Trong học tập và thi tốt nghiệp THPT thường có câu hỏi phân tích số liệu, bởi biết dựa vào bảng số liệu để tìm thông tin là một trong những kĩ năng quan trọng trong học tập và nghiên cứu.
Loại câu hỏi yêu cầu phân tích số liệu thống kê cho phép đánh giá được mức độ am hiểu, vận dụng kiến thức của người học vào các trường hợp cụ thể, đánh giá được kĩ năng chọn lọc, xác định kiến thức nền.
Với môn Sinh học thi đánh giá năng lực, câu hỏi đưa ra dữ kiện, bảng số liệu, biểu đồ vô cùng quan trọng. Do đó, mỗi thí sinh cần rèn luyện nhiều về kỹ năng phân tích câu hỏi, nhận biết dạng biểu đồ thông qua các cụm từ khóa, lời dẫn nhận biết, phân tích nội dung các dữ kiện và bảng số liệu, biểu đồ được đưa ra.
1. Cách nhận dạng các loại biểu đồ trong câu hỏi trắc nghiệm
– Biểu đồ tròn: thể hiện cơ cấu, tỉ lệ, tỉ trọng (%) của đối tượng.
– Biểu đồ cột: thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng cùng đơn vị.
– Biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị): thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, biến động của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm.
– Biểu đồ kết hợp giữa đường và cột: thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ.
– Biểu đồ miền: thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên.
– Biểu đồ cột chồng: thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối).
2. Có 3 dạng câu hỏi trắc nghiệm Sinh học dựa vào dữ kiện, bảng số liệu và biểu đồ
Dạng 1: Xác định số liệu của đối tượng ở một thời điểm.
Dạng 2: So sánh số liệu, nhận xét sự biến động, phát triển của đối tượng.
Dạng 3: Khái quát sự tương quan giữa sự biến động, phát triển của đối tượng với các yếu tố tác động tới đối tượng.
Dạng 4: Dự đoán kết quả của một thí nghiệm, nghiên cứu khác dựa theo kết quả nghiên cứu này và số liệu đã cho.
3. Kỹ năng phân tích bảng số liệu để trả lời câu hỏi
Khi phân tích bảng số liệu, học sinh cần chú ý các nguyên tắc sau để nhanh chóng có được đáp án.
+ Đối với các số liệu đưa ra theo kiểu liệt kê thành đoạn văn, các bạn hãy viết lại chúng theo từng hàng để hạn chế nhầm lẫn giữa đối tượng này với số liệu của đối tượng khác.
+ Tính toán số liệu dựa theo cột dọc và theo hàng ngang. Thông thường trong bảng số liệu sẽ có một chiều thể hiện sự tăng trưởng, chiều còn lại thể hiện cơ cấu hoặc thời gian. Sự tăng trưởng ở đây được hiểu là sự tăng hay giảm về mặt số lượng. Sự thay đổi cơ cấu là sự thay đổi về các thành phần ở bên trong. Dù là tăng trưởng hay thay đổi cơ cấu đều diễn ra theo thời gian.
+ Cần chú ý vào: Giá trị trung bình, giá trị cực tiểu, cực đại, số liệu có sự đột biến, bất thường.
+ Khai thác mối liên hệ giữa các đối tượng. Học sinh cần khai thác sự liên quan giữa các cột, hàng.
⇒ Khi phân tích một bảng số liệu thì học sinh cần huy động được các kiến thức để tính toán, so sánh, tìm mối liên hệ. Nếu các em không nắm vững được kiến thức sẽ không thể phân tích được bảng số liệu.
4. Phương pháp làm bài
* Phải tìm được từ “chìa khóa” trong câu hỏi
Từ chìa khóa hay còn gọi là “key” trong mỗi câu hỏi chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề. Mỗi khi bạn đọc câu hỏi xong, điều đầu tiên là phải tìm được từ chìa khóa nằm ở đâu. Điều đó giúp HS định hướng được rằng câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ chìa khóa ấy. Đó được xem là cách để bạn giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án. Đặc biệt là với phần kỹ năng làm trắc nghiệm với bảng số liệu và biểu đồ, lượng số liệu được đưa ra có thể nhiều hoặc dài nếu trình bày theo kiểu liệt kê trong đoạn văn, HS cần bình tĩnh tìm chính xác số liệu, vội vàng hấp tấp có thể khiến bạn tìm nhầm số liệu và trả lời sai một câu khá dễ.
* Tự trả lời trước… đọc đáp án sau
Trong môn Sinh học, khi mà các đáp án (phương án trắc nghiệm) thường “na ná” nhau khiến HS dễ bị rối. Sau khi đọc xong câu hỏi, HS nên tự trả lời rồi đọc tiếp phần đáp án xem có phương án nào giống với câu trả lời mình đưa ra hay không. Chớ vội đọc ngay đáp án vì như thế bạn rất dễ bị phân tâm nếu như kiến thức nền của mình không thực sự chắc chắn.
* Dùng phương pháp loại trừ
Một khi bạn không có cho mình một đáp án thực sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu giúp HS tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án cũng thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung, tuy nhiên vẫn có cơ sở để bạn dùng phương án loại trừ bằng “mẹo” của mình cộng thêm chút may mắn nữa. Thay vì đì tìm đáp án đúng, HS hãy thử tìm phương án sai… đó cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.
* Khi bạn không còn đủ cơ sở để loại trừ nữa thì hãy dùng cách phỏng đoán, nhận thấy phương án nào khả thi hơn và đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời… đó là cách cuối cùng dành cho bạn.
* Phân bổ thời gian và nhớ không được bỏ trống đáp án