I. Sai về cấu tạo ngữ pháp
1. Sai do thiếu chủ ngữ
– Là những câu chỉ có trạng ngữ và vị ngữ.
– Cách sửa: Thêm CN hoặc bở bớt từ làm cho cho trạng ngữ thành chủ ngữ.
– Ví dụ: Qua tác phẩm “Tắt đèn” cho ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân trong chế độ cũ.
– Sửa:
+ Cách 1: Bỏ “Qua”
Tác phẩm “Tắt đèn” cho ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân trong chế độ cũ.
+ Cách 2: Thêm chủ ngữ
Qua tác phẩm “Tắt đèn”, Ngô Tất Tố đã cho ta thấy hình ảnh người phụ nữ nông dân trong chế độ cũ.
2. Sai do thiếu vị ngữ
– Là những câu chỉ mới có phần phát triển nội dung cho đối tượng được nói đến, chưa có vị ngữ.
– Cách sửa: Thêm VN hoặc biến một phần CN thành VN.
– Ví dụ: Lòng tin sâu sắc của những thế hệ cha anh vào lực lượng măng non và xung kích sẽ tiếp bước mình.
– Sửa:
+ Cách 1: Thêm vị ngữ
Lòng tin sâu sắc của những thế hệ cha anh vào lực lượng măng non và xung kích sẽ tiếp bước mình là nguồn cổ vũ thế hệ trẻ tiến lên.
+ Cách 2: Biến một phần CN và VN
Lòng tin sâu sắc của những thế hệ cha anh được đặt vào lực lượng măng non và xung kích sẽ tiếp bước mình.
3. Sai do thiếu chủ ngữ và vị ngữ
– Trong câu chỉ có trạng ngữ
– Cách sửa: Thêm CN và VN
– Ví dụ: Từ những chị dân quân ngày đêm canh giữ đồng quê và bầu trời Tổ quốc, đến những bà mẹ chèo đò anh dũng trên các dòng sông đầy bom.
– Sửa: Từ những chị dân quân ngày đêm canh giữ đồng quê và bầu trời Tổ quốc, đến những bà mẹ chèo đò anh dũng trên các dòng sông đầy bom, tất cả đều thể hiện tinh thần chiến đấu bất khuất
4. Sai do thiếu vế câu trong câu ghép
– Câu ghép là loại câu gồm 2 vế, mỗi vế tương đương với một câu đơn. Lỗi này thường do chỉ mới có một vế xuất hiện.
– Cách sửa: Thêm 1 vế hoặc biến nó thành câu đơn (nếu được)
– Ví dụ: Nếu ai đã từng làm quen với hình tượng người nông dân với cuộc sống vất vả, cực nhọc, tối tăm ở nông thôn Việt Nam trong các tác phẩm văn học trước Cách mạng tháng Tám.
– Sửa:
+ Cách 1: Thêm 1 vế còn lại của câu ghép
Nếu ai đã từng làm quen với hình tượng người nông dân với cuộc sống vất vả, cực nhọc, tối tăm ở nông thôn Việt Nam trong các tác phẩm văn học trước Cách mạng tháng Tám thì người đó sẽ hiểu được xã hội lúc bấy giờ.
+ Cách 2: Biến câu đã cho thành câu đơn
Ai cũng từng được làm quen với hình tượng người nông dân với cuộc sống vất vả, cực nhọc, tối tăm ở nông thôn Việt Nam qua các tác phẩm văn học trước Cách mạng tháng Tám.
5. Sai do thừa nối
– Vì thừa từ nối nên không xác định rõ chủ ngữ với trạng ngữ.
– Cách sửa: Bỏ từ nối, tách CN và trạng ngữ bằng dấu phẩy.
Ví dụ: Trong những điều kiện khó khăn thế mà đội chúng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch của công ty.
Sửa: Trong những điều kiện khó khăn, đội chúng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch của công ty.
6. Sai do thiếu danh từ trung tâm trong NDT
– Cách sửa: Thêm danh từ trung tâm
– Ví dụ: Anh nên viết thư cảm ơn lương y đã chữa bệnh cho anh.
Sửa: Anh nên viết thư cảm ơn vị lương y đã chữa bệnh cho anh.
7. Sai do sai trật tự các thành phần trong câu.
– Sắp xếp không phù hợp làm cho câu sai ngữ pháp (thiếu CN) hoặc sai nghĩa, tối nghĩa.
– Cách sửa: Đảo vị trí để câu có C – V và hợp lí
– Ví dụ: Nếu trừng trị không kịp thời, sẽ gia tăng tội ác.
Sửa: Nếu trừng trị không kịp thời, tội ác sẽ gia tăng.
II. Sai về quan hệ ngữ nghĩa
1. Sai về hiện thực khách quan
– Sai do kiến thức, những hiểu biết không đúng, không chính xác.
– Cách sửa: Thay đổi thông tin cho chính xác
– Ví dụ: Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi giặc Minh.
– Sửa:
+ Cách 1: Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi giặc Minh.
+ Cách 2: Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi giặc Nguyên.
2. Sai logic
a) Các thành phần câu không có quan hệ chặt chẽ, không theo logic
– Cách sửa: Thay đổi từ bị dùng chưa phù hợp
– Ví dụ: Tôi rất băn khoăn, nửa muốn về, nửa muốn ở lại, nửa lại muốn đi luôn.
Sửa: Tôi rất băn khoăn, vừa muốn về, vừa muốn ở lại, lại vừa muốn đi luôn.
b) Dùng từ không phù hợp với phong cách (quá bình dân hoặc quá trang trọng)
– Cách sửa: Thay đổi từ dùng chưa phù hợp.
– Ví dụ: Anh xem đây, cái này mới thật là cực kì chứ!
Sửa: cực kì -> độc đáo
c) Sai chủ thể đối tượng
– Cách sửa: Thay đổi từ dùng chưa phù hợp.
– Ví dụ: Thúc Sinh cảm thương số phận Thúy Kiều, bỏ tiền cứu thoát nàng và làm vợ lẽ cho hắn.
Sửa: Thúc Sinh cảm thương số phận Thúy Kiều, bỏ tiền cứu thoát nàng và lấy nàng làm vợ lẽ.
III. Sai dấu câu
1. Ngắt câu khi chưa hoàn thành câu, chưa trọn ý
– Cách sửa: Kết nối thông tin giữa 2 câu thành 1 câu.
Ví dụ: Chế độ kẻ giàu sang áp bức người nghèo khó. Chế độ đó bất công, đáng lên án và tiêu diệt.
-> Sửa: Chế độ kẻ giàu sang áp bức người nghèo khó thật bất công, đáng lên án và tiêu diệt.
2. Không ngắt câu khi đã trọn ý
VD: Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp trong những năm chống Mỹ cứu nước y tế xã, phường, thị trấn đã đóng góp công sức to lớn vào cấp cứu chiến thương tại chỗ, gương tiêu biểu cho lớp cán bộ y tế đó là anh hùng lao động Trần Chữ.
=>Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, trong những năm chống Mỹ cứu nước, y tế xã, phường, thị trấn đã đóng góp công sức to lớn vào cấp cứu chiến thương tại chỗ. Gương tiêu biểu cho lớp cán bộ y tế đó là anh hùng lao động Trần Chữ.
3. Dùng lẫn lộn các dấu câu
– Cách sửa: thay đổi dấu câu
– Ví dụ: Họ không hiểu cái gì về ưu điểm, cái gì là hạn chế trong nền kinh tế thị trường?
=> Sửa: Họ không hiểu cái gì về ưu điểm, cái gì là hạn chế trong nền kinh tế thị trường.