Giải bài tập Địa Lí 12 Bài 20: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
Mở đầu trang 84 Địa Lí 12: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông là ngành hạ tầng thiết yếu của đất nước, tác động rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông ở nước ta phát triển và phân bố như thế nào?
Lời giải:
– Giao thông vận tải: có đầy đủ loại hình, phân bố rộng khắp, dịch vụ vận tải đa dạng, chất lượng nâng cao, cự li vận chuyển xa hơn; gồm: đường ô tô, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không, đường ống.
– Bưu chính viễn thông: phát triển theo hướng chuyển đổi số, liên kết chặt chẽ với hoạt động dịch vụ khác; doanh thu bưu chính tăng trưởng nhanh, dịch vụ bưu chính đa dạng, mạng lưới rộng khắp; dịch vụ viễn thông đa dạng, mạng lưới mở rộng và phát triển nhanh, triển khai đến mọi vùng miền.
I. Giao thông vận tải
Câu hỏi trang 87 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I và hình 20, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải ở nước ta.
Lời giải:
– Nước ta có đầy đủ loại hình giao thông vận tải, mạng lưới phân bố rộng khắp, kết nối với một số tuyến đường quốc tế, như đường sắt, đường bộ xuyên Á,… Các đầu mối giao thông lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trở thành cửa ngõ quốc tế, tăng cường khả năng hội nhập của đất nước.
– Dịch vụ vận tải ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, cự li vận chuyển xa hơn. Khối lượng hàng hóa, hành khách vận chuyển tăng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
– Đường ô tô:
+ Là loại hình giao thông quan trọng nhất, phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng. Khối lượng hàng hóa vận chuyển cao nhất trong cơ cấu vận tải và xu hướng tăng. Chất lượng vận tải và dịch vụ ngày càng được cải thiện, hiệu quả kinh tế được nâng lên.
+ Mạng lưới ngày càng phát triển, trải rộng khắp các địa phương, đảm bảo kết nối hiệu quả với các loại hình giao thông khác và kết nối vùng, miền, quốc tế. Các tuyến đường bắc – nam là trục giao thông quan trọng nhất: quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam. Các tuyến đường xuyên Á, cao tốc tạo động lực phát triển kinh tế các vùng và cả nước.
– Đường sắt:
+ Chủ yếu là vận chuyển hàng hóa, hệ thống đường sắt được đầu tư cải tạo, nâng cấp, chất lượng hạ tầng được nâng lên, tốc độ và an toàn được cải thiện. Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị (ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đang được quan tâm phát triển.
+ Tuyến đường sắt quan trọng nhất là tuyến Bắc – Nam (Thống Nhất), các tuyến khác tập trung ở phía Bắc, 3 tuyến quan trọng là: Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn,…
– Đường sông:
+ Đảm nhận chuyên chở hàng hóa nội địa, kết nối với các cảng biển vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Hỗ trợ vận chuyển công-te-nơ từ cảng biển vào sâu trong nội địa, tăng cường kết nối với loại hình vận tải khác.
+ Phát triển trên một số hệ thống sông lớn: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cửu Long. Các tuyến vận tải có lưu lượng vận chuyển lớn là các tuyến liên vùng, như Quảng Ninh – Việt Trì, Sài Gòn – Cà Mau,… Cảng sông quan trọng ở nước ta là: Việt Trì, Tân Châu,…
– Đường biển:
+ Tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác, ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
+ Cả nước có 34 cảng biển với 296 bến cảng (2021). Hệ thống cảng biển là cửa ngõ giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng và cả nước. 2 cảng loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, một số cảng quan trọng là Vân Phong, Cái Mép, Đình Vũ,… Các tuyến đường biển nội địa tạo mối liên kết giữa các vùng trong nước, các tuyến đường biển quốc tế kết nối với các quốc gia và châu lục khác, Việt Nam đã thiết lập các tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ, châu Âu.
– Đường hàng không:
+ Tốc độ phát triển và hiện đại hóa nhanh, năng lực vận chuyển ngày càng cao nhờ ứng dụng khoa học – công nghệ, tăng cường đôi tàu bay và mở rộng mạng lưới đường bay.
+ Năm 2021, có 22 cảng hàng không, có 10 cảng quốc tế. Cảng Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất là cửa ngõ quốc tế và đầu mối vận tải hàng không lớn.
+ Các tuyến đường bay nội địa ngày càng được mở rộng, một số tuyến quốc tế quan trọng là Hà Nội – Tô-ky-ô, Đà Nẵng – Hồng Công, TP Hồ Chí Minh – Lốt An-giơ-lét. Thiết lập những chuyến bay đi thẳng Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi.
– Đường ống:
+ Chủ yếu vận chuyển xăng dầu và khí, phục vụ hiệu quả cho ngành khai thác, chế biến và phân phối dầu khí tại Việt Nam.
+ Một số hệ thống chính: đường ống vận chuyển xăng dầu từ Bãi Cháy – Hạ Long tới các tỉnh vùng ĐB sông Hồng, đường ống dẫn khí Cà Mau – Phũ Mỹ,…
II. Bưu chính viễn thông
Câu hỏi trang 88 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông nước ta.
Lời giải:
– Các hoạt động bưu chính viễn thông đang phát triển theo hướng chuyển đổi số và liên kết chặt chẽ với các hoạt động dịch vụ khác như thương mại, giao thông vận tải,..
– Bưu chính:
+ Doanh thu còn thấp nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh, năm 2021 đạt gần 27 nghìn tỉ đồng. Dịch vụ đa dạng, phát triển theo hướng hiện đại và nâng cao hiệu quả kinh tế.
+ Các dịch vụ truyền thống như: chuyển, nhận thư, bưu kiện,… từng bước chuyển sang dịch vụ số. Các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh được mở rộng, đảm bảo chất lượng vận chuyển, nâng cao hiệu quả kinh tế của dịch vụ bưu chính.
+ Mạng lưới phân bố rộng khắp, một số trung tâm dịch vụ bưu chính đã tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo cơ sở cho việc xây dựng kinh tế số, xã hội số, như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
+ Phát triển theo hướng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, cung cấp dịch vụ bưu chính số và hợp tác với các khâu sản xuất và dịch vụ khác: ngân hàng, logistics, vận tải,…
– Viễn thông:
+ Doanh thu năm 2021 đạt 315,4 nghìn tỉ đồng, các dịch vụ ngày càng đa dạng: dịch vụ điện thoại, internet, dịch vụ mạng và các dịch vụ khai thác công nghệ. Số thuê bao điện thoại khá ổn định, số thuê bao internet tăng nhanh, liên tục.
+ Mạng lưới mở rộng và phát triển nhanh, hạ tầng được triển khai đến mọi vùng miền, kết nối với toàn thế giới qua hệ thống băng thông quốc tế. Hiện đang sở hữu 2 vệ tinh viễn thông và 7 tuyến cáp quang biển quốc tế, tăng cường kết nối với mạng lưới viễn thông quốc tế. Hình thành các trung tâm viễn thông hiện đại như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
+ Hướng phát triển đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ cao và đảm bảo an ninh mạng.
Luyện tập trang 88 Địa Lí 12: Dựa vào hình 20, hãy xác định 3 tuyến đường ô tô, cảng biển, cảng hàng không quan trọng của nước ta.
Lời giải:
– 3 tuyến đường ô tô: quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, CT.01
– 3 cảng biển: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu
– 3 cảng hàng không: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất
Vận dụng trang 88 Địa Lí 12: Tìm hiểu và trình bày về một hoạt động bưu chính viễn thông mà em quan tâm.
Lời giải:
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đang triển khai khoảng 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng công nghệ vào tất cả các công đoạn chấp nhận, khai thác, vận chuyển, chăm sóc khách hàng, đối soát-thanh toán cũng như quy trình marketing, quản lý, giám sát, đo lường chất lượng,… Trong đó, Hệ thống phần mềm Bưu chính MPITS chính là dự án công nghệ thông tin có quy mô lớn của Vietnam Post với 11 ứng dụng, 5 nhóm giải pháp nền tảng, kết nối đồng bộ với các hệ thống phần mềm công nghệ như hệ thống quản lý vận tải TMS, hệ thống quản lý kho WMS, ứng dụng tạo và quản lý đơn hàng My Vietnam Post, ứng dụng phát Ding Dong dành cho bưu tá,… MPITS được xem như “con át chủ bài” trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Bưu điện Việt Nam. Nhờ vậy, Vietnam Post có thể chấp nhận cùng lúc hàng triệu bưu kiện gửi với nhiều phương thức ghi nhận dữ liệu đầu vào linh hoạt, qua đó tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng, rút ngắn quy trình triển khai, vận hành dịch vụ, đồng thời tiết kiệm 90% ấn phẩm nghiệp vụ, giảm 70% tác vụ trong thực hiện các hành vi giao tiếp khách hàng.
Xem thêm các bài giải bài tập Địa Lí lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 19. Vai trò, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành dịch vụ
Bài 20. Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
Bài 21. Thương mại và du lịch
Bài 22. Thực hành: Tìm hiểu sự phát triển một số ngành dịch vụ
Bài 23. Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ
Bài 24. Phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng