngành khai thác thủy sản. Địa hình bờ biển thuận lợi xây dựng các cảng cá. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên cát, đầm phá, mặt biển và ven các đảo.
+ Điều kiện kinh tế – xã hội: số dân đông, lực lượng lao động dồi dào, nhiều kinh nhiệ trong sản xuất và ứng phó thiên tai. Ứng dụng rộng rãi khoa học – công nghệ trong sản xuất và chế biến. phù hợp với điều kiện sinh thái nông nghiệp, góp phần hình thành các trang trại, vùng chuyên canh và tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
– Hạn chế:
+ Chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các thiên tai như bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cát bay, cát chảy,… gây thiệt hại cho ngành.
+ Năng suất lao động chưa cao; cơ sở hạ tầng – vật chất kĩ thuật còn hạn chế, đặc biệt khu vực phía tây gây khó khăn cho sản xuất.
Câu hỏi trang 116 Địa Lí 12: Dựa vào hình 27.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày một số đặc điểm nổi bật về nông nghiệp của Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
– Năm 2021, ngành nông nghiệp chiếm hơn 74% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
– Trồng trọt:
+ Cây công nghiệp: các cây công nghiệp lâu năm như cà phê (Nghệ An, Quảng Trị); cao su, hồ tiêu (Quảng Bình, Quảng Trị); chè (Nghệ An, Hà Tĩnh). Cây công nghiệp hàng năm như lạc, mía,… trồng nhiều ở các đồng bằng thuộc Thanh Hóa Nghệ An,…
+ Cây ăn quả: phát triển nhanh ở nhiều địa phương. Chủ yếu là cam, bưởi,… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, hướng tới xuất khẩu. Các tỉnh có diện tích lớn là Nghệ An, Hà Tĩnh.
+ Cây lượng thực: chủ yếu là lúa, ngô, hình thành những vùng sản xuất lúa giống, lúa gạo thương phẩm, áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh lúa tăng năng suất. Đẩy mạnh các giống ngô mới cho hiệu quả kinh tế cao như ngô sinh khối, ngô ngọt. Các tỉnh trồng nhiều là đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh.
– Chăn nuôi: phát triển ở các khu vực đồi trước núi, Nghệ An có quy mô đàn tâu và bò lớn nhất nước ta (2021). Chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung ở những địa bàn trồng cây lương thực, chủ yếu tại Nghệ An, Thanh Hóa.
Câu hỏi trang 117 Địa Lí 12: Dựa vào hình 27.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày một số đặc điểm nổi bật về lâm nghiệp của Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
– Năm 2021, ngành đóng góp 6,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong cơ cấu diện tích rừng, rừng đặc dụng chiếm 19%, rừng phòng hộ chiếm 28%, rừng sản xuất chiếm 53%.
– Trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng:
+ Diện tích rừng trồng xu hướng tăng; pháy triển trồng rừng phòng hộ và trồng rừng gỗ lớn; nâng cao chất lượng cây giống, áp dụng quy trình kĩ thuật chăm sóc rừng trồng theo tiêu chuẩn.
+ Đẩy mạnh khoanh nuôi rừng tự nhiên, bảo vệ các vườn quốc gia, phòng chống cháy rừng; ứng dụng công nghệ trong trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác rừng; thực hiện mô hình quản lí rừng bền vững.
+ Nghệ An có khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước.
– Khai thác, chế biến gỗ và lâm sản:
+ Đẩy mạnh hoạt động chế biến và xuất khẩu gỗ. Sản lượng gỗ khai thác xu hướng tăng, đạt gần 4,8 triệu m3, chiếm 25% sản lượng cả nước (2021).
+ Hình thành một số cơ sở chế biến sâu các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghệ An, Quảng Trị dẫn đầu về sản lượng gỗ khai thác.
Câu hỏi trang 118 Địa Lí 12: Dựa vào hình 27.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày một số đặc điểm nổi bật về thủy sản của Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
– Phát triển mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản. Năm 2021, chiếm hơn 18% giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
– Khai thác thủy sản:
+ Sản lượng khai thác chiếm khoảng 13% cả nước. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ; tăng số lượng tàu công suất lớn; nâng cấp phương tiện, ngư cụ, ứng dụng công nghệ, đổi mới thiết bị như máy định vị,… nâng cao hiệu quả khai thác. Các tỉnh dẫn đầu sản lượng và quy mô tàu lớn là Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình.
+ Nuôi trồng thủy sản: phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn như tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển,… sản xuất giống. Tăng diện tích nuôi trồng thủy sản; chú trọng ứng dụng khoa học – kĩ thuật, công nghệ; phát triển nuôi trồng quy mô công nghiệp. Phát triển mạnh ở Thanh Hóa, Nghệ An.
Luyện tập (trang 118)
Luyện tập 1 trang 118 Địa Lí 12: Cho một số ví dụ cụ thể về thế mạnh đối với sự hình thành và phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
– Các hệ thống sông lớn của vùng như sông Mã, sông Cả cùng với các hồ Sông Mực, hồ Yên Mỹ, là nguồn cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
– Rừng của vùng có nhiều gỗ quý như táu, lim, sến, săng lẻ, lát hoa, cùng các lâm sản như tre, song mây, là điều kiện để vùng phát triển ngành lâm nghiệp.
– Vùng có đường bờ biển dài, vùng biển rộng, các đầm phá, bãi cát, thuận lợi phát triển ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Luyện tập 2 trang 118 Địa Lí 12: Dựa vào bảng 27.3, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ở Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2010 – 2021.
Lời giải:
– Xử lí số liệu:
Bảng cơ cấu sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ở Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2010 – 2021.
Năm |
2010 |
2015 |
2021 |
Khai thác |
71,3 |
71,2 |
73,6 |
Nuôi trồng |
28,7 |
28,8 |
26,4 |
– Vẽ biểu đồ:
Vận dụng (trang 118)
Vận dụng trang 118 Địa Lí 12: Sưu tầm thông tin và viết báo cáo ngắn về một mô hình trồng rừng ở Bắc Trung Bộ.
Lời giải:
Mô hình rừng phòng hộ tại dải ven biển Bắc Trung bộ
Xây dựng được 18 ha (06 ha/tỉnh x 03 tỉnh) mô hình trên các tuyến ngoài (mô hình rừng ngập mặn tại Cửa Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), mô hình tuyến giữa (ở Lệ Thủy, Quảng Bình và Triệu Phong, Quảng Trị) và mô hình tuyến giáp đồng, kết hợp sản xuất cây nông nghiệp (ở Cẩm Dương, Hà Tĩnh; Lệ Thủy, Quảng Bình và huyện Triệu Phong, Quảng Trị).
Các cây trồng ở các mô hình sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt cây rừng ngập mặn (cây Bần chua) sau 27 tháng tuổi, cây sinh trưởng bình quân cao trên 2,5 m; mô hình trồng rừng vùng cát bằng cây Keo lá liềm ở cả 3 tỉnh đều sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt ở Cẩm Dương, Hà Tĩnh, cây Keo lá liềm sinh trưởng về chiều cao bình quan trên 2,8 m, đã khép tán phát huy tốt chức năng phòng hộ chắn gió, chắn cát, bảo vệ sản xuất cây nông nghiệp phía trong. Các đai rừng phòng hộ ven biển có vai trò và ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt môi trường sinh thái mà còn cả về mặt kinh tế, xã hội; giảm thiểu các tác hại của thiên tai, bão lũ, hạn chế cát bay, hoang mạc hóa, xâm thực mặn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hệ lụy kéo theo.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 26. Phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng
Bài 27. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ
Bài 28. Phát triển kinh tế biển ở Duyên hải Nam Trung Bộ
Bài 29. Thực hành: Tìm hiểu ý nghĩa của phát triển kinh tế biển dối với an ninh quốc phòng ở Duyên hải Nam Trung Bộ
Bài 30. Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên
Bài 31. Thực hành: Tìm hiểu ý nghĩa của phát triển kinh tế – xã hội đối với an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên.