I. Phương thức ẩn dụ và hoán dụ
Có hai phương thức chủ yếu để phát triển nghĩa của từ là phương thức ẩn dụ và hoán dụ.
Như vậy, ẩn dụ và hoán dụ là phương thức phát triển nghĩa của từ (ẩn dụ và hoán dụ ngôn ngữ) cũng giống như ẩn dụ và hoán dụ là biện pháp tu từ (ẩn dụ và hoán dụ tu từ – đã học ở lớp 6). Chỉ có điều, ẩn dụ và hoán dụ ngôn ngữ tạo ra các nghĩa ổn định gắn với từ và không còn sắc thái biểu cảm cao, trong khi đó, ẩn dụ và hoán dụ tu từ tạo ra các nghĩa lâm thời, gắn với hoàn cảnh sử dụng cụ thể nhằm đạt hiệu quả tu từ, biểu cảm trong diễn đạt.
So sánh:
a) Từ miệng có nhiều nghĩa, trong đó có các nghĩa thể hiện qua các ví dụ sau:
– Há miệng ra (1)
– Miệng cốc (2)
– Nhà có năm miệng ăn. (3)
Các nghĩa (2), (3) là các nghĩa ổn định của từ miệng, được chuyển nghĩa dựa vào phương thức ẩn dụ và hoán dụ.
b) Trong khi đó, trong những câu thơ sau:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
(Viễn Phương)
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
(Tố Hữu)
Nghĩa chỉ “Bác Hồ” của từ mặt trời, nghĩa chỉ “đồng bào Việt Bắc” của áo chàm không phải là các nghĩa ổn định của các từ đó. Đây là ẩn dụ và hoán dụ tu từ.
II. Cách cấu tạo từ mới và vay mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài
1. Cấu tạo từ mới
Cấu tạo từ mới là dựa vào các từ ngữ vốn có và vận dụng các phương thức cấu tạo từ như ghép, láy để tạo các từ mới. Ví dụ:
– xe + đạp = xe đạp; xe đạp + điện = xe đạp điện
– điện thoại + di động = điện thoại di động
2. Vay mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài
Để đáp ứng nhu cầu gọi tên sự vật, hiện tượng,… tiếng Việt có thể mượn từ tiếng nước ngoài những từ ngữ cần thiết để phát triển vốn từ vựng. Ví dụ: ma-két-ting, com-piu-tơ v.v. Tuy nhiên, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chỉ nên mượn những từ ngữ thật cần thiết, tránh lạm dụng từ ngữ nước ngoài.