Giải bài tập Địa Lí 12 Bài 35: Thực hành: Tìm hiểu về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Câu hỏi trang 156 Địa Lí 12: Thu thập tài liệu và viết báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
– Nêu các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Gợi ý nội dung báo cáo:
– Biểu hiện biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Nhiệt độ
+ Lượng mưa
+ Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan
+ Mực nước biển dâng
– Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Ảnh hưởng đối với tự nhiên
+ Ảnh hưởng đối với kinh tế – xã hội
– Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Giải pháp giảm nhẹ
+ Giải pháp thích ứng
II. CHUẨN BỊ
– Thu thập tư liệu qua internet, sách, báo, tạp chí,… để tìm hiều thông tin về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
– Xây dựng đề cương báo cáo bao gồm phần mở đầu, phần nội dung (giải quyết những vấn đề đặt ra trong phần mở đầu với các dữ liệu cụ thể, kèm hình ảnh, số liệu, bảng biểu,…) và phần kết luận.
III. GỢI Ý MỘT SỐ THÔNG TIN THAM KHẢO
– Thu thập tài liệu về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long từ các website: https://www.dcc.gov.vn/ ; https://monre.gov.vn/
– Kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam.
– Các báo cáo về biến đổi khí hậu của vùng, địa phương.
– Các tài liệu đã xuất bản, tranh ảnh có liên quan đến biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Lời giải:
Báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
– Biểu hiện biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Nhiệt độ: nhiệt độ có xu thế tăngởtất cả các tiểu vùng với tốc độ trung bình 0,027°C/năm.
+ Lượng mưa: xu thế tăng, giảm không rõ ràng; biến đổi lượng mưa cực đoan tăng, khoảng 0,3mm/thập kỷ, số ngày có lượng mưa lớn hơn 50mm có xu thế tăng ở các trạm Mỹ Tho, Cao Lãnh, Ba Tri và xu thế giảm ở các trạm Cà Mau, Cần Thơ, Châu Đốc. Ngày bắt đầu mùa mưa có xu thế tăng khoảng 2 ngày/thập kỷ
+ Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan: trong vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường, nắng gắt hơn, mưa lớn hơn, mặn xâm nhập sâu hơn và đến gần tháng 11 của năm vẫn xuất hiện lũ lớn, nắng nóng kéo dài, mưa với lưu lượng lớn kèm theo giông lốc, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao và ngày càng khó dự báo hơn trước.
+ Mực nước biển dâng: xu hướng nước biển dâng ngày càng cao mức độ xâm nhập mặn vào các sông ngày càng lớn, diện tích đất nhiễm mặn ngày càng tăng. Phạm vi ảnh hưởng sâu hơn trung bình nhiều năm. Sông Hậu có phạm vi ảnh hưởng sâu khoảng 66 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 6 km, sâu hơn khoảng 6 km so với mức sâu nhất năm 2016
– Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Ảnh hưởng đối với tự nhiên: xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km, tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Nguy cơ thiếu nước ngọt cục bộ tại một số thời điểm, đặc biệt là suy giảm mạnh phù sa, tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ước tính hàng trăm ngàn hecta đất bị ngập.
+ Ảnh hưởng đối với kinh tế – xã hội: Sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của quốc gia; Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm. Với tác động của BĐKH, nước biển dâng cao gây ra tình trạng sạt lở bờ biển, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa.
– Các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Giải pháp giảm nhẹ:
Trồng cây quanh nhà; tái sử dụng, tái chế rác thải, nước thải; trữ nước gia đình, tiết kiệm dùng nước; gia cố, thay đổi kiến trúc nhà cửa,
Tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường – sinh thái, giảm thiểu các tác nhân làm khí hậu xấu hơn.
Xây dựng quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai
Xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; kiểm soát khai thác nước ngầm và tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm; xây dựng hệ thống công trình trữ nước mùa mưa, điều hoà nguồn nước cho mùa khô để giảm thiểu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn.
Xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, nâng cấp hệ thống cảnh báo thời tiết – thiên tai; tăng cường hợp tác quốc tế và quốc gia, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin trong và ngoài nước.
+ Giải pháp thích ứng:
Điều chỉnh cơ cấu thời vụ, thay đổi giống cây, con khả năng chống chịu bất lợi về thời tiết, tập trung sản xuất nông nghiệp chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hoá giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản.
Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao, bờ biển, công trình kiểm soát lũ, mặn, hệ thống thuỷ lợi nội đồng phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững; Xây dựng, củng cố công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn cho dân cư và cơ sở hạ tầng; phát triển rừng ngập mặn và các đa dạng sinh học ven biển gắn với bảo đảm đa dạng sinh học và sinh kế bền vững; Hoàn thiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; củng cố, nâng cấp công trình kết hợp sơ tán dân phòng chống lũ, bão.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, đường thuỷ nội địa kết nối mạng lưới đô thị vùng.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái; chủ động “sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn”, khai thác lợi thế để phát triển bền vững.
Lồng ghép các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 34. Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long .
Bài 35. Thực hành: Tìm hiểu về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Bài 36. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
Bài 37. Phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo
Bài 38. Thực hành: Tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Bài 39. Thực hành: Tìm hiểu địa lí địa phương