Soạn bài Tri thức Ngữ văn lớp 12 trang 83 Tập 2
1. Bố cục và mạch lạc của văn bản
– Bố cục là sự sắp xếp, bố trí các yếu tố, các phần trong một văn bản theo một trật tự nhất định (thời gian, không gian, sự phát triển của sự việc hay mạch suy luận) cho phù hợp với sự triển khai chủ đề và sự tiếp nhận của người đọc.
– Mạch lạc là trật tự hợp lí và rành mạch giữa các câu, các đoạn, các phần trong văn bản. Một văn bản có tính mạch lạc là văn bản có các phần, các đoạn, các câu đều nói về một đề tài, thể hiện một chủ đề chung xuyên suốt và được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng, hợp lí, trước sau hô ứng nhau nhằm làm cho chủ đề liền mạch và gợi ra được nhiều hứng thú cho người đọc hoặc người nghe.
2. Sự phù hợp giữa nội dung và nhan đề của văn bản
– Nhan đề là tên của văn bản, thường do tác giả đặt.
– Nhan đề văn bản thông tin thường phản ánh nội dung chính của văn bản; vì thế giữa nhan đề và nội dung của văn bản phải có sự phù hợp với nhau.
3. Cách chọn lọc, sắp xếp các thông tin trong văn bản
– Người viết phải lựa chọn những thông tin chính xác, tiêu biểu, phù hợp với mục đích viết giữa các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
– Phải sắp xếp các thông tin đó theo một trật tự nhất định để vừa tạo nên tính mạch lạc, vừa tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các thông tin đó nhằm thể hiện mục đích của người viết và tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc tiếp nhận những thông tin ấy.
4. Tính mới mẻ, cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu, thông tin
– Các số liệu, tư liệu, hình ảnh, âm thanh,… được đưa vào văn bản thông tin cần mới mẻ hoặc có sự khác biệt với những thông tin cùng loại đã nêu trước đó; được thay đổi hoặc bổ sung, điều chỉnh cho kịp thời, phù hợp với thực tế; phải chính xác, rõ ràng và có thể kiểm tra được.
5. Dữ liệu sơ cấp và thứ cấp
– Dữ liệu sơ cấp (primary data) là loại dữ liệu được người viết thu thập từ các nguồn đầu tiên, nguyên gốc, nguyên bản bằng cách sử dụng các phương pháp như khảo sát, phỏng vấn hoặc thí nghiệm,…
– Dữ liệu thứ cấp (secondary data) là loại dữ liệu được người viết sử dụng lại của người khác và của chính mình.
6. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
– Phương tiện phi ngôn ngữ: ánh mắt, nụ cười, nét mặt, cử chỉ,… khi trò chuyện; kí hiệu, công thức, biển báo, đồ thị, hình vẽ, tranh, ảnh, màu sắc, âm thanh,…
– Bên cạnh những cử chỉ, kí hiệu có cách hiểu chung cho mọi người, mỗi cộng đồng, dân tộc có thể có những quy ước riêng.
– Để sử dụng hiệu quả và tiếp nhận đầy đủ thông điệp từ các phương tiện phi ngôn ngữ, người tham gia giao tiếp không chỉ phải học các kí hiệu, công thức, biển báo, đồ thị,… mà còn phải học cách ứng xử phù hợp với phong tục, tập quán của cộng đồng.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Hướng dẫn tự học trang 82
Tri thức Ngữ văn trang 83
Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của trí thức khoa học – công nghệ
Phụ nữ và việc bảo vệ môi trường
Thực hành đọc hiểu: Tin học có phải là khoa học?
Thực hành tiếng Việt trang 101