TRƯỜNG THPT DIÊN HỒNG
|
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
(Thời gian làm bài: 120 phút)
|
I. ĐỌC – HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4.
(1) Vụ chiếc tàu Titanic bị chìm ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương đêm 15- 4 – 1912 làm hơn 1500 người thiệt mạng đã không ngừng làm đề tài cho bao tác phẩm văn chương nghệ thuật. Titanic có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ. Nhưng cái vĩ đại mà con người tưởng mình có thể đạt được trong tiến bộ khoa học kĩ thuật ấy không là gì trước sức mạnh thiên nhiên.
(2) Sau khi chiếc tàu vĩ đại ấy bị đắm, một tờ báo xuất bản ở Anh đã đăng kề nhau hai bức ảnh minh họa có nội dung như sau: Trong bức ảnh thứ nhất, người ta thấy chiếc tàu chạm vào tảng băng, bên dưới có dòng chữ: “Sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên”. Còn bức ảnh thứ hai, người ta lại thấy một người đàn ông nhường chiếc phao cấp cứu của mình cho người đàn bà đang bế con trên tay. Lần này bức ảnh được chú thích bằng dòng chữ: “ Sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người.”
(3) Sức mạnh, sự vĩ đại đích thực của con người hẳn không nằm trong khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, mà chính là trong khả năng chế ngự được bản thân, vượt thắng sự ích kỷ. Mahatma Gandhi, người giành độc lập cho Ấn Độ bằng cuộc đấu tranh bất bạo động, đã nói: “Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu.”
(Tương quan, Phép màu nhiệm của đời, NXB trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004, tr. 72-73)
Câu 1. Theo văn bản, Titanic đặt tên như thế cho con tàu con người muốn nói lên điều gì? ( 0,5đ) ( NB)
Câu 2. Văn bản có 3 đoạn, hãy nêu nội dung của đoạn (2) ? ( 0,5đ)
Câu 3. Theo anh/ chị, thông điệp sâu sắc nhất của văn bản trên là gì? (1,0đ)
Câu 4. Anh/ chị hiểu như thế nào về “sức mạnh của con người” trong dòng chữ chú thích dưới bức ảnh thứ hai? (1,0đ)
II. PHẦN LÀM VĂN: ( 7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau: “ Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu thương.”
Câu 2. (5,0 điểm)
Cho hai đoạn thơ sau:
– Mình đi,có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ , những mây cùng mù ?
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai ?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son …
Và đoạn:
– Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu – Ngữ văn 12, Tập một)
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng người đi, kẻ ở và nhận xét tính dân tộc đậm đà trong hai đoạn thơ trên.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1: “Titanic” có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào thời bấy giờ.
Câu 2: Nội dung đoạn (2) kể về hai bức ảnh minh họa và lời chú thích được đăng trên tờ báo xuất bản ở Anh sau vụ đắm tàu.
Câu 3: Có thể lựa chọn 1 trong những thông điệp sau:
– Tiến bộ khoa học giúp con người chinh phục thiên nhiên nhưng không thể chế ngự được nó, sức mạnh của con người không là gì trước sức mạnh của tự nhiên.
– Thiên nhiên có thể phá hủy những công trình vĩ đại con người làm ra nhưng không thể hủy diệt được sức mạnh tinh thần, sức mạnh tình yêu nơi con người.
Câu 4: “Sức mạnh của con người” trong dòng chữ chú thích dưới bức ảnh thứ hai có thể hiểu là sức mạnh của lòng vị tha, tình yêu thương, của sự vượt thắng bản năng để nhường cơ hội sống cho người khác.
—(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :
TỰ SỰ
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho hạt nảy mầm
Nhưng chồi tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta?
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc giống như bầu trời này vậy
Có khi nào giành chỉ cho riêng ta.
(Lưu Quang Vũ)
Câu 1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ?
Câu 2. Nêu biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ cuối .
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về hai dòng thơ :
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận được ra ta?
Câu 4. Văn bản trên đem đến cho anh/chị những nhận thức gì?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người .
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả nhân vật Mị gắn với căn buồng có chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay:
– Lần thứ nhất: “Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”
– Lần thứ hai: “Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi… ”.
(Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2007, tr.6 và tr.7)
Phân tích hình ảnh nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ cuối: So sánh
Câu 3: Hai dòng thơ trên có thể hiểu là: Cuộc sống quá bằng phẳng, không có khó khăn,trở ngại con người sẽ không nỗ lực hết mình , không có cơ có cơ hội để thể hiện ,khám phá hết hết năng lực tiềm ẩn của của bản thân , không hiểu hết những điểm mạnh điểm yếu của mình. Con người có trải qua thử thách thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành.
Câu 4: Qua văn bản trên có thể cho ta thấy được:
– Biết nâng niu, trân trọng từ những cái nhỏ bé trong cuộc sống .
– Con người có trải qua thử thách mới trưởng thành.
– Muốn đạt đến đích , muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Gợi ý làm bài
Có thể viết theo những hướng sau:
– Hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người là chặng đường dài hướng đến nhiều những mục tiêu, mục đích có ý nghĩa tích cực với giá trị nhân văn cao đẹp.
– Đó là hành trình đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, vấp ngã , thất bại… con người phải tự thân, nỗ lực để vượt qua và chinh phục đích đến không dự dẫm , ỷ lại …
– Mỗi người cần sống có lí tưởng,. Đó là động lực thôi thúc con người luôn rèn luyện , trau dồi trang bị về kiến thức, kĩ năng sống , nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc……
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
…Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.
(Trích Tuổi trẻ.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)
Câu 1. Chỉ ra tác dụng của bản lĩnh sống được nêu trong đoạn trích. (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, những cách thức nào giúp bạn xây dựng được bản lĩnh sống? (0.5 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả lại cho rằng: “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích của cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”? (1.0 điểm)
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm “Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào bản lĩnh” không? Vì sao?(1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết bài văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: Bản lĩnh sống
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong tác phẩm Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả về cây xà nu:
– Mở đầu tác phẩm: Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
– Cuối tác phẩm: Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.
Ba người đứng đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
Cảm nhận của anh chị về hình tượng cây xà nu qua hai lần miêu tả trên. Từ đó làm nổi bật ý nghĩa biểu tượng của cây xà nu.
(Nguyễn Trung Thành – Rừng xà nu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 38 và 48)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Tác dụng của bản lĩnh sống: vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh
Câu 2: Theo tác giả, cách thức xây dựng bản lĩnh sống là: Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn.
Câu 3: Vì:
– Có bản lĩnh mới thực hiện được mục đích, ước mơ, hoài bão… Đó là chìa khóa để thành công trong cuộc sống.
– Có bản lĩnh sẽ góp phần bảo vệ và giúp đỡ những người xung quanh, mang lại niềm tự hào, hạnh phúc cho người thân, gia đình và xã hội
Câu 4: Thí sinh đưa ra quan điểm riêng của mình: đồng tình hay không đồng tình và đưa ra lý lẽ thuyết phục
Ví dụ:
– Đồng ý. Vì, bản lĩnh là một trong những tiêu chí để đánh giá một người mạnh hay yếu, thành công hay thất bại, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống hay không…
– Không đồng ý. Vì, bên cạnh bản lĩnh, muốn đánh giá một người mạnh hay yếu, thành công hay thất bại còn phải phụ thuộc vào năng lực, sở trường, sở thích, cơ hội, sự may mắn….
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Mỗi chúng ta trong cuộc đời của mình sẽ gặp muôn vàn những khó khăn thử thách. Những lúc như vậy, nếu chúng ta bình tĩnh xử lý, kiên cường nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn thì chúng ta được xem là người có bản lĩnh. Ngược lại, nếu chúng ta bỏ cuộc nhanh chóng buông xuôi đầu hàng số phận thì chúng ta là người thiếu ý chí, thiếu bản lĩnh.
Vậy bản lĩnh sống của con người là gì? Nó chính là thái độ sống, khả năng ứng biến của con người trước những hoàn cảnh khó khăn, thử thách của cuộc sống. Người có bản lĩnh sống là người dù trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, kiên cường, nỗ lực hết sức mình để chèo lái con thuyền của đời mình đi đúng hướng, đi theo con đường tích cực, đúng pháp luật, chuẩn mực đạo đức, chứ không buông xuôi, bỏ mặc cho muốn ra sao thì ra, hoặc thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để tìm lối thoát cho riêng mình còn mặc kệ người khác chịu thiệt thòi cay đắng.
Chúng ta khi còn nhỏ được bố mẹ nuôi dưỡng che chở, nhưng khi trưởng thành khôn lớn chúng ta phải rời khỏi vòng tay cha mẹ. Khi một mình bước đi trên con đường đời của mình sẽ có những lúc chúng ta gặp những khó khăn thử thách, những cám dỗ trong cuộc sống khiến chúng ta cảm thấy lôi cuốn hấp dẫn. Những lúc đó, nếu con người đủ bản lĩnh sẽ không dễ bị cám dỗ, tha hóa biến chất, không dễ bị lôi cuốn bởi thói hư tật xấu, biến chúng ta thành người tha hóa, hư hỏng làm buồn lòng thầy cô cha mẹ.
Bản lĩnh sống của chúng ta cần phải được phát huy đúng lúc. Nếu như có ai đó rủ chúng ta bỏ học đi chơi thì chúng ta phải biết cách từ chối đó chính là bản lĩnh sống. Bản lĩnh sống đôi khi là khả năng dám nghĩ dám làm của một con người. Khi chúng ta có ước mơ hoài bão, chúng ta có thể nỗ lực theo đuổi ước mơ của chính mình để hiện thực hóa ước mơ của mình đó cũng chính là bản lĩnh sống.
Trước một tập thể toàn những người sai trái, nếu chúng ta dám tố cáo những điều sai thì đó cũng là bản lĩnh. Giống như việc chúng ta đi đường gặp người móc túi của người khác nếu có bản lĩnh chúng ta sẽ hô hoán để mọi người cùng xúm lại bắt tên móc túi. Nhưng có nhiều người lại chọn cách im lặng vì cho rằng chẳng liên quan tới mình. Tên móc túi móc của người khác có móc túi mình đâu, kêu lên nhỡ nó trả thù mình thì lại mang họa.
Bản lĩnh sống sẽ giúp chúng ta có những quyết định sáng suốt tích cực, không thỏa hiệp dung túng bao che cho điều xấu. Chúng ta sẽ biết bênh vực bảo vệ cho sự chính nghĩa, cho những điều tích cực của cuộc sống. Có như thế cuộc sống này mới phát huy những điều tốt đẹp.
Là một học sinh bản lĩnh sống của chúng ta là việc nói không với gian lận, quay cóp trong thi cử dù thầy cô có người dễ người khó. Nhưng ngay cả khi có cơ hội gian lận chúng ta cũng không làm như vậy thì đó chính là bản lĩnh của một người học sinh.
Bản lĩnh sống của con người không phải dễ dàng có được trong ngày một ngày hai mà nó cần có một quá trình rèn luyện một cách lâu dài theo thời gian, qua từng sự việc cụ thể, từ đó chúng ta rèn cho mình cách sống có bản lĩnh tự lập trong cuộc sống.
Khi chúng ta có bản lĩnh sống vững vàng chúng ta có thể làm chủ bản thân trước những khó khăn thử thách của cuộc sống, dám nghĩ dám làm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, những thứ tiêu cực tồn tại trong xã hội. Những người sống bản lĩnh luôn được người khác tôn trọng, yêu quý và kính nể là tấm gương sáng để người khác trông vào noi theo.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“14.7
Hôm nay là ngày sinh của ba, mình nhớ lại ngày đó giữa bom rơi đạn nổ. Mới hôm qua một tràng pháo bất ngờ đã giết chết năm người và làm bị thương hai người. Mình cũng nằm trong làn đạn lửa của những trái pháo cực nặng ấy. Mọi người còn chưa qua cái ngạc nhiên lo sợ. Vậy mà mình vẫn như xưa nay, nhớ thương, lo lắng và say tự đè nặng trong lòng. Ba má và các em yêu thương, ở ngoài đó ba má và các em làm sao thấy hết được cuộc sống ở đây. Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.”
(Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2016, tr.160)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Những từ ngữ, hình ảnh nào trong đoạn trích thể hiện sự ác liệt của chiến tranh?
Câu 2. Trong đoạn trích, nỗi nhớ thương của người viết hướng đến những ai? Tình cảm đó cho thấy tác giả nhật ký là người như thế nào?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn sau: “Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm.”
Câu 4. Suy nghĩ của anh/chị về dòng tâm sự của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm: “Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc.”
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung được gợi ra ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về thế hệ thanh niên trong những tháng năm “bom rơi đạn nổ”.
Câu 2 (5.0 điểm)
Về bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến nhận xét: Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao lại vừa thân thương, gần gũi. Anh/chị hãy phân tích hai đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên:
“…Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Ôi con sông nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.155)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Những từ ngữ hình ảnh thể hiện sự ác liệt của chiến tranh:
– Bom rơi đạn nổ.
– Một tràng pháo bất ngờ giết chết năm người và làm bị thương hai người.
– Mình cũng nằm trong làn đạn lửa của những trái pháo cực nặng ấy.
– Chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm.
Câu 2
– Nỗi nhớ thương của người viết hướng đến ba má và các em, những người đã hi sinh xương máu Tổ quốc và hướng tới chính cả bản thân mình.
– Tình cảm đó cho thấy tác giả nhật ký là một người giàu tình cảm, suy tư và dũng cảm hi sinh vì độc lập của Tổ quốc.
Câu 3
– Biện pháp tu từ so sánh: “Chết chóc còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”.
– Tác dụng: Nhấn mạnh sự ác liệt của chiến tranh, cho thấy nguy hiểm luôn rình rập xung quanh, từng giờ từng khắc có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Qua đó cũng lên án sự dã man, tàn bạo của chiến tranh.
Câu 4
Dòng tâm sự của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho thấy:
– Nữ liệt sĩ chấp nhận cái chết, thậm chí tự hào vì được đứng trong hàng ngũ chiến đấu bảo vệ 1 quốc, vì ngày mai của dân tộc.
– Vượt qua nỗi sợ về cái chết, đó là sự vươn lên, noi gương những người đi trước, kiên cường dũng cảm để bền chí chiến đấu.
=> Qua đây ta thêm khâm phục và biết ơn những người chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, 1 tâm sự này cũng như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta trong hôm nay: được sống ở thời bìn không còn phải nghe tiếng bom rơi đạn nổ, có nhiều điều kiện để phát triển và dựng xây Tổ quốc, vậy hãy sống làm sao cho xứng đánh với thế hệ cha anh, đừng “sống hoài, sống phí”.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Xác định vấn đề: Thế hệ thanh niên trong những năm “bom rơi đạn nổ” là thế hệ thanh niên trong thời kì chiến tranh, là một thế hệ thanh niên anh dũng của Tổ quốc.
b. Phân tích vấn đề
* Biểu hiện: Những đặc điểm miêu tả và thể hiện tinh thần của thanh niên trên đoạn trích trên
– Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm
– bền gan chiến đấu.
– ngã xuống vì ngày mai của dân tộc.
– không có con đâu
– tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.
=> Những thanh niên trẻ trung, tràn đầy sức sống và nghị lực, khi tổ quốc vẫy gọi họ tham chiến bằng tấm lòng nhiệt huyết, trẻ trung, lạc quan.
=> Đều hướng tới lý tưởng chung “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
* Suy nghĩ và bình luận
– Thế hệ trẻ đó đều là những con người dũng cảm, họ không ngại cuộc sống gian khổ, thậm chí phải đối mặt với cái chết cũng không hề chùn bước.
– Liên hệ bản thân
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
”… Đã đến lúc chúng ta cần phải đối diện với sự thật rằng, im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác. Đã đến lúc chúng ta không thể trốn tránh được thực tế nghiệt ngã rằng im lặng có thể cho ta sự yên ổn tạm thời, nhưng dần dần nó sẽ xói mòn lương tâm, làm thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta. Sự yên ổn ấy, đáng tiếc thay chắc chắn sẽ không kéo dài lâu. Nó sẽ mau chóng qua đi và trả lại cho ta những mất mát, tổn thương với cấp số nhân so với chút yên bình giả tạo.
Phá vỡ thói quen im lặng là một quá trình đấu tranh dai dẳng và khắc nghiệt trong bản thân mỗi chúng ta. Hãy bắt đầu bằng việc lục vấn bản thân mỗi khi rằn lòng im lặng trước cái sai. Hãy kiên trì tìm đáp án cho câu hỏi “cái sai ấy, nếu mãi tồn tại, sẽ dẫn chúng ta về đâu?”. Hãy thử đặt câu hỏi liệu có một ngày nào đó, sự im lặng khiến chúng ta hay những người thân của chúng ta trở thành nạn nhân của một quyết định sai lầm nào đó được nuôi dưỡng bởi chính sự im lặng của chúng ta? Hãy thử mường tượng đáng nhẽ viễn cảnh đó sẽ không xảy ra nếu sự im lặng của chúng ta được thay thế bằng những góp ý, việc làm cụ thể.
Hãy bắt đầu phá vỡ thói quen im lặng bằng những lời nói, việc làm cụ thể để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những sự thật mà trái tim bạn luôn gọi tên. Hãy bắt đầu từ việc ca ngợi những giá trị tốt đẹp, cốt lõi, hướng thiện được hun đúc bởi cả cộng đồng, được rèn trải qua nhiều thế hệ. Hãy bắt đầu bằng việc lên tiếng bảo vệ, đứng về phía những người/nhóm người thiệt thòi, yếu thế. Hãy đấu tranh, phản biện lại mọi hình thức kì thị, phân biệt đối xử, góp phần đem lại sự công bằng, sự thừa nhận của cộng đồng.”
(Sự tàn nhẫn của im lặng, Nguyễn Công Thảo, http://dienngon,vn)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra tác hại của sự im lặng trước cái sai được nêu trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, để phá vỡ thói quen im lặng” thì bản thân mỗi chúng ta cần phải làm gì?
Câu 3. Theo anh/chị, việc tác giả nhiều lần sử dụng từ ngữ “Hãy bắt đầu” góp phần mang lại hiệu quả nghệ thuật gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác” ? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong đấu tranh với những sai trái trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, vào buổi chiều tối hôm ấy, khi nhân vật Tràng đưa thị về nhà, Kim Lân đã miêu tả tâm trạng bà cụ Tứ: ”Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa, dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài”. Và sáng hôm sau, nhà văn Kim Lân miêu tả: ”Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”.
(Trích Vợ nhặt của Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 29 và trang 30-31).
Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Tác hại của sự im lặng trước cái sai được nêu trong đoạn trích: xói mòn lương tâm, làm thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta
Câu 2. Theo tác giả, để “phá vỡ thói quen im lặng” thì bản thân mỗi chúng ta cần phải:
Kiên trì tìm đáp án cho câu hỏi “cái sai ấy, nếu mãi tồn tại, sẽ dẫn chúng ta về đâu?” Bằng những lời nói, việc làm cụ thể để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những sự thật mà trái tim bạn luôn gọi tên. Ca ngợi những giá trị tốt đẹp, cốt lõi, hướng thiện, lên tiếng bảo vệ, đứng về phía những người/nhóm người thiệt thòi, yếu thế đấu tranh, phản biện lại mọi hình thức kì thị, phân biệt đối xử
Câu 3. Việc tác giả nhiều lần sử dụng từ ngữ “Hãy bắt đầu” góp phần mang lại hiệu quả nghệ thuật: nhấn mạnh ý nghĩa và cảm xúc, nâng cao khả năng biểu cảm, gợi hình cho lời văn để thể hiện rõ bản thân mỗi chúng ta cần làm gì để phá bỏ được thói quen im lặng.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Diên Hồng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !