TRƯỜNG THPT PHAN VĂN TRỊ
|
ĐỀ THI THỬ THPT QG
MÔN: NGỮ VĂN
NĂM HỌC: 2021-2022
(Thời gian làm bài: 120 phút)
|
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”
(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)
1. Văn bản trên thuộc thể thơ nào?
2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản?
3. Văn bản trên thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt?
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa cách sống ở thế chủ động của tuổi trẻ hôm nay.
Câu 2. (5.0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.89, 2015)
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
1.
– Thể thơ tự do.
2.
Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản: so sánh
– Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
– Óng tre ngà và mềm mại như tơ
– Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
– Như gió nước không thể nào nắm bắt
=> Tác dụng: hữu hình hóa vẻ đẹp của tiếng Việt bằng các hình ảnh, âm thanh; tiếng Việt đẹp bởi hình và thanh.
3.
– Văn bản trên thể hiện lòng yêu mến, thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
* Cách giải:
*Cách giải:
– Giải thích:
- “Chủ động” là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.
- “Sống ở thế chủ động” là hành động độc lập, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…
– Bàn luận:
- Cuộc sống luôn đặt tuổi trẻ vào những tình huống, thử thách phải chủ động tìm cách giải quyết;
- Sống chủ động khiến con người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt ứng xử trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;
- Tuổi trẻ chủ động sẽ không ngừng tạo được cơ hội mới khẳng định bản thân, đạt được thành công;
- Xã hội có nhiều cá nhân sống chủ động sẽ tạo ra một bầu không khí dám nghĩ, dám làm, nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống.
– Cần phê phán những bạn trẻ sống dựa dẫm, thiếu tự tin, thụ động: Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.
– Liên hệ bản thân
Câu 2:
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
– Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô (1986).
b. Phân tích đoạn thơ:
* Ngoại hình (bi thương): được khắc hoạ bằng một nét vẽ rất gân guốc, lạ hoá nhưng lại được bắt nguồn từ hiện thực:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
– Không mọc tóc, quân xanh màu lá đều là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp mà người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những người lính Tây Tiến trở về, đoàn quân tử vong vì sốt rét rừng nhiều hơn là vì đánh trận bởi rừng thiêng nước độc mà thuốc men không có.
– Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm (hào hùng):
- Đoàn binh gợi lên sự mạnh mẽ lạ thường của “Quân đi điệp điệp trùng trùng” (Tố Hữu), của “tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (ba quân mạnh như hổ báo nuốt trôi trâu) (Phạm Ngũ Lão).
- Dữ oai hùm là khí phách, tinh thần của đoàn quân ấy, như mang oai linh của chúa sơn lâm rừng thẳm
- Mắt trừng là chi tiết cực tả sự giận dữ, phẫn nộ, sôi sục hướng về nhiệm vụ chiến đấu.
* Thế giới tâm hồn đầy mộng mơ thể hiện qua nỗi nhớ (lãng mạn):
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
– Những người lính Tây Tiến không phải là những người khổng lồ không tim, bên trong cái vẻ oai hùng, dữ dằn của họ là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành, là cái đẹp hội tụ sắc nước hương trời. Những giấc mơ mang hình dáng kiều thơm đã trở thành động lực để giúp người lính vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; đã thúc giục họ tiến lên phía trước; và cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về.
* Lí tưởng, khát vọng:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
– Câu thơ thứ nhất nếu tách ra khỏi đoạn thơ sẽ là một bức tranh hết sức ảm đạm:
+ Rải rác đây đó nơi biên cương của Tổ quốc, nơi rừng hoang lạnh lẽo xa xôi là những nấm mồ vô danh không một vòng hoa, không một nén hương tưởng niệm. Hai chữ “rải rác” gợi vẻ hiu hắt, quạnh quẽ thật ảm đạm và thê lương.
+ Trong một câu thơ mà tác giả sử dụng tới hai từ Hán Việt biên cương, viễn xứ mang màu sắc trang trọng cổ kính như để bao bọc cho những nấm mồ xa xứ ấy một bầu không khí thiêng liêng đượm vẻ ngậm ngùi, thành kính.
+ Mặc dù khung cảnh ấy hàng ngày vẫn trải ra trên các cung đường hành quân của người lính nhưng nó không đủ sức làm các anh nản chí sờn lòng, mà trái lại càng nung nấu quyết tâm “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
+ Đời xanh là tuổi trẻ, là bao mơ ước, khát vọng đang ở phía trước. Nhưng không gì quý hơn Tổ quốc, không có tình yêu nào cao hơn tình yêu Tổ quốc. Nên hai chữ “chẳng tiếc” vang lên thật quyết liệt, dứt khoát như một lời thề chém đá.
* Đoạn thơ khép lại bằng sự hi sinh của họ:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
– Thế nhưng tác giả đã cố gắng làm giảm đi tính chất bi thương của những mất mát:
+ Áo bào (áo mặc ngoài của các vị tướng thời xưa) đã khiến họ trở thành những chiến tướng sang trọng.
+ Về đất là cách nói giảm nói tránh, cái chết lại là sự tựu nghĩa của những người anh hùng, thanh thản và vô tư sau khi đã làm tròn nhiệm vụ (liên hệ câu thơ của Tố Hữu: Thanh thản chết như cày xong thửa ruộng…)
—(Để xem tiếp đáp án Câu 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trung thực rất tinh tế và khó phân biệt qua lời nói hay hành động. Đôi khi đức tính trung thực bị xem là đã “lỗi thời”, chỉ còn trên sách vở, không thực tế hoặc chẳng hay ho gì để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trung thực là yếu tố căn bản để có sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh. Trước đây, tôi từng cho rằng bình an là giá trị quan trọng nhất, nhưng giờ tôi thấy trung thực mới chính là nền tảng của tất cả giá trị khác.
Gần đây tôi có gặp một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, có ba người con rất đáng yêu. Giỏi giang, thông minh và giàu có nhưng chị tâm sự chị không hài lòng chút nào về bản thân. Chị luôn so sánh mình với hai người chị dâu, là những nữ doanh nhân cực kì sắc sảo và thành đạt. Chị đánh giá mình chỉ là một người phụ nữ vô tích sự, chẳng làm được trò trống gì, đã thế lại còn thất nghiệp. Thực ra, chị đã không trung thực với chính mình khi chỉ nhìn vào những điểm mạnh của những người chị dâu, và đánh giá họ hoàn toàn dựa trên những cái mình không có. Trung thực trong lòng giúp ta đánh giá lại mình một cách chính xác và thực tế: biết và đánh giá cao ưu điểm của mình bên cạnh việc nhận ra nhược điểm của bản thân.
(Trích Lăng kính tâm hồn – Trish Summerfield, NXB Tổng hợp tp Hồ Chí Mimh)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Trong văn bản, tác giả đã chỉ ra sai lầm nào của người phụ nữ khi nhận thức về bản thân?
Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến: Trung thực là yếu tố căn bản để có được sự bình an trong tâm trí, là nền tảng cho sự tự do nội tâm và mối quan hệ lành mạnh?
Câu 4. Anh /chị có đống tình với quan niệm: Thiếu sự trung thực với chính mình sẽ đồng nghĩa với việc nhận thức sai về bản thân không? Vì sao?
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ ý nghĩa của đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của lòng trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biếu đạt chính: Nghị luận
Câu 2: Sai lầm của người phụ nữ: không trung thực với chính mình chỉ toàn nhìn vào điểm mạnh của người chị dâu, và đánh giá họ dựa trên những cái mình không có.
Câu 3: Thông hiểu
* Yêu cầu: HS viết thành đoạn văn, trình bày được các ý sau:
– Trung thực là yếu tố quan trọng để mỗi người nhận thức đúng về mình.
– Câu nói đề cao tầm quan trọng sự trung thực với chính mình.
Câu 4: Vận dụng
* Yêu cầu: Viết đoạn văn ngắn
* Nội dung: đảm bảo các ý cơ bản sau:
– Đồng tình/ không đồng tình: HS có thể trình bày ý kiến cá nhân, sẽ nghiêng về đồng tình.
– Lí giải vì: Không tự tin thừa nhận ưu điểm, không dám đối diện với khuyết điểm của bản thân
=> Không đánh giá đúng bản thân mình
– Liên hệ: (những năm gần đây, trong đáp án thường cho điểm phần này)
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm)
Yêu cầu: Đây là dạng đặc biệt của NLXH
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: 200 chữ
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: giá trị của lòng trung thực trong mối quan hệ với chính mình và với người khác.
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn:
* Giải thích khái niệm: Trung thực là một giá trị sống và là phẩm chất cần thiết của con người. Trung thực là luôn nói đúng sự thật, không có mâu thuẫn trong suy nghĩ, lời nói và hành động tạo nên sự hài hòa thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và suy nghĩ bên trong.
* Bàn luận:
– Trung thực với bản thân:
+ Giúp con người thấy lòng thanh thản
+ Tạo nên những mối quan hệ tốt đẹp
+ Nhận thức đúng về bản thân. Không đánh giá quá cao hoặc quá thấp về giá trị của bản thân.
– Trung thực với người khác:
+ Đánh giá đúng về người khác
+ Giúp họ sống tốt hơn, phát huy những thế mạnh, giúp họ nhận thức, sữa chữa khuyết điểm, hoàn thiện mình.
+ Có thể lấy dẫn chứng: những bệnh nhân mắc covid19 không trung thực trong việc khai báo…
* Bài học nhận thức và liên hệ:
– Trung thực giúp xây dựng xã hội công bằng, phát triển và nhân văn.
– Liên hệ bản thân: luôn sống trung thực…
—(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC HIỂU: (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Làm được một việc tốt quả là không dễ dàng, vì vậy cả đời làm việc tốt chứ không làm việc xấu, điều đó thật càng khó khăn. Một con người có thể làm được điều đó hay không còn tuỳ thuộc vào tố chất tổng hợp của cá nhân con người đó. Con người có tri thức, có kỹ năng sống cơ bản là sẽ làm được việc, nhưng không phải vì thế mà sẽ làm được việc tốt. Một người có thể làm được những việc tốt, những việc có lợi cho mọi người hay không, điều quan trọng là phải xem người đó có lý tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt và thói quen hành vi tốt hay không. Vì thế, gốc rễ của chân lý làm việc tốt chứ không làm việc xấu là ở việc biết sống làm người.
(Cha mẹ tốt, con cái tốt, Dương Minh Hào, NXB GD Việt Nam, 2010)
1. Tìm câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản trên. (0,5 điểm)
2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
3. Theo tác giả của đoạn trích trên, một người làm được những việc tốt sẽ được đánh giá là người như thế nào? (1,0 điểm)
4. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm: biết sống làm người là biết làm việc tốt. (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN: (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.
Câu 2 (5,0 điểm)
Anh/chị hãy nêu cảm nhận về đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên mam điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trông dòng nước lũ hoa đong đưa.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
1.
– Câu chủ đề của đoạn trích: Vì thế, gốc rễ của chân lý làm việc tốt chứ không làm việc xấu là ở việc biết sống làm người.
2.
– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
3.
– Theo tác giả, một người làm được những việc tốt sẽ được đánh giá là con người có lý tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt và có thói quen hành vi tốt.
4.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng phải hướng vào các ý cơ bản sau đây:
– Đây là quan điểm đúng đắn. Khi làm việc tốt, chúng ta sẽ trở thành người có ích cho cộng đồng, cho xã hội và nhận được sự yêu mến của mọi người.
– Nhiều người có ý thức làm việc tốt sẽ tạo dựng nên một không khí tích cực, tiến bộ cho cuộc sống.
– Bài học nhận thức và hành động của bản thân.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề:
– “Ước mơ” là khát vọng, là mục đích cao đẹp của cuộc đời mà con người tha thiết hướng tới và mong ước đạt được.
* Bàn luận vấn đề
– Phân tích, chứng minh:
+ Trong cuộc sống, mỗi người có thể có nhiều ước mơ. Ước mơ có thể vĩ đại hay nhỏ bé nhưng phàm đã là con người thì ai cũng có ước mơ.
+ Mỗi người cần theo đuổi ước mơ. Bởi ước mơ không chỉ làm đẹp cho cuộc đời mà còn bởi ước mơ không bao giờ có sẵn. Để đạt được nó, người ta phải khát khao, kiên trì, nỗ lực, sáng suốt, bền lòng, dũng cảm vượt qua những khó khăn, thử thách, thậm chí chấp nhận thiệt thòi, hi sinh, mất mát, khổ đau để thực hiện ước mơ. Ước mơ càng lớn càng cao đẹp bao nhiêu thì đòi hỏi con người càng phải nỗ lực bấy nhiêu. (Dẫn chứng).
– Khi đã có ước mơ, ta hãy lên kế hoạch cụ thể để từng bước chinh phục nó.
– Bàn luận mở rộng:
+ Những ước mơ chân chính dù lớn, dù nhỏ đều làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa.
+ Thật buồn cho những con người sống một đời mà không biết theo đuổi ước mơ.
– Bài học: HS cần rút ra bài học chân thành, thiết thực.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm )
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
“Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng…”
(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan)
Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3 (1,5đ): Đoạn văn đã giúp anh/chị nhận ra bài học gì?
PHẦN II: LÀM VĂN (7đ):
Câu 1 (2đ): Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài”.
Câu 2 (5đ): Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tây Tiến (14 câu thơ đầu).
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3đ)
Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.
Câu 2 (1đ): Nội dung chính của đoạn văn: Những cái mạnh, cái yếu của người Việt Nam cần được nhận thức rõ trong quá trình xây dựng nền kinh tế mới.
Câu 3 (1,5đ): Bài học được rút ra:
– Không nên học vẹt, học chay, cần phải kết hợp giữa học và hành.
– Biết hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức để hòa nhập với cuộc sống.
II. LÀM VĂN (7đ):
* Dàn ý giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài”
1. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu nói: “Người không học như ngọc không mài”.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
+ “Ngọc không mài”: viên ngọc sần sùi, thô ráp của tự nhiên, không có tác động của con người, chưa được chế tác hay mài giũa để trở nên tỏa sáng, làm đẹp cho đời, cho người.
– Ý cả câu: con người không được học hành sẽ không trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội, tỏa sáng, không giúp cho xã hội phát triển. Đề cao vai trò của việc học tập trong cuộc sống mỗi người và trong sự phát triển chung của xã hội.
b. Phân tích:
– Để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, con người cần phải học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình.
– Không có học hành, con người sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định và xã hội không thể phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
– Nếu tất cả con người đều cố gắng mài giũa bản thân, trau dồi kiến thức, vươn lên, hướng về phía trước thì xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh:
– Học sinh tự lựa chọn dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản biện:
– Trong xã hội có những người tuy có điều kiện tốt để học tập và phát triển bản thân nhưng lại không biết trân trọng và cố gắng mà chỉ biết lao theo những thú vui của bản thân mình. Những người này đáng bị chỉ trích và phê phán thẳng thắn.
3. Kết bài:
– Khái quát lại vấn đề nghị luận (Câu nói: “Người không học như ngọc không mài”) và rút ra bài học và bản thân.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Hầu hết những ngôi nhà có giá trị trên 250 ngàn đô la Mỹ đều có thư viện. Sự thật đó có khiến bạn suy nghĩ điều gì không ? Hãy bỏ bữa nếu cần thiết, nhưng đừng bỏ qua một cuốn sách. Một số người tuyên bố rằng có thể đọc vài cuốn tiểu thuyết rẻ tiền bởi vì đôi khi bạn vẫn tìm thấy vài điều ý nghĩa trong đó. Bạn cũng có thể tìm thấy mẩu bánh mì trong thùng rác, nếu bạn tìm kiếm đủ lâu. Nhưng có cách khác tốt hơn mà.
Tất cả những gì bạn cần để tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn và thành công hơn đã được viết ra hết rồi. Và hãy đoán xem: chúng luôn sẵn có cho bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là đọc chúng. Sách rất dễ tìm và dễ mua. Một cuốn sách thông thường hiện nay có giá khoảng 70-80 nghìn. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở giá của cuốn sách, vấn đề nằm ở cái giá bạn sẽ phải trả nếu không đọc nó”.
(Trích “Triết lý cuộc đời” – Jim Rohn, Thủy Hương dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Theo tác giả, đâu là điểm chung của những ngôi nhà có giá trị trên 250 ngàn đô la Mỹ ?
2. Câu văn “Hãy bỏ bữa nếu cần thiết, nhưng đừng bỏ qua một cuốn sách” muốn nhắn nhủ tới chúng ta điều gì?
3. “Bạn cũng có thể tìm thấy mẩu bánh mì trong thùng rác, nếu bạn tìm kiếm đủ lâu. Nhưng có cách khác tốt hơn mà”. Theo anh / chị, “cách khác” mà tác giả muốn nói đến ở đây nhằm ám chỉ điều gì?
4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “vấn đề không nằm ở giá của cuốn sách, vấn đề nằm ở cái giá bạn sẽ phải trả nếu không đọc nó” không? Vì sao?
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Thời đại ngày nay có cần phải đọc sách?
Câu 2: (7,0 điểm)
Phân tích tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ.
—- HẾT —-
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Theo tác giả, điểm chung của những ngôi nhà có giá trị trên 250 ngàn đô la Mỹ đều có thư viện.
Câu 2: Câu văn “Hãy bỏ bữa nếu cần thiết, nhưng đừng bỏ qua một cuốn sách” muốn nhắn nhủ chúng ta hãy về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách.
Câu 3: “Bạn cũng có thể tìm thấy mẩu bánh mì trong thùng rác, nếu bạn tìm kiếm đủ lâu. Nhưng có cách khác tốt hơn mà”. “Cách khác” mà tác giả muốn nói rằng: thay vì đọc những loại tiểu thuyết rẻ tiền để tìm kiếm một vài điều có ý nghĩa hiếm hoi trong đó, hãy đọc những loại sách thực sự có giá trị.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Phan Văn Trị. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !