I. Phép nối
* Khái niệm:
– Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước.
– Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng,…
Ví dụ:
“Hai mụ Bọ Muỗm cứ vừa đánh, vừa kêu, làm cho họ nhà Bọ Muỗm ở gần đấy nghe tiếng. Thế là, cả một bọn Muỗm lốc nhốc chạy ra.”
II. Phép thế
* Khái niệm:
– Thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương
Ví dụ 1: Cô Hằng là cô hàng xóm của tôi. Nhà cô ấy có rất nhiều hoa.
=> Phép thế: dùng đại từ “cô ấy” thay thế cho “cô Hằng” ở câu trước.
Ví dụ 2: Ai cũng muốn cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Muốn được như vậy bạn phải chăm chỉ tập luyện.
=> Phép thế: từ “như vậy” thay thế cho câu trước đó, mang nghĩa tương đương.
III. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng
* Khái niệm
– Sử dụng các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng ở các câu khác nhau để tạo sự liên kết.
Ví dụ:
+ Phép đồng nghĩa:
“Tôi thấy cô ấy rất xinh. Còn bạn tôi lại bảo cô ấy đẹp”
=> xinh và đẹp là đồng nghĩa không hoàn toàn.
+ Phép trái nghĩa:
“Người yếu đuối thường hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh.”
(Nam Cao)
=> Hai câu được liên kết bởi các cặp từ trái nghĩa: yếu đuối – mạnh, hiền lành – ác
+ Phép liên tưởng:
“Mưa vẫn ồ ạt như vỡ bờ đập. Ánh chớp loé lên soi rõ khuôn mặt anh trong một giây.”
(Nguyễn Kiên, Anh Keng)
=> Mưa, ánh chớp – Những từ được dùng để tả cơn mưa.
IV. Phép lặp từ ngữ
* Khái niệm
– Sử dụng lặp đi lặp lại một (một số) từ ngữ nào đó ở các câu khác nhau để tạo sự liên kết.
Ví dụ:
“Tiếng hát của các em lan trên các cánh đồng bay theo gió. Tiếng hát trong như những giọt sương trên bờ cỏ.”
(Nguyễn Thị Ngọc Tú, Buổi sáng)