1. Mô tả khái quát
– Đọc hiểu là một trong những năng lực cốt lõi, cần thiết cho việc tự học và học tập suốt đời. Do đó, phần thi này tập trung đánh giá kỹ năng đọc nhanh, hiểu đúng, cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
– Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, chủ yếu liên quan tới những chủ đề về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; có thể thí sinh đã được đọc hoặc cũng có thể là hoàn toàn mới, chưa bao giờ đọc đến. Chính vì vậy, thí sinh không phải ôn tập theo kiểu ghi nhớ, hay học thuộc lòng, không cần luyện các “mẹo” làm bài và nhất là không “học tử”.
– Độ khó của các câu hỏi thi được phân định theo 3 mức độ: Thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo.
– Phần thi đọc hiểu được thiết kế ở dạng trắc nghiệm, thời lượng 30 phút.
2. Nội dung
2.1 Cấu trúc phần đọc hiểu ĐGTD Đại học Bách Khoa Hà Nội
– Phần thi Đọc hiểu có thời lượng 30 phút nhằm đánh giá khả năng đọc nhanh và hiểu đúng các văn bản tiếng Việt kết hợp đánh giá khả năng sử dụng thông tin và phản hồi về những thông tin trong các văn bản viết thuộc các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ.
– Phần thi gồm 3 – 4 bài đọc, thuộc các lĩnh vực kể trên. Mỗi bài đọc sẽ có khoảng 800 – 1000 từ, có dạng những bài viết tổng quan hoặc phần kiến thức tương tự giáo trình đại học năm thứ nhất.
– Sau mỗi bài đọc sẽ có 7 – 10 câu hỏi để thí sinh trả lời. Những câu hỏi này kiểm tra việc hiểu và ghi nhớ các thông tin trong văn bản.
2.2 Cấu trúc chi tiết
a. Phần thi đọc hiểu kiểm tra ba nhóm kỹ năng
– Ý chính và ý chi tiết: Đọc văn bản để xác định chủ đề, nội dung chính; tóm tắt thông tin và nội dung một cách chính xác; hiểu các mối quan hệ (quan hệ so sánh, quan hệ nhân quả…), trên cơ sở đó đưa ra các suy luận logic và rút ra các
kết luận,…
– Văn phong và cấu trúc: Xác định nghĩa của từ và cụm từ, phân tích việc lựa chọn từ ngữ của tác giả; phân tích cấu trúc văn bản, các phương thức biểu đạt của văn bản; nhận diện các phương thức liên kết văn bản; giải thích việc sử dụng các biện pháp tu từ của tác giả,…
– Tích hợp kiến thức và ý tưởng: Hiểu được thông điệp của tác giả, phân biệt giữa sự kiện và quan điểm, tìm dẫn chứng để chứng minh quan hệ giữa các đoạn khác nhau của văn bản; phân tích cách tác giả xây dựng lập luận, đánh giá lập luận, xác định dẫn chứng từ các nguồn khác nhau, phân biệt giữa các nguồn thông tin và các quan điểm khác nhau,…
b. Các dạng câu hỏi trong bài thi
– Câu hỏi về ý chính (đại ý)
– Câu hỏi về chi tiết
– Câu hỏi về từ vựng trong ngữ cảnh
– Câu hỏi về lập luận và chức năng của đoạn
– Câu hỏi suy luận