TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG
|
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
(Thời gian làm bài: 120 phút)
|
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Chúng ta ai cũng đều biết, khoa học công nghệ với sự phát triển chóng mặt đã kéo theo sự ra đời của các trang mạng xã hội. Nói đến chúng, ta không thể không nhắc đến Facebook – một cái tên chẳng còn xa lạ với tất cả mọi người. Facebook là một trang mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải những thông tin cá nhân, kết bạn, giao lưu, tương tác với mọi người. Chẳng cần bàn cãi hay bình luận gì thêm, chúng ta đều không thể phủ nhận được những lợi ích và vai trò to lớn mà Facebook mang lại. Còn gì kì diệu hơn khi mà nhờ nó, hai con người ở hai vùng miền khác nhau, xa cách về địa lí, không gian, vậy mà lại có thể quen nhau, kết bạn với nhau trong sự tương hợp về sở thích, mục tiêu chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Thú vị gì hơn khi mọi tin tức về giới showbiz, thần tượng, bạn bè, người thân đều được chúng ta cập nhật từng phút, từng giây? Bao nhiêu lợi ích không nhỏ của Facebook đã đủ trở thành chiếc nam châm thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Càng dùng Facebook, càng có nhiều bạn, càng có nhiều điều hấp dẫn, thú vị mời gọi. Mải mê theo những cảm xúc ảo, ít ai nhận ra Facebook như là một con dao hai lưỡi mà những mặt trái của nó đang dần bộc lộ. Và một trong số đó là căn bệnh nghiện Facebook đã và đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.
(…) Việc nghiện Facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng bạn bè, thể dục thể thao được thay thế bằng việc lên Facebook. Bị thu hút vào cái màn hình màu xanh hấp dẫn với những hình ảnh kia thì liệu còn thời gian đâu mà ăn uống hợp lí, thời gian cho bạn bè, cho người thân? Họ sẽ đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi hiện tại. Thế có nghĩa là, họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình. Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng dần bị mất đi. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một người nghiện Facebook có thể chém gió thỏa thích không chán với bạn bè khắp nơi nhưng lại khó có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người. Cứ thế, họ trở thành “anh hùng bàn phím” và dần sống ảo với những tình cảm không thực tế.
(Nguồn: baigiangvanhoc)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.
Câu 3. Vì sao tác giả lại dùng hình ảnh chiếc nam châm thu hút mọi người để nói về mạng xã hội Facebook?
Câu 4. Câu văn “họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình” gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về hiện tượng được nêu ra ở phần đọc hiểu: nhiều người nghiện facebook đang trở thành những anh hùng bàn phím.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong tác phẩm Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã để cho nhân vật cụ Mết thiết tha nhắc đi nhắc lại cái chân lí thời đại giản dị mà sâu sắc: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.
Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào? Qua hình tượng nhân vật Tnú hãy làm sáng tỏ tư tưởng trên.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận
Câu 2.
Nội dung chính của văn bản: Những lợi ích của mạng xã hội Facebook và những tác hại của tình trạng “nghiện Facebook”.
Câu 3. Tác giả dùng hình ảnh chiếc nam châm thu hút mọi người để nói về mạng xã hội Facebook vì: Sự ra đời của Facebook với rất nhiều tiện ích đã khiến mạng xã hội này có sức hút lớn lao, nhất là với giới trẻ. Số lượng người dùng Facebook tăng lên không ngừng, dường như ai ai cũng có thể bị cuốn hút và một khi đã tham gia khó có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó.
Câu 4. Câu văn “họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình” cho thấy tác hại của việc “nghiện Facebook”:
– Con người sống trong thế giới ảo mà quên đi thế giới thực. Chúng ta dễ dàng kết bạn với người lạ trên mạng xã hội có khi chỉ bằng những lời bình luận, những câu chuyện không đầu không cuối. Kết bạn mà có khi chưa hiểu gì về nhau, thậm chí chưa biết mặt nhau. Những mối quan hệ đó đôi khi lại có sức hấp dẫn kì lạ làm con người dần dần quen với thế giới ảo mà lãng quên thế giới thực.
– Trong khi đó những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình như quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình… thì con người lại thấy xa lạ. Nhiều bạn trẻ có thể tương tác với bạn bè trên facebook rất tốt nhưng kĩ năng giao tiếp xã hội lại rất kém, có thể có hàng nghìn người bạn trên Facebook nhưng lại cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong thế giới thực.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Thí sinh viết một đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là gợi ý:
– Anh hùng bàn phím là gì? Đây là một thuật ngữ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dùng để chỉ chỉ tính chất làm quá, mạnh mồm, nói khoác lác, không giám chịu trách nhiệm về lời nói… của một bộ phận người dùng Internet trước một sự vật, hiện tượng nào đó đã và đang xảy ra.
– Hiện tượng người dùng Facebook trở thành anh hùng bàn phím ngày càng nhiều: Trước mỗi sự việc, hiện tượng những anh hùng bàn phím có thể tha hồ chỉ trích, chê bai, hoặc nói những chuyện dời non lấp biển… nhưng họ lại chẳng có một hành động thực tế nào để thể hiện được điều đó.
– Hậu quả: rất nhiều cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp… phải chịu thiệt hại nặng nề vì những anh hùng bàn phím như thế: một tin đồn về vắc – xin có thể khiến cả chương trình tiêm chủng quốc gia thất bại, một tin đồn về bưởi có chất gây ung thư có thể khiến hàng ngàn hộ nông dân trồng bưởi điêu đứng. Có những người bị trầm cảm, và đôi khi tìm đến cái chết, chỉ vì bị tấn công bằng ngôn từ quá khích trên mạng…
– Bài học: Đây là một hiện tượng xấu, cần lên án mạnh mẽ. Mỗi người cần có những hành động cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm; tránh việc phán xét, quy chụp, xúc phạm người khác trên Facebook.
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
… (1) Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet. Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ … rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.
… (2) Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus… Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v… càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay…
(Trích “Suy nghĩ về đọc sách” – Trần Hoàng Vy, Báo Giáo dục & Thời đại)
Câu 1. Nêu các thao tác lập luận cơ bản được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Anh chị nhận ra được sự khác biệt giữa việc đọc sách của thời xưa và thời nay?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay…”?
Câu 4. Anh/chị rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm của em về ý kiến của M.Gorki: Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.
Câu 2. Có ý kiến cho rằng nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ là một thành công của nhà văn Tô Hoài khi xây dựng con người thức tỉnh. Phân tích đoạn trích Vợ chồng A Phủ để làm sáng tỏ nhận định trên.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
– Thao tác lập luận chính là bình luận và so sánh.
Câu 2.
– Theo tác giả, có sự khác biệt lớn giữa việc đọc sách của thời xưa và thời nay:
+ Thời xưa, trẻ con hay người lớn, người Việt Nam hay Nhật Bản đều yêu mến và say sưa với những cuốn sách họ có được. Họ đọc sách nhiều lúc và nhiều nơi.
+ Thời nay, sách được thay thế bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, ti vi,… Các gia đình thay tủ sách bằng tủ rượu. Việc đọc sách bị hạn chế, nhà sách hoạt động cầm chừng và sách thì không bán được.
Câu 3.
– Tác giả cho rằng: “sách vẫn luôn cần thiết, không thế thiếu trong cuộc sổng phẳng hiện nay…” bởi vì:
+ Cuộc sống hiện đại có các công nghệ nghe nhìn cung cấp lượng thông tin lớn nhưng sách vẫn là một kênh thông tin chính thống và phổ biến, đặc biệt là trong nhà trường.
+ Sách không chỉ là một kênh thông tin mà còn là di sản của nhân loại, là văn hóa, là truyền thống,..
+ Đọc sách không chỉ cho ta tri thức mà còn giúp ta rèn luyện phẩm chất: sự điềm tĩnh, năng lực tưởng tượng, thái độ trân trọng tri thức và cơ hội trau dồi những cảm xúc,…
Câu 4.
Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
– Nội dung: trình bày được bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản và bàn luận ngắn gọn về thông điệp đó.
– Bài học/Thông điệp: quý trọng sách; có cái nhìn đúng đắn về sách và văn hóa đọc; rèn luyện thói quen đọc sách;…
– Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8-10 dòng, diễn đạt mạch lạc.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
* Dẫn dắt
– Nêu từ khóa: văn hóa và thói quen đọc sách.
* Giải thích
– Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.:
+ Sách chứa đựng tri thức nhân loại.
+ Chân trời mới vừa là cái nhìn mới lạ (chủ thể), vừa là những điều mới mẻ về thế giới (đối tượng) mà ta thu nhận được trong và sau quá trình đọc sách.
* Phân tích
– Sách mở ra những chân trời mới gì cho người đọc?
+ Sách cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
+ Sách kết nối quá khứ – hiện tại và tương lai, cho ta những cuộc du hành lý thú.
+ Sách cho ta mở rộng hiểu biết về thế giới tự nhiên, xã hội và về chính con người.
+ Sách nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao ước mơ,…
– Vì sao sách khiến ta làm được những điều vĩ đại ấy?
+ Vì sách là sự kết tinh của văn hóa và tri thức nhân loại, được lưu truyền qua muôn vàn thế hệ.
+ Vì sách là tâm huyết của mỗi người viết.
+ Vì sách được chọn lọc tự nhiên qua lịch sử, những cuốn sách có giá trị sẽ bền vững trường tồn trong thời gian.
—(Đáp án chi tiết những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản:
Những con chim bồ câu tụ tập với nhau trong một cái chuồng trên ngọn cây, chúng thấy con chim đại bàng sải cánh trên cao, bèn bàn luận:
– Eo ơi, gió đùng đùng thế kia mà nó cứ bay lên cao làm gì nhỉ. Không xuống đây như bọn mình có phải an toàn hơn không?
– Báu bở gì cái trò bay một mình, cô đơn bỏ xừ! Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn… Đúng là đồ dở hơi!
Đại bàng tung hoành trong cơn bão, rồi đi săn mồi về tổ, nó nào ngó xuống để suy nghĩ về mấy con chim bồ câu?
Rồi một ngày, người chủ mang mấy con chim ra thịt đãi khách. Trước khi bị cắt tiết, chúng tiếc nuối nhớ về hình ảnh con chim đại bàng.
Đại bàng vẫn đi săn mồi, nào hay biết gì về mấy con chim bồ câu?
Con người khác con chim ở chỗ được lựa chọn, không nhất thiết phải là đại bàng hay bồ câu, nhưng dù ngồi ở vị trí nào, chủ động cho cuộc sống của chính mình vẫn là tốt nhất. Và đừng bao giờ phán xét người khác khi họ không thèm để ý đến mình.
Những người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất, buồn thay lại là những người hay phán xét nhất!”
(“Ngừng phán xét”, Ừ thì yêu! Đời có bao nhiêu, An Xinh Trương, NXB Phụ nữ, 2018, tr.156,157)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào?
Câu 2. Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao?
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm Đừng bao giờ phán xét người khác của tác giả không? Vì sao?
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh /chị về hai đoạn thơ sau, từ đó anh /chị hãy làm nổi bật sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
“… Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD 2015, tr.155 và tr.156)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình cách sống an toàn, không kiếm sống vất vả, ngày ngày có người cho ăn; hay bàn luận, phán xét về người khác.
Câu 2: Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất.
Câu 3:
– Biện pháp nghệ thuật: Đối lập (kiếm mồi vất vả – sung sướng, ngày ngày có người cho ăn).
– Hiệu quả: làm nổi bật sự lựa chọn khác nhau của hai cách sống: sung sướng, chờ đợi hưởng thụ và khó nhọc kiếm tìm, chủ động tạo lập cuộc sống của mình.
Câu 4: Thí sinh nêu ý kiến của mình dựa trên sự lí giải phù hợp, thuyết phục. Có thể theo hướng:
– Đồng tình vì: Khi phán xét người khác chúng ta có thể sẽ sai lầm vì bản thân không hiểu rõ về họ, không ở trong hoàn cảnh, vị trí của họ.
– Đồng tình nhưng bổ sung: Không phán xét không có nghĩa là thờ ơ với người khác, bàng quan trước thời cuộc…
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn
theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần phải làm rõ vấn đề tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân. Có thể theo hướng. Việc chủ động cho cuộc sống bản thân giúp chúng ta:
– Tạo dựng nền tảng vững chắc cho cuộc đời mình.
– Suy nghĩ và hành động độc lập, làm chủ được tình thế, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống, nắm bắt được thời cơ thuận lợi cũng như sẵn sàng đối mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
– Không tụt hậu trong xã hội đang ngày một phát triển.
– Thực hiện được ước mơ và vươn tới thành công, hạnh phúc…
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blốc của một người bạn. (2) Bạn ấy viết rằng: “Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. (3) Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. (4) Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. (5) Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự… thế giới cùng anh em chiến hữu…”.
(6) Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? (7) Ừ nhỉ! (8) Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta…
(Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” (0,5 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (1,0 điểm)
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao ( Ngữ văn 11 – tập 1).
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2: Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:
– Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.
– Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chiến thắng của quốc gia thuộc về cách thức mà mỗi quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để vượt qua đại nạn. Còn chiến thắng của nhân loại, của thế giới, phụ thuộc vào năng lực quản trị của từng quốc gia và khả năng đoàn kết, chia sẻ với nhau. Trong tuyên bố COVID -19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu”, ngày 11-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Guterres khẩn thiết: “Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch ngày hôm nay là một lời kêu gọi hành động gửi tới mọi người, mọi nơi trên thế giới. Tuyên bố cũng là lời kêu gọi trách nhiệm và sự đoàn kết, các quốc gia cần đoàn kết lại và mọi người dân trên thế giới cần đoàn kết lại”.
Học giả Yuval Harari, tác giả của những cuốn sách: “Lược sử loài người”, “Lược sử tương lai” và “21 bài học của thế kỷ 21” nhận định, “thang thuốc giải hữu hiệu cho bệnh dịch không phải là chia rẽ mà là đoàn kết”, và phải là “với tinh thần đoàn kết ở mức độ toàn cầu”. Sự đoàn kết này thể hiện ở việc chia sẻ những nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy, công khai minh bạch các thông tin vào dịch bệnh. Yuval Harari cho rằng, để có được sự đoàn kết, cần phải có niềm tin mạnh mẽ và sự hợp tác quốc tế cao độ giữa các quốc gia. Sự vắng mặt của niềm tin và gắn kết toàn cầu sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan. Mỗi mối nguy đều tồn tại cơ hội. Dịch bệnh lần này hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại về sự nguy hiểm của chia rẽ toàn cầu.
Rõ ràng, đại dịch và khủng hoảng kinh tế là vấn đề của thế giới, của toàn thể nhân loại. Và với tầm mức đó, nó chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nếu các quốc gia cùng hợp tác. Nhân loại đang chạy đua với virus để giành chiến thắng. Khi cuộc chiến này đi qua, chúng ta phải đối diện với những thảm họa tồi tệ về khủng hoảng kinh tế, tâm lý và nhiều điều khác nữa. Một thế giới bị tổn thương chỉ có thể hàn gắn và hồi phục bằng sự đoàn kết và chia sẻ.
(Trích Đoàn kết là sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19, http://tuyengiao.vn ngày 12/4/2020)
1. Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản trên (0,5 đ)
2. Theo tác giả bài viết này, sự đoàn kết ở mức độ toàn cầu thể hiện ở những việc gì ? (0,5 đ)
3. Anh / chị có đồng ý rằng “Sự vắng mặt của niềm tin và gắn kết toàn cầu sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan” không ? Vì sao? (1,0 đ)
4. Theo anh/ chị, tại sao ông Tổng thư kí Liên hiệp quốc khẩn thiết kêu gọi Các quốc gia cần đoàn kết lại và mọi người dân trên thế giới cần đoàn kết lại” ? (1,0 đ)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của mỗi người công dân trong việc phòng chống đại dịch COVID -19
Câu 2. (5.0 điểm)
Sức hấp dẫn của bài thơ “Tây Tiến”chủ yếu là ở cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa của nhà thơ Quang Dũng. Anh/ chị hãy phân tích đoạn thơ sau đây để làm rõ điều đó:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
(“Tây Tiến” – Quang Dũng- Sách Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. ĐỌC HIỂU
1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là phương thức nghị luận. (0.5)
2. Theo tác giả bài viết này, sự đoàn kết ở mức độ toàn cầu thể hiện ở việc chia sẻ những nguồn thông tin khoa
học đáng tin cậy, công khai minh bạch các thông tin vào dịch bệnh. (0.5)
3.
– Khẳng định“Sự vắng mặt của niềm tin và gắn kết toàn cầu sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan” là một ý kiến đúng (0,25 điểm)
– Lí giải một cách thuyết phục (0,75 điểm)
4. Thí sinh có thể trả lời: Tổng thư kí Liên hiệp quốc kêu gọi Các quốc gia cần đoàn kết lại và mọi người dân trên thế giới cần đoàn kết lại” bởi vì:
– COVID -19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu”( 0,25 điểm)
– Nhiều quốc gia không đủ năng lực chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả (0,25đ)
– Chỉ cần một nơi nào đó trên thế giới chưa chặn được dịch bệnh thì cả thế giới sẽ vẫn còn bị đe dọa (0,25đ)
– Diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn (0,25 đ)
II. LÀM VĂN
Câu 1. Trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của mỗi người công dân trong việc phòng chống đại dịch COVID -19 (2.0)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0.25)
(Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.(0.25)
c. Triển khai vấn đề nghị luận (1.0)
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ trách nhiệm của mỗi người công dân trong việc phòng chống đại dich COVID -19 . Có thể theo hướng sau:
– Mỗi cá nhân cần có ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh bằng cách tuân thủ “5 K” mọi lúc, mọi nơi.
– Không giấu diếm khi bản thân có khả năng bị lây hoặc có biểu hiện mắc bệnh, khai báo y tế kịp thời, đầy đủ, trung thực.
– Không tiếp tay cho những phần tử vượt biên giới hoặc nhập cảnh trái phép.
– Luôn cảnh giác và sẵn sàng tố cáo những hành vi , hoạt động làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
d. Chính tả, ngữ pháp: (0.25)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo (0.25)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Quang Trung. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !