Giải bài tập Địa Lí 12 Bài 32: Phát triển kinh tế – xã hội ở Đông Nam Bộ
Mở đầu trang 137 Địa Lí 12: Đông Nam Bộ là vùng giàu tiềm năng phát triển kinh tế, có nền kinh tế năng động nhất nước ta. Vậy thế mạnh và hạn chế trong phát triển kinh tế của vùng là gì? Tình hình phát triển các ngành kinh tế ra sao?
Lời giải:
– Thế mạnh và hạn chế trong phát triển kinh tế của vùng:
+ Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: địa hình tương đối bằng phẳng, đất badan khá màu mỡ, đất xám bạc màu, đất phù sa; khí hậu cận xích đạo gió mùa, ít chịu ảnh hưởn của bão; có các sông, hồ lớn, nguồn nước khoáng, nước nóng; có các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới, hệ động – thực vật phong phú; nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên, sét, cao lanh, đá axit; sinh vật biển phong phú, ngư trường rộng, nhiều bãi biển đẹp, bờ biển nước sâu. Mùa khô kéo dài, thủy triều, xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu.
+ Điều kiện kinh tế – xã hội: số dân đông, lao động dồi dào, lao động có trình độ chuyên môn cao; cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện; dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; là trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước; nhiều chính sách phát triển. Tỉ lệ gia tăng dân số cơ học cao; cơ sở hạ tầng, vật chất – kĩ thuật nhiều nơi xuống cấp; thị trường nhiều biến động.
– Tình hình phát triển các ngành kinh tế:
+ Công nghiệp: phát triển, năm 2021 chiếm 38% GRDP vùng, cơ cấu ngành đa dạng, đa dạng hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
+ Dịch vụ: chiếm hơn 42% GRDP vùng năm 2021, phát triển đa dạng, khá toàn diện.
+ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: năm 2021, chiếm 4,7% GRDP vùng, vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của vùng.
I. Khái quát
Câu hỏi trang 137 Địa Lí 12: Dựa vào hình 32.1 và thông tin trong bài, hãy:
– Trình bày vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của Đông Nam Bộ.
– Nêu đặc điểm dân số của vùng
Lời giải:
– Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ:
+ Diện tích khoảng 23,6 nghìn km2, gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
+ Có vùng biển rộng thuộc Biển Đông với nhiều đảo, quần đảo như Côn Sơn,…
+ Tiếp giáp Cam-pu-chia; giáp Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh trong vùng đều thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ,… của các tỉnh phía nam và cả nước.
=> Vị trí địa lí thuận lợi mở rộng giao lưu, thu hút nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường đến các tỉnh lân cạn, phát triển các ngành kinh tế biển, thu hút đầu tư nước ngoài.
– Đặc điểm dân số:
+ Năm 2021, dân số khoảng 18,3 triệu người (chiếm 18,6% dân số cả nước), mật độ dân số cao (778 người/km2).
+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 0,98%, vùng thu hút nhiều lao động nhập cư từ các vùng khác trong cả nước. Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 54,1% tổng số dân. Tỉ lệ dân thành thị đạt 66,4%.
+ Là nơi cư trú của nhiều dân tộc Kinh, Chơ-ro, Nùng, Tày, Chăm, Khơ-me,…
II. Các thế mạnh và hạn chế để phát triển kinh tế
Câu hỏi trang 138 Địa Lí 12: Dựa vào hình 32.1 và thông tin trong bài, hãy phân tích các thế mạnh và hạn chế đối với phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải:
– Thế mạnh về điều kiện tự nhiên:
+ Địa hình và đất: địa hình là sự chuyển tiếp giữa các cao nguyên ở Tây Nguyên với đồng bằng sông Cửu Long nên tương đối bằng phẳng, đất badan khá màu mỡ, chiếm 40% diện tích đất, đất xám bạc màu trên nền phù sa cổ chiếm tỉ lệ khá lớn. Các loại đất này phân bố ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước,… thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, vùng còn có đất phù sa ven các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai,… thuận lợi trồng cây lương thực, rau đậu.
+ Khí hậu cận xích đạo gió mùa, ít chịu ảnh hưởng của bão, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế diễn ra thường xuyên, cho phép trồng cây có nguồn gốc nhiệt đới với năng suất cao như cà phê, cao su, hồ tiêu,…
+ Nguồn nước: có các sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Thị Vải,… và một số hồ lớn là hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An,… thuận lợi phát triển thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản,… Nguồn nước khoáng, nước nóng góp phần phát triển du lịch.
+ Rừng: có các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới như Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Cát Tiên, Côn Đảo; Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ;… Hệ động – thực vật trong rừng phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
+ Khoáng sản: nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên với trữ lượng lớn ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra còn có sét, cao lanh, đá axit,… là điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp khai thác dầu thô và khí tự nhiên, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
+ Biển, đảo: nguồn sinh vật biển phong phú, ngư trường rộng, nhiều bãi biển đẹp, một số đoạn bờ biển nước sâu,… là điều kiện thuận lợi nuôi trồng và khai thác thủy sản, phát triển du lịch, xây dựng cảng biển,…
– Hạn chế về điều kiện tự nhiên: mùa khô kéo dài từ 4 – 5 tháng, gây thiếu nước sản xuất; chịu ảnh hưởng đáng kể của thủy triều và xâm nhập mặn, kết hợp tác động biến đổi khí hậu gây nhiều trở ngại đến sản xuất và đời sống.
– Thế mạnh về điều kiện kinh tế – xã hội:
+ Dân số đông, lao động dồi dào, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao so với các vùng khác, thị trường tiêu thụ rộng lớn, đa dạng về văn hóa,… phát triển các ngành kinh tế.
+ Cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, sự phát triển đồng bộ của giao thông vận tải, thông tin liên lạc, mạng lưới điện,… tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất diễn ra liên tục, thông suốt.
+ Là vùng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 50% tổng số dự án và khoảng 37% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước ta (2022), => động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế.
+ Là trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước ta. Tiềm lực lớn trong nghiên cứu khoa học, dẫn đầu về triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng và cả nước.
+ Nhiều chính sách phát triển được ban hành, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của vùng như thu hút đầu tư, chuyển đổi số, liên kết vùng,…
– Hạn chế về điều kiện kinh tế – xã hội:
+ Tỉ lệ gia tăng dân số cơ học cao gây sức ép lên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.
+ Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất – kĩ thuật khá hoàn thiện nhưng nhiều nơi đang bị xuống cấp.
+ Thị trường nhiều biến động gây ảnh hưởng đến sự phát triển các ngành kinh tế trong vùng.
III. Tình hình phát triển các ngành kinh tế
Câu hỏi trang 140 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày khái quát tình hình phát triển kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải:
– Là vùng kinh tế năng động, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh vào các ngành có tiềm năng, lợi thế, có năng suất lao động và hàm lượng tri thức cao.
– Sự liên kết giữa các ngành, các thành phần kinh tế và giữa các địa phương được chú trọng phát triển.
– Năm 2021, GRDP của vùng đạt 2587,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 30,6% GDP cả nước.
Câu hỏi trang 141 Địa Lí 12: Dựa vào hình 32.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày tình hình phát triển công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải:
– Ngành công nghiệp phát triển, năm 2021, công nghiệp chiếm gần 38% GRDP vùng.
– Cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng:
+ Công nghiệp khai thác dầu thô và khí tự nhiên phân bố ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dầu mỏ và khí tự nhiên được khai thác ở thềm lục địa, phục vụ công nghiệp hóa dầu và sản xuất điện.
+ Công nghiệp sản xuất điện phát triển, cung cấp năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống (nhà máy thủy điện Trị An, nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ 1, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng,…).
+ Các ngành công nghiệp như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; cơ khí; sản xuất hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất và chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; dệt, may; giày, dép;… phân bố tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,…
– Các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào nhiều ngành sản xuất. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sạch nhằm tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng,…
– Có sự đa dạng về các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Có trung tâm công nghiệp rất lớn, lớn như TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thuận An, Vũng Tàu,… Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,…
– Định hướng phát triển: phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao; xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung quy mô lớn; hình thành vùng động lực công nghệ thông tin; thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm của internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí.
Câu hỏi trang 143 Địa Lí 12: Dựa vào hình 32.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày tình hình phát triển ngành dịch vụ ở vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải:
– Năm 2021, dịch vụ chiếm hơn 42% cơ cấu GRDP, hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng, khá toàn diện. Các thành tựu khoa học – công nghệ được ứng dụng vào tất cả các ngành dịch vụ.
+ Tài chính – ngân hàng: phát triển hàng đầu cả nước, các dịch vụ đa dạng như nhận gửi tiền, cấp tín dụng, thanh toán qua tài khoản,… Trung tâm tài chính lớn hàng đầu của vùng là TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương,…
+ Giao thông vận tải: Các loại hình vận tải đa dạng, khối lượng hàng hóa và hành khách vận chuyển xu hướng tăng. Mạng lưới giao thông khá dày đặc và hoàn thiện với đầu mối giao thông là TP Hồ Chí Minh. Đường bộ có các tuyến quan trọng như quốc lộ 1, 22, 51, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết,… Đường sắt có tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên đang trong quá trình hoàn thiện. Mạng lười đường thủy nội địa phát triển trên các sông chính như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Thị Vải,… Giao thông đường biển phát triển các tuyến trong nước và quốc tế, các cảng biển quan trọng là Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh,… Đường hàng không phát triển các tuyến bay trong nước và quốc tế. Cảng hàng không quốc tế quan trọng là Tân Sơn Nhất. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng.
+ Thương mại: nội thương năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 27% cả nước. Mạng lưới nội thương đa dạng, hoạt động phát triển mạnh ở các đô thị như TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một,… Ngoại thương, là vùng có trị giá xuất, nhập khẩu cao. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là nhiên liệu, công nghiệp chế biến, hàng nông sản và nông sản chế biến.
+ Du lịch: nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch tự nhiên như các yếu tố địa chất, địa hình (núi Bà Đen, bãi biển Vũng Tàu,…), thủy văn (sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng), hệ sinh thái (Vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ). Tài nguyên du lịch văn hóa như các di tích lịch sử – văn hóa, di tích cách mạng (Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, Bến cảng Nhà Rồng,…); di tích khảo cổ (Mộ cự thạch Hàng Gòn, Giồng Cá Vồ), di tích kiến trúc (Nhà thờ Đức Bà,…); giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội; văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác (Đờn ca tài tử Nam Bộ). Năm 2022, doanh thu du lịch lữ hành của vùng đạt 18,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 50% cả nước). Các trung tâm du lịch của vùng là TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu.
+ Là trung taam giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ hàng đầu cả nước.
– Định hướng phát triển: phát triển mạnh dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ ngành dầu khí, phát triển du lịch biển,… Trở thành trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Câu hỏi trang 144 Địa Lí 12: Dựa vào hình 32.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày tình hình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở vùng Đông Nam Bộ.
Lời giải:
Là ngành chiếm tỉ trọng không lớn nhứng có vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của vùng. Năm 2021, ngành chiếm 5,7% cơ cấu GRDP của vùng, các thành tựu khoa học – công nghệ đang được ứng dụng vào sản xuất và chế biến sản phẩm.
– Nông nghiệp:
+ Trồng trọt: cơ cấu cây trồng đa dạng, cây công nghiệp lâu năm, cây hàng năm, cây ăn quả,… Cao su, cà phê, điều trồng trên quy mô lớn ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Mía, lạc,… trồng ở Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cây ăn quả trồng nhiều ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Các giống cây mới được trồng cho năng suất cao.
+ Chăn nuôi: đẩy mạnh phát triển đàn bò, lợn, gia cầm,… Chăn nuôi bò sữa phát triển ở Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ở các tỉnh trong vùng, chuyển đổi mạnh sang hướng nuôi công nghiệp, đặc biệt ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.
– Lâm nghiệp: diện tích rừng là 479,8 nghìn ha, trong đó rừng trồng là 222,5 nghìn ha (2021). Phân bố chủ yếu ở khu vực đồi núi thuộc Bình Phước, Đồng Nai, ven biển TP Hồ Chí Minh,… Đồng Nai và Bình Phước có diện tích rừng lớn nhất (chiếm 71,2% tổng diện tích). Năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt 451,3 nghìn m3, chủ yếu từ gỗ tràm, keo, cao su,… Hoạt động bảo vệ rừng được chú trọng phát triển, đặc biệt tại các vườn quốc gia như Cát Tiên, Côn Đảo, Bù Gia Mập, Lò Gò – Xa Mát; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai; rừng ngập mặn Cần Giờ.
– Thủy sản: năm 2021, sản lượng thủy sản đạt hơn 518 nghìn tấn (chiếm 5,9% cả nước). Trong đó sản lượng khai thác khoảng 374 nghìn tấn (chiếm 9,5% cả nước).
+ Nuôi trồng thủy sản nước ngọt diễn ra tại các lòng hồ Dầu Tiếng, Trị An và các sông lớn như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải,… Khu vực ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh tiến hành nuôi trồng nhiều loại hản sản như tôm, cá,… Năm 2021, diện tích nuôi trồng khoảng 23 nghìn ha.
+ Khai thác thủy sản phát triển chủ yếu ở khu vực ven bờ và ngoài khơi, phương tiện khai thác ngày càng hiện đại.
– Định hướng phát triển: tăng hiệu quả trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi tập trung gắn với chế biến và thương hiệu sản phẩm. Quy hoạch một số khu vực sản xuất thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất rau và hoa, sản xuất cây ăn quả xuất khẩu, chăn nuôi lợn, nuôi tôm nước ngọt và nước lợ,…
Luyện tập (trang 146)
Luyện tập trang 146 Địa Lí 12: Dựa vào hình 32.2, lựa chọn 3 trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ và xác định các ngành công nghiệp tại các trung tâm công nghiệp đã chọn.
Lời giải:
– Trung tâm công nghiệp TP Hồ Chí Minh: cơ khí; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất ô tô; sản xuất vật liệu xây dựng; giày, dép; dệt, may; sản xuất hóa chất; sản xuất đồ uống; sản xuất, chế biến thực phẩm.
– Trung tâm công nghiệp Thủ Dầu Một: sản xuất đồ uống; giày, dép; dệt, may; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, chế biến thực phẩm.
– Trung tâm công nghiệp Vũng Tàu: giày, dép; dệt, may; ; sản xuất, chế biến thực phẩm; hóa dầu; sản xuất hóa chất; đóng tàu.
Vận dụng (trang 146)
Vận dụng trang 146 Địa Lí 12: Lựa chọn, tìm hiểu và viết báo cáo ngắn về thế mạnh để phát triển một trong các ngành kinh tế (công nghiệp; dịch vụ; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) ở địa phương em sinh sống.
Lời giải:
Thế mạnh phát triển công nghiệp ở Hải Dương
– Nằm tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp vành đai kinh tế, với lượng dân số chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Hải Dương được đánh giá là đảm bảo nguồn nhân lực cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.
– Cơ sở hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại đã giúp tỉnh kết nối với những địa phương lân cận, tạo nền tảng để phát triển kinh tế vùng.
– Nguồn vốn FDI rót vào tỉnh đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2021, với tổng số gần 500 dự án, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước.
– Chủ trương đúng đắn, sáng tạo, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện.
– Với lợi thế vị trí trung tâm, nhu cầu công nghiệp hiện hữu tại Tỉnh Hải Dương hưởng lợi từ sự phát triển của các tỉnh công nghiệp bao quanh, tạo điều kiện cho tỉnh trở thành một trong ba tỉnh thuộc tam giác kinh tế chiến lược tại miền Bắc.
– Nguồn quỹ đất công nghiệp ở tỉnh vẫn dồi dào, được định hướng lên đến hơn 20,000 ha giai đoạn 2021-2030, tỉnh có thể phát triển công nghiệp, theo đúng định hướng “Công nghiệp – Hiện đại hóa” trong tương lai.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 31. Thực hành: Tìm hiểu ý nghĩa của phát triển kinh tế – xã hội đối với an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên.
Bài 32. Phát triển kinh tế – xã hội ở Đông Nam Bộ
Bài 33. Thực hành: Tìm hiểu mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường ở Đông Nam Bộ
Bài 34. Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long .
Bài 35. Thực hành: Tìm hiểu về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Bài 36. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm