TRƯỜNG THPT
NGUYỄN VĂN LINH
|
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2021-2022
Thời gian làm bài: 120 phút
|
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:
Áp lực mới tạo nên kim cương.
Lò xo phải bị nén thì mới có sức bật.
Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng.
Hãy yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây, bình tĩnh gấp thuyền giấy thả xuống dòng nước lũ. Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước. Đường đời chẳng mấy khi bằng phẳng. Nhưng không ai sướng mãi và cũng chẳng ai khổ hoài…Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng. Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình. Đó là lối sống mạnh mẽ nhất.
Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh, vậy thì đừng né tránh áp lực. Đừng sợ hãi độ cao. Cũng đừng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực luôn ẩn nấp sau lồng ngực. Hãy thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn, đơn giản chỉ cần tìm cách thay đổi. Thay đổi bằng cách nào tạm thời chưa cần rạch ròi, nhưng trước hết bắt buộc phải có một ý thức không ngại va chạm, sẵn sàng hi sinh để thay đổi.
(Trích Mình phải sống như biển rộng sông dài)
Câu 1. Theo tác giả, thế nào là lối sống mạnh mẽ nhất?
Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ có trong những câu văn sau: “Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục”.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến “Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng”?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với nhận định “Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm”?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách vượt qua áp lực trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa đồng Châu Hoá đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đoạn trích.
—————-HẾT—————
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Theo tác giả, lối sống mạnh mẽ nhất là:
– Yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây.
– Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước.
– Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng.
– Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình.
Câu 2. Các biện pháp tu từ có trong những câu văn sau: “Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục”:
– Phép điệp:
+ Điệp từ “gặp”.
+ Điệp cấu trúc: ba câu văn “Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục” lặp, láy lại về cấu trúc cú pháp.
– Biện pháp ẩn dụ: hòn sỏi, tảng đá lớn, ngọn núi cao chỉ những khó khăn, trở ngại.
Câu 3. Ý kiến “Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng” đã khẳng định ý nghĩa của sự kiên cường hết mình trước những sức ép của cuộc sống. Kiên cường sẽ tạo nên động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để giúp mỗi người vượt qua được áp lực, phát huy tận độ năng lực của bản thân, nắm bắt được cơ hội…Từ đó sẽ đạt được thành tựu lớn.
Câu 4. Thí sinh phải nêu được quan điểm cá nhân đồng tình hay không đồng tình, và có sự lí giải hợp lí. Sau đây là một số gợi ý.
– Đồng tình:
Nhận định “Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm” là đúng đắn. Bởi cuộc sống là của riêng mỗi người, do bản thân tự làm chủ, tự định đoạt và chịu trách nhiệm. Sống và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến cuộc đời, sự sống riêng như thế nào là do mình lựa chọn, quyết định, không ai có thể sống hộ, làm thay. Vì vậy, nếu cảm thấy cuộc sống của mình không ổn thì phải tự đối diện và tự tìm cách giải quyết.
– Không đồng tình:
Nhận định “Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm” chưa hoàn toàn xác đáng. Bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cuộc sống của mỗi cá nhân luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng, quá trình sống của con người luôn có sự tác động, ảnh hưởng từ gia đình, xã hội. Vì vậy, khi cuộc sống mỗi người không ổn, chưa tốt thì không phải chỉ có cá nhân mới là người duy nhất phải đối diện và tự giải quyết. Mà bên cạnh đó, gia đình, tập thể, xã hội cũng có một phần trách nhiệm, cần phải chung tay tương trợ, giúp đỡ, sát cánh với cá nhân.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cách vượt qua áp lực trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ cách vượt qua áp lực trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
– Giải thích: áp lực trong cuộc sống là những sức ép từ xã hội, từ đời sống tác động, đè nặng lên mỗi người. Đó có thể là khó khăn thử thách gặp phải, công việc nặng nề phải đảm nhận, trách nhiệm lớn lao phải gánh vác… Nó thường tạo ra tâm lí căng thẳng, nặng nề, lo lắng. Tuy nhiên, áp lực cũng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình trưởng thành của bản thân mỗi người, cũng như đối với thành công.
– Cách vượt qua áp lực trong cuộc sống:
+ Hãy đón nhận áp lực bằng tâm thế sẵn sàng, chủ động. Áp lực là một phần tất yếu của cuộc sống mà không ai tránh khỏi nhất là trong xã hội hôm nay. Vì vậy, thay bằng sợ hãi, căng thẳng, mỗi người cần bình tĩnh, vui vẻ đón nhận. Từ đó sẽ có trạng thái tâm lí tích cực để vượt qua áp lực.
+ Kiên cường, hiên ngang đối diện; nỗ lực phát huy cao độ các năng lực của bản thân; trau dồi kĩ năng, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ người khác và các khóa học để có cách xử lí, giải quyết những áp lực của cuộc sống. Đó là con đường dẫn ta vượt qua áp lực và đi tới thành công.
+ Tạo lập một kế hoạch học tập và làm việc bài bản, khoa học, kỉ luật. Hãy cân đối giữa thời gian dành cho công việc và thời gian thư giãn để có thêm tinh thần sảng khoái và hứng thú làm việc.
+ Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng có thể vượt qua được áp lực. Nếu cảm thấy những áp lực đó là quá sức, vượt khỏi tầm kiểm soát và khả năng của bản thân thì hãy học cách chia sẻ với người thân, bạn bè để có sự giúp đỡ, tương trợ, có được giải pháp tích cực để thoát khỏi bế tắc; đừng cố chịu đựng, quá dồn nén cảm xúc, mà hãy hoặc hãy học cách buông bỏ bớt gánh nặng cho lòng nhẹ nhàng, thanh thản; hãy học cách giải phóng cảm xúc tiêu cực của mình để tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực.
+ Gia đình, xã hội cần thấu hiểu, gần gũi hơn, có sự kết nối sâu sắc và chăm lo tốt hơn đến đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Đó cũng là cách giúp mỗi người dám đối diện và vượt lên áp lực.
– Bài học nhận thức hành động.
(Học sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp với bản thân)
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích. Từ đó, đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích. Đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
– Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn chuyên về thể loại bút kí. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí…Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
– Sông Hương là hình tượng nghệ thuật chính của bài kí với vẻ đẹp được miêu tả trên nhiều phương diện, góc nhìn trong hành trình từ thượng nguồn về đến cánh đồng Châu Hóa và chảy vào lòng thành phố Huế.
– Đoạn trích là sự khám phá, phát hiện độc đáo của Hoàng Phủ Ngọc Tường về vẻ đẹp của sông Hương ở cánh đồng Châu Hóa.
* Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong đoạn trích
– Ở góc độ cảnh quan thiên nhiên, trên thủy trình địa lí: sông Hương ở cánh đồng Châu Hóa hiện lên với vẻ đẹp phong phú, biến ảo:
+ Nên thơ, gợi cảm, mĩ lệ, tràn đầy sức sống. Dòng sông được hình dung như người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại.
+ Dòng sông vừa tuôn chảy dạt dào, mãnh liệt khi vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn; vừa mềm mại, uyển chuyển, gợi cảm khi vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, chuyển theo hướng nam bắc, sang tây bắc,vẽ hình cung thật tròn về phía đông bắc và có lúc nó mềm như tấm lụa.
+ Sông Hương ôm ấp, giao hòa với cảnh sắc thiên nhiên xung quanh, nó lấy vẻ đẹp của đôi bờ, từ đó tạo nên bức tranh thiên nhiên nên thơ, hữu tình. Dòng sông trôi qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ; nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo…Tất cả hòa quyện vào nhau khắc tạc nên vẻ đẹp thơ mộng cho xứ Huế.
+ Sắc nước gợi cảm, biến ảo: xanh thẳm khi vượt qua lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản; là miếng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, sáng xanh, trưa vàng, chiều tím.
– Sông Hương với vẻ đẹp của câu chuyện tình yêu: thủy trình của Hương giang được cảm nhận như một mối tình ngọt ngào, mê đắm, nhuốm màu sắc cổ tích.
+ Trong đó, sông Hương là người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, còn thành phố Huế là người tình mong đợi. Khi được người tình mong đợi đến đánh thức, bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, nghe tiếng gọi của tình yêu, sông Hương chuyển dòng liên tục, nỗ lực vượt qua chặng đường gian truân để tìm về với tình nhân của nó. Mỗi địa danh, hướng chảy được xem là khó khăn, thử thách mà người con gái ấy phải trải qua. Đó là cuộc tìm kiếm có ý thức và đầy khát khao để đi tới nơi gặp thành phố tương lai. Ở đây, sông Hương không chỉ được nhìn như một dòng chảy tự nhiên mà còn được hình dung như một con người với vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, đầy nữ tính, tràn đầy khát khao tuổi thanh xuân và có phẩm chất đáng quý trong tình yêu.
+ Trên hành trình đến với tình yêu, sông Hương hay người con gái đẹp đang phô khoe, bộc lộ hết vẻ gợi cảm, quyến rũ, sắc vóc thanh xuân của mình qua những đường cong thật mềm, qua sắc màu đầy biến ảo.
– Sông Hương với vẻ đẹp văn hóa: dòng sông chảy qua điện Hòn Chén, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, trôi đi giữa những rừng thông u tịch và lăng tẩm đồ sộ với giấc ngủ nghìn năm của vua chúa …đã góp phần kiến tạo nên vẻ đẹp văn hóa đặc sắc cho cố đô Huế.
-> Vẻ đẹp của sông Hương cũng chính là vẻ đẹp của mảnh đất Huế. Qua đó, ta thấy được tình yêu tha thiết và niềm tự hào cao độ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với quê hương, đất nước.
* Đánh giá nét đặc sắc về nghệ thuật viết kí của tác giả ở đoạn trích:
– Phong cách viết kí đậm chất trí tuệ và trữ trữ tình.
– Kiến thức uyên bác trên các mặt lịch sử, địa lí, văn hóa.
– Trí tưởng tượng phong phú, bay bổng; có những liên tưởng, phát hiện độc đáo, thú vị về vẻ đẹp của sông Hương.
– Câu văn uyển chuyển, giàu nhạc tính. Ngôn ngữ tinh tế, gợi cảm, giàu chất thơ. Lối hành văn hướng nội, lịch lãm, mê đắm.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa, nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”
(Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của văn bản trên.
Câu 3 (0,75đ): Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Theo quan điểm riêng của anh/chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về ký ức tuổi thơ đối với mỗi người.
Câu 2 (5đ): Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.
Câu 2 (0,75đ): Văn bản cho ta thấy giá trị đích thực của hạnh phúc, hạnh phúc không dựa vào những thứ mong manh dễ vỡ mà dựa vào những yếu tố bền chặt bên trong.
Câu 3 (0,75đ): Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: so sánh.
Tác giả so sánh cuộc sống riêng giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Biện pháp nghệ thuật này giúp bạn đọc dễ dàng hình dung ra vấn đề tác giả muốn nói tới và làm cho câu văn sinh động hơn, giàu hình ảnh hơn.
Câu 4 (1đ): Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra nhiều tác hại: nó làm cho con người tự giới hạn, tự thu hẹp mình vào không gian nhất định, không hòa nhập với thế giới bên ngoài, không khám phá được những điều thú vị, mới mẻ của cuộc sống…
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2đ): Dàn ý Nghị luận xã hội về ký ức tuổi thơ đối với mỗi người
1. Mở bài
– Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: kí ức tuổi thơ đối với mỗi người.
2. Thân bài
a. Giải thích
– Kí ức tuổi thơ: những kỉ niệm thời thơ ấu khi chúng ta còn bé, vô lo vô nghĩ, hồn nhiên vui chơi tinh nghịch.
– Mỗi người ai cũng có cho mình những kí ức tuổi thơ, dù vui dù buồn nhưng nó là một phần đáng nhớ theo ta đến suốt cuộc đời và hình thành nên con người của ta.
b. Phân tích
– Ai cũng có những kỉ niệm riêng, mang lại cho chúng ta những bài học đầu đời, những dấu ấn khó phai, nó đi theo ta cả đoạn đường đời, dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá.
– Kí ức tuổi thơ của chúng ta gắn với mái nhà, với gia đình, với bạn bè, với đường làng ngõ xóm, nơi chúng ta sinh ra, góp phần nuôi nấng tâm hồn ta ngay từ thuở ban đầu.
– Kí ức là những gì đã qua không thể lấy lại được, nhất là tuổi thơ – cái tuổi hồn nhiên vô lo vô nghĩ nhất của mỗi người. Chúng ta hãy sống và trân trọng những kí ức đó dù vui hay buồn bằng tình cảm chân thành nhất.
c. Phản đề
d. Liên hệ bản thân
3. Kết bài
– Khái quát lại vấn đề nghị luận: ký ức tuổi thơ đối với mỗi người.
Câu 2 (5đ): –
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
2. Thân bài
a. Cái nhìn của nhà văn
– Những chàng trai cô gái Mèo của ông là những người đẹp người đẹp nết, dũng cảm, yêu đời, yêu lao động, khỏe mạnh: “Mị thổi sáo giỏi”, “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”, còn A Phủ là chàng trai được nhiều người con gái ao ước: “A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa…”, “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”.
– Ở họ có những phẩm chất tốt đẹp: Mị thà phải lao động vất vả hơn làm con dâu nhà giàu, A Phủ dám đánh lại con nhà giàu để bênh vực cho lẽ phải, không hề khóc lóc van xin khi bị cha con thống lí đánh đập tàn nhẫn.
– Bên ngoài cái xác không hồn khô cứng của Mị, Tô Hoài nhận thấy tiền tàng một sự phản kháng, một sức mạnh kì diệu, một ngọn lửa tự do vẫn còn âm ỉ.
→ Tô Hoài bộc lộ thái độ căm ghét đối với chế độ thực dân phong kiến qua hình ảnh cha con ông thống lí Pá Tra. Lên án cái xấu để bảo vệ cái đẹp cũng là nhân đạo.
b. Xét về hình thức
3. Kết bài
– Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của và khái quát lại ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong tác phẩm.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Nhiều người An Nam thích bặp bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pê-ri-ê (Perrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hóa hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hóa châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là học đã được đào tạo theo kiểu Tây phương”.
(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2 (0,75đ): Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề.
Câu 3 (0,75đ): Qua đoạn văn trên tác giả đã phê phán hiện tượng gì?
Câu 4 (1đ): Hãy chỉ ra giá trị thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2đ): Nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.
Câu 2 (5đ): Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1 (0,5đ):
Phong cách ngôn ngữ: chính luận.
Câu 2 (0,75đ):
Câu văn nêu khái quát chủ đề: “Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn diễn tả ý tưởng mạch lạc bằng tiếng nước mình.”
Câu 3 (0,75đ):
Tác giả phê phán hiện tượng học đòi tiếng Tây của một bộ phận con người ở Việt Nam (trong những năm đầu của thế kỉ XX – 1925)
Câu 4 (1đ):
– Tính thời sự của vấn đề trong giai đoạn hiện nay:
Biết tiếng nước ngoài, học tiếng nước ngoài là một yêu cầu trong quá trình hội nhập nhưng không cùng nghĩa với việc lạm dụng những thứ tiếng đó vào cuộc sống → phải trau dồi tiếng mẹ đẻ.
Phải bảo vệ và phát huy vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ.
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2đ): Dàn ý Nghị luận xã hội về hiện tượng vô cảm
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.
2. Thân bài
a. Giải thích
Bắc Cực: nơi lạnh lẽo nhất trên Trái Đất, quanh năm chỉ có băng tuyết bao phủ.
→ Khi không có tình yêu thương, cuộc sống của con người sẽ trở nên lạnh lẽo hơn cả Bắc Cực. Ý kiến khuyên nhủ chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, vì như thế chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.
b. Phân tích
c. Chứng minh
d. Phản đề
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Câu 2 (5đ): Dàn ý Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và dẫn dắt vào nhân vật Mị.
2. Thân bài
a. Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra
Cô gái xinh đẹp và tài hoa và có một tình yêu trong sáng.
Cô gái chăm chỉ, cần cù, hiếu hạnh, khát khao được sống tự do, không tham cuộc sống sang giàu, rất ý thức về nhân cách của mình.
b. Khi Mị về làm dâu gạt nợ nhà thống lí
Mị lâm vào một tình cảnh éo le, bất hạnh, bị tròng bởi dây trói “con nợ bắt buộc” và “con dâu bị ép buộc”.
Tâm trạng Mị trong những ngày đầu làm dâu: Buồn tủi, đau khổ, rất đơn độc và thấm thía nỗi đau của một người con gái bị cướp đoạt.
Tâm trạng Mị những ngày sau: Mị sống lầm lũi, âm thầm, trở thành người nô lệ cam chịu, nhẫn nhục đến mức tê liệt cả ý thức, buông xuôi, phó mặc cho hoàn cảnh.
→ Mị bị đày đọa nặng nề về thể xác và tâm hồn, sống trong nỗi khổ đau, cực nhục triền miên, tâm hồn và sức sống của Mị như đã chết, Mị trở thành một cái máy chỉ lặp đi lặp lại những việc làm không vui cũng chẳng buồn.
c. Tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân
d. Tâm trạng của Mị khi giải thoát cho A Phủ
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản:
HOA VÀ ĐẤT
(1) Khi con ra đời
Cha gọi con là nụ hoa
Cha gọi con là ngọn gió
Cha gọi con là mặt trời
Cha gọi con bằng tất cả
Những từ ngữ đẹp nhất trên đời.
…
(2) Khi ấy
phía sau vầng trán của con là bóng mẹ
rất âm thầm
Mẹ không làm thơ không viết văn
nên chỉ gọi con bằng con của mẹ.
Đôi mắt mẹ thâm quầng thiếu ngủ
bao nhiêu đêm con khó nhọc trong người
mẹ gầy đi, mẹ nhỏ nhoi
đi đứng, ra vào như chiếc bóng
để dành cho cha niềm hạnh phúc
cho cha chạy nhảy trong nhà
cho cha đích thực được làm cha
mẹ tiêu hao quá nhiều sinh lực
cha chỉ thức vài hôm
Mẹ có mấy khi được ngủ
nằm xuống, ngồi lên đêm hóa thành ngày
dòng sữa dành cho con
Mẹ nổi gân tay
Đã có bài thơ nào cho mẹ của con đây
Cha không nhớ ra một điều đơn giản nhất
nụ hoa nào có thể ra đời
thiếu sự cưu mang của đất.
(Hoa và đất, Đỗ Trung Quân)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Hãy chỉ ra những dòng thơ nào trong đoạn (2) nhắc đến mối quan hệ không thể thiếu giữa “hoa” và “đất”?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp ngữ, điệp cấu trúc trong đoạn (1)?
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa đức hi sinh của người mẹ.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong phút chốc, ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà lúng túng đầy sợ sệt, nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể:
– Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.
Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
– Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối… cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.
– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.
– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…
– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.
– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…
– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?
– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?
Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.
– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.
– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…
(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12)
Anh/Chị hãy phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên; từ đó, rút ra nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nguyễn Minh Châu được thể hiện trong đoạn trích.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Văn bản trên thuộc PCNN nghệ thuật
Câu 2. Những dòng thơ:
nụ hoa nào có thể ra đời
thiếu sự cưu mang của đất.
Câu 3. – Chỉ ra biện pháp tu từ:
+ Điệp ngữ: lặp lại cụm từ “Cha gọi con là”
+ Điệp cấu trúc: lặp cấu trúc câu “Cha gọi con là…”
– Tác dụng:
Câu 4. Học sinh rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân.
Có thể theo gợi ý sau: Tình yêu gia đình; cách yêu thương của cha, mẹ; đức hi sinh của mẹ; chữ hiếu…
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân
– hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Ý nghĩa đức hi sinh của người mẹ
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ đức hi sinh của người mẹ. Có thể theo hướng sau:
– Bàn bạc, mở rộng: Sự hi sinh vô điều kiện đó có thể làm cho con cái ỉ lại, hư hỏng, sống ích kỉ, vô ơn…
– Bài học liên hệ: Con cái cần có thái độ biết ơn, tôn trọng mẹ, nỗ lực phấn đấu thành công trong cuộc sống để mẹ an tâm, tự hào…
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích “Trong phút chốc… ăn no.” Từ đó, rút ra nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Minh Châu được thể hiện trong đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những đặc điểm nổi bật về cuộc đời, tính cách, tâm hồn nhân vật người đàn bà hàng chài và tư tưởng nhân đạo của tác giả thể hiện trong đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả.
* Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích “Trong phút chốc… ăn no.” Từ đó, rút ra nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Minh Châu được thể hiện trong đoạn trích.
– Không có tên cụ thể
– Tuổi trạc 40.
– Dáng vóc thô kệch, mặt rỗ, sắc thái mỏi mệt. Ngoại hình của người đàn bà đã vẽ nên diện mạo lam lũ, nhọc nhằn…
– Thái độ cam chịu những trận đòn của người chồng.
Qua thái độ, cách xưng hô, lời kể (cũng là lời giải thích lí do xin không bỏ chồng) của người đàn bà, ta thấy:
– Cuộc đời lấm láp nỗi khổ: từ nạn bạo hành, từ nghề mưu sinh vất vả, từ hoàn cảnh gia đình đông con…
– Vẻ đẹp tỏa sáng từ tính cách, tâm hồn:
+ Lòng bao dung, nhân ái, vị tha: chị nhận tất cả lỗi về mình, nhận hết trách nhiệm về mình.
+ Sự thấu hiểu lẽ đời: Chị hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động vũ phu của chồng. Chị không coi chồng là thủ phạm gây ra nỗi khổ đời mình…
+ Đức hi sinh, lòng thương con vô bờ bến: Chị quan niệm lấy chồng thì phải theo chồng rồi phải nuôi con khôn lớn. Chị chấp nhận tất cả vì con. Chị không muốn con bị tổn thương về tâm hồn. Tình thương con của chị không chỉ gắn liền với cảm xúc, tình cảm mà còn là lí trí, trách nhiệm của một người mẹ.
+ Niềm khát khao hạnh phúc bình dị đời thường.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“Thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu thế giới bên trong con người bạn, nó tạo nên một triết lí vô cùng giá trị: bạn sẽ trở thành những gì mà bạn thường nghĩ đến nhất.
Khi được hỏi về những điều mà mình thường nghĩ đến, những người thành đạt cho biết họ thường nghĩ đến điều mà họ muốn và làm sao để đạt được điều đó. Trong khi đó, những người thất bại lại thường nghĩ và nói về những điều mà họ không muốn gặp phải. Họ bận rộn với những phiền muộn của mình hoặc về những khiếm khuyết của người khác.
Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong một màn sương mù dày đặc. Dù cho xe của bạn có tiện ích, có hiện đại đến đâu chăng nữa thì bạn vẫn phải lái đi chậm chạp, dè chừng ngay cả trên những con đường bằng phẳng nhất. Một mục tiêu rõ ràng cho phép bạn tăng tốc, tiến nhanh về phía trước để đạt được những điều mình thực sự mong muốn”.
(Trích “Chinh phục mục tiêu” – Brian Tracy, Nguyễn Trung An, MBA dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Theo tác giả, đâu là sự khác biệt giữa người thành đạt và kẻ thất bại ?
Câu 2. Căn cứ vào đoạn trích, hãy cho biết ý nghĩa của việc xác định được mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống ?
Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về phép so sánh: “Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong một màn sương mù dày đặc” ?
Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “bạn sẽ trở thành những gì mà bạn thường nghĩ đến nhất” không ? Vì sao ?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về mối quan hệ giữa việc xác định mục tiêu và sự thành công.
Câu 2 (5,0 điểm)
Suy nghĩ của anh / chị về quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng qua hai đoạn trích sau:
1. “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”
2. “Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”.
(Trích “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu)
—————-HẾT—————
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Sự khác biệt giữa người thành đạt và kẻ thất bại là: những người thành đạt cho biết họ thường nghĩ đến điều mà họ muốn và làm sao để đạt được điều đó. Trong khi đó, những người thất bại lại thường nghĩ và nói về những điều mà họ không muốn gặp phải. Họ bận rộn với những phiền muộn của mình hoặc về những khiếm khuyết của người khác.
Câu 2. Ý nghĩa của việc xác định mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống: Một mục tiêu rõ ràng cho phép bạn tăng tốc, tiến nhanh về phía trước để đạt được những điều mình thực sự mong muốn”.
Câu 3. Phép so sánh: “Sống không mục tiêu cũng giống như lái xe trong một màn sương mù dày đặc” có thể hiểu là:
– Lái xe trong màn sương mù dày đặc thì mình sẽ không thể định được hướng đi, không lường được trước những nguy hiểm để mà né tránh
– Vậy thì, sống không mục tiêu cũng vậy: khi không có mục tiêu, chúng ta sẽ không xác định được cuộc đời mình sẽ đi về đâu, mình sẽ phải làm gì và trở thành người như thế nào trong tương lai. Chúng ta cũng không có được tâm thế chủ động, can đảm khi gặp khó khăn. Do vậy, dễ nản chí, thất bại.
Câu 4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm.
Tham khảo:
– Đồng tình
– Lý giải:
+ Mọi quyết định của con người đều thoát thai từ ý nghĩ
+ Do vậy, khi ta suy nghĩ nhiều đến điều gì, chúng ta sẽ luôn chú tâm đến nó, hành động theo lực hút của nó. Và tất cả những hành động đó sẽ kiến tạo nên con người của chúng ta.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
– Có thể nói xác định mục tiêu là điều kiện tiên quyết, sống còn đối với sự thành công của mỗi con người, còn các yếu tố khác chỉ tiếp thêm năng lượng cho cuộc hành trình đó mà thôi.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (5,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
1. Nêu vài nét khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”
2. Quá trình trưởng thành trong nhận thức của nghệ sĩ Phùng:
a. Đoạn 1:
– Nghệ sĩ Phùng phát hiện ra một “cảnh đắt” (đoạn này các bạn đi vào phân tích vẻ đẹp của bức tranh nhé – cái này hầu như tài liệu nào cũng có nên không gõ lại nữa)
– Nhận thức:
* Sơ qua đoạn giữa: quá trình nhận thức của Phùng bắt đầu trưởng thành: Từ nhìn (trên bãi biển – nhìn cái đẹp – nhìn cái xấu đằng sau cái đẹp) đến nghe (nghe người đàn bà kể về cuộc đời mình ở tòa án huyện) đến trải nghiệm (lang thang trong cơn bão biển), cuối cùng, đoạn kết chính là những chiêm nghiệm của Phùng, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trong nhận thức.
b. Đoạn 2:
c. Đánh giá: có thể nói, bằng “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã kéo văn học và các văn nghệ sĩ VN từ chín tầng mây về lại mặt đất, bắt văn chương quay trở lại là chính nó. Vì điều này mà Nguyên Ngọc đánh giá Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của văn học sau 75.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Văn Linh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.