A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn bài chi tiết
1. Mở đoạn
- Triển khai vấn đề cần nghị luận
- Có nhu cầu muốn khẳng định bản thân nhưng không đủ tài năng, trí tuệ, tri thức… nên nhiều bạn trẻ chơi trò “câu like” điên rồ, phản cảm, lố bịch chỉ để được nhiều người biết đến lệch lạc trong suy nghĩ
2. Thân đoạn
a. Giải thích
- Hiện tượng “Like là làm” là một hình thức “câu” like: người đăng bài viết ra yêu cầu đủ một số like (hoặc share) nhất định sẽ thực hiện một hành động nào đó như: châm xăng tự đốt, tự đập của cải của mình…
b. Thực trạng
- Gần đây rộ lên hình thức kiếm like qua lời thách đố “đủ like là làm”. Một thanh niên bỗng dưng đưa ra điều kiện: “Nếu nhận đủ 40.000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một thanh niên khác thách: “Đủ 60.000 like, 15.000 share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”. Một nữ sinh tuyên bố: “7.000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn”. Một nam sinh khác cũng hưởng ứng mạnh với lời hứa tương tự: “Đủ 100.000 like sẽ post lên mạng clip quan hệ sắc nét”… Sốc hơn nữa, một nữ sinh trung học cơ sở ở Khánh Hòa hứa: “Nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường”.
- Tưởng chỉ là đùa cho vui, hay ít ra nhận được những lời can gián, nào ngờ cộng đồng mạng like nhiệt tình, số lượt like hơn cả con số “thách đấu”, thậm chí còn thách thức, thúc ép, gây áp lực để người câu like phải thực hiện cho bằng được để hoặc quay clip đăng Facebook.
c. Nguyên nhân
- Trước hết, đó là sự lệch lạc trong suy nghĩ của giới trẻ. Muốn chơi ngông, nhanh chóng được nổi tiếng, những người câu like sẵn sàng vì mấy ngàn lượt like mà làm liều, làm quấy, đánh đổi danh dự, lòng tự trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật.
- Do đám đông vô cảm: còn với đám đông vô tâm, vô tình, like không chỉ là ủng hộ mà còn châm dầu vào lửa để “xem thử mày làm thế nào”, “có dám không”, “có giữ lời không”…
d. Giải pháp
- Cha mẹ nên quan tâm hơn đến con trẻ; hằng ngày cùng làm, cùng học, cùng chia sẻ quan điểm nhằm phát hiện sớm các biểu hiện tiêu cực, từ đó xây dựng các biện pháp uốn nắn phù hợp.
- Nghiêm túc xem xét kỹ các nội dung đăng tải trên mạng xã hội, tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh mạng, xử lý nghiêm khắc những hành vi nguy hiểm.
- Nhà trường và các đoàn thể phải vào cuộc bằng những hoạt động sôi động, phù hợp với lứa tuổi, thông qua đó tuyên truyền về pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, cách thức sử dụng internet hiệu quả…
3. Kết đoạn
- Bài học & liên hệ bản thân
- Trào lưu này không chỉ dừng lại ở mức độ đùa vui mà đang ngày càng biến tướng, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống của giới trẻ và thật sự nguy hiểm nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
- Bản thân mỗi người cũng cần lên án hiện tượng tiêu cực này.
Đoạn văn mẫu
Đề bài: Viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) bàn về hiện tượng “like là làm” trong giới trẻ hiện nay.
Gợi ý làm bài
Có nhu cầu muốn khẳng định bản thân nhưng không đủ tài năng, trí tuệ, tri thức… nên nhiều bạn trẻ chơi trò “câu like” điên rồ, phản cảm, lố bịch chỉ để được nhiều người biết đến lệch lạc trong suy nghĩ. Facebook là mạng xã hội được người dùng đông đảo nhất hiện nay. Tất tần tật mọi thông tin “thượng vàng hạ cám”; hỷ, nộ, ái, ố của người dùng đều được chia sẻ trên mạng xã hội này. Những hình ảnh, lời nói, tâm trạng… sau khi đăng lên Facebook sẽ được cộng đồng mạng ủng hộ bằng cách like (thích) hoặc comment (nhận xét), share (chia sẻ) cho người khác trong vòng “luân chuyển” không hồi kết. Không ai phủ nhận mặt tích cực của Facebook trong kết nối cộng đồng. Thế nhưng gần đây, trên Facebook nổi lên trào lưu “câu like” bằng mọi giá của nhiều bạn trẻ trong thế giới ảo. Khi nhận được nhiều người like thì được xem là “đẳng cấp”. Có nhiều cách “câu like”, từ đơn giản như khoe áo đẹp, xe đẹp, món ăn ngon, nhà cửa, ảnh “tự sướng” đến khoe những hình ảnh sốc, những câu nói lạ, những chuyện giật gân. Không ít thanh niên không có tài cán, “câu like” bằng cách vừa chửi vừa ghi hình, xem đó là thú tiêu khiển. Đặc biệt, gần đây rộ lên hình thức kiếm like qua lời thách đố “đủ like là làm”. Một thanh niên bỗng dưng đưa ra điều kiện: “Nếu nhận đủ 40.000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một thanh niên khác thách: “Đủ 60.000 like, 15.000 share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”. Một nữ sinh tuyên bố: “7.000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn”. Một nam sinh khác cũng hưởng ứng mạnh với lời hứa tương tự: “Đủ 100.000 like sẽ post lên mạng clip quan hệ sắc nét”… Sốc hơn nữa, một nữ sinh trung học cơ sở ở Khánh Hòa hứa: “Nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường”. Tưởng chỉ là đùa cho vui, hay ít ra nhận được những lời can gián, nào ngờ cộng đồng mạng like nhiệt tình, số lượt like hơn cả con số “thách đấu”, thậm chí còn thách thức, thúc ép, gây áp lực để người câu like phải thực hiện cho bằng được để họ quay clip đăng Facebook. Thấy gì từ phong trào này? Trước hết, đó là sự lệch lạc trong suy nghĩ của giới trẻ. Muốn chơi ngông, nhanh chóng được nổi tiếng, những người câu like sẵn sàng vì mấy ngàn lượt like mà làm liều, làm quấy, đánh đổi danh dự, lòng tự trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật. Còn với đám đông vô tâm, vô tình, like không chỉ là ủng hộ mà còn châm dầu vào lửa để “xem thử mày làm thế nào”, “có dám không”, “có giữ lời không”… Trào lưu này không chỉ dừng lại ở mức độ đùa vui mà đang ngày càng biến tướng, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống của giới trẻ và thật sự nguy hiểm nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trên đây là sơ đồ tư duy, dàn bài chi tiết cũng như là một đoạn văn tham khảo bàn về hiện tượng “like là làm” trong giới trẻ hiện nay. Tài liệu này giúp các em ôn lại kiến thức cũng như là kĩ năng làm bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em ôn thi thật tốt và đạt kết quả thật cao trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới.
Các em có thể củng cố lại kiến thức trọng tâm của dạng đề này qua bài giảng Nghị luận về một hiện tượng đời sống
–MOD Ngữ văn HOC247 (tổng hợp và biên soạn)