Giải bài tập Sinh học 12 Bài 33: Sinh thái học phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh vật
Mở đầu trang 175 Sinh học 12: Hình dưới thể hiện các hoạt động nghiên cứu bảo tồn và trồng lại các rạn san hô. Em hãy giải thích tại sao con người cần phải bảo vệ các rạn san hô khỏi các tác động xấu từ môi trường và con người, đồng thời trồng lại nhiều rạn san hô đã bị chết hoặc suy thoái?
Lời giải:
Con người cần phải bảo vệ các rạn san hô khỏi các tác động xấu từ môi trường và con người, đồng thời trồng lại nhiều rạn san hô đã bị chết hoặc suy thoái vì:
– Các rạn san hô có vai trò quan trọng: đa dạng hệ sinh thái, làm đê chắn sóng khi có bão, bảo vệ ven bờ chống xói mòn, có vai trò trong hỗ trợ ngư nghiệp và du lịch,…
– Các rạn san hô ở Việt Nam có xu hướng bị suy thoái nên cần có các biện pháp quản lí, bảo tồn và phục hồi.
Dừng lại và suy ngẫm (trang 177)
Câu hỏi 1 trang 177 Sinh học 12: Em hiểu gì về khái niệm phục hồi sinh thái và khái niệm sinh thái bảo tồn?
Lời giải:
– Phục hồi sinh thái là các hoạt động có chủ đích nhằm khởi xướng hoặc thúc đẩy sự khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi sức khoẻ, tính toàn vẹn và tính bền vững của các hệ sinh thái đó.
– Sinh thái học bảo tồn là một nhánh của sinh thái học và sinh học tiến hoá, nhằm tìm cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm để bảo tồn các loài, môi trường sống, cảnh quan và các hệ sinh thái.
→ Sinh thái phục hồi và bảo tồn là khoa học ứng dụng nguyên lí của Sinh thái học để đạt được các mục tiêu của con người về bảo tồn và phục hồi sinh thái.
Câu hỏi 2 trang 177 Sinh học 12: Tại sao con người cần phục hồi các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh vật?
Lời giải:
Con người cần phục hồi các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh vật vì:
– Đa dạng sinh vật và các hệ sinh thái mang lại những giá trị to lớn đối với con người:
+ Các giá trị trực tiếp: cung cấp lương thực; thực phẩm; thuốc chữa bệnh; nguồn gene tạo giống vật nuôi, cây trồng; vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm đồ gia dụng; nguyên liệu dệt, nhuộm, thuộc da; tinh dầu; chất đốt; nguồn nước; khí thở;…
+ Các giá trị gián tiếp: tạo nên nơi sống của con người và muôn loài, nơi bảo vệ nguồn nước, đất đai; thụ phấn cho cây; tạo giống; điều hòa khí hậu; giảm nhẹ thiên tai; là nguồn cảm hứng của văn hoá, nghệ thuật; nơi học tập, nghiên cứu;…
– Các hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái nhanh chóng chủ yếu do tác động của con người.
Dừng lại và suy ngẫm (trang 179)
Câu hỏi 1 trang 179 Sinh học 12: Em hãy lấy hai ví dụ về cải tạo sinh học và gia tăng sinh học nhằm phục hồi sinh thái ở nước ta.
Lời giải:
– Ví dụ về cải tạo sinh học: Sau khi gặt xong, người nông dân thả vịt vào ruộng để chúng kiếm ăn và loại bỏ ốc bươu vàng trên đồng ruộng.
– Ví dụ về gia tăng sinh học: Trồng thêm các loài cây bản địa dưới tán rừng tái sinh nghèo để làm gia tăng tính đa dạng và giúp hệ sinh thái bền vững hơn.
Câu hỏi 2 trang 179 Sinh học 12: Giải thích tại sao nhiều loài không thể bảo tồn tại nơi nó đang sinh sống mà phải đưa vào các vườn thú, vườn thực vật hoặc trung tâm cứu hộ và chăm sóc động vật.
Lời giải:
Nhiều loài không thể bảo tồn tại nơi nó đang sinh sống mà phải đưa vào các vườn thú, vườn thực vật hoặc trung tâm cứu hộ và chăm sóc động vật vì nơi ở và các điều kiện sống của loài ngoài tự nhiên thay đổi bất lợi đến mức loài không thể tự tồn tại và phát triển; hoặc kích thước quần thể loài quá nhỏ, sức sống kém đến mức có khả năng suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng.
Luyện tập và vận dụng (trang 179)
Câu hỏi 1 trang 179 Sinh học 12: Em hãy tìm hiểu và giới thiệu một số loài sinh vật đang được bảo tồn chuyển vị ở nước ta.
Lời giải:
Một số loài sinh vật đang được bảo tồn chuyển vị ở nước ta:
– Hươu sao Việt Nam (Cervus nippon pseudaxix): là một loài hươu có nguồn gốc ở phần lớn Đông Á, sinh sống trong các rừng cây ôn đới và cận nhiệt đới. Mặc dù toàn bộ loài này đang phát triển mạnh, nhưng nó đang bị đe dọa và tuyệt chủng ở nhiều khu vực.
– Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea): Chà vá chân xám chỉ phân bố hẹp trên lãnh thổ Việt Nam gồm nam Trung bộ và Tây nguyên (từ Quảng Nam đến Gia Lai), ngoài ra không còn phân bố ở khu vực nào khác trên thế giới. Đến năm 2010, các nhà linh trưởng học thống kê chỉ còn dưới 1000 cá thể. Trong nghị định 32/2006/NĐ-CP của chính phủ, Chà vá chân xám được đưa vào danh sách nhóm IB: loài cấm tuyệt đối khai thác, săn bắt, buôn bán và sử dụng. Sách Đỏ Việt Nam năm 2010 xếp ở bậc nguy cấp – E (Endangered), Sách Đỏ thế giới (IUCN-Red List) năm 2010 xếp loại bậc Cực kỳ nguy cấp – CR (Critically endangered).
– Tê tê java (Manis javanica): Tê tê Java nằm trong danh mục loài cực kì nguy cấp theo chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) do một số lượng đáng kể các loài này đã bị buôn bán trái pháp luật trong vòng hai thập kỉ qua. Mặc dù khó xác định số lượng, ước tính quần thể hai loài này đã giảm 80 – 90% trong ba thập kỉ gần đây.
Câu hỏi 2 trang 179 Sinh học 12: Theo em, mỗi học sinh cần làm gì để góp phần bảo tồn và phục hồi sinh thái?
Lời giải:
Để góp phần bảo tồn và phục hồi sinh thái, mỗi học sinh cần phải:
– Nâng cao hiểu biết của bản thân về phục hồi và bảo tồn sinh thái.
– Tham gia các hoạt động bảo tồn, phục hồi sinh thái do nhà trường và các địa phương,… tổ chức.
– Tuyên truyền về bảo vệ và phục hồi sinh thái.
Câu hỏi 3 trang 179 Sinh học 12: Hãy giải thích tại sao con người đang nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên.
Lời giải:
Con người đang nỗ lực bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên vì:
– Các hệ sinh thái tự nhiên mang lại cho con người những giá trị to lớn: Các hệ sinh thái cung cấp cho con người nhiều sản phẩm vật chất (lương thực, thực phẩm, dược liệu, vật liệu,…) và các dịch vụ sinh thái (thủy điện, điều hòa và lọc nước, cải tạo đất,…).
– Các hệ sinh thái tự nhiên đanh bị suy thái nhanh chủ yếu do tác động của con người: Do ưu tiên các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội nên con người đã tác động quá mức làm các hệ sinh thái bị nhiễu loạn, hư hỏng, suy thoái và nặng nề nhất là bị phá hủy.
Xem thêm các bài giải bài tập Sinh học 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 30. Diễn thế sinh thái
Bài 31. Sinh quyển, khu sinh học và chu trình sinh – địa – hóa
Bài 32. Thực hành: Thiết kế một hệ sinh thái nhân tạo
Bài 33. Sinh thái học phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh vật
Bài 34. Phát triển bền vững
Bài 35. Dự án: Tìm hiểu thực trạng bảo tồn sinh thái tại địa phương và đề xuất giải pháp bảo tồn