TRƯỜNG THPT
LÊ VIẾT THUẬT
|
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2021-2022
Thời gian làm bài: 120 phút
|
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
…Không thể nào chấp nhận sống:
Với lời cầu xin, lời doạ nạt
Con người luôn đi sau thời gian
Để thời gian chỉ còn báo mộng
Không thể nào bưng hai tay
Một bình an đặng sống
Không thể nào cúi đầu
Nhìn ngón chân bất lực.
Không thể nào chấp nhận sống:
Mà không biết mình về đâu
Không biết mình có thể làm gì
Buồn vui theo kẻ khác.
Không thể nào chấp nhận sống:
Trong sợ hãi, trong lọc lừa
Chẳng nhớ tim mình còn đập.
Không thể nào chấp nhận sống:
Khi mình chưa là mình
Trống trơ như vực thẳm
(Trích Sống – Nguyễn Khoa Điềm,)
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra ba lối sống không thể nào chấp nhận được đề cập trong đoạn trích.
Câu 3. Nêu hiệu quả của phép điệp cấu trúc: Không thể nào chấp nhận sống…
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến của tác giả Không thể nào chấp nhận sống/Mà không biết mình về đâu không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc sống là chính mình.
Câu 2. (5,0 điểm)
… Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
– Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.
Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:
– Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
– Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
– Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.
Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người.
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai)
Anh/Chị hãy cảm nhận cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động nghèo trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét về cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Thể thơ: tự do
Câu 2. Lối sống không thể nào chấp nhận được đề cập trong đoạn trích: sống với lời cầu xin, lời doạ nạt; sống cúi đầu; sống không biết về đâu, không biết có thể làm gì; sống buồn vui theo kẻ khác; sống trong sợ hãi, trong lọc lừa; sống chưa là mình
Lưu ý: Học sinh có thể chép lại những câu thơ có lối sống không thể chấp nhận vẫn cho điểm tối đa.
Câu 3. Tác dụng của phép điệp cấu trúc: Không thể nào chấp nhận sống…
– Nhấn mạnh, khẳng định quan niệm sống của tác giả: không chấp nhận sống giả dối, hèn nhát, vô giá trị, không dám là chính mình. Đồng thời làm nổi bật thông điệp: sống thật, sống tích cực với những giá trị mình có.
– Góp phần tạo nhịp điệu dồn dập, âm hưởng thôi thúc, tăng sức biểu cảm cho đoạn thơ.
– Bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần.
– Lí giải hợp lí, thuyết phục.
Câu 4. Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn về sự cần thiết của việc sống là chính mình
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của việc sống là chính mình.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai nhưng phải lí giải được vấn đề, có thể theo hướng sau:
– Sống là chính mình khiến ta không phải che giấu suy nghĩ, cảm xúc, được thành thật với bản thân. Từ đó, tìm thấy niềm vui, sự an yên trong cuộc sống.
– Được sống là chính mình giúp ta có ý chí, kiên định, có động lực, niềm tin hoàn thiện mình và thực hiện mục tiêu sống.
– Sống là chính mình sẽ tạo nên bản sắc riêng, làm cho cộng đồng đa sắc diện.
Hướng dẫn chấm:
+ Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).
+ Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).
+ Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có dẫn chứng, cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về vấn đề;có cách nhìn riêng, mới mẻ; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.
Câu 2. Cảm nhận cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động nghèo trong đoạn trích; nhận xét cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động nghèo; nhận xét cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.
– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn trích
* Cảm nhận cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động
– Cảnh ngộ của người lao động trong nạn đói:
+ Thực tại đói khổ: bữa cơm ngày đói thảm hại chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo, niêu cháo lõng bõng mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn, món quà cưới là nồi cháo cám đắng chát,…
+ Ám ảnh về đói khát tước đi những giây phút hạnh phúc đời thường: Nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người trong bữa cơm đoàn tụ đầu tiên. Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại; Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau.
– Vẻ đẹp của người lao động trong nạn đói:
+ Dù đói, khổ vẫn lạc quan hướng đến tương lai: Trong bữa cơm, bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này; bà vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp (mua lấy một đôi gà, nghoảnh đi nghoảnh lại chả mấy mà có đàn gà); bà gọi cháo cám là chè khoán; bà động viên các con bằng niềm lạc quan (ngon đáo để, xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn),…
+ Dù đói, khổ vẫn yêu thương, trân trọng nhau, vẫn muốn sống cho ra người: bữa cơm đầu tiên tuy sơ sài, thiếu thốn nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương (bà cụ Tứ hồ hởi kể chuyện làm ăn gia cảnh, Tràng vâng rất ngoan ngoãn, không khí gia đình đầm ấm, hòa hợp); người con dâu trân trọng tình cảm của người mẹ nghèo (tuy hai con mắt tối sầm lại trước bát cháo cám nhưng thị vẫn điềm nhiên và vào miệng),…
– Nghệ thuật: Cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động trong nạn đói được thể hiện bằng tình huống truyện độc đáo, éo le; khả năng miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế, khéo léo; cách kể truyện ở ngôi thứ ba khách quan, tự nhiên gây hứng thú; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc;…
* Nhận xét cách nhìn con người của Kim Lân
– Cách nhìn con người sâu sắc và mới mẻ: Không chỉ nhìn ra tình cảnh thê thảm của người lao động trong nạn đói mà còn phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tình người, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc; tin tưởng vào khả năng thay đổi cuộc đời của họ.
– Ý nghĩa: Đó là cách nhìn nhân văn, góp phần quan trọng làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo cho tác phẩm; khẳng định tài năng và phong cách của Kim Lân trong nền văn học dân tộc.
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Bỗng vui mừng bắt gặp một nhành hoa
Khắp Hoàng Liên trên một ngàn thước núi
Hoa nếp mỏng manh trước tầm gió thổi
Hoa diếp vàng cô độc giữa thâm u
Và bên đường hoa nghệ dại ngẩn ngơ
Hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã
Hoa lay ơn góc vườn xưa còn nhớ
Mà thấy người cành lá khẽ lung lay…
Hoa mọc dưới chân người, hoa mọc đến chân mây
(Có nhiều thứ hoa còn chưa biết rõ…)
Anh đừng hỏi tên hoa làm chi nữa
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi!
Không phải hoa được ở cùng người
Được chăm sóc những mảnh vườn sạch cỏ
Được khoe đến muôn màu sắc lạ
Và được đời chiêm ngưỡng mùi hương
Không phải hoa được cắm trên bàn
Trong ngày hội của những niềm vui mới
Những hoa này lại nở cho triền núi
Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung
Nên ít ai để ý sắc từng bông
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…
Những hoa này chỉ hoa dại mà thôi
(Trích Hoa dại núi Hoàng Liên, Tập thơ Tự hát (1984), Xuân Quỳnh)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, hoa dại có điểm gì khác với hoa được ở cùng người?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp nhân hoá được sử dụng trong những dòng thơ sau:
Hoa nếp mỏng manh trước tầm gió thổi
Hoa diếp vàng cô độc giữa thâm u
Và bên đường hoa nghệ dại ngẩn ngơ
Hoa sim tím một nỗi buồn hoang dã
Hoa lay ơn góc vườn xưa còn nhớ
Mà thấy người cành lá khẽ lung lay…
Câu 4. Nhận xét của anh/chị về tình cảm của nhà thơ Xuân Quỳnh dành cho loài hoa dại qua những dòng thơ:
Những hoa này lại nở cho triền núi
Lại nở cho vẻ đẹp của rừng chung
Nên ít ai để ý sắc từng bông
Chỉ thấy núi muôn màu rực rỡ
Đôi khi giẫm lên hoa mà chẳng nhớ…
II. LÀM VĂN ( 7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Từ hình ảnh của những bông hoa dại trong văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự cống hiến thầm lặng trong cuộc đời.
Câu 2 (5,0 điểm)
[…] Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố thị với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Lê-nin-grát, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng mặt trời mùa xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng; và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. […] Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Hê-ra-clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố… Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
Câu 2. Điểm khác của hoa dại với hoa ở cùng người:
– Không được chăm sóc những mảnh vườn sạch cỏ, không được đời chiêm ngưỡng mùi hương, không phải hoa được cắm trên bàn trong ngày hội của những niềm vui mới…
– Những hoa này lại nở cho triền núi, cho vẻ đẹp của rừng chung, ít ai để ý sắc từng bông…
Câu 3. Tác dụng của biện pháp nhân hoá:
+ Thể hiện sinh động, cụ thể vẻ đẹp riêng của từng loài hoa dại. Thiên nhiên hoa cỏ trở nên gần gũi, mang linh hồn, tâm trạng con người (Hoa nếp mỏng manh, hoa diếp vàng cô độc, hoa sim tím – buồn hoang dã,hoa lay ơn – nhớ…)
+ Giúp con người nhận ra và biết nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của những loài hoa bé nhỏ bên đường.
+ Góp phần làm cho câu thơ gợi hình, gợi cảm, lôi cuốn, hấp dẫn, giàu khả năng liên tưởng….
Câu 4. Nhận xét tình cảm của nhà thơ:
– Tác giả nâng niu, trân trọng vẻ đẹp, những hi sinh thầm lặng của hoa dại; xót xa trước sự vô tình, lãng quên của người đời với loài hoa bé nhỏ bên đường
– Tình cảm ấy thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm của một hồn thơ giàu lòng trắc ẩn, luôn chân thành, đằm thắm, yêu thương.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của sự cống hiến thầm lặng trong cuộc đời.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nhưng phải nêu được ý nghĩa của sự cống hiến thầm lặng, có thể theo hướng sau:
– Những cống hiến thầm lặng mang lại niềm vui
– Khẳng định giá trị và ý nghĩa sự sống của mỗi con người;
– Cá nhân có cống hiến thầm lặng luôn được ngưỡng mộ, yêu mến, trân trọng;
– Những cống hiến thầm lặng cũng góp phần lan toả các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội; thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc…
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình tượng sông Hương trong đoạn trích; cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của tác giả.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn trích
* Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương trong đoạn trích
– Sông Hương giữa lòng thành phố mang trong mình vẻ đẹp riêng, độc đáo:
– Sông Hương mang vẻ đẹp hồn nhiên, dịu dàng và đắm say: sông Hương vui tươi hẳn lên; yên bình, thanh thản kéo một nét thẳng thực yên tâm như tìm thấy chính mình, tìm thấy tình yêu đích thực; uốn một cánh cung rất nhẹ, như tiếng vâng không nói ra của tình yêu…
– Sông Hương mang vẻ đẹp sâu lắng, đa cảm và đa tình: Sông Hương góp phần gìn giữ nét đẹp cổ kính cho mảnh đất cố đô; dòng sông đa cảm, đa tình như những vấn vương của một nỗi lòng (trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh, điệu slow tình cảm dành riêng cho xứ Huế…)
*Nghệ thuật
* Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Khi phải đối mặt với khó khăn, hãy tự nhủ rằng mọi rắc rối sẽ được giải quyết, từ đó nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề. Đó chính là cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp. Hãy nhớ rằng thành công trong cuộc sống luôn đi kèm với những câu khẳng định như:“Tôi có thể” hoặc “Tôi sẽ làm được”, và hành động bao giờ cũng tạo ra điều kì diệu. Đừng ngồi đó chờ đợi mộng tưởng biến thành sự thật. Khi đã nỗ lực hết mình, dù có thất bại, bạn cũng không phải tiếc nuối. Thất bại khiến bạn không chỉ rút ra bài học kinh nghiệm mà còn hiểu được giá trị của thành công. Bạn thực sự thất bại khi chưa thử mọi cơ hội mà bạn đang có. Khi thực sự muốn làm một điều gì đó, chắc chắn sẽ có cách để bạn làm được.
(Quên hôm qua, sống cho ngày mai, Tian Dayton – NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản? (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp được nói đến trong văn bản là gì? (0.5 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, tại sao thất bại giúp ra hiểu được giá trị của thành công? (1.0 điểm)
Câu 4. Anh chị có cho rằng việc suy nghĩ tôi có thể, tôi sẽ làm đồng nghĩa với sự tự cao không? Vì sao? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) về điều bản thân cần làm để tạo ra cơ hội trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cưỡi lên thác sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được.
(Người lái đò sông Đà – Ngữ văn lớp 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2015)
Cảm nhận của anh /chị về vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét quan niệm về con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
—————-HẾT—————
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận
Câu 2. Cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp được nói đến trong đoạn trích:
– Khi phải đối mặt với khó khăn, hãy tự nhủ rằng mọi rắc rối sẽ được giải quyết, từ đó nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề.
Câu 3. Thất bại giúp ta hiểu được giá trị của thành công vì nhiều lí do. Thí sinh có thể đưa ra sự lí giải của riêng mình, có diễn giải hợp lí, thuyết phục. Có thể theo các hướng sau:
– Đối với những người giàu nghị lực và cầu tiến, thất bại giúp ta thấy được những bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó nhìn lại phương pháp thực hiện, tiếp tục tổng kết kinh nghiệm để thành công trong tương lai. Xét theo một bình diện, thành công, chẳng qua là thất bại vẫn không nản chí, kiên trì theo đuổi mục tiêu tới cùng, chung cuộc đạt được thành tựu.
– Thất bại là một tình cảnh không hề dễ chịu, theo sau nó là những cảm xúc tiêu cực: buồn rầu, chán nản, hoài nghi vào bản thân….khi thất bại dường như mọi cánh cửa đều tạm thời đóng lại trước mắt con người. Thành công thì ngược lại, thường gắn với niềm vui, sự mãn nguyện và tự hào. Bởi vậy thất bại giúp ta trân trọng thành công, niềm hạnh phúc khi đạt được thành công và hiểu được giá trị thật sự của thành công.
Câu 4. Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình với ý kiến : tôi có thể, tôi sẽ làm được đồng nghĩa với tự cao.
– Đồng tình/ không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình(0,25)
– Lí giải hợp lý, thuyết phục(0,75).
II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) về điều bản thân cần làm để tạo ra cơ hội trong cuộc sống.
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn (mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn).
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách quy nạp, diễn dịch, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: điều bản thân cần làm để tạo ra cơ hội trong cuộc sống.
c. Triển khai
– Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ điều bản thân cần làm để tạo ra, cơ hội trong cuộc sống.của con người trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng:
– Để đạt được thành công phải năng động, linh hoạt, chủ động trong tư duy, học cách nắm bắt những nhu cầu xã hội,tìm tòi, khái thác nghiên cứu những vấn đề mang tính thực tiễn, liên quan đến mục đích, ước mơ, hoài bão mà bạn hướng đến.
Câu 2. Nghị luận văn học
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: – Mở bài: giới thiệu được vấn đề; Thân bài: triển khai được vấn đề (nhiều đoạn), Kết bài: khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: hình tượng ông lái đò trong đoạn trích và quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Nguyễn Tuân
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm “Người lái đò sông Đà” và vấn đề nghị luận.
* Cảm nhận hình tượng ông lái đò
– Vẻ đẹp trí dũng của ông lái đò
– Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật
* Nhận xét quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn Nguyễn Tuân: vẻ đẹp của con người không chỉ ở phương diện trí dũng mà còn ở vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Lê Viết Thuật. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Lop12.com để tải tài liệu về máy tính.
Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.