TRƯỜNG THPT HOÀNG HOA THÁM
|
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
(Thời gian làm bài: 120 phút)
|
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn thơ:
“Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm
Em yêu khói bếp vương vương
Xám màu mái lá mấy tầng mây cao
Em yêu mơ ước đủ màu
Cầu vồng ẩn hiện mưa rào vừa qua
Em yêu câu hát ơi à
Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa
Em yêu cánh võng đong đưa
Cánh diều no gió chiều chưa muốn về
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên
Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.”
(Yêu lắm quê hương, Hoàng Thanh Tâm)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên.
Câu 2. Trong bài thơ, cảnh vật quê hương được tác giả cảm nhận bằng những giác quan nào?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung các dòng thơ sau?
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên
Câu 4. Hai câu thơ sau gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
“Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.”
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tình yêu quê hương đất nước trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp bi tráng và lãng mạn của người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rài rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng – SGK Ngữ Văn 12, tập 1)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ trên.: Biểu cảm
Câu 2. Trong bài thơ, cảnh vật quê hương được tác giả cảm nhận bằng những giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác
Câu 3.
– Đoạn thơ miêu tả cuộc sống yên bình của con người
+ Đàn trâu thong thả trên đường đê trở về nhà.
+ Lá như ca hát, hòa quyện với gió.
+ Trăng bắt đầu lên tạo nên một cánh đồng sao.
+ Dòng sông quê êm đềm trôi tạo nên sự trù phú, tốt tươi cho cảnh vật.
=> Đó là một vẻ đẹp hết sức giản dị và quen thuộc của làng quê Việt Nam: đàn trâu, trăng cùng làn gió mát rười rượi. Và vẻ đẹp ấy như hòa quyện vào nhau, như tô điểm cho nhau để làm nên một vùng quê đẹp đẽ, yên bình.
Câu 4. Tình yêu quê hương của chủ thể trữ tình không bó hẹp ở một miền đất cụ thể mà mở rộng đến nhiều miền quê, vùng đất khác của đất nước. Qua đó gợi cho em nhiều suy nghĩ về lòng yêu quê hương, đất nước – là một tình cảm thiêng liêng, gắn bó con người với thiên nhiên và nguồn cội của mình.
II.LÀM VĂN
Câu 1.
Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề: Vai trò của tình yêu quê hương đất nước trong cuộc sống. Cảm nhận của em về vấn đề này (là tình cảm cần thiết, cao đẹp,…).
Bàn luận vấn đề:
* Giải thích khái niệm: Tình yêu quê hương đất nước: là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên.
* Biểu hiện:
– Trước hết ngay trong tình cảm với người thân trong gia đình vì gia đình cũng là một phần của quê hương đất nước.
– Trong tình làng nghĩa xóm.
– Trong sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra (bờ tre, ngọn dừa, cánh đồng lúa chín,…).
– Trong sự phấn đấu quên mình của mỗi cá nhân biết học tập, lao động để làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước.
– Qua sự bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.
– Qua quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước, sự đồng lòng của toàn dân …
* Vai trò của tình yêu quê hương đất nước:
– Giúp mỗi con người sống tốt hơn trong cuộc đời, không quên nguồn cội.
– Nâng cao tinh thần và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi con người.
– Thúc đẩy sự phấn đấu hoàn thiện bản thân và tinh thần cống hiến giúp đỡ cộng đồng của mỗi cá nhân.
– Gắn kết cộng đồng, kéo con người lại gần nhau hơn trong mối quan hệ thân hữu tốt đẹp.
– Góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
* Bàn luận mở rộng:
– Là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi con người dù ở bất kỳ đất nước nào.
– Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương.
* Kết thúc vấn đề.
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Phần I. Đọc – hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu sau:
“Chiếc vòng tử tế” là một trong những hoạt động nằm trong chiến dịch “Tử tế” là do Viện nghiên cứu Kinh Tế, Xã hội và Môi trường chủ trì phát động nhằm hướng mọi người suy nghĩ về giá trị của sự tử tế và thực hành giá trị đó trong đời sống. “Chiếc vòng tử tế” là tên gọi của 100 chiếc vòng đặc biệt trong chiến dịch được trao cho những người có uy tín trong cộng đồng như bà Tôn Nữ Thị Ninh, MC Diễm Quỳnh, ca sĩ Thái Thùy Linh, hot girl Chi Pu…Mỗi chủ nhân của 100 chiếc vòng cam kết sẽ thực hiện một điều tử tế trong vòng 4 ngày từ ngày nhận vòng, đồng thời chia sẻ lại câu chuyện rồi chuyền giao chiếc vòng cho một người khác.
Luật chơi của chiếc vòng tử tế là trong vòng 4 ngày sau khi nhận được chiếc vòng, bạn phải làm một điều tử tế và chia sẻ câu chuyện của mình trên facebook. Sau đó bạn tặng lại chiếc vòng cho một người khác, người cam kết sẽ làm những việc như trên. Cứ như thế chiếc vòng tử tế sẽ được truyền từ người này sang người khác. Trong ngày đầu phát động chiến dịch, 100 “chiếc vòng tử tế” được đánh số từ 1 đến 100 đã được trao cho những chủ nhân đầu tiên ở hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tính tới thời điểm này đã có rất nhiều việc tốt được thực hiện với câu chuyện thực sự “tử tế” được chia sẻ trên cộng đồng mạng.
Không có một định nghĩa chính xác hay cụ thể nào về sự “tử tế”. Đó là những hành động nhỏ thường ngày như vứt rác đúng chỗ, không vượt đèn đỏ, dắt một cụ già, em nhỏ qua đường, dừng xe nhặt hộ đồ rơi khi người đi trước không thể vòng lại,…Đó cũng là hành động lớn hơn như kêu gọi bảo vệ môi trường, thành lập tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, …Nhưng điều qua trọng hơn cả, việc đó xuất phát từ cách nghĩ đẹp, lối sống văn minh, “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh.
(Trích Kenh14.vn,30/10/2014)
Câu 1 (0,5 điểm) Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?
Câu 2 (0,5 điểm) Luật chơi của chiếc vòng tử tế là gì? Ban đầu có những ai tham gia? Theo bạn sẽ có bao nhiêu việc tử tế được thực hiện?
Câu 3 (1 điểm). Căn cứ vào những việc làm tốt gần đây nhất của bản thân , anh/chị có thể nêu cách hiểu của mình về sự tử tế?
Câu 4 (1 điểm) Theo anh/ chị làm thế nào để những việc tử tế được lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày? (Trình bày khoảng 5 – 7 dòng)
Phần II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Từ đó, liên hệ đến vẻ đẹp lí tưởng của người chiến sĩ cộng sản trong Từ ấy (Tố Hữu).
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Phần I. Đọc – hiểu
Câu 1
– Phong cách ngôn ngữ báo chí
Câu 2
– Luật chơi:
+ 100 chiếc vòng được trao cho những người có uy tín
+ Chủ nhân của chiếc vòng phải làm một điều tử tế trong vòng 4 ngày
+ Chia sẻ câu chuyện và chuyền chiếc vòng cho một người khác
– Ban đầu chỉ có 100 chiếc vòng được trao đi, nhưng chiếc vòng có sức lan tỏa và sẽ có hàng nghìn việc tốt được thực hiện.
Câu 3
Tử tế có thể là cách sống, đối nhân xử thế tốt đẹp, có thể là những việc là nhỏ bé, có thể là những cống hiến âm thầm, xuất phát từ lòng vị tha, nhân ái
Câu 4
– Biết sống vì mọi người, luôn quan tâm, giúp đỡ âm thầm không khoa trương.
– Biết chia sẻ việc tốt giúp nhân lên giá tri nhân văn.
Phần II. Làm văn
Câu 1
Hướng dẫn làm bài
a. Đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận: thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh
c. Triển khai vấn nghị luận: thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận theo nhiều cách nhưng có thể theo hướng sau:
Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
1. Giải thích
– Tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người, trong cách đối nhân xử thế, là một giá trị đẹp và nhân văn
– Việc “tử tế” là những việc làm tốt, việc làm đúng, việc làm có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho xã hội.
—(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản:
Mùa xuân về trên mộ hai lính trận
Mùa xuân về trên mộ hai người lính
Một phía bên kia, một phía bên này
Những sợi cỏ gà bò lan chầm chậm
Như những bàn tay tìm gặp bàn tay
Dường như tất cả đã xóa đi mọi điều thù hận
Ai nỡ phân chia ranh giới ở nơi này!
Hoa đồng nở bừng lên quanh hai nấm mộ
Cánh bướm ngây thơ cũng tới vẽ vòng,
Cả tiếng sáo tận bờ tre êm ả
Ru vọng về giấc ngủ ngàn năm…
(Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX, NXB Văn hóa thông tin, 2006, tr. 253)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra các hình ảnh gợi tả không khí mùa xuân trong khổ thơ cuối.
Câu 3.
– Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ:
– Những sợi cỏ gà bò lan chầm chậm
– Như những bàn tay tìm gặp bàn tay
Câu 4. Lí giải về thông điệp cuộc sống mà anh/chị nhận được qua văn bản.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức lan tỏa của lòng vị tha trong cuộc sống.
Câu 2. (5.0 điểm)
… “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào…”
(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 187-188)
Phân tích hình tượng dòng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Thể thơ: Tự do.
Câu 2. Hình ảnh gợi tả không khí mùa xuân : hoa đồng, cánh bướm, tiếng sáo.
Câu 3.
– Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:
+ Khắc họa hình ảnh những sợi cỏ gà trên hai nấm mộ gợi liên tưởng của tác giả về sự tìm gặp của hai con người…
+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ…
Câu 4.
– Trình bày thông điệp cuộc sống mà anh/chị nhận được.
– Lý giải hợp lý, thuyết phục.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự lan tỏa của lòng vị tha trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Sức lan tỏa của lòng vị tha trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận về lòng vị tha theo nhiều cách, nhưng nên hướng đến những nội dung:
– Vị tha là biết sống vì người khác; đây là lối sống đẹp mà con người luôn hướng tới nên nó có sức lan tỏa mạnh mẽ..
– Sống vị tha sẽ giúp con người gần nhau hơn; người biết sống vị tha thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn…
– Sự lan tỏa của lòng vị tha sẽ giúp hạn chế những muộn phiền lo âu trong cuộc sống, khiến ta thấy hạnh phúc, yêu đời hơn,…
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Những tình yêu thật thường không ồn ào
chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt
chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan
bằng chén cơm ăn mắm ruốc
bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc
bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân
có những thằng con trai mười tám tuổi
chưa từng biết nụ hôn người con gái
chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời
câu nói đượm nhiều hơi sách vở
khi nằm xuống
trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời
hạnh phúc nào cho tôi
hạnh phúc nào cho anh
hạnh phúc nào cho chúng ta
hạnh phúc nào cho đất nước
(Thử nói về hạnh phúc, Thanh Thảo, 1972)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Trong đoạn trích, hoàn cảnh khốc liệt của đất nước được tác giả thể hiện thông qua những hình ảnh nào?
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung những dòng thơ sau:
có những thằng con trai mười tám tuổi
chưa từng biết nụ hôn người con gái
chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời
câu nói đượm nhiều hơi sách vở
khi nằm xuống
trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời
Câu 4. Theo anh/chị, giữa hạnh phúc… cho tôi và hạnh phúc…cho đất nước, điều gì quan trọng hơn? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết của tinh thần cống hiến ở tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Câu 2 (5,0 điểm): Nêu cảm nhận về vẻ đẹp của dòng sông Hương qua đoạn trích sau:
“Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy cỏ dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về hướng đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam của thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do
Câu 2. Trong đoạn trích, hoàn cảnh khốc liệt của đất nước được tác giả thể hiện thông qua những hình ảnh: “chén cơm ăn mắm ruốc”, “giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc”, “những nắm đất mọc theo đường hành quân”.
Câu 3. Trình bày:
– Thể hiện sự hi sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước của những người lính trẻ. Họ “nằm xuống” để đất nước vươn lên khi tâm hồn vẫn hồn nhiên, vô tư, trong sáng và đầy mơ mộng..
– Bộc lộ niềm trân trọng, tự hào xen lẫn tiếc thương của nhà thơ dành cho thế hệ mình trong những năm chống Mĩ đầy ác liệt.
– Nêu rõ sự lựa chọn của bản thân, trả lời câu hỏi hạnh phúc nào thực sự quan trọng với chính mình.
– Trình bày được cách hiểu của bản thân về quan niệm hạnh phúc đã lựa chọn.
– Lí giải hợp lí, thuyết phục chủ kiến của mình.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Em chờ anh trước cổng
Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Con chim sẻ của phố ta
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi.
(Trích Phố ta, Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Trong đoạn trích, nhà thơ đã dùng những hình ảnh nào để gọi nhân vật trữ tình em?
Câu 3. Nêu tác dụng của câu hỏi tu từ trong những câu thơ sau:
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với lời khẳng định “Bác thợ mộc nói sai rồi” trong đoạn trích trên không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của những điều tốt đẹp bình dị trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích diến biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài).
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ : Tự do
Câu 2. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh nào để gọi nhân vật trữ tình em: con chim sẻ, con chim sẻ tóc xù, con chim sẻ cuả phố ta
Câu 3. Tác dụng:
– Phủ định cuộc sống không chỉ toàn chuyện xấu đồng thời khẳng định những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời này. Câu hỏi tu từ đã thể hiện niềm tin và tình yêu cuộc sống của nhà thơ.
– Tạo tính nhạc, giọng điệu thiết tha cho những câu thơ.
Câu 4.
* Đồng tình: bởi vì:
– Câu thơ là lời phủ định quan điểm của bác thợ mộc, bởi theo tác giả đó là một suy nghĩ không đúng.
– Cuộc đời này không phải toàn chuyện xấu xa. Cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp và đáng sống. Đó là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mang tới cho ta cảm giác bình yên và thư thái. Đó là những việc tử tế của con người dù bình dị nhỏ nhoi mang tới cho ta niềm tin yêu, hứng khởi. Đó là những yêu thương ta nhận từ bao người như một món quà vô giá. Vì thế “dù ai có nói với bạn điều gì đi chăng nữa, hãy tin rằng cuộc đời luôn kì diệu và đẹp đẽ.”
(Thí sinh có thể có lập luận khác, đảm bảo chặt chẽ, logic, thuyết phục thì vẫn cho điểm tối đa)
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý sau:
– Những điều tốt đẹp bình dị sẽ khơi dậy và bồi đắp cho chúng ta tình yêu cuộc sống, giúp ta tin rằng cuộc sống mến thương luôn tươi đẹp và đáng sống.
– Những điều tốt đẹp bình dị sẽ thức tỉnh chúng ta về những giá trị sống mà mình đeo đuổi. Thành công, hạnh phúc không phải là những điều lớn lao, vĩ đại mà có khi chỉ là những điều tốt đẹp nhỏ bé, bình dị.
– Những điều tốt đẹp bình dị sẽ ươm mầm cho những giá trị lớn lao cao cả sinh sôi, nảy nở góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
– Những điều tốt đẹp dẫu bé nhỏ bình dị nhưng có ý nghĩa, giá trị lớn lao. Trân trọng, nâng niu và phát huy những điều tốt đẹp bình dị là cách để góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt
Câu 2.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ.
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
3.1. Giới thiệu về tác giả – tác phẩm.
– Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành quả quan trọng trong sáng tác văn học, nhất là về đề tài miền núi.
– Truyện Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952), đánh dấu độ chín của phong cách nghệ thuật Tô Hoài. Tác phẩm viết về cuộc sống tăm tối và khát vọng sống mãnh liệt của người dân miền núi dưới ách thống trị của thực dân phong kiến.
– Để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc là diễn biến tâm lí và hành động Mị cởi trói cho A Phủ, cũng là cởi trói cho chính mình khỏi những đọa đày đau khổ của kiếp làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !