1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
– Đôi nét về tác giả Thanh Thảo: là nhà thơ luôn có trăn trở trong việc cách tân nghệ thuật thơ Việt, thơ ông là tiếng nói suy tư, triết lí về những vấn đề thời đại.
– Giới thiệu bài thơ và hình tượng Lor-ca: bài thơ mang xu hướng cách tân, đậm chất tượng trưng siêu thực. Lor-ca là nguồn cảm hứng để tác giả viết bài thơ và cũng là hình tượng trung tâm trong bài.
b. Thân bài:
– Lor-ca người nghệ sĩ tự do nhưng đơn độc:
+ “Những tiếng đàn bọt nước”: gợi liên tưởng đến nghệ thuật lung linh mà Lor-ca tạo ra, còn là dự cảm không lành vì ngắn ngủi, mong manh của số phận người nghệ sĩ bạc mệnh.
+ “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”: gợi lên cuộc đấu tranh giữa một bên là dân chủ tự do với một bên là phát xít độc tài.
+ Ở đó, Lor-ca như một người hùng tự do nhưng đơn độc trên trên con đường đấu tranh cho sự cách tân nghệ thuật, cho nền dân chủ.
– Lor-ca cái chết đầy oan khuất:
+ Lor-ca đầy khí phách, yêu đời, “nghêu ngao” những lời ca ngợi ca tự do trên quê hương Tây Ban Nha của mình.
+ Cái chết oan khuất, bi thảm “bỗng” ập đến với người nghệ sĩ, người hùng ấy. Cả đất nước “Tây Ban Nha” “kinh hoàng”, nuối tiếc trước sự ra đi của chàng, của nghệ thuật chân chính.
+ Dù đối diện trước cái chết, Lor-ca vẫn hiên ngang, say sưa trong miền cách tân nghệ thuật “chàng đi như người mộng du”.
– Lor-ca người nghệ sĩ bất tử cùng nghệ thuật chân chính:
+ “Tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy”: màu nâu gợi đến màu của vỏ đàn, của đất mẹ, màu của đôi mắt, mái tóc, làn da người thương. Đó là những cảm hứng trong nghệ thuật của Lor-ca (vì quê hương, vì tình yêu và vì chính nghệ thuật).
+ “Tiếng ghi ta lá xanh”: nghệ thuật của Lor-ca gắn với tuổi trẻ.
+ “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”, “tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy” là biểu trưng về sự mong manh của nghệ thuật, về cái chết của người nghệ sĩ.
– Số phận của nghệ thuật Lor-ca sau khi chàng mất:
+ “Không ai chôn … mọc hoang”: hành trình cách tân nghệ thuật của Lor-ca không còn ai bước tiếp, bởi vậy nghệ thuật như bị bỏ hoang.
+ Mặt khác, dù Lor-ca đã mất nhưng nghệ thuật vẫn bất diệt, tồn tại với thời gian với sức sống mãnh liệt như cỏ hoang.
+ “Giọt nước mắt” là sự tiếc thương, “vầng trăng” là niềm tin nghệ thuật, dù ở nơi tối tăm sâu thẳm thì tâm hồn trong sáng của người nghệ sĩ vẫn soi tỏ cho thế hệ sau.
+ Lor-ca đã mất “đường chỉ tay đã đứt”, chàng giã từ cuộc đời hữu hạn để đến thế giới vô hạn bằng phương tiện “chiếc ghi ta” – nghệ thuật.
+ “Ném lá bùa”, “ném trái tim”: chính là sự giải thoát của Lor-ca sau khi chết. Người nghệ sĩ chân chính ý thức được “cái chết” của bản thân là để nghệ thuật được tái sinh mạnh mẽ, để hệ sau tiếp tục cách tân.
+ Ý thức của Lor-ca cũng thể hiện qua lời đề từ của bài thơ “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”: đó là sự gắn bó của Lor-ca với nghệ thuật, cũng là thông điệp muốn thế hệ sau vượt qua án ngữ nghệ thuật của mình.
+ “Li la li la …”: tiếng ghi ta bất tử dù người nghệ sĩ đã chết, có thể là vòng hoa tử đinh hương viếng linh hồn Lor-ca.
c. Kết bài:
– Trình bày suy nghĩ về hình tượng Lor-ca.
– Tổng kết giá trị nghệ thuật: thể thơ tự do, hình thức phóng khoáng, xây dựng thành công hình tượng Lor-ca và tiếng đàn, kết hợp hài hòa giữa thơ và nhạc, …
– Bài thơ thể hiện sự trân trọng, xót thương của tác giả với Lor-ca, thể hiện khát khao cách tân nghệ thuật của mình.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích hình tượng nhân vật Lor-ca trong Đàn ghi ta của Lor-ca.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Tâm hồn người nghệ sĩ vốn tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, cho dù xa về khoảng cách địa lí, rào cản văn hoá thì họ vẫn tìm thấy sự đồng cảm trong nhau. Trước cái chết bi thương gây chấn động cả lịch sử nhân loại của Lor-ca, Thanh Thảo đã viết Đàn ghi ta của Lor-ca bài thơ như tiếng nhạc gảy lên du dương, tha thiết tiễn đưa người nghệ sĩ đa tài về chốn cực lạc, thoát khỏi éo le số phận, rời xa xã hội bất công độc tài lúc bấy giờ ở Tây Ban Nha. Vẫn là ngòi bút xuất sắc đầy nhiệt huyết ấy, lòng trăn trở trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội và thời đại, Thanh Thảo đã cho người đọc cảm nhận được sự xót thương, sự căm phẫn tột cùng với chế độ xã hội đầy bất công đẩy con người vào chỗ bi kịch không lối thoát.
Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, là người con của quê hương Quảng Ngãi đầy nắng và gió. Ông là nhà thơ thuộc thế hệ các nhà thơ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ông có rất nhiều bài thơ hay được công chúng biết đến rộng rãi Những người đi tới biển, Khối vuông ru-bích, Những ngọn sóng mặt trời. Ông là nhà thơ có tiếng nói riêng luôn tìm tòi những điểm mới khác biệt, nỗ lực cách tân thơ việt, ông chối bỏ những lối thơ văn dễ dãi, lạc hậu, cũ kỹ. Tuy nhiên, trong tác phẩm Đàn ghi ta của Lor-ca còn mang màu sắc khá trừu tượng, có nhiều những hình ảnh siêu thực gây khó hiểu cho độc giả, nhưng không thể phủ nhận giá trị to lớn của nó và nỗ lực không ngừng nghỉ cách tân thơ việt của Thanh Thảo.
Lor-ca là một nghệ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, ông một tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị cũng như trong sống nghệ thuật của Tây Ban Nha. Trong đời sống nghệ thuật, Lor-ca là một trong những người đi đầu trong phong trào cách tân nền nghệ thuật già nua của Tây ban Nha. Trong đời sống chính trị, Lor-ca là người khởi xướng phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài thân phát xít đã quá phản động. Năm 1936, bè lũ Phrăng-cô quá hoảng sợ trước tầm ảnh hưởng của Lor-ca nên chúng đã tìm cách bắt và sát hại ông. Tuy nhiên sau cái chết của Lor-ca, tầm ảnh hưởng của ông càng trở nên sâu rộng hơn. Nó vượt ra khỏi biên giới của Tây Ban Nha, tên tuổi của Lor-ca trở thành một biểu tượng cho công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa và nền văn minh nhân loại. Sự ảnh hưởng của Lor-ca không chỉ nằm trong thời đại của ông mà nó còn tồn tại mãi cho tới bây giờ. Cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Lor-ca là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào để Thanh Thảo viết nên bài thơ này. Và cũng bằng nguồn cảm hứng dồi dào ấy, Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca.
Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được Thanh Thảo sáng tác theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực nên khi đọc đòi hỏi người đọc phải không ngừng liên tưởng, tưởng tượng để cảm nhận được rõ ý thơ. Qua bài thơ tác giả đã tái hiện lại cuộc sống của Lor-ca, tái hiện lại sự kiện bước ngoặt đầy bi thảm, đau đớn là cái chết của Lor-ca. Nhưng trong tiềm thức, trong tình cảm của Thanh Thảo, Lor-ca vẫn sống, qua đó thể hiện cho chúng ta thấy rõ Lor-ca là một nghệ sĩ chân chính, ông là một người nghệ sĩ dám sống để đấu tranh vì nghệ thuật, dám chết vì nghệ thuật. Lor-ca là người nghệ sĩ mang vẻ đẹp bất tử.
Bài thơ được viết dựa trên cái chết bi thương của Lor-ca (1898-1936), một người nghệ sĩ đa tài, một trong những ngôi sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật của Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Dù tuổi còn trẻ, nhưng ông đã sớm nhận ra tội ác, sự tàn độc của bè lũ phát xít, của chế độ độc tài đã đẩy người dân Tây Ban Nha vào cảnh lầm than, thiếu thốn, tước đi quyền được tự do, hạnh phúc, đẩy đất nước rơi vào bầu trời chính trị u ám, không lối thoát. Trước lẽ đó, Lor-ca đã dùng tài năng thiên bẩm của mình cất lên tiếng hát, tiếng đàn, lời thơ ca ngợi sự tự do, phản đối chế độ phản động, đòi công bằng cho nhân dân. Tiếc thay, ở cái tuổi 38 ôm bao hoài bão khát khao to lớn chưa hoàn thành thì ông bị sát hại, cái chết đã gây cơn chấn động, gieo nỗi bàng hoàng không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn trên toàn thế giới. Thanh Thảo viết nên bài thơ như lời chào vĩnh biệt, dựng lên một tượng đài về người anh hùng bất diệt, hiên ngang, sừng sững trước kẻ thù. Mở đầu là lời đề tự “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” – một câu thơ rất nổi tiếng của Lor-ca, không là gì khác ông chỉ cần cây đàn, ngay cả khi đã lìa trần, có thể thấy cây đàn có ý nghĩ to lớn như thế nào đối với người nghệ sĩ, ông coi nó như một người bạn đồng hành chứa đựng bao nỗi niềm tâm tư mình. Hiểu được lẽ đó, Thanh Thảo đã trân trọng đặt câu thơ ấy mở đầu khiến cho người đọc thêm phần thương tiếc, đồng cảm cho số phận nghiệt ngã cho người anh hùng bạc mệnh.
Sáu câu thơ đầu của bài thơ Thanh Thảo tái hiện sự sống của Lor-ca. Hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước” biểu trưng cho sự sống cũng như sự nghiệp sáng tạo của Lor-ca, hình ảnh này gợi cho chúng ta hình dung sự sống cũng như sự sáng tạo của Lor-ca là vô cùng mong manh dễ vỡ.” Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”, câu thơ nhắc tới xứ sở Tây Ban Nha và hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” làm cho ta liên tưởng đến môn thể thao truyền thống của đất nước này: đấu bò tót, một môn thể thao đòi hỏi không chỉ sức mạnh mà người đấu sĩ còn cần phải khôn ngoan và khéo léo, vì vậy trận đấu bò tót nào cũng đầy sự căng thẳng. Hình ảnh ‘áo choàng đỏ gắt” được tác giả nhắc đến ở đây cũng có thể là biểu trưng cho môi trường chính trị của Tây Ban Nha lúc này bức bối, ngột ngạt và phản động. Hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước” được đặt cạnh hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” cho thấy cuộc sống của Lor-ca lúc này đang cực kì bức bối , ông dường như đang phải cố gồng mình lên để đối mặt với một chế độ xã hội phản động già nua và có thể nói cuộc sống của ông đang đầy thách thức. Mặc dù phải sống trong môi trường xã hội ngột ngạt, người nghệ sĩ Lor-ca vẫn không ngừng sáng tạo vì đến câu thơ thứ ba hợp âm tiếng đàn ghi ta được ngân lên “li la li la li la”, nó biểu trưng cho những sáng tạo của Lor-ca.
Người nghệ sĩ vẫn say sưa với những sáng tạo của mình, vẫn sống lạc quan mặc cho hoàn cảnh sống đang bị bóp nghẹt. Ba câu thơ còn lại của đoạn thơ tái hiện hành trình đi tìm cái tôi nghệ sĩ, đi tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ Lor-ca.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Cùng với Xuân Quỳnh, Thanh Thảo cùng thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng trang thơ Thanh Thảo lại có dấu ấn rất riêng. Ông là người đi đầu trong phong trào cách tân thơ Việt, con đường mà ông lựa chọn để cách tân thơ Việt là việc đào sâu cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức những câu thơ tự do, phá bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo. Thanh Thảo đi theo trường phái thơ tượng trưng siêu thực có nguồn gốc từ phương Tây mà Lor-ca là một đại biểu đi đầu trong trường phái thơ đó. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” được rút ra từ tập “Khối vuông ru bích”, bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Lor-ca.
Lor-ca là một nghệ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, ông một tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị cũng như trong sống nghệ thuật của Tây Ban Nha. Trong đời sống nghệ thuật, Lor-ca là một trong những người đi đầu trong phong trào cách tân nền nghệ thuật già nua của Tây ban Nha. Trong đời sống chính trị, Lor-ca là người khởi xướng phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài thân phát xít đã quá phản động. Năm 1936, bè lũ Phrăng-cô quá hoảng sợ trước tầm ảnh hưởng của Lor-ca nên chúng đã tìm cách bắt và sát hại ông. Tuy nhiên sau cái chết của Lor-ca, tầm ảnh hưởng của ông càng trở nên sâu rộng hơn. Nó vượt ra khỏi biên giới của Tây Ban Nha, tên tuổi của Lor-ca trở thành một biểu tượng cho công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa và nền văn minh nhân loại. Sự ảnh hưởng của Lor-ca không chỉ nằm trong thời đại của ông mà nó còn tồn tại mãi cho tới bây giờ. Cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Lor-ca là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào để Thanh Thảo viết nên bài thơ này. Và cũng bằng nguồn cảm hứng dồi dào ấy, Thanh Thảo đã xây dựng thành công hình tượng người nghệ sĩ Lor-ca.
Bài thơ được viết theo trường phái thơ tương trưng siêu thực nên khi đọc thì độc giả có thể thỏa sức tưởng tượng để hiểu những hình ảnh theo nhiều chiều khác nhau. Khổ thơ đầu bài thơ Thanh Thảo tái hiện hình ảnh của Lor-ca trên nền nghệ thuật Tây Ban Nha. Hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” biểu trưng cho sự sống và sự sáng tạo của Lor-ca vô cùng mỏng manh và rất dễ vỡ, tan biến . “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt” biểu trưng cho môi trường chính trị ở Tây Ban Nha bức bối, ngột ngạt, phản động. Trong hai câu thơ đầu tác giả đặt hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” bên cạnh hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” như một dụng ý cho thấy cuộc sống của Lor-ca đang cực kì bức bối, ông dường như đang phải cố gồng mình lên để đối mặt với một chế độ xã hội phản động, già nua, có thể nói cuộc sống của ông là đầy thách thức. Câu thơ thứ ba ghi lại chuỗi hợp âm của tiếng đàn ghi ta “li la li la li la”, nó biểu trưng cho những sáng tạo của Lor-ca . Như vậy dù sống trong một môi trường xã hội ngột ngạt nhưng người nghệ sĩ Lor-ca vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật, vẫn say xưa với những sáng tạo nghệ thuật của mình. “Đi lang thang về miền đơn độc”, người nghệ sĩ đi nhưng chưa xác định rõ được đích đến, người nghệ sĩ vừa đi vừa suy nghĩ vừa tìm tòi. Đi về miền đơn độc là đi về miền của tâm trạng, miền của cảm xúc. Đây là hành trình đi tìm cái tôi sáng tạo, đi tìm cái tôi của người nghệ sĩ, tìm cảm hứng sáng tạo. Đồng hành cùng với người nghệ sĩ là vầng trăng, là chú ngựa nhưng lại là vầng trăng “chếnh choáng”, “yên ngựa mỏi mòn”. Vầng trăng thì xa vời, hư ảo, nửa say nửa tỉnh, chú ngựa cũng mỏi mòn, mệt mỏi rã rời, một hành trình vô cùng nhọc nhằn và cô đơn, hành trình “đơn thương độc mã”. Lor-ca là một người nghệ sĩ dám sống và cả dám chết vì nghệ thuật, dám cháy hết mình cho nghệ thuật. Mặc dù luôn luôn phải đối mặt với khó khăn khốc liệt nhưng khát vọng cách tân nền nghệ thuật già nua lúc nào cũng bùng cháy mãnh liệt trong Lor-ca.
Hai khổ thơ tiếp theo, Thanh Thảo tái hiện cái chết của Lor-ca cũng vẫn qua những hình ảnh thơ mang tính tượng trưng. “Tây ban Nha hát nghêu ngao”, Tây Ban Nha ở đây chính là Lor-ca, dường như tất cả những tinh hoa những vẻ đẹp của Tây Ban Nha đã hội tụ trong con người Lor-ca. Lor-ca bây giờ không chỉ là con người cá nhân mà là một biểu tương cho xứ sở Tây Ban Nha. Thanh Thảo đã thể hiện rất rõ tình cảm ngưỡng mộ, khâm phục, kính trọng của mình dành cho thần tượng – Lor-ca. Hành động “hát nghêu ngao” cho thấy một tâm trạng phấn khích, vui vẻ, một cuộc sống đang diễn ra bình dị. “bỗng kinh hoàng”, tín hiệu báo hiệu tin dữ, việc xấu ập đến. “áo choàng bê bết đỏ”, Lor-ca đã bị bắn trọng thương. Sau hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ”, nghĩa là sau khi Lor-ca đã bị bắn trọng thương là một loạt hình ảnh diễn tả sự biến đổi liên tục, liên hoàn của tiếng đàn: “tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta xanh”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước”, “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”.
Từ khi viên đạn xuyên thấu vào cơ thể Lor-ca, nó đã phá tan những điều giản dị nhưng đáng quý như là tình yêu, hi vọng, để rồi cuối cùng kết lại trong một cái chết oan nghiệt và thảm khốc. Thanh thảo đã có cách diễn đạt hình tượng hóa giúp chúng ta như cảm nhận được quá trình ập đến của cái chết và qua đó cũng ta cũng cảm nhận được sự đau đớn, xót xa của Thanh Thảo trước sự ra đi của thần tượng trong lòng mình.
—–LOP12.COM—–