TRƯỜNG THPT
CẦN THẠNH
|
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2021-2022
Thời gian làm bài: 120 phút
|
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Chuyện kể rằng
Có quả trứng đại bàng
Rơi vào ổ gà đang ấp
Khi nở ra cùng với bầy gà
Đại bàng con ngượng ngùng chiêm chiếp
Nhảy bay loạng choạng sân nhà.
Không ai nói với đại bàng về những chân trời xa
Về những đại ngàn bí mật
Nên nó vẫn hồn nhiên bới đất
Chỉ có khát vọng mơ hồ
Lâu lâu lại cồn cào trong ngực…
Làm sao mà ai biết
Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây
Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?
(Khát vọng, Đặng Hồng Thiệp)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt và thể thơ được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hình ảnh “bầy gà” trong văn bản?
Câu 3. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:
“Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?”
Câu 4. Đọc văn bản trên, anh/chị thấy thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Trong văn bản phần Đọc – hiểu ở trên, nhà thơ Đặng Hồng Thiệp đề cao “Khát vọng”, còn người xưa (Lão Tử) lại khuyên người đời nên sống “Biết đủ, biết dừng” (Tri túc, tri chỉ).
Anh/chị chọn cách sống nào? Hãy trình bày quan điểm cá nhân của anh/ chị về cách sống đó trong một đoạn văn khoảng 200 chữ.
Câu 2. (5.0 điểm)
“… Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vẩu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng”
Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xoá càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tuỳ theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên song. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng với đánh khuỷu quật vu hồi lại Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thuỷ thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hớp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào…”
(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12)
Phân tích hình tượng dòng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.
—————-HẾT—————
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1.
– Thể thơ của văn bản trên là: Tự do
– Phương thức biểu đạt sử dụng trong văn bản là: tự sự, nghị luận, biểu cảm
Câu 2. Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng nổi bật được một hoặc tất cả các ý nghĩa của hình ảnh “bầy gà”:
– Hoàn cảnh sống trói buộc, tù túng….
– Cái nhìn, nhận thức tầm thường, thiển cận, hạn hẹp, kém cỏi….
Câu 3.
– Biện pháp tu từ trong câu thơ “Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?” là :
+ Ẩn dụ (“vỗ cánh tung bay”- sự trưởng thành, vươn tới tầm cao, vượt lên hoàn cảnh…)
+ Câu hỏi tu từ: “Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay?”…
– Tác dụng:
+ Là lời khuyến khích con người mạnh dạn thử thách bản thân để trưởng thành, dũng cảm vượt lên giới hạn của bản thân…
+ Làm cho câu thơ hàm súc, giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm (thể hiện sự trăn trở, day dứt của tác giả).
Câu 4. Thí sinh nêu được một thông điệp có ý nghĩa và giải thích lí do vì sao. Có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau về nội dung các thông điệp, sau đây là một số gợi ý trả lời:
– Sống trong hoàn cảnh tầm thường, trói buộc, con người có thể trở nên tầm thường, thiển cận, vô dụng, kém cỏi… Vì thế, phải biết thay đổi, cải tạo hoàn cảnh hoặc vượt lên hoàn cảnh, bứt phá giới hạn của bản thân để được sống là chính mình.
– Con người cần khám phá, phát hiện những sở trường, năng lực vốn có của bản thân để phát huy nội lực, vươn tới tầm cao.
– Con người phải có khát vọng lớn lao, cần dũng cảm bước ra cuộc đời rộng lớn, chấp nhận thử thách để trưởng thành.
II. LÀM VĂN:
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày quan điểm cá nhân về hai quan điểm đã cho ở đề bài: một bên là đề cao khát vọng và một bên là biết đủ, biết dừng.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải thể hiện rõ quan điểm, lựa chọn của mình. Sau đây là gợi ý:
• Giới thiệu vấn đề
• Giải thích vấn đề
– “Khát vọng”: mong muốn, đòi hỏi chính đáng với một sự thôi thúc mạnh mẽ.
– “Biết đủ, biết dừng”: bằng lòng, nhận thức được giới hạn; không đòi hỏi, không ham muốn thêm ngoài cái mình đã có .
• Bàn luận
Thí sinh có thể bàn luận theo nhiều hướng khác nhau:
– Đồng tình với quan điểm sống đề cao “Khát vọng”:
+ Để hướng tới những điều đẹp đẽ, lớn lao.
+ Để có động lực phát huy hết năng lực bản thân.
+ Để có động lực vượt qua thử thách đến thành công…
– Đồng tình với quan điểm “Biết đủ, biết dừng”:
+ Để thấy hạnh phúc, hài lòng với bản thân, với hiện tại.
+ Để có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, không bon chen…
– Cái nhìn đa chiều về hai quan điểm sống: phân tích ưu, nhược điểm của hai quan điểm sống trên và rút ra kết luận: phải biết hài hòa giữa khát vọng và sự bằng lòng, không biến khát vọng thành tham vọng cũng như không biến sự bằng lòng thành chấp nhận, cam chịu.
• Bài học nhận thức và hành động:
– Tùy vào sự lựa chọn quan điểm sống của thí sinh miễn là theo chiều hướng tích cực
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
– Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
– Hình tượng dòng sông Đà trong đoạn văn. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
– Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm cần nghị luận.
*Phân tích hình tượng dòng sông Đà hung bạo qua hình ảnh thác nước và thạch trận trên sông (chú ý bám vào các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…)
– Thác nước sông Đà: tiếng nước réo, rống; hình ảnh sóng bọt trắng xóa -> như một loài thủy quái khổng lồ…
– Thạch trận trên sông, sự kết hợp của nước và đá: cả một chân trời đá, đá mai phục, dàn trận-> dữ dội, nham hiểm…
* Đánh giá:
– Con sông Đà không còn là một thực thể vô tri vô giác mà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân nó trở thành một sinh thể sống động với những cá tính rõ nét: rất hùng vĩ mà cũng rất hung bạo, hiện thân của thứ kẻ thù số một của con người.
* Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân:
– Ngôn ngữ phong phú, điêu luyện; giàu giá trị tạo hình, giàu tính thẩm mĩ; chính xác, súc tích; đặc biệt phóng khoáng, tinh tế và mới mẻ…
– Câu văn trùng điệp, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc; giọng văn thiết tha, sôi nổi, hào hứng,…
– Sử dụng linh hoạt, đa dạng các biện pháp tu từ; vận dụng tri thức tài hoa, uyên bác…
d. Chính tả, ngữ pháp
– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
– Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(1) “Trong tạp chí Quote (tháng 8 năm 1994), Arthur Kroeger kể rằng anh trai mình thỉnh thoảng hay ghé thăm xứ đạo của người Tin Lành tại miền nam Alberta, Canada. Trong một lần ghé thăm, ông hỏi các vị quản nhiệm một câu hỏi: “Các ông sẽ xử lí như thế nào đối với những người chống lại các quy định nghiêm khắc của xứ đạo?”. Họ bảo rằng những người này trước tiên được yêu cầu phải sửa chữa hành vi của mình. Nếu vẫn không thay đổi, họ sẽ được nghe một bài thuyết giảng”.
– Nhưng các vị sẽ làm gì khi những việc đó đều thất bại, khi một người nào đó bướng bỉnh không chịu làm theo?
– À, nếu đến mức đó, chúng tôi sẽ không giao cho họ bất cứ việc gì để làm.
(2) Hình phạt cao nhất là không giao việc cho họ – điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng bạn cứ thử hỏi những người thất nghiệp về cảm giác khi không có việc gì để làm thì bạn sẽ hiểu…
Thượng Đế không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng công việc, mà chính Người đã ban phúc cho chúng ta bằng điều đó. Chúng ta bận rộn là để có ích cho đời.
Cho dù bạn kiếm sống bằng nghề gì đi nữa – hãy biết ơn công việc. Những giờ làm việc dài và cảm giác mệt nhoài cuối ngày cho thấy bạn đã làm điều gì đó có ích cho đời. Công việc là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta”.
(Trích “Sự mầu nhiệm của lòng quan tâm” – Steve Goodier – Thái Hiền dịch)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn (1)
Câu 2. Hình phạt cao nhất mà các vị quản nhiệm dành cho những người chống lại các quy định nghiêm khắc của xứ đạo là gì ?
Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu văn: “Thượng Đế không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng công việc, mà chính Người đã ban phúc cho chúng ta bằng điều đó” ?
Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm “Công việc là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta” không ? Lí giải vì sao ?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Hạnh phúc sinh ra từ lao động.
Câu 2 (5,0 điểm) Phân tích hình tượng nhân vật Trương Ba trong mắt những người thân qua hai màn đối thoại sau, từ đó bình luận ngắn gọn về thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua vở kịch:
MÀN 1:
– Vợ Trương Ba: (nghĩ ngợi) Tôi nói thật đấy… ông Trương Ba ạ, tôi đã nghĩ kĩ: Có lẽ tôi phải đi…
– Hồn Trương Ba: Đi đâu?
– Vợ Trương Ba: Chưa biết! Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt… (rưng rưng).
– Hồn Trương Ba: Bà! (sau một hồi nghĩ ngợi) Sao lại đến nông nỗi này?
– Vợ Trương Ba: Tôi biết, ông vốn là người hết lòng thương yêu vợ con… Chỉ tại bây giờ… (khóc) Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa, ông biết không: Thằng Cả đã quyết định dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt.
– Hồn Trương Ba: Thật sao? Không được!
– Vợ Trương Ba: Ông bảo là không được nhưng tôi biết sự thể rồi sẽ cứ dẫn đến như vậy, ông sẽ đành ưng chịu như vậy… Thôi tùy ông, tôi chỉ muốn ông được thảnh thơi sung sướng… Tôi không còn giúp gì cho ông được, tốt nhất là… là… không còn tôi nữa, cũng như không có khu vườn nữa! (bỏ ra)
(Khi hồn Trương Ba ngẩng lên thì đã thấy cái Gái đứng trước mặt với cái nhìn lặng lẽ, soi mói)
– Hồn Trương Ba: (như cầu cứu) Gái, cháu…
– Cái Gái: (lùi lại) Tôi không phải là cháu của ông!
– Hồn Trương Ba: (nhẫn nhục) Gái, lớn lên rồi cháu sẽ hiểu… ông đúng là ông nội cháu…
– Cái Gái: Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông! Ông dám nhận là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn của ông nội tôi.
– Hồn Trương Ba: Dù sao… Cháu… Sáng nào ông cũng ra cuốc xới chăm chút cây cối ngoài vườn, cháu không thấy sao: Chỉ có ông nội cháu mới biết quí cây như thế…
– Cái Gái: Quí cây ! Hừ, tôi phải rình lúc này, cả nhà đi vắng hết để đến nói với ông: Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa ! Ông mà quí cây à? Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quí mới ươm. Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy!”
MÀN 2:
– Vợ Trương Ba: Ông ở đâu? Ông ở đâu?
(Giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện)
– Hồn Trương Ba: Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà dẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…
(Dưới một gốc cây, hiện lên cu Tị và cái Gái)
– Cái Gái: (tay cầm một trái na) Cây na này, ông nội tớ trồng đấy! Quả to mà ngon lắm! Ta ăn chung nhé!
(Bẻ quả na đưa cho cu Tị một nửa. Đôi trẻ ăn ngon lành. Cái Gái lấy những hạt na vùi xuống đất)
– Cu Tị: Cậu làm gì thế?
– Cái Gái: Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…
(Trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” – Lưu Quang Vũ)
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn (1) là tự sự
Câu 2. Hình phạt cao nhất mà những người quản nhiệm dành cho những kẻ chống lại các quy định nghiêm khắc của xứ đạo là: “không giao cho họ bất cứ việc gì để làm”.
Câu 3. Câu văn: “Thượng Đế không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng công việc, mà chính Người đã ban phúc cho chúng ta bằng điều đó” có thể hiểu là: công việc không phải là thứ sinh ra để khiến chúng ta thêm mệt mỏi, chán nản; trái lại, chính công việc là thứ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích, nhiều niềm vui, giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm “Công việc là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta” không ? Lí giải vì sao ?
Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là lí giải phù hợp. Tham khảo:
– Đồng tình
– Lý giải:
+ Công việc giúp con người duy trì và phát triển cuộc sống
+ Công việc làm cho con người hoàn thiện bản thân, giúp ích cho xã hội.
+ Công việc giúp con người cảm thấy mình sống có ý nghĩa
+ Mỗi khi hoàn thành công việc, con người sẽ có cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc vì đã vượt qua được một trở ngại, đã chiến thắng được chính mình.
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Hạnh phúc sinh ra từ lao động.
Tham khảo một số ý sau:
Câu 2 (5,0 điểm)
– Vài nét khái quát về tác giả Lưu Quang Vũ, vở kịch và đoạn trích trong SGK.
– Tóm tắt về tình huống bi kịch của Trương Ba
*Phân tích đoạn trích:
Đoạn 1:
a. Lúc này hồn Trương Ba đang sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt, và hồn ngày càng bị tha hóa, nhiễm phải nhiều thói hư tật xấu của xác, không làm chủ được mình.
b. Điều này dẫn đến thái độ chối bỏ của những người thân đối với Trương Ba.
– Vợ Trương Ba:
+ Trương Ba bây giờ đã thay đổi: không còn yêu thương vợ con (tát con trai); thờ ơ với số phận người khác (cu Tị ốm mà không biết); không biết cách chăm sóc vườn tược (dẫn đến việc anh con trai đòi bán khu vườn).
+ Vợ Trương Ba đòi bỏ đi biệt tích.
– Cái Gái:
Đoạn 2:
b. Lúc này hồn Trương Ba đã trả lại thân xác cho anh hàng thịt để được chết. Chính hành động chết đi này lại làm cho Trương Ba được sống, sống một cách toàn vẹn và đẹp đẽ như xưa trong mắt của người thân.
b. Điều này dẫn đến thái độ yêu mến, tôn trọng của những người thân đối với Trương Ba.
– Vợ Trương Ba: Qua lời gọi tha thiết: “Ông ở đâu ? Ông ở đâu ?”, có thể thấy được tình yêu thương, nỗi nhớ sâu đậm của người vợ dành cho Trương Ba. Nếu khi Trương Ba còn sống trong thân xác anh hàng thịt, bà đã định bỏ đi biệt tích, thì giờ đây, khi Trương Ba đã từ bỏ thân xác ấy, bà lại khát khao được gặp ông.
– Cái Gái: Trương Ba trong tâm trí của cái Gái giờ đây là hình ảnh đẹp đẽ, toàn vẹn như xưa. Việc cái Gái luôn nhắc đến ông nội với một thái độ yêu mến, trân trọng, tự hào cho thấy nó quí ông nội đến nhường nào. Mọi hành động, lời nói của ông nội, đối với nó đều là đẹp nhất, đúng đắn nhất, là kim chỉ nam cho mọi hành động của nó: cây na này ông nội tớ trồng đấy, ông nội tớ bảo vậy…
Bình luận
Khái quát lại vấn đề
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Có rất nhiều người đang sống mà quên đi ước mơ của mình. Họ đi trên con đường được định sẵn mà chẳng bao giờ buồn và chất vấn về điều ấy.
Bạn có chất vấn về nó. Tất cả chúng ta đều phải vẽ nên lộ trình riêng, lộ trình sẽ dẫn chúng ta đến nơi chúng ta muốn, chứ không phải nơi người khác bảo chúng ta nên đến. Bạn có thích công việc mình đang làm để mưu sinh không? Nếu câu trả lời là “không”, bạn đã đi sai đường. Bạn có hài lòng với lối sống hiện tại của mình không? Vị trí hiện tại của bạn có thể giúp ích được cho người khác không? Nếu “không” bạn đã đi sai đường. Nếu bạn bị sa thải ngay ngày hôm nay, liệu bạn có thể thành lập công ti riêng không? Nếu “không” bạn đã đi sai đường… “Nếu bạn không xây dựng giấc mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây dựng giấc mơ của họ”.
Câu nói này xuất phát từ tâm hồn tôi, và tôi đã khắc cốt ghi tâm nỗi đau từ chân lý của câu nói ấy. Tôi cảm thấy dù có làm việc cho người khác thì công việc đó cũng nên là công việc mà ta mơ ước. Nếu không, chúng ta nên xây dựng công việc mơ ước mà cuối cùng nó sẽ thay thế công việc thường nhật của chúng ta. Hãy để một chiếc máy tính hoặc lũ rô – bốt làm những công việc văn phòng vô nghĩa và nhàm chán. Một con người thì không nên làm một công việc vô nghĩa, nhàm chán trong thế giới này […]. Tôi đã từng làm nhiều công việc không cần động não và chúng chỉ làm tốn thời gian và năng lượng mà thôi. Ấy thế nhưng đó là con đường được định sẵn cho rất nhiều người trong chúng ta.
[…] Trong lúc còn đi học, bạn cũng nên dành thời gian để tự nghiệm mình. Hãy tìm hiểu bản thân. Hãy yêu lấy chính mình. Hãy vẽ nên những giấc mơ từ sâu tận đáy trái tim. Hãy chất vấn về con đường được định sẵn. Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.
(Tony A.Gaskins, Phạm Trần Thoại Như dịch – The Dream Chaser)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Theo tác giả trong lúc còn đi học bạn cần làm gì?
Câu 3: Anh/ chị hiểu nghĩa câu sau như thế nào?
“Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.”
Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả “Hãy vẽ nên những giấc mơ từ sâu tận trái tim” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ đoạn ngữ liệu ở phần Đọc- hiểu, anh/ chị viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) nói lên suy nghĩ bản thân về sự cần thiết của tính chủ động để có thể ‘‘vẽ nên lộ trình riêng cho mình” trong tương lai.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích cảm hứng về Đất Nước trong đoạn trích sau:
“…Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.
(“Đất nước” – Trích Trường ca mặt đường khát vọng; Nguyễn Khoa Điềm)
Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả trong lúc còn đi học bạn cần: dành thời gian để tự nghiệm mình. Hãy tìm hiểu bản thân. Hãy yêu lấy chính mình. Hãy vẽ nên những giấc mơ từ sâu tận đáy trái tim. Hãy chất vấn về con đường được định sẵn.
Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.
Câu 3: Câu nói: “Đừng sợ đi đường vòng. Đừng ngại phải vẽ nên con đường chạm tới một đích đến mới.”
-> Lời khuyên : đừng sợ khó khăn, trở ngại; mỗi chúng ta cần mạnh dạn chủ động trong việc tìm ra những hướng đi mới, và riêng để đạt được thành công
Câu 4: Đây là câu hỏi mở thí sinh có thể trả lời đồng tình, hoặc không đồng tình.
– Điều cơ bản là thí sinh phải lí giải sao cho hợp lí.
– Có thể theo hướng sau: đồng tình (0,25 điểm ) Vì :
– Giấc mơ chính là những hoài bão, khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp mà con người vạch ra để có động lực phấn đấu. Trong quá trình thực hiện giấc mơ có rất nhiều khó khăn và trở ngại, vì vậy mỗi người cần thực hiện giấc mơ với sự đam mê, nhiệt huyết thật sự của bản thân mới có thể thực hiện được giấc mơ đó của mình.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận 0,75
Học sinh có thể trình bày nhiều cách, nhưng cần có những nội dung cơ bản sau:
– Giải thích: Chủ động là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.
– Sống ở thế chủ động là hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…
– Bàn luận:
Học sinh cần tính chủ động để có thể ‘‘vẽ nên lộ trình riêng cho mình” trong tương lai
– Trong thời điểm dịch Covid bùng phát, HS phải chủ động, tự giác trong học tập. Việc chủ động ấy, giúp hs người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt thích ứng trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;
– Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.
– Cần phê phán những bạn hs sống dựa dẫm, thụ động, hay đỗ lỗi cho hoàn cảnh
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
A. Yêu cầu về kĩ năng:
1. Biết cách nghị luận văn học. Kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
2. Thí sinh biết xây dựng được những luận điểm, biết chọn lựa dẫn chứng và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ từng luận điểm.
3. Biết vận dụng các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận.
B. Yêu cầu về nội dung: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần làm rõ được các ý chính sau:
1. Mở bài:
– Giới thiệu được vấn đề nghị luận.
2. Thân bài:
2.1. Giới thiệu khái quát chung:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm Trường ca “Mặt đường khát vọng” (hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác,..), vị trí của đoạn trích,..
2.2. Phân tích đoạn thơ:
a. Cảm nhận về đất nước hướng đến tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trên phương diện văn hóa
-“Đất Nước của ca dao thần thoại”. Nhắc đến ca dao thần thoại, ta lại càng nhớ đến nhân dân, vì hơn ai hết, nhân dân lại là người sáng tạo ra văn hóa dân gian. Đất nước của “ca dao thần thoại” nghĩa là Đất Nước đẹp như vầng trăng cổ tích, ngọt ngào như ca dao, như nguồn sữa mẹ nuôi ta lớn nên người. Và không phải ngẫu nhiên tác giả nhắc tới hai thể loại tiêu biểu nhất của văn học dân gian.
+ “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân.
+ Còn “ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan.
+ Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất.
– Và khi nói đến “Đất nước của Nhân dân” một cách tự nhiên, tác giả trở về với cội nguồn phong phú đẹp đẽ của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là trong ca dao. Ở đây, tác giả chỉ chọn lọc ba câu ca dao tiêu biểu để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc:“Dạy anh… dài lâu”
b. Nghệ thuật:
c. Nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ:
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
[…] “Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.
(Trích “Lời mẹ dặn” – Phùng Quán)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Gọi tên một biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong bốn câu thơ dưới đây:
“Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu”.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai câu thơ: “Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã” ?
Câu 4. Anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc đoạn trích trên ?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có lòng trung thực trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ đó, liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến: “Được sống, chưa quan trọng. Vấn đề là sống như thế nào?”.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do
Câu 2. Biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong bốn câu thơ là: Điệp cấu trúc / Lặp cấu trúc
Câu 3. Hai câu thơ: “Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã” có thể hiểu là:
– Cám dỗ của công danh không thể khiến tôi nói sai sự thật.
– Sức mạnh uy quyền không làm tôi run sợ, khuất phục.
Câu 4. Thí sinh được tự do rút ra bài học cho bản thân mình, miễn là liên quan đến nội dung của đoạn trích đã cho.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
Lòng trung thực là cần thiết bởi vì:
– Lòng trung thực giúp chúng ta đánh giá một cách khách quan về bản thân, nhận ra được đâu là ưu, đâu là nhược, từ đó có hướng phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm.
– Lòng trung thực giúp chúng ta có cái nhìn khách quan về mọi vấn đề, từ đó có thái độ và hướng giải quyết đúng đắn.
– Lòng trung thực giúp ta có được niềm tin từ người khác, từ đó thiết lập và duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp.
– Lòng trung thức giúp chúng ta dám đối mặt và đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái giả dối…, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
1. Mở bài
– Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt
– Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
a) Giải thích
b) Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
– Bi kịch sống nhờ, sống gửi tồn tại trái với lẽ tự nhiên (Dẫn chứng: Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt).
– Bi kịch không được người khác hiểu, tôn trọng, yêu quý (Dẫn chứng: Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân).
– Kết thúc tác phẩm, Trương Ba trả lại thân xác cho người hàng thịt, chấp nhận cái chết để không còn là cái vật quái gở mang tên Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa. Một kết cục bi kịch nhưng là sự chiến thắng của những điều tốt đẹp, của bản lĩnh, của một Hồn Trương Ba “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Đây là vở bi kịch lạc quan, Trương Ba chết nhưng giá trị cuộc sống được bảo toàn. Không còn thân xác nhưng Trương Ba sẽ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè với tất cả những gì tốt đẹp nhất. Đoạn kết của vở bi kịch được tác giả viết thêm thể hiện rõ tinh thần lạc quan này và ý nghĩa tư tưởng nhân văn sâu sắc của tác phẩm: sự sống là quý giá nhưng không thể sống bằng mọi cách.
c) Liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến: “Được sống, chưa quan trọng. Vấn đề là sống như thế nào?”.
d) Đánh giá chung:
*Điểm tương đồng
*Điểm khác biệt
*Quan niệm nghệ thuật về con người mà hai nhà văn gửi gắm qua tác phẩm
3. Kết bài: Khái quát và mở rộng vấn đề.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Triết gia Aristotle quan niệm rằng: “Mục đích chính đáng nhất của con người trong đời là nhận thức bản thân mình một cách toàn diện, phát triển các tiềm năng của mình đến độ viên mãn, và từ đó hoàn thiện mình. Cuộc sống tốt đẹp là kết quả của sự phát triển toàn mãn năng lực, thiên tư và nhân cách của con người. Một cá nhân không thực hiện được điều này sẽ luôn dằn vặt, tự bất mãn với chính mình. Sự suy sụp tinh thần ấy bộc lộ qua các biểu hiện buồn chán, đau khổ, những dấu hiệu của một cuộc sống bất hạnh. Còn người nào nhận thức và phát huy được bản chất cũng như năng lực tiềm ẩn của mình sẽ có được cuộc sống thỏa nguyện”.
Như vậy, mục tiêu lớn nhất của đời người là sống đúng với tiềm năng của bản thân.
Nhưng nếu chỉ ngồi yên, thì tiềm năng không thể nào trở thành tài năng. Ngôi sao trong ta sẽ lụi tàn theo năm tháng.
Nếu không hành động, thì ta không thể nào có được cuộc sống viên mãn theo đúng khả năng của mình.
Nếu không nỗ lực, thì những tố chất bên trong mỗi người chúng ta sẽ không thể nào hé lộ, mãi mãi tiềm ẩn phí hoài.
Nuôi dưỡng ngôi sao trong mình, vun trồng những tiềm năng tố chất. Để một ngày nào đó, tỏa sáng rực rỡ.
Cuộc đời là một bộ phim mà trong đó ai cũng phải đóng một vai nào đó.
Vậy sao không tỏa sáng trong vở diễn đời mình?
(Trích “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” – Rosie Nguyễn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, mục đích chính đáng nhất của con người trong đời là gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu “Nếu không nỗ lực, thì những tố chất bên trong mỗi người chúng ta sẽ không thể nào hé lộ, mãi mãi tiềm ẩn phí hoài.” ?
Câu 4. Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh / chị? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung phần đọc hiểu, anh / chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về việc cần làm để “tỏa sáng trong vở diễn đời mình” của thanh niên hiện nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
“- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?”
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
—————-HẾT—————
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, “mục đích chính đáng nhất của con người trong đời là nhận thức bản thân mình một cách toàn diện, phát triển các tiềm năng của mình đến độ viên mãn, và từ đó hoàn thiện mình.”
Câu 3.
– “Không nỗ lực” tức là không cố gắng, không phấn đấu, phó mặc vào những khả năng sẵn có mà không trau dồi, rèn luyện bản thân.
– Khi con người “không nỗ lực”, những tố chất bên trong không có điều kiện để bộc lộ, phát triển. Như vậy, dù tố chất xuất sắc thế nào thì cũng trở nên hoài phí, theo thời gian sẽ dần mai một.
Câu 4. Học sinh rút ra một thông điệp
Có thể tham khảo một vài gợi ý sau:
– Cần cố gắng, nỗ lực, hành động để những tố chất của bản thân có cơ hội phát huy, có cơ hội khẳng định mình, không hoài phí những khả năng thiên bẩm đã được tạo hóa ưu ái ban cho.
– Cần bồi đắp, nuôi dưỡng những tố chất của bản thân để đến khi có cơ hội thì sẵn sàng thể hiện, tỏa sáng.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Việc cần làm để “tỏa sáng trong vở diễn đời mình” của thanh niên hiện nay.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
– Nội dung và nghệ thuật đoạn thơ trong bài thơ Việt Bắc.
– Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ
– Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng với phong cách trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.
– Việt Bắc được viết vào tháng 10/1954 nhân một sự kiện có tính lịch sử, các cơ quan trung ương Đảng rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ là một bản hùng ca kháng chiến vừa là khúc tình ca cách mạng.
– Đoạn thơ nằm ở khúc mở đầu, diễn tả nỗi lòng người ở lại – đồng bào các dân tộc Việt Bắc, là lời nhắc nhớ kỉ niệm những tháng ngày tiền khởi nghĩa, khẳng định tấm lòng gắn bó sâu nặng thủy chung, ân tình cách mạng, ân nghĩa cội nguồn.
– Nội dung trữ tình ấy được biểu hiện bằng một hình thức nghệ thuật giàu tính dân tộc từ thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu…
2. Cảm nhận về đoạn thơ
a. Những câu 6 chữ: Lời ướm hỏi của người Việt Bắc với người cán bộ về xuôi về nỗi nhớ, sự thủy chung: Mình đi – mình về có nhớ…
– Thể hiện tình cảm gắn bó không nỡ rời xa, chân bước đi mà lòng ngược về chốn cũ.
– Lời nhắc nhở sống thủy chung, đừng đánh mất mình, đừng lãng quên quá khứ.
b. Những câu 8 chữ: Lời nhắc nhớ của người Việt Bắc về những kỉ niệm về thiên nhiên, con người, cuộc sống Việt Bắc.
3. Đánh giá
4. Nhận xét tính dân tộc trong thơ Tố Hữu
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Cần Thạnh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.