BÀI TẬP PHÂN TÍCH SỰ KIỆN, DỰ LIỆU
1. Đặc điểm
– Là dạng bài tập cung cấp thông tin được trích trong một văn bản, dữ liệu. Qua những thông tin đó, dựa vào những sự kiện lịch sử để trả lời yêu cầu mà đề bài đưa ra.
2. Các mức độ
– Mặc dù bài tập phân tích sự kiện, dữ liệu trong môn Lịch sử thay vì ghi nhớ học sinh sẽ tiếp cận trực tiếp với đoạn văn tài liệu gốc nhưng câu hỏi vẫn được phân chia theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
a.Nhận biết
– Là nhớ lại cái dữ liệu, thông tin đã có trước đây, có nghĩa là nhận biết là thông tin, tái hiện, ghi nhớ lại,…
– Đây là mức độ thấp nhất của trình độ nhận thức.
– Có thể cụ thể hóa các yêu cầu như sau:
+Nhận ra, nhớ lại các khái niệm, biểu tượng, sự vật, hiện tượng hay một thuật ngữ lịch sử nào đó,…
+ Các động từ tương ứng với mức độ nhận biết là: liệt kê, nêu, xác định, trình bày,…
b.Thông hiểu
– Là khả năng hiểu được, giải thích và chứng minh được các sự kiện và thuật ngữ lịch sử. HS có khả năng diễn đạt kiến thức đã học dược theo ý của mình, sử dụng được kiến thức và kĩ năng để giải quyết vấn đề lịch sử.
– Có thể cụ thể hóa các yêu cầu như sau:
+ Biểu thị, minh họa, giải thích được các ý nghĩa của các khái niệm, sự kiện lịch sử, lựa chọn, sắp xếp lại các sự kiện lich sử,…
+ Các động từ tương ứng với mức độ thông hiểu là: hiểu, giải thích, chứng minh,…
c. Vận dụng và vận dụng cao
– Là khả năng sử dụng các kiến thức đã học vào một hoàn cảnh cụ thể mới: vận dụng nhận biết, hiểu biết về lịch sử để giải quyết các vấn đề về lịch sử.
– Có thể cụ thể bằng các yêu cầu sau đây: so sánh các phương án giải quyết vấn đề, khái quát hóa sang tình huống phức tạp hơn.
+ Các động từ tương ứng với mức độ vận dụng và vận dụng cao là: bài học kinh nghiệm, liên hệ, đánh giá,…
3. Phương pháp
– Sử dụng phương pháp lịch sử, phân tích, so sánh, nhận xét và đánh giá để giải quyết vấn đề.
– Chú ý các từ khóa trong mỗi câu hỏi để nhanh chóng tìm kiếm thông tin giải quyết vấn đề.
+ Who (Ai): hỏi về các nhân vật lịch sử.
+ When (Khi nào): hỏi các mốc thời gian đã xảy ra sự kiện lịch sử.
+Where (Ở đâu): Các sự kiện lịch sử đó được diễn ra ở đâu, vị trí.
+Why (Tại sao): Dùng để hỏi nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự kiện lịch sử.
*Ví dụ:
Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu hỏi sau:
Nước Việt Nam cần hòa bình để kiến thiết đất nước, Vì vậy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên trì giải quyết mối quan hệ bang giao hòa bình và hợp tác với Chính phủ Pháp. Việt Nam đã phải nhân nhượng khi kí Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946.
Việt Nam nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Những người cầm đầu chính phủ Pháp lúc bấy giờ tuy có khác nhau ít nhiều trong cách giải quyết vấn đề bang giao Pháp-Việt, song đều có một quyết tâm chung là giành lại quyền thống trị của chúng ở Việt Nam và toàn bộ bán đảo Đông Dương với bất cứ giá nào, trong đó, cực đoạn phản động nhất là tướng tá điều hành quân sự ở Đông Dương như Đacgiăngliơ, Valuy, Pin hông…
Hiệp định Sơ bộ 6-3 vừa kí kết đã bị thực dân phản động Pháp phản bội. Quân Pháp đã tấn công các vị trí của quân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ngày 10-4-1946, tướng Valuy đã kí và ban hành “phương án số 2” nhằm thực hiện các biện pháp hữu hiệu có tác dụng biến đổi dần “cái kịch bản của một hành động thuần túy quân sự” thành kịch bản của cuộc đảo chính.
(Theo Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, trang 46)
Câu hỏi 1: NB – Ai là người đã kí và ban hành “phương án thứ hai?
A. Đacgiăngliơ.
B. Valuy
C. Pin hông
D. Paul Duma
Phương pháp: Từ khóa ở câu hỏi này là ai, nghĩa là muốn hỏi về nhân vật kết hợp với phương án thứ hai chúng ta sẽ nhanh chóng chọn lựa được đáp án đúng và chính xác nhất.
Lời giải:
Ngày 10-4-1946, tướng Valuy đã kí và ban hành “phương án số 2” nhằm thực hiện các biện pháp hữu hiệu có tác dụng biến đổi dần “cái kịch bản của một hành động thuần túy quân sự” thành kịch bản của cuộc đảo chính.
=> Đáp án: B