TRƯỜNG THPT
TỨ YÊN
|
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
Thời gian làm bài: 120 phút
|
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị sự dễ dàng cám dỗ. Ta muốn vẻ bề ngoài khỏe mạnh và cân đối, nhưng lại không muốn phải luyện tập để đạt được nó. Ta muốn thành công trong sự nghiệp nhưng lại tự nhủ giá như có một cách nào đó để thành công mà không phải làm việc vất vả và tuân theo kỉ luật (mọi nhà điều hành vĩ đại cũng như các công ty lớn đều rất kỉ luật). Ta ước mơ có một cuộc đời tràn đầy niềm vui, không nỗi sợ nhưng lại thường xuyên tránh né các biện pháp hiệu quả nhất (như dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách), những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến lý tưởng của mình. Chẳng có gì miễn phí. Chẳng có buổi tiệc nào thực sự là buổi chiêu đãi. Điều tốt đẹp trong đời luôn đòi hỏi sự hi sinh và tận hiến. Mỗi chúng ta, để đạt tới một con người duy nhất và vượt trội trong nghề nghiệp, đều phải trả giá. Càng trả giá nhiều, càng nhận nhiều…
Cuộc đời vĩ đại không từ trên trời rơi xuống. Mà phải được đẽo gọt và xây dựng, như đền TajMahal, như Vạn Lí Trường Thành, ngày qua ngày, viên gạch này nối tiếp viên gạch khác. Việc kinh doanh thành công đâu phải tự nhiên mà có. Chúng đến từ những nỗ lực và phát triển liên tục không ngừng. Đừng rơi vào ảo tưởng rằng cuộc đời tốt đẹp sẽ đến mà không cần nỗ lực. Hãy nỗ lực hết mình, và điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Chắc chắn thế.
(Trích Đời ngắn, đừng ngủ dài – Robin sharma)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến với lí tưởng của mình là gì?
Câu 3. Việc tác giả nhắc đến đền Taj Mahal và Vạn Lí Trường Thành có tác dụng gì?
Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống.
Câu 2. (5.0 điểm)
… Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói như con rùa nuôi trong xó cửa…
…. Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan từ lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại đang sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên, từ đó, nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Mị.
———–HẾT———–
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả, những điều chắc chắn sẽ đưa ta đến với lí tưởng của mình là: Dậy sớm, chấp nhận rủi ro, lập mục tiêu, đọc sách.
Câu 3. Việc tác giả nhắc đến Taj Mahal và Vạn Lí Trường thành có tác dụng:
– Nhấn mạnh ý: mọi thành công không tự nhiên mà có. Con người phải trải qua quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ mới có được những thành quả như mong muốn.
– Tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận.
Câu 4. Thí sinh có thể trả lời theo suy nghĩ, quan điểm của cá nhân nhưng cần lí giải một cách logic, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
Gợi ý:
– Hãy tận tâm và cống hiến hết mình trong công việc vì cuộc đời không cho không ai điều gì cả, tất cả thành công đều đến từ sự cố gắng, nỗ lực. Chỉ có làm việc bằng hết khả năng và tâm huyết con người mới có thể thực hiện được điều mình muốn, mới nhận được những thành quả xứng đáng.
– Hãy sống có kỉ luật vì cuộc đời không bao giờ là dễ dàng. Con người luôn phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Chỉ có nghiêm khắc với chính mình con người mới trưởng thành, mới rèn luyện được bản lĩnh để thực hiện được điều mình mong muốn.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, tổng – phân – hợp…
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Ý nghĩa của sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn những thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận treo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng:
* Giải thích: Sự nỗ lực là khả năng con người tự mình có ý thức và bản lĩnh, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống để đạt được mục tiêu và mơ ước.
* Bàn luận.
– Sự nỗ lực hết mình trong cuộc sống giúp cho con người luôn chủ động trong công việc, dám xông pha đối mặt với những thử thách của cuộc đời.
– Sự nỗ lực hết mình mang đến cho con người nhiều trải nghiệm đáng quý, giúp con người bồi đắp thêm vốn tri thức, rèn luyện bản lĩnh,… đó là nền tảng để con người hòa nhập với cuộc sống và không ngừng phát triển.
– Sự nỗ lực không ngừng giúp con người có thêm nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, thực hiện ước mơ, khát vọng.
– Nếu không nỗ lực, con người sẽ trở nên yếu đuối trước hoàn cảnh, thỏa hiệp trước nghịch cảnh và sẽ khó có thể thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch của bản thân.
– Người không có tinh thần nỗ lực, luôn lảng tránh công việc khó, chọn việc dễ mà làm, thiếu năng động, sáng tạo, không chịu đổi mới bản thân, sống đố kỵ, ích kỷ …sẽ thất bại trong cuộc sống.
– Phê phán những cá nhân không có sự nỗ lực, cố gắng học tập, lao động mà chơi bời lêu lổng, đua đòi và sa vào những tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
* Bài học nhận thức và hành động:
– Hãy không ngừng nỗ lực vì chỉ khi nỗ lực, bạn mới có thể vượt lên thất bại để thành công.
– Mỗi cá nhân cần nỗ lực trong học tập, công việc mới có thể tạo nên một xã hội phát triển văn minh; đời sống vật chất, tinh thần luôn được cải thiện…
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.
Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích và tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận.
HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ
2. Cảm nhận nhân vật Mị trong đoạn trích
2.1. Cảm nhận nhân vật Mị đoạn 1: Số phận khổ đau của người con dâu gạt nợ
* Vị trí: Phần đầu tác phẩm.
* Hoàn cảnh.
– Vì món nợ hôn nhân truyền kiếp từ đời cha mẹ nên Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà Thống lí Pá Tra.
– Mị đã từng phản kháng nhưng thương cha nên đành chấp nhận cảnh sống nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra.
* Số phận khổ đau.
– Mị bị tê liệt về tinh thần:
+ Ở lâu trong cái khổ Mị không còn sức phản kháng, Mị buông xuôi, bất lực, quen với cái khổ.
+ Mị làm việc theo thói quen với những công việc lặp đi lặp lại, trở thành cái bóng âm thầm, lặng lẽ như như con rùa nuôi trong xó cửa.
– Mị bị bóc lột sức lao động:
+ Mị trở thành công cụ lao động, làm việc làm quần quật cả ngày lẫn đêm, suốt năm, suốt tháng.
+ Mị nhận thấy thân phận mình không bằng con ngựa, con trâu…
– Cường quyền và thần quyền đã bóc lột người con gái Tây Bắc, từ một cô gái xinh đẹp, khao khát tình yêu, hạnh phúc Mị trở thành cái bóng vô hồn vô cảm, sống mà như đã chết, không dĩ vãng, không hiện tại và không cả tương lai…..
2.2. Cảm nhận nhân vật Mị ở đoạn 2: Sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của Mị.
* Vị trí: Phần giữa tác phẩm.
* Hoàn cảnh: Khung cảnh mùa xuân và âm thanh tiếng sáo thiết tha bổi hổi đã tác động tới Mị.
* Sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân ở Mị.
– Hành động: Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát như chứa đựng biết bao nỗi niềm…
– Cảm xúc:
+ Mị quên đi thực tại trước mắt, sống lại những kí ức tươi đẹp của quá khứ với những đêm tình mùa xuân của thời con gái, của tuổi thanh xuân tươi đẹp, hạnh phúc.
+ Mị bỗng thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Những cảm xúc này cho thấy tâm hồn Mị đang dần dần hồi sinh, trái tim bắt đầu biết vui trở lại.
– Nhận thức:
+ Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi: Sự chuyển biến sâu sắc ở Mị, thấy được khát vọng mong muốn chính đáng của Mị. Mị muốn được sống trong không khí của đêm tình mùa xuân của đêm nay, của hiện tại.
+ Nghĩ tới thực tại đau khổ, vô lí, oan ức của mình: Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau.
+ Mị muốn chết: Nếu có nắm lá ngón…nhớ lại nữa. Thể hiện sự phản kháng quyết liệt với hoàn cảnh, muốn chấm dứt ngay cuộc đời nô lệ đầy đau khổ này.
+ Hành động khác thường: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Mị thắp sáng căn phòng như xua đi tất cả cái tăm tối, u ám đang bao vây cuộc đời Mị, thắp sáng những khát khao Mị…
+ Mị đã hành động như một con người tự do, theo tiếng gọi của lòng mình: Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. Mị đã trở thành con người hoàn toàn khác với khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt.
2.3. Nghệ thuật.
– Miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế, tài tình: giọng điệu trần thuật: tha thiết, bồi hồi, có khi dòng suy nghĩ của nhân vật và của nhà văn hòa làm một, tạo xúc động cho người đọc.
– Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn: Cách kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại; giữa kể và tả. Đặc biệt là cách dựng cảnh, tạo không khí rất đặc sắc qua các chi tiết nghệ thuật đặc sắc.
– Cách miêu tả cảnh trí, nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán độc đáo, mang phong vị đặc trưng của vùng Tây Bắc.
– Ngôn ngữ kể chuyện sinh động, chọn lọc với vốn ngôn ngữ phong phú, sáng tạo. Lối văn giàu tính tạo hình, thấm đẫm chất thơ. Đặc biệt, Tô Hoài đã vận dụng sáng tạo cách nói hồn nhiên, giàu hình ảnh của người miền núi.
3. Nhận xét sự thay đổi của nhân vật Mị
– Đoạn 1: Thân phận khổ đau, nô lệ của Mị: Mị bị tê liệt tinh thần, thờ ơ vô cảm, không có sức phản kháng…
– Đoạn 2: Mị đã hoàn toàn thay đổi về cảm xúc, nhận thức, hành động. Từ khổ đau, vô cảm, cam chịu trở thành người có sức sống mãnh liệt. Mị thực sự đã hồi sinh.
– Lí giải nguyên nhân:
+ Do sự tác động của ngoại cảnh: khung cảnh đêm tình mùa xuân, âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình …
+ Do sâu thẳm tâm hồn Mị vẫn tiềm ẩn khát vọng sống …
4. Đánh giá chung
– Qua sự thay đổi của nhân vật Mị trong trích đoạn, nhà văn đã thể hiện sâu sắc cái nhìn hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ: khẳng định, ngợi ca sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt ở một người phụ nữ bị đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần; sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của nhân vật; bộc lộ niềm tin mãnh liệt vào khát vọng sống cùng khả năng hồi sinh tâm hồn của người dân lao động miền núi.
– Bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình, Tô Hoài đã để lại trong lòng độc giả vẻ đẹp về tâm hồn, tính cách của những người dân vùng cao Tây Bắc.
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
“Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non
Mấy trăm đời lấn luôn ra biển;
Phù sa vạn dặm tới đây tuôn,
Đứng lại; và chân người bước đến.
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau.
Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.
Trùng điệp một màu xanh lá đước.
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước!
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau.
(Mũi Cà Mau – Xuân Diệu, 10-1960)
Câu 1. Xác đinh phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Các từ: trăm, vạn, ngàn, nghìn là từ loại gì? Chúng góp phần tăng hiệu quả diễn đạt nội dung của văn bản trên như thế nào?
Câu 3. Xác định các dạng của phép điệp trong văn bản trên và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng.
Câu 4. Văn bản trên gợi cho anh/ chị cảm xúc gì đối với quê hương, Tổ quốc? (nêu cảm nhận ngắn gọn trong 4 – 6 dòng)
II . LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
…Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.
Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió. Cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới. Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà – từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải. Thế rồi thu ảnh. Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, cái máy lia ngược contre-plongée lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thuỷ tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào cả máy cả người quay phim cả người đang xem. Cái phim ảnh thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy, truyền cảm lại cho người xem phim kí sự thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn.
…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.
Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xoá càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tuỳ theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng với đánh khuỷu quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thuỷ thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hớp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào…
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng dòng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Tuân.
————-HẾT————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Phương thức miêu tả
Câu 2. Các từ: trăm, vạn, ngàn, nghìn là số từ. Góp phần tăng hiệu quả diễn đạt nội dung: ca ngợi, tự hào về vùng đất Cà Mau tươi đẹp, trù phú, tràn trề nhựa sống với một quá trình phát triển lâu dài và bền vững, với hình ảnh rừng đước quen thuộc vững vàng, ôm lấy đất nước trong tư thế kiên cường.
Câu 3. Các dạng của phép điệp trong văn bản: điệp ngữ (mũi Cà Mau…), điêp kết cấu giữa hai đoạn (Tổ quốc…mũi Cà Mau)
Câu 4. Nêu được cảm nhận riêng: xúc động, yêu quý, tự hào.
II . LÀM VĂN
Câu 1.
– Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách.
– Niềm tin đem lại niềm tin yêu cuộc sống, giúp con người vững vàng, lạc quan.
– Người có niềm tin sẽ tự tin vào năng lực và phẩm chất của mình, là nền tảng của mọi sự thành công.
Mỗi cá nhân cần có hoài bão, lí tưởng sống cao cả; biết đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp để thấy cuộc sống có ý nghĩa và giá trị hơn.
Câu 2.
Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò sông Đà, đọan trích và vấn đề cần nghị luận.
Cảm nhận hình tượng dòng sông Đà hùng vĩ, hung bạo qua các hình ảnh:
Vách đá bờ sông; sự phối hợp giữa nước dữ, đá dữ và gió dữ ở mặt mặt ghềnh Hát Loóng; hút nước; thác nước và thạch trận trên sông… (chú ý bám vào các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, các thủ pháp nghệ thuật…)
* Chú ý các hình ảnh chủ yếu như:
– Cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời…-> Vách đá bờ sông hùng vĩ
– Mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió…-> Vừa hùng vĩ vừa hung bạo.
– Có những cái hút nước khổng lồ…-> Vô cùng hung bạo, muốn lấy đi mạng sống con người.
– Thác nước sông Đà: tiếng nước réo, rống; hình ảnh sóng bọt trắng xóa -> như một loài thủy quái khổng lồ…
– Thạch trận trên sông, sự kết hợp của nước và đá: Cả một chân trời đá, đá mai phục, dàn trận-> dữ dội, nham hiểm…
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có những ước mơ xa: đến đỉnh cao nhất. Có những ước mơ gần: Một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với ước mơ ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay xa quá và không thể điểu khiển đời mình nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào tầm thường. Và chúng học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.
Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng đươc ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác.(…)
Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn– Phạm Lữ Ân)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thèm khát vị trí cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác”?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan niệm: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường. Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: Chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong tác phẩm “ Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài có đoạn:
… “Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.
Thường khi đến gà gáy Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm.Mỗi đêm, nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp.Nhưng đêm sau Mỵ vẫn ra sưởi như đêm trước.
Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết,nó bắt mình chết cũng thôi,nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ … Mị phảng phất nghĩ như vậy.”
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)
Phân tích diễn biễn tâm lí và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nêu bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
———–HẾT———–
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Nghị luận
Câu 2. Vì mỗi người đều có vai trò trong cuộc đời này và đáng được ghi nhận
Câu 3.
– Học là con đường tốt nhất để mỗi chúng ta có được công việc yêu thích và mong muốn
– Khi tích lũy đủ kiến thức, lại có thêm những kĩ năng khác tất yếu ta sẽ nhận được mức thu nhập cao nhất, xứng đáng với công sức mình bỏ ra.
Câu 4. Bày tỏ quan điểm: Đồng ý hoặc không đồng ý
– Có cách giải thích phù hợp, thuyết phục
– Gợi ý:
+ Mỗi nghề đều có một vị trí ý nghĩa xã hội
+ Phải có tâm huyết, nỗ lực với nghề mà mình đã chọn
II. LÀM VĂN
Câu 1.
* Yêu cầu chung
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết đoạn văn nghị luận.
– Lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Không cho điểm tối đa đối với những bài làm không đảm bảo yêu cầu về hình thức và nội dung đoạn văn.
* Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ước mơ và hành động để ước mơ thành hiện thực
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ các nội dung theo định hướng sau:
– Ước mơ là điều quan trọng với mọi người, nó mục tiêu giúp ta phấn đấu nỗ lực, cố gắng đạt được mong ước đó. Cần có những hành động đúng đắn để biến ước mơ thành hiện thực.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên (Trích đoạn Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai). Từ đó, nêu bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
* Yêu cầu chung
– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận văn học.
– Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện năng lực cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài-Thân bài-Kết bài.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Mị trong đoạn trích. Từ đó nêu bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận
Cảm nhận về diễn biến tâm lí và hành động của nhân vật Mị qua nội dung, nghệ thuật đoạn trích.
a. Về nội dung
a.1. Hoàn cảnh Mị gặp A Phủ
-Giới thiệu sơ lược về Mị: một cô gái xinh đẹp, tài năng, hiếu thảo. Vì món nợ truyền kiếp của gia đình và sự tàn ác của bọn chúa đất miền núi Tây Bắc mà Mị trở thành nạn nhân của chế độ cho vay nặng lãi. Mị là con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra. Trong đêm tình mùa xuân, nhờ tác động bởi ngoại cảnh, men rượu, tiếng sáo, Mị có sức sống tiềm tàng, khao khát hạnh phúc, tình yêu;
– Giới thiệu sơ lược về A Phủ: một thanh niên có thân phận như Mị, cũng phải ở nhà thống lí Pá Tra để gạt nợ. Do để mất bò mà bị trói đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày kia.
– Hai con người đau khổ không hẹn mà gặp nhau tại nhà thống lí Pá Tra trong đêm đông nơi núi cao lạnh lẽo.
a.2. Diễn biến tâm lí và hành động của Mị
– Đánh giá ý nghĩa:
b. Về nghệ thuật
– Khả năng miêu tả tâm lý nhân vật sâu sắc, đi sâu khai thác diễn biến tâm trạng của nhân vật;
– Ngôn từ độc đáo, giàu ý nghĩa, giọng văn đầy chất thơ;
– Cách miêu tả rất cụ thể, thủ pháp tăng tiến; nhịp văn thúc bách, nhanh, gấp; lời văn nửa trực tiếp…
c. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn:
d. Đánh giá chung:
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả
Để một lần nhớ lại mái trường xưa
Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa
Có bóng nắng in dòng sông xanh thắm.
Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng
Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua
Nhớ được điều gì được dạy những ngày xa
Áp dụng – chắc nhờ cội nguồn đã có.
Nước mắt thành công hoà nỗi đau đen đỏ
Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi
Bài học đời đã học được những gì
Có nhắc bóng người đương thời năm cũ
Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ
Để cây đời có tán lá xum xuê
Bóng mát dừng chân là một chốn quê
Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn
Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt
Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô.
(Lời cảm tạ– sưu tầm)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên?
Câu 2. Nêu rõ phép tu từ được sử dụng trong câu thơ Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng.
Câu 3. Nêu nội dung chính của bài thơ trên.
Câu 4. Anh chị hiểu hai dòng thơ: “Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum
xuê” như thế nào? Từ ý thơ này, hãy viết một đoạn văn ngắn nêu vai trò của mái trường và thầy cô đối với cuộc đời của mỗi người. trả lời trong 5-10 dòng.
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Trong văn bản phần Đọc – hiểu ở trên, nhà thơ Đặng Hồng Thiệp đề cao “Khát vọng”, còn người xưa (Lão Tử) lại khuyên người đời nên sống “Biết đủ, biết dừng” (Tri túc, tri chỉ).
Anh/chị chọn cách sống nào? Hãy trình bày quan điểm cá nhân của anh/ chị về cách sống đó trong một đoạn văn khoảng 200 chữ.
Câu 2. (5.0 điểm)
“… Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vẩu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng”
Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xoá càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tuỳ theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên song. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng với đánh khuỷu quật vu hồi lại Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thuỷ thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hớp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào…”
(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12)
Phân tích hình tượng dòng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.
———–HẾT———–
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm.
Câu 2. Câu thơ Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng sử dụng phép tu từ ẩn dụ: ngọt đắng: chỉ những thăng trầm, buồn vui trong cuộc đời.
Câu 3. Nội dung chính của đoạn thơ trên:
Đoạn thơ ghi lại tâm trạng, suy nghĩ của một người học trò khi đã rời xa mái trường với tình cảm yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Càng trưởng thành, càng nếm trải những thăng trầm, buồn vui trong cuộc sống, mỗi người lại càng thấm thía hơn tấm lòng bao dung, yêu thương và công lao của thầy cô, mái trường.
Câu 4. Hai dòng thơ: “Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê” thể hiện công lao to lớn của thầy cô đối với học trò: chăm chút, thắp sáng ước mơ.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày quan điểm cá nhân về hai quan điểm đã cho ở đề bài: một bên là đề cao khát vọng và một bên là biết đủ, biết dừng.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải thể hiện rõ quan điểm, lựa chọn của mình. Sau đây là gợi ý:
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Hình tượng dòng sông Đà trong đoạn văn. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm
*Phân tích hình tượng dòng sông Đà hung bạo qua hình ảnh thác nước và thạch trận trên sông (chú ý bám vào các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…)
* Đánh giá
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
“Đọc, trong nghĩa đó là một trò chơi. Nơi mỗi người đọc có ba nhân vật chồng lên nhau, tác động lên nhau. Một là người đọc bằng xương bằng thịt, hai chân đụng đất, vẫn còn ý thức liên hệ với thế giới bên ngoài. Hai là, người đọc bị lôi cuốn, đang ngao du trong thế giới tưởng tượng của cảm xúc. Đó là người đang chơi. Ba là, người đọc suy tư, đưa vào trò chơi sự chú ý, sự suy nghĩ, sự phán đoán của tri thức. Đó là phút giây của trí tuệ có khả năng đưa người đọc lùi ra khỏi bài văn, mở một khoảng cách để diễn dịch.
Người đọc vẫn ý thức rằng mình đang chơi nhưng biết phán đoán. Ba tay chơi là một trong việc đọc, chơi với nhau một trò chơi tinh tế khiến người đọc vừa bị lôi cuốn vừa biết dừng lại, vừa tham dự vừa cách biệt với bài văn. Tư thế của người đọc văn là vậy: tham dự và cách biệt qua lại không đứt quãng.”
(Trích “Chuyện trò” – Cao Huy Thuần, NXB Trẻ, 2013)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn?
Câu 2. Đoạn văn được viết theo kiểu nào?
Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản?
Câu 4. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự trưởng thành.
Câu 2. (5,0 điểm)
Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa.Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.
[…] Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp,và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cách tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.
(Trích “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài, SGK Ngữ Văn 12 tập 2, tr4-6, NXB Giáo Dục, 2017)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó làm rõ giá trị nhân đạo của tác phẩm.
———–HẾT———–
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn: Phân tích
Câu 2. Đoạn văn được viết theo kiểu: Diễn dịch
Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản: Cách đọc, tư thế của một người đọc văn thật sự.
Câu 4. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ khoa học.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung của phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự trưởng thành.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của sự trưởng thành
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được sự cần thiết của lời nói dối nhân ái trong cuộc sống hiện đại ngày nay; kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh đảm bảo các ý sau:
– Trưởng thành là lớn lên về thể xác và tâm hồn, là sự thành công trong cuộc sống.
– Có trưởng thành chúng ta mới trở thành người con có hiếu, có ích cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
– Cách để mỗi người trưởng thành : học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tu dưỡng đạo đức,…
– Phê phán những người không trưởng thành.
Câu 2.
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó làm rõ giá trị nhân đạo của tác phẩm.
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích được cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị ở nhà thống lý Pá Tra và giá trị nhân đạo của tác phẩm
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm
Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
2. Phân tích đoạn trích: Cuộc sống bị bóc lột về thể xác và kìm hãm về tinh thần của Mị khi làm dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra.
3. Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Tứ Yên. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.