TRƯỜNG THPT NGUYỄN CHÍ THANH
|
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
(Thời gian làm bài: 120 phút)
|
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong dòng đời vội vã có nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhưng đã là cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn có nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần chúng ta chia sẻ, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. Đó chính là sự cho và nhận trong cuộc đời này.
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.
Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình yêu thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi.
(Trích- Lời khuyên cuộc sống, nguồn Internet)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản (0,5 điểm)
Câu 2: Nội dung chính của đoạn văn bản là gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng “Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình”?(1,0 điểm)
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác” hay không? ”?(1,0 điểm)
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần đọc – hiểu: “Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi”
Câu 2(5,0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có những lần miêu tả dòng Sông Đà:
Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “ Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Nguyễn Tuân – Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp dòng Sông Đà trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: (0,5đ) Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2: (0,5đ) Nội dung chính: Bàn về mối quan hệ giữa cho và nhận của con người trong cuộc sống.
Câu 3: (1đ) Vì: đó là sự “cho” đi xuất phát từ tấm lòng, từ tình yêu thương thực sự, không vụ lợi, không tính toán hơn thiệt. Khi đó cái ta nhận lại sẽ là niềm vui, hạnh phúc thực sự.
Câu 4: (1đ)
– Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần có cách lí giải hợp lí, lôgich, đúng chuẩn mực
+ Đồng tình hoặc không đồng tình
+ Lí giải hợp lí, lôgich, đúng chuẩn mực.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ ) trình bày suy nghĩ về về ý kiến được nêu trong phần đọc-hiểu : “Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi”.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
– Mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
– Thí sinh lựa chọn các thao thác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
* Giải thích
– Cho: là sự san sẻ, giúp đỡ, quan tâm, yêu thương người khác xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng.
– Nhận: là sự đền ơn, là được đáp lại những điều tốt đẹp.
=> Câu nói nhấn mạnh mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống con người, đặc biệt là phải biết cho đi nhiều hơn.
* Bàn luận
– Con người cho đi nhiều sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp hơn. Cái cho đi đa dạng phong phú cả giá trị vật chất lẫn tinh thần.
– Cho đi một cách chân thành những gì tốt đẹp nhất mà không hề hi vọng nhận lại bạn đã đem đến niềm vui và hạnh phúc, giảm bớt sự khốn khó, bất hạnh cho người khác đồng thời đem đến sự thanh thản, hạnh phúc cho chính mình.
– Phê phán những con người sống ích kỉ, cá nhân, vụ lợi, chỉ mong đợi nhận được của người khác mà không hề biết cho đi.
* Bài học:
– Đây là lời khuyên về lối sống đẹp, biết yêu thương, sẻ chia.
– Cần luôn cố gắng rèn luyện hoàn thiện bản thân mình giàu có về vật chất và tinh thần để có thể cho đi nhiều hơn.
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Sau khi điện thoại Bphone – sản phẩm công nghệ đầu tiên của người Việt Nam được nhà sản xuất BKAV giới thiệu là “chiếc điện thoại thông minh”, “siêu phẩm hàng đầu thế giới”… thì đã gặp không ít những dư luận trái chiều, chính người Việt chê bai sản phẩm của người Việt. Thậm chí có người còn đưa ra trò đùa quái ác, cụ thể là có thành viên trên cộng đồng mạng, sau khi nói những lời lẽ mang tính chất dìm hàng Việt không thương tiếc, anh ta đã đăng tải lên Facebook hình ảnh hóa đơn xác nhận việc anh hủy đặt mua 5 chiếc Bphone (phiên bản Mạ vàng 24K-128 GB) trị giá tổng 112.045.000 VND như một “chiến tích” để đời. Không những vậy, người này còn kêu gọi nhiều người khác làm theo hành động của mình. Một thanh niên khác cũng coi việc đặt mua và hủy đơn hàng điện thoại Bphone là một trào lưu giải trí và cũng bày “kinh nghiệm” cho những ai muốn tham gia quấy phá sản phẩm của hãng BKAV.
Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng Bphone là niềm tự hào của người Việt Nam, nếu có điều kiện nên mua hàng Việt, thay vì chỉ trích hãy ủng hộ khuyến khích…
(Nguồn Internet)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chức năng của đoạn trích trên? (0,5đ)
Câu 2: Suy nghĩ của anh/chị về hành động “chọc phá” của một số người trong đoạn trích đó? (0,75đ)
Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của không ít người “Bphone là niềm tự hào của người Việt” không? Tại sao? (0,75đ)
Câu 4: Thông điệp gợi ra từ ý kiến: Nếu có điều kiện nên mua hàng Việt? (1,0đ)
II. LÀM VĂN ( 7 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ văn bản trong phần Đọc hiểu nói trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Văn hóa chỉ trích của người Việt.
Câu 2 ( 5.0 điểm)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói: “ Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước giản dị, gần gũi nhất. Đó là cách để đi vào lòng người, đồng thời cũng là cách để tôi đi con đường riêng của tôi không lặp lại người khác.”
Anh/chị hãy chỉ rõ con đường riêng của Nguyễn Khoa Điềm khi ông khắc hoạ hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ sau:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa”…
mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
(Đất Nước – Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.118 )
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. Đọc hiểu
Câu 1: Văn bản trên thuộc PCNN: Báo chí
Câu 2: Hành động “chọc phá” của một số người nói trên thể hiện: Sự kém cỏi về nhận thức, ích kỉ, đố kị ganh ghét với thành công của người khác và không có tinh thần tự tôn dân tộc.
Câu 3: Thí sinh có thể đồng tình hay không đồng tình.
– Nếu đồng tình với quan điểm trên, thì lí giải:Vì lần đầu tiên người Việt Nam mà đại diện là tập đoàn BKAV sản xuất ra được một sản phẩm công nghệ thông minh, có thể cạnh tranh được với các hãng điện thoại lớn hiện nay, cao hơn, nó cho thấy trí tuệ Việt Nam rất đáng tự hào, nếu biết khai thác Việt Nam sẽ là một quốc gia phát triển trong lĩnh vực công nghệ.
– Nếu không đồng tình thì phải có những lí giải hợp lí, thuyết phục.
Câu 4: Thông điệp gợi ra có thể là: Người Việt Nam hãy tích cực ủng hộ, khuyến khích cho Bphone cũng như hàng Việt nói chung. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước phát triển, để dân giàu nước mạnh, đó là thể hiện lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay.
II. Làm văn:
Câu 1
a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn nghị luận 200 chữ ( tổng – phân – hợp).
– Có đủ kết cấu của đoạn văn gồm: mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn.
+ Phần mở đoạn: Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
+ Phần phát triển đoạn: Triển khai được vấn đề nghị luận.
+ Phần kết đoạn: Rút ra được bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Văn hóa chỉ trích của người Việt
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục hiện tượng.
* Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan đến hiện tượng văn hóa chỉ trích của người Việt.
* Các câu phát triển đoạn:
– Giải thích:Văn hóa chỉ trích được hiểu là trình độ nhận thức, văn hóa của con người khi phê phán những khiếm khuyết, sai lầm của ai đó.
– Bàn luận: Thực trạng văn hóa chỉ trích của người Việt:
+ Một bộ phận người có học thức phê phán đúng lúc đúng chỗ, đúng mức độ,có cơ sở thuyết phục, thiện chí góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
+ Nhưng một bộ phận người Việt đặc biệt người Việt trẻ hiện nay có biểu hiện thái quá:Có cái nhìn phiến diện; Lời nói: thiếu văn hóa; Hành động: Chọc phá, gây thiệt hại và tổn thương cho người khác, xã hội…
– Nguyên nhân:
+ Do nhận thức kém, thiếu hiểu biết về các vấn đề của cuộc sống, của xã hội.
+ Thiếu một cái nhìn công tâm, khoa học và biện chứng khi nhìn nhận đánh giá sự việc hay con người.
– Hậu quả:
+ Chỉ trích thiếu văn hóa làm cho người bị chỉ trích bị tổn thương, thiếu niềm tin vào cuộc sống.
+ Làm thui chột ý chí và tài năng sáng tạo của con người.
+ Làm xấu hình ảnh Đất nước, con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế,
(Tuy nhiên, xã hội vẫn có hiện tượng một số người muốn nổi tiếng nhờ tai tiếng khiến dư luận bức xúc nên mọi sự chỉ trích không hoàn toàn sai)
– Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức hành động:
+ Chỉ trích là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội
+ Cần nâng cao văn hóa chỉ trích cho mỗi người…
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
—(Đáp án chi tiết những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người chỉ còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.
Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng. Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về. Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”. Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính: “Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?”. Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: “Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”.
Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: “Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước.”
Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những que củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng…
(Theo Quà tặng cuộc sống)
Câu 1. Kể tên các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên?
Câu 2. Người viết văn bản trên đã đặt các nhân vật vào một tình huống như thế nào? Ý nghĩa của cách tạo dựng tình huống đó?
Câu 3. Theo anh/chị, trong văn bản trên, có những nguyên nhân nào khiến cả sáu người chết cóng?
Câu 4. Hãy đặt tên cho văn bản.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên.
Câu 2 (5,0 điểm)
Nhận xét về bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có ý kiến cho rằng: Từ thượng nguồn dòng chảy đến lúc đổ ra biển sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình trọn vẹn.
Bằng việc cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương qua thủy trình của nó, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là: tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
Câu 2. Các nhân vật bị đặt vào một tình huống đặc biệt:
– Sáu người bị mắc kẹt vào một cái hang, thời tiết lạnh lẽo, khắc nghiệt, đống lửa duy nhất lại đang tàn dần trong khi đó mỗi người đều đang sở hữu một que củi.
– Ý nghĩa của tình huống: Tình huống có tính chất thử thách các nhân vật, qua đó tính cách các nhân vật bộc lộ rõ nét: tất cả đều hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỉ, thiếu tình yêu thương đồng loại, thiếu tinh thần đoàn kết…
Câu 3. Nguyên nhân khiến sáu người chết cóng:
– Trước hết là vì hoàn cảnh khắc nghiệt: cái lạnh của hang đá làm họ kiệt sức.
– Tuy nhiên, nếu các nhân vật biết cách chia sẻ thanh củi của mình thì có lẽ họ đã không chết cóng. Họ không chỉ chết vì cái lạnh của hang đá mà còn chết vì chính cái lạnh từ tâm hồn họ. Đó là sự phân biệt chủng tộc, sự kì thị tôn giáo, sự phân biệt giàu nghèo… Nói cách khác là do lối sống hẹp hòi, ích kỉ, thiếu tình yêu thương đồng loại, thiếu tinh thần đoàn kết cộng đồng trong hoàn cảnh thử thách.
Câu 4. Thí sinh có thể đặt nhiều tiêu đề khác nhau những cần ngắn gọn, phù hợp với nội dung văn bản và gây được ấn tượng.
Ví dụ: Nơi lạnh nhất…
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Thí sinh viết một đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là gợi ý:
– Cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên thể hiện lối sống cá nhân, ích kỉ, thiếu tình thương, thiếu tinh thần đoàn kết, nhất là trong hoàn cảnh thử thách. Chính cách hành xử và lối sống ấy đã đẩy họ đến kết cục bi thảm.
– Để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống thì ý chí, nghị lực của con người là chưa đủ, cần lắm tinh thần tập thể, ý thức đoàn kết cộng đồng, sự đồng cảm sẻ chia giữa người với người.
– Phê phán lối sống ích kỉ, định kiến, vô cảm.
Câu 2 (5,0 điểm)
a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận
– Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn gắn bó sâu sắc với Huế. Ông viết về Huế bằng tất cả tài năng và trái tim say đắm của mình.
– Ai dã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, năm 1981 in trong tập sách cùng tên. Với cái nhìn tình tứ của một nghệ sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả hành trình của sông Hương như một cuộc tìm kiếm người tình mong đợi, và từ thượng nguồn dòng chảy đến lúc đổ ra biển sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình trọn vẹn
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Sự quý giá của thời gian không phải là để giúp chúng ta có thể làm được những điều này, điều nọ… Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả! Vấn đề là chúng ta phải biết sống như thế nào để xứng đáng với giá trị thời gian ấy. Chúng ta lao động như một phương tiện để nuôi sống, nhưng bản thân sự lao động sáng tạo cũng chính là cuộc sống của chúng ta. Ngược lại, những giá trị vật chất được tạo ra luôn luôn có những giới hạn tạm bợ của nó, và rõ ràng không thể là mục đích cuối cùng để chúng ta nhắm đến. Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.
(…) Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi chúng ta ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.
(…) Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, hoặc một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm… Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.
(Nguyên Minh – Thời gian là vốn quý)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói sau: Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả!
Câu 3.
Theo anh/chị vì sao tác giả lại cho rằng: Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt?
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ra ở phần đọc hiểu: Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc.
Câu 2 (5,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Nổi bật trong tác phẩm “Rừng xà nu” của tác giả Nguyễn Trung Thành là hình tượng cây xà nu, đây là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mỹ.
Anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. Gợi ý: “Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả! ” có thể hiểu là:
– Những điều này nọ khiến chúng ta quay cuồng trong suốt một đời có thể là áp lực từ học hành, từ công việc, từ những lo toan về cuộc sống vật chất, những mối quan hệ xã hội…. tất cả làm cho chúng ta luôn vội vàng, tất bật. Đôi khi chúng ta quên mất thời gian dành cho chính bản thân mình.
– Tuy nhiên, cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả vì giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống. Nếu cứ để những lo toan, bận bịu, áp lực của cuộc sống đeo bám, dần dần chúng sẽ bào mòn, rút cạn sức sống làm cho chúng ta cảm thấy ngột ngạt, trống rỗng và mơ hồ về cuộc sống: không biết mình đang sống vì điều gì, đâu mới là hạnh phúc thật sự đối với mình?
=> Vì thế, đừng để cuộc sống hối hả cuốn ta vào vòng quay chóng mặt của nó, mỗi người cần có những khoảng ngừng lặng để được tận hưởng cuộc sống với ý nghĩa đích thực của nó.
Câu 3: Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì:
– Những giá trị vật chất như tiền bạc, những tiện nghi trong cuộc sống sinh hoạt (nhà cửa, xe cộ, quần áo, các thiết bị điện tử…) quả là rất cần thiết vì nó nâng cao chất lượng sống cho con người và thúc đẩy xã hội phát triển.
– Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta sẽ dần bị những ham muốn bản năng, những lợi ích trước mắt làm cho tha hóa, trở nên thực dụng, xa rời những mục tiêu, lí tưởng cao đẹp. Có khi, vì những lợi ích vật chất mà con người đánh mất những mối quan hệ, những tình cảm lành mạnh, tốt đẹp với bạn bè, người thân; bị mọi người xa lánh, mãi sống trong cô độc. Nếu ai ai trong xã hội cũng đề cao giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần khác thì xã hội sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm.
Câu 4: Đoạn trích có nhiều thông điệp ý nghĩa về thời gian và cuộc sống. Thí sinh có thể chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân như:
– Cuộc sống vô cùng tươi đẹp, hãy biết tận hưởng nó trong từng khoảnh khắc.
– Đừng quá mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên nhiều điều quý giá khác.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Thí sinh viết một đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là gợi ý:
– Thời gian là thứ vô cùng quý giá vì mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời chúng ta là vĩnh viễn mất, không thể lấy lại.
– Trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian nghĩa là con người biết sống hết mình cho hiện tại, không chìm đắm trong quá khứ và mơ mộng về tương lai.
– Để từng khoảnh khắc không trôi đi vô nghĩa, cần phải làm gì?
+ Luôn sống ở tư thế chủ động, tích cực tham gia mọi hoạt động xung quanh để học hỏi, để tìm thấy niềm vui và những điều thú vị trong cuộc sống.
+ Biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh.
+ Dám dấn thân, trải nghiệm để chinh phục những thử thách.
– Phê phán những người không biết trân trọng thời gian, để cuộc sống trôi qua kẽ tay.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Mỗi chúng ta, dù là người lạc quan nhất – cũng hẳn đã từng ít nhất một lần cảm thấy bi quan và nhận ra rằng: Cuộc sống này, thật ra đầy rẫy những bất trắc và không may. Mỗi ngày, chỉ riêng việc mở Ti-vi lên và xem hàng tá những mẩu tin về thế giới đầy biến động, có lẽ cũng đủ làm cho chúng ta mất đi đôi chút sự lạc quan. Bước chân ra khỏi nhà, chúng ta lại buộc mình lao vào một cuộc chiến khốc liệt, với những xung đột, những vất vả, những đua tranh vô hình với xã hội, những gánh nặng của chính bản thân.
Bạn chẳng thể làm được gì đâu, những điều bất trắc và vất vả không như ý này vốn đã là một phần chẳng thể gạt bỏ của cuộc sống. Bạn sẽ luôn gặp phải chúng trên con đường của mình mà chẳng thể nào bẻ ngoặt lái đi để trốn tránh. Con người trở thành những tờ giấy thấm, dễ dàng hút về mình những tiêu cực và xấu xí của đời sống hiện đại xung quanh, từng chút từng chút, chúng thấm vào và khiến bạn cảm thấy chỉ thở thôi cũng nặng nề, cuộc sống qua đôi mắt thật xám xịt và chẳng có gì hay ho.
Chúng tôi cảm thấy rằng, chính giữa những guồng quay hối hả, khắc nghiệt của đời sống hiện đại, giữa việc chúng ta luôn phải lao về phía trước với một nỗi sợ bị thất bại, sợ bị thụt lùi, sợ gặp những điều bất trắc. Chúng ta kiệt sức, hụt hơi và luôn phải gồng gánh. Khi nghĩ đến đấy, chúng tôi nhận ra: “Bình tĩnh sống” chính là cái thái độ sống mà chúng ta đang thiếu, một thông điệp cần thiết để xoa dịu những tâm hồn đang mệt nhoài.
Câu 1. Chỉ ra và nêu tác dụng 01 biện pháp tu từ cú pháp trong câu: Bước chân ra khỏi nhà, chúng ta lại buộc mình lao vào một cuộc chiến khốc liệt, với những xung đột, những vất vả, những đua tranh vô hình với xã hội, những gánh nặng của chính bản thân. (0,5đ)
Câu 2. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: Bạn chẳng thể làm được gì đâu, những điều bất trắc và vất vả không như ý này vốn đã là một phần chẳng thể gạt bỏ của cuộc sống. (0,5đ)
Câu 3. Theo anh/ chị, cần phải làm gì để xoa dịu những tâm hồn đang mệt nhoài được nêu trong văn bản? (1đ)
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: Con người trở thành những tờ giấy thấm, dễ dàng hút về mình những tiêu cực và xấu xí của đời sống hiện đại xung quanh hay không ? (1đ)
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa thông điệp “Bình tĩnh sống” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !