Soạn bài Vi hành
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 20 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
– Liên hệ với các bài học môn Lịch sử để có thêm thông tin về bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1920 – 1925 của thế kỉ XX.
– Đọc trước văn bản “Vi hành”; tìm hiểu các chú thích ở chân trang và câu hỏi nêu ở cuối văn bản.
– Khi đọc truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc cần lưu ý một số điểm sau:
+ Nhân việc vua Khải Định có chuyển sang Pháp dự triển lãm hội chợ thuộc địa ở Mác-xây (Marseille) năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã viết một loạt tác phẩm, trong đó có truyện ngắn “Vi hành”, Lời than vãn của bà Trưng Trắc và vở kịch Con rồng tre.
+ Truyện ngắn “Vi hành” viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 19-2-1923.
+ “Vi hành” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho bút pháp văn xuôi hiện đại và nghệ thuật châm biếm sắc sảo – một đặc trưng của truyện kí Nguyễn Ái Quốc.
Trả lời:
– Bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1920 – 1925:
+ Nguyễn Ái Quốc tiếp cận bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, tìm ra con đường cứu nước.
+ Xã hội Việt Nam đang chịu sự cai trị của thực dân Pháp. Trước tình thế đó, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra, dần hình thành các tổ chức và phong trào đấu tranh mạnh mẽ.
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính: Tác phẩm là bức thư của nhân vật tôi gửi cho người em họ về sự việc một lần nhân vật sang Pháp và bắt gặp đôi trai gái người Pháp đang nhầm lẫn nhân vậy tôi là vua Khải Định. Họ bàn luận nhận xét về Khải Định và coi hắn như một tên hề, một trò giải trí rẻ tiền.Tác giả cũng kể về sự đón tiếp nhiệt tình của người Pháp, của chính quyền thực dân. Qua đó châm biếm cách đối xử của thực dân Pháp đối với người Việt Nam yêu nước.
* Trả lời câu hỏi giữa bài:
Câu hỏi (trang 21 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Mở đầu truyện có gì đặc sắc ?
Trả lời:
Mở đầu truyện không có lời dẫn truyện thay vào đó là lời thoại của nhân vật nằm ở ngay phần mở đầu, tạo sự độc đáo và thu hút người đọc.
Câu hỏi (trang 21 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nhân vật “tôi” bị nhầm với ai ?
Trả lời:
Nhân vật “tôi” bị hiểu nhầm là một đấng hoàng thượng, cụ thể ở đây là vua Khải Định.
Câu hỏi (trang 22 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hình dung những gì diễn ra sau dấu ba chấm của câu “Đúng lúc đó thì…”
Trả lời:
Sau dấu ba chấm, người con trai định nói về một điều bất chợt mới nảy sinh. Đó là sự xuất hiện một vị vua ngay trước mặt họ – một điều thú vị, mới mẻ trong những điều tẻ nhạt gần đây.
Câu hỏi (trang 22 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Những câu chuyện kể ở đây có dụng ý gì ?
Trả lời:
– Dụng ý :
+ So sánh vua Khải Định với những câu chuyện, trò hề khôi hài đưa đến giá trị châm biếm sâu sắc.
+ Những câu chuyện kể nhằm thể hiện thái độ coi thường của người Pháp đối với người Đông Dương.
Câu hỏi (trang 23 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chú ý giọng điệu mỉa mai của tác giả.
Trả lời:
Giọng điệu mỉa mai của tác giả thể hiện qua câu văn: “Những tiếng “Hắn đấy!” hay “Xem hắn kìa!”…thường gặp dọc đường”. Đó cũng chính là cảnh đón tiếp “tốt đẹp” mà người Pháp dành cho người Đông Dương với những lời chỉ trỏ thô lỗ và phán xét.
* Trả lời câu hỏi cuối bài:
Câu 1 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nêu nội dung cơ bản của mỗi phần trong văn bản.
Trả lời:
– Phần 1: “Hắn đấy!…giao kèo thuê đấy”: Cuộc trò chuyện của đôi trai gái trên chuyến tàu xe
– Phần 2: “Tàu đỗ,…đi theo tôi”: Thái độ, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về Khải Định, về chế độ cai trị của bọn thực dân.
– Phần 3: “Cô em thân mến….một vị hoàng đế”: Thái độ châm biếm của nhân vật tôi đối với người dân và chính phủ Pháp trước sự đón tiếp của họ dành cho người Đông Dương.
Câu 2 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Truyện viết về sự việc gì? Có những nhân vật nào xuất hiện trực tiếp và nhân vật nào được nói tới trong câu chuyện? Tình huống của truyện “Vi hành” độc đáo như thế nào?
Trả lời:
– Truyện viết về sự việc một đôi nam nữ trẻ vô tình gặp một người An Nam và nhầm tưởng đó là một vị vua đang đi vi hành. Họ bàn luận, nhận xét về Khải Định và coi hắn như một tên hề, một trò giải trí.
– Nhân vật xuất hiện trực tiếp là đôi nam nữ trẻ, nhân vật được nói tới trong câu chuyện là vị vua An Nam – vua Khải Định và thực dân Pháp.
– Tình huống của truyện “Vi hành” độc đáo ở chỗ tác giả đặt nhân vật “tôi” – người kể chuyện” vào một điểm nhìn khách quan, một người bỗng nhiên được tai nghe mắt thấy sự đánh giá của công chúng Pháp đối với một ông vua An Nam.
Câu 3 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Phân tích hình ảnh của “đấng hoàng thượng” trong mắt của đôi trai gái người Pháp.
Trả lời:
– Ngoại hình:
+ Mũi tẹt, đôi mắt xếch, cái mặt bủng như vỏ chanh
+ Trang phục lố lăng như khoe của “các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn”; “người hắn đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm”
– Hành vi: nhút nhát, lúng ta lúng túng
→ Một vị vua bù nhìn, vô dụng, thích thể hiện mình. Bởi vậy trong mắt người Pháp, là một ông vua nhưng không khác thằng hề, trở thành con rối mua vui cho thực dân Pháp, sang Pháp để làm tay sai.
Câu 4 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nhận xét về nội dung, ý nghĩa của đoạn văn từ “Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ” đến “sự kiêu hãnh có được một vị hoàng đế”.
Trả lời:
Đoạn văn mang đầy ý nghĩa châm biếm đối với chính phủ Pháp, họ luôn đón tiếp người An Nam như những bậc vua chúa cần có người tùy tùng tận tụy. Thật ra thì đấy là bọn mật thám được phái đi theo dõi những người Việt Nam yêu nước. Tuy nhiên điều đó lại rất hợp lô gích với sự nhầm lẫn bi hài. Qua đó làm nổi bật lên tiếng cười châm biếm, đả kích của nhà văn đối với bọn thực dân.
Câu 5 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Phân tích sức mạnh đả kích của thiên truyện. Màu sắc châm biếm, đả kích chủ yếu được tạo nên bởi những yếu tố nào?
Trả lời:
– Sức mạnh đả kích của thiên truyện:
+ Khắc họa chân dung vị vua bù nhìn thông qua góc nhìn giễu cợt của người Pháp.
+ Vạch trần bản chất giả dối, thủ đoạn của bọn thực dân và những tội ác của chúng – đầu độc người dân thuộc địa bằng rượu và thuốc phiện.
– Những yếu tố thể hiện màu sắc châm biếm, đả kích:
+ Tình huống truyện: Người dân và chính phủ Pháp nhầm lẫn tất cả những ai da vàng là vua Khải Định. Bởi thế mà không cần có sự xuất hiện ông, nhưng chân dung nhân vật vẫn hiện lên rất rõ.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật vua Khải Định hiện lên qua những lời bàn luận của người dân Pháp là một tên hề cùng dáng vẻ khoa trương và nhút nhát, mang phong thái tầm thường, hèn mọn.
+ Từ ngữ: Mang sắc thái châm biếm “công tử bé”, các từ ngữ “phải chăng”, “hay là” như sự soi xét để phơi bày cái xấu của vua Khải Định.
+ Câu chuyện về vua Thuấn, vua Pie càng khiến Khải Định trở nên tầm thường và nhỏ bé.
Câu 6 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Theo em, việc tác giả chọn hình thức viết thư cho cô em họ có ý nghĩa gì đối với nghệ thuật trần thuật của truyện?
Trả lời:
Ý nghĩa:
– Tác giả có thể trần thuật bằng lối văn phóng túng, không bị ràng buộc bởi bất kỳ một quy định nào về văn phạm của thể loại thư viết cho người thân.
– Tạo nên chất đa giọng cho tác phẩm. Nhà văn có thể dễ dàng đổi từ giọng điệu trần thuật sang giọng châm biếm hay trữ tình thân thiết.
– Không cần tuân thủ trật tự thời gian tuyến tính, Người có thể dùng câu chuyện ở quá khứ, liên hệ chuyện vi hành của các bậc vua chúa tiến bộ càng làm bộc lộ rõ sự vô dụng, lén lút của vua Khải Định, chất châm biếm lại càng sâu cay.
Câu 7 (trang 24 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nêu ý tưởng vẽ minh hoạ cho một nội dung trong truyện “Vi hành”.
Trả lời:
– Vẽ nội dung phần 3, chính phủ Pháp luôn đón tiếp người An Nam như những vị khách quý cần chú trọng.
– Ý tưởng:
+ Biểu tượng nước Pháp: Tháp Eiffel
+ Các nhân vật xuất hiện: Nhân vật tôi; người dân Pháp và các mật thám đang lẩn trốn trong đám đông để theo dõi người An Nam.
+ Không gian: Con đường sầm uất, phố đi bộ
– Ý nghĩa: Thể hiện bản chất của thực dân Pháp, luôn giám sát, theo dõi từng hành động của người dân, đặc biệt là người Việt Nam, vi phạm vào quyền cơ bản của con người. Đồng thời, thể hiện chất châm biếm sâu cay của tác giả trước sự tiếp đón “nhiệt tình” của những “người tùy tùng tận tụy” này.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Nhật kí trong tù: Ngắm trăng, Lai Tân
Thực hành đọc hiểu: Vi hành
Thực hành tiếng Việt trang 25
Viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ
Nghe thuyết trình một vấn đề xã hội
Tự đánh giá: Cảnh rừng Việt Bắc