I. Thần thoại
1. Khái niệm
– Thần thoại: tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa của con người cổ đại.
2. Ví dụ
– Thần thoại Ấn Độ: Thần Lửa A Nhi
– Thần thoại Trung Quốc: Nữ Oa vá trời
II. Sử thi
1. Khái niệm:
– Sử thi: tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hung để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
2. Ví dụ
– Sử thi Đăm Săn – Việt Nam
– Sử thi Iliad – Hy Lạp
III. Truyền thuyết
1. Khái niệm
– Truyền thuyết: tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và các nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) phần lớn theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước , dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng. Bên cạnh đó cũng có những truyền thuyết vừa đề cao, vừa phê phán nhân vật lịch sử.
2. Ví dụ
– Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
– Truyền thuyết Thánh Gióng
IV. Truyện cổ tích
1. Khái niệm:
– Truyện cổ tích: tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận con người bình thường trong xã hội. thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.
2. Ví dụ:
– Truyện cổ tích Tấm Cám
– Truyện cổ tích Sọ Dừa
V. Truyện ngụ ngôn
1. Khái niệm
– Truyện ngụ ngôn: tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, thông qua các ẩn dụ (phần lớn là hình tượng loài vật) để kể về những sự việc liên quan đến con người, từ đó nêu triết lí nhân sinh hoặc những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.
2. Ví dụ
– Truyện ngụ ngôn: Thầy bói xem voi
– Truyện ngụ ngôn: Ếch ngồi đáy giếng
VI. Truyện cười
1. Khái niệm
– Truyện cười: tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, kết thúc bất ngờ, kể về những sự việc xấu, trái tự nhiên trong cuộc sống, có tác dụng gây gười nhằm mục đích giải trí, phê phán.
2. Ví dụ
– Truyện cười: Lợn cưới áo mới
– Truyện cười: Tam đại con gà
VII. Tục ngữ
1. Khái niệm
– Tục ngữ: câu nói ngắn gọn, hàm súc, phần lớn có hình ảnh, vần, nhịp, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, thường được dung trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của nhân dân.
2. Ví dụ:
– Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn: vợ chồng hòa hợp, có cùng chí hướng, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn thì cho dù là việc khó nhất như tát cạn biển Đông cũng có thể thực hiện được.
– Bán anh em xa, mua láng giềng gần: khuyên răn mỗi người chúng ta nên ăn ở cũng như phải sống thật vui vẻ hòa đồng với hàng xóm láng giềng kề bên.
VIII. Câu đố
1. Khái niệm
– Câu đố: bài văn vần hoặc câu nói thường có vần, mô tả vật đố bằng ẩn dụ hoặc những hình ảnh, hình tượng khác lạ để người nghe tìm lời giải, nhằm mục đích giải trí, rèn luyện tư duy và cung cấp những tri thức về đời sống.
2. Ví dụ:
Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm.
(Là gì?)
=> Đáp án: Cái bát
IX. Ca dao
1. Khái niệm
– Ca dao: tác phẩm thơ trữ tình dân gian, thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.
2. Ví dụ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho trong chữ hiếu mới là đạo con.
(ca dao)
X. Vè
1. Khái niệm
– Vè: tác phẩm tự sự dân gian bằng văn vần, có lối kể mộc mạc, phần lớn nói về các sự việc, sự kiện của làng, của nước mang tính thời sự.
2. Ví dụ:
Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng
Đưa bà qua quãng đường đông
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà
Tiền bà trong túi rơi ra
Tép tôm nhặt được trả bà mua rau.
(vè)
XI. Truyện thơ
1. Khái niệm
– Truyện thơ: tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và công bằng xã hội.
2. Ví dụ:
– Truyện thơ Tiễn dặn người yêu (dân tộc Thái)
XII. Chèo
1. Khái niệm
– Chèo: tác phẩm kịch hát dân gian, kết hợp các yếu tố trữ tình và trào lộng để ca ngợi những tấm gương đạo đức và phê phán, đả kích cái xấu trong xã hội.
2. Ví dụ:
– Vở chèo Quan âm Thị Kính.