BÀI TẬP PHÂN TÍCH SỰ KIỆN, DỰ LIỆU
1. Đặc điềm
– Là dạng bài tập cung cấp thông tin được trích trong một văn bản, dữ liệu. Qua những thông tin đó, dựa vào những sự kiện lịch sử để trả lời yêu cầu mà đề bài đưa ra.
2. Các mức độ
– Mặc dù bài tập phân tích sự kiện, dữ liệu trong môn Lịch sử thay vì ghi nhớ học sinh sẽ tiếp cận trực tiếp với đoạn văn tài liệu gốc nhưng câu hỏi vẫn được phân chia theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
a.Nhận biết
– Là nhớ lại cái dữ liệu, thông tin đã có trước đây, có nghĩa là nhận biết là thông tin, tái hiện, ghi nhớ lại,…
– Đây là mức độ thấp nhất của trình độ nhận thức.
– Có thể cụ thể hóa các yêu cầu như sau:
+Nhận ra, nhớ lại các khái niệm, biểu tượng, sự vật, hiện tượng hay một thuật ngữ lịch sử nào đó,…
+ Các động từ tương ứng với mức độ nhận biết là: liệt kê, nêu, xác định, trình bày,…
b.Thông hiểu
– Là khả năng hiểu được, giải thích và chứng minh được các sự kiện và thuật ngữ lịch sử. HS có khả năng diễn đạt kiến thức đã học dược theo ý của mình, sử dụng được kiến thức và kĩ năng để giải quyết vấn đề lịch sử.
– Có thể cụ thể hóa các yêu cầu như sau:
+ Biểu thị, minh họa, giải thích được các ý nghĩa của các khái niệm, sự kiện lịch sử, lựa chọn, sắp xếp lại các sự kiện lich sử,…
+ Các động từ tương ứng với mức độ thông hiểu là: hiểu, giải thích, chứng minh,…
c.Vận dụng và vận dụng cao
– Là khả năng sử dụng các kiến thức đã học vào một hoàn cảnh cụ thể mới: vận dụng nhận biết, hiểu biết về lịch sử để giải quyết các vấn đề về lịch sử.
+ Có thể cụ thể bằng các yêu cầu sau đây: so sánh các phương án giải quyết vấn đề, khái quát hóa sang tình huống phức tạp hơn.
+ Các động từ tương ứng với mức độ vận dụng và vận dụng cao là: bài học kinh nghiệm, liên hệ, đánh giá,…
3. Phương pháp
– Sử dụng phương pháp lịch sử, phân tích, so sánh, nhận xét và đánh giá để giải quyết vấn đề.
– Chú ý các từ khóa trong mỗi câu hỏi để nhanh chóng tìm kiếm thông tin giải quyết vấn đề.
+ Who (Ai): hỏi về các nhân vật lịch sử.
+ When (Khi nào): hỏi các mốc thời gian đã xảy ra sự kiện lịch sử.
+Where (Ở đâu): Các sự kiện lịch sử đó được diễn ra ở đâu, vị trí.
+Why (Tại sao): Dùng để hỏi nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự kiện lịch sử.
4.Ví dụ
Dựa vào các thông tin được cung cấp dưới đây để trả lời các câu hỏi sau:
Ở các nước Đông Nam Á, đã diễn ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại sự xâm lược của phát xít Nhật và chống lại trật tự mới của phát xít Nhật (thiết lập từ năm 1940) nhằm thủ tiêu hoàn toàn nền độc lập của các dân tộc. Trong cuộc đấu tranh này, các lực lượng yêu nước chống phát xít đã tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất để hòa nhập vào phong trào dân chủ chống phát xít trên thế giới. Đồng thời, các lực lượng vũ trang cũng được thành lập ở những thời điểm khác nhau và góp phần vào việc giải phóng đất nước, tiêu diệt phát xít Nhật.
Sự thất bại của chủ nghĩa phát xít, thời điểm phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh là thời cơ “có một không hai”, tạo ra tình thế hết sức thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Chớp thời cơ đó, các dân tộc ở Đông Nam Á đã vùng dậy tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Tháng 8-1945, cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi. Ở Lào, ngày 23-8 nhân dân Lào nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi. Ngày 12-10-1945, nhân dân thủ đô Viêng chăn khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Indonexia, ngay sau khi Nhật đầu hàng, ngày 17-8-1945, Tuyên ngôn độc lập được công bố, nước Cộng hòa Indonexia được thành lập.
(Lịch sử thế giới hiện đại , trang 131-132)
Câu hỏi 1:NB- Khi nào phát xít Nhật thiết lập nền thống trị với các nước ở khu vực Đông Nam Á?
A. 1930.
B.1935.
C.1940.
D.1945.
Phương pháp: Chú ý đến từ khóa của câu hỏi 1, khi nào, bao giờ, năm nào,… là những từ khóa dùng để chỉ thời gian.
Lời giải:
Ở các nước Đông Nam Á, đã diễn ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại sự xâm lược của phát xít Nhật và chống lại trật tự mới của phát xít Nhật (thiết lập từ năm 1940) nhằm thủ tiêu hoàn toàn nền độc lập của các dân tộc.
=> Đáp án: C