TRƯỜNG THPT
ĐỒNG ĐẬU
|
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2021-2022
Thời gian làm bài 120 phút
|
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Cựu tổng thống Pakistan Ayub Khan từng nói: “Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối”. Khi cha mẹ bắt đầu đối xử với đứa con bằng thái độ thiếu tin tưởng, dưới định kiến này của cha mẹ, trẻ nảy sinh tâm lí dễ nổi loạn, thậm chí làm những việc khiến cha mẹ thêm bất tín.
Khi thiên tài Edison 8 tuổi, ông từng đặt ra câu hỏi với giáo viên: vì sao 2 + 2 = 4? Vì câu hỏi này, ông bị giáo viên cho là chậm chạp, năng lực thấp. Tuy nhiên, mẹ Edison, người luôn tin tưởng con trai mình, đã luôn kiên nhẫn dạy dỗ cậu bé. Dưới sự dìu dắt của mẹ, Edison say mê đọc sách – thói quen này trở thành nền tảng cho những phát minh lớn trong tương lai của cậu. Nếu người mẹ tin vào lời giáo viên, tin rằng con trai mình là một đứa trẻ kém cỏi, thế giới sẽ không có vua của những phát minh sau này.
Một đứa trẻ tình nguyện giúp mẹ lau nhà, nhưng mẹ thay vì khuyến khích, lại nói: “Đừng kéo lê cái khăn nữa, con làm ướt nhẹp cả sàn”. Hoặc khi trẻ muốn rửa bát, bố cáu kỉnh: “Con đi đi, đừng động vào và làm vỡ bát”. Khi trẻ muốn thử nghiệm những thứ mới mẻ, bố mẹ đã tạt gáo nước lạnh: “Chưa đến tuổi làm việc đó, đừng phí thời gian”. Rõ ràng, cha mẹ đã kìm hãm sự tự tin của đứa trẻ, không tin tưởng vào năng lực của bé, làm hạn chế ham muốn học tập của bé. Theo thời gian, trẻ dần rơi vào cảm giác bất lực khi không thể được trải nghiệm, do sự kiểm soát bên ngoài. Khi gặp phải bất cứ việc gì, chúng sẽ tự khắc rụt lại, biến mình trở thành đáng thương, đúng như những lời bố mẹ chúng thốt ra.
Thế nên, sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất. Trong quá trình đó, cần chú ý ba điểm quan trọng: cho trẻ cơ hội tự giác, hiểu nguyên nhân, cho trẻ cơ hội được tin tưởng, luôn tin con là tốt nhất.
(Thùy Linh, Tác hại nhãn tiền khi thiếu tin tưởng con, dẫn theo https:// vnexpress.net).
Câu 1. Theo bài viết, thành công của thiên tài Edison đến từ những nguyên nhân nào?
Câu 2. Theo bài viết, tác dụng của việc bố mẹ đặt niềm tin vào trẻ là gì?
Câu 3. Vì sao tác giả bài viết lại cho rằng: “Sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất”?
Câu 4. Anh/Chị có đồng ý với quan điểm “Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối” được nhắc đến trong văn bản hay không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị trong đoạn trích sau:
Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị .
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.7-8)
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Theo bài viết, thành công của thiên tài Edison đến từ những nguyên nhân sau:
– Thói quen say mê đọc sách.
– Lòng tin tưởng và sự kiên nhẫn dạy dỗ của người mẹ.
Câu 2.
Theo bài viết, tác dụng của việc bố mẹ đặt niềm tin vào trẻ là:
– Tăng thêm sự tự tin cho trẻ khi đứng trước những trải nghiệm mới mẻ.
– Phát huy ham muốn học tập của trẻ.
– Cho trẻ cơ hội được phát triển độc lập, tự do.
Câu 3.
Tác giả bài viết cho rằng: “Sự tin tưởng con, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hài lòng về vật chất” vì:
– Mong muốn thực sự của con cái đối với bố mẹ không gì hơn tình yêu thương, sự tin tưởng thực sự và cho trẻ sự tự do cần có để phát triển.
– Hạnh phúc của một con người đến từ sự hài lòng về vật chất và sự thoải mái về tinh thần. Do vậy, nếu bố mẹ chỉ cho trẻ sự hài lòng về vật chất mà thiếu đi sự tin tưởng con, chưa cho con được cảm nhận thực sự tình yêu, sự tự do thì sẽ không đảm bảo được hạnh phúc cho trẻ.
Câu 4.
* Thí sinh được tự do nêu ý kiến của mình: Đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm “Niềm tin cũng giống như sợi dây mảnh, đã đứt là khó nối” được nhắc đến trong văn bản.
* Học sinh giải thích ý kiến của mình miễn hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo gợi ý sau:
– Đánh giá: Ý kiến trên rất chính xác.
– Giải thích:
+ Niềm tin giữa người và người cần một quá trình lâu dài và rất khó khăn để hình thành nhưng rất dễ đánh mất.
+ Niềm tin là một yếu tố gắn với cảm xúc, khi niềm tin mất thì cảm xúc cũng không còn, những ấn tượng tốt đẹp sẽ phai nhạt dần rồi mất đi, khó có thể tìm lại được.
+ Mất niềm tin vào một đối tượng nào đó kéo theo sự tan vỡ quan hệ, thậm chí sụp đổ thần tượng; điều này rất khó có thể cứu vãn được.
(Lưu ý: Nếu chỉ nêu lý do mà không nêu ý kiến thì không cho điểm).
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Trình bày suy nghĩ về: một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn.
a. Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 chữ.
– Viết theo cấu tạo của đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp…
– Trình bày bố cục mạch lạc, rõ ràng.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn.
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn hoàn chỉnh, lôgic; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra được bài học cho bản thân. Sau đây là một số định hướng:
Trình bày suy nghĩ của bản thân về một số việc thanh niên cần thực hiện để tạo lòng tin cho người lớn:
– Có thể tự lập ở một số việc: chăm sóc bản thân, đến trường, học bài, làm bài….
– Chủ động phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, hoàn thành tốt những việc ấy một cách nhanh chóng, hiệu quả.
– Năng động trong những môi trường ngoài gia đình để bố mẹ đón nhận phản hồi tích cực về mình từ mọi người xung quanh.
Câu 2. Phân tích sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị trong đoạn trích.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị trong đoạn trích.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận (đặc biệt là thao tác phân tích…); kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau:
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận
Nội dung:
* Giải thích:
Sức sống tiềm tàng: là sức sống nội tại bên trong, có sẵn ở bên trong nhưng bị che lấp, nó như một hòn than âm ỉ cháy trong lớp tro nguội lạnh và khi có điều kiện thì sẽ bùng cháy.
* Hoàn cảnh của Mị:
– Mị trẻ đẹp, có tài thổi sáo, lại chăm chỉ, hiếu thảo, có lòng tự trọng…
– Vì món nợ truyền kiếp của gia đình, Mị đã bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Sống tăm tối, nhẫn nhục, đau khổ, Mị đã tê liệt về tinh thần, buông xuôi theo số phận (“Ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen rồi”,“bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, cũng là con ngựa…, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”,“mỗi ngày Mị không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”).
=> Tuy bị bóc lột và bị đày đoạ tàn nhẫn về thể xác và tinh thần, nhưng trong Mị vẫn luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt.
* Biểu hiện:
– Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị thể hiện qua hành động:
+ Mị uống rượu
+ Mị lắng nghe tiếng sáo gọi bạn
+ Mị thổi lá.
– Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị thể hiện qua tâm trạng:
+ Mị thấy trong lòng đột nhiên vui sướng, phơi phới.
+ Mị nhớ về những ngày tươi đẹp, Mị thấy mình còn trẻ, muốn đi chơi.
+ Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay, Mị tủi cho thân phận của mình.
– Lựa chọn hình ảnh tiêu biểu, sinh động.
– Ngôn ngữ biểu cảm, tự nhiên.
– Miêu tả hành động và diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế.
Đánh giá, bình luận, mở rộng vấn đề:
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…
(Trích “Giăng sáng”, Nam Cao)
Câu 1: Nêu các phương thức biểu đạt của đoạn trích trên. (0,5đ)
Câu 2: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn trích? Nêu tác dụng. (0,75đ)
Câu 3: Tâm trạng của nhân vật Điền được thể hiện qua những chi tiết nào? (0,75đ)
Câu 4: Anh/chị rút ra được thông điệp gì thông qua đoạn trích? (1đ)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1: Trong tác phẩm “Giăng sáng”, nhân vật Điền đã thốt lên: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ.”
Anh/chị nêu cảm nhận của mình từ câu nói trên bằng một bài văn ngắn (200 chữ) (2đ)
Câu 2: Nêu diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (trích tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài) (5đ)
—————–HẾT—————-
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Các phương thức biểu đạt của đoạn trích: Biểu cảm, nghị luận
Câu 2:
Biện pháp nghệ thuật: Điệp cấu trúc câu: “biết bao…”; Câu cảm thán
→ Giúp cho bạn đọc hình dung ra sự thống khổ, những khó khăn đến cùng cực mà Điền cũng như người thân trong gia đình và xã hội lúc bấy giờ đang phải trải qua.
Câu 3: Tâm trạng của nhân vật Điền:
Khi ngắm trăng, Điền cảm nhận được vẻ đẹp của trăng, nhưng đằng sau vẻ đẹp tinh túy đó là những nỗ lo về cuộc sống gia đình mà mình đang phải gánh chịu.
Điền muốn né tránh sự thật tàn nhẫn đó, tuy nhiên không có cách nào thoát ra, buộc Điền phải chấp nhận nó.
Câu 4:
Thông điệp được rút ra từ đoạn trích: mỗi người sẽ có những ước mơ và hoài bão của riêng mình, khi chúng ta đam mê với điều đó sẽ thấy nó vô cùng đẹp đẽ, cao cả. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những khó khăn, những nỗi lo là rào cản để chúng ta thực hiện đam mê đó → cần phải biết cân bằng giữa thực tại cuộc sống và giấc mơ, đam mê của mình để có thể đạt được cuộc sống ổn định, cân bằng nhất.
II. Làm văn
Câu 1: (2đ)
Dàn ý nghị luận xã hội
Mở đoạn: giới thiệu đến câu nói của nhân vật Điền.
Nghệ thuật chân chính nên được được toát ra từ những giá trị thực của cuộc sống, từ những điều gần gũi, nhỏ bé nhất trong cuộc sống. Văn chương phải gắn liền với thực tại và chỉ có giá trị khi nó phản ánh thực tại.
Văn chương góp một phần vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, giá trị con người. Qua tác phẩm văn chương, mỗi người tự rút ra bài học cho bản thân và đúc kết ý nghĩa, bài học riêng cho mình.
Để làm nên một tác phẩm hay, ý nghĩa, cuốn hút độc giả cũng cần những sự kết hợp hài hòa giữa thực tế và ảo mộng. Thực tại tạo nên giá trị cốt lõi cho tác phẩm văn chương còn những yếu tố ảo mộng là phần gia vị làm cho tác phẩm cuốn hút hơn.
Câu nói của Điền không chỉ mang ý nghĩa sâu xa về giá trị của văn chương mà nó còn giúp độc giả phần nào hiểu được đúng đắn bản chất của nghề làm văn.
Câu 2: (5đ)
Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.
2. Thân bài
Tiếng sáo gọi bạn tình là hình ảnh mang tính biểu tượng: tình yêu trong sáng, khát vọng tự do, sự sống, yêu đời,… của con người đặc biệt là trai gái ở miền núi Tây Bắc → làm thức tỉnh tâm hồn, sức sống của Mị tưởng đã bị hoàn cảnh hủy hoại, vùi lấp
→ Không khí đêm tình mùa xuân trên bản Mèo và tiếng sáo gọi bạn tình đã đánh thức sức sống, lay tỉnh tâm hồn Mị.
→ Sức sống tiềm tàng và khát vọng mãnh liệt.
3. Kết bài
Khái quát lại diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân và đánh giá chung về giá trị của tác phẩm.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt long đến thế
Mỗi ban mai tỏa khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả
Con nói mớ những núi rừng xa lạ
Tình ra rồi, có mẹ, hóa thành quê!
(Mẹ, Bằng Việt)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 2. Trong đoạn trích có rất nhiều kỉ niệm được nhắc đến. Hãy chỉ ra những kỉ
niệm đó.
Câu 3. Vẻ đẹp của mẹ được miêu tả như thế nào trong đoạn trích trên?
Câu 4. Anh/ Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với mẹ được thể hiện trong đoạn trích.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng,như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. ”Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!” Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi. Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sửa xa xa. Mỵ lúc mê, lúc tình. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ. Mỵ bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm sâm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết.Ðời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau đứt từng mảnh thịt.
(Trích Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GD,2008, tr 8,9)
Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài.
—————-HẾT—————
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. PTBĐ: Miêu tả, biểu cảm
Câu 2. Trong đoạn trích có rất nhiều kỉ niệm được nhắc đến, cụ thể là: dáng mẹ đi lại chăm sóc con khi bị thương, những món ăn giản dị và đời thường mà mẹ dành cho con như trái bưởi đào, canh tôm nấu khế, khoai nướng, ngô bung.
Câu 3. Trong đoạn trích, người mẹ được miêu tả thông qua những cử chỉ ân cần và những món ăn đạm bạc mà nhân vật dành cho người con trong tác phẩm. Đó là vẻ đẹp âm thầm, lặng lẽ mà cao quý của bà mẹ được tái hiện trong đoạn trích nói riêng cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước nói chung.
Câu 4. Tình cảm của tác giả đối với mẹ: trân trọng ghi nhớ suốt đời mình tình cảm quân dân sâu đậm và thiêng liêng mà người mẹ đã dành cho mình. Tác giả rất thương quý mẹ, luôn nhớ về mẹ và những kỉ niệm khi ở bên mẹ; xót thương những hi sinh của mẹ dành cho đất nước và nhân dân.
II . LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người . Có thể triển khai theo hướng sau:
-Trân quý những gì đang có là biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ những điều tốt đẹp mà cuộc sống đem đến cho mỗi con người
-Ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có:
+trân quý những gì đang có sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Từ đó, đời sống tinh thần và vật chất sẽ được đầy đủ và nâng cao;
+trân quý những gì đang có sẽ giúp ta không rơi vào lối sống ảo tưởng, viển vông, hão huyền, xa rời thực tế;
+trân quý những gì đang có sẽ giúp ta thêm yêu đời, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước, có động lực để phấn đấu, góp phần làm nên thành công, vượt qua bao thử thách, khó khăn trên đường đời.
- Phê phán một số người không biết trân quý những gì đang có, chạy theo lối sống xa hoa, hưởng lạc cá nhân, đua đòi theo phong trào, gây đau khổ và phiền phức cho người khác.
- Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được giá trị của cuộc sống hiện tại để biết quý trọng những gì mình có được trong tay. Tuổi trẻ cần học tập và rèn luyện, sống hết mình cho đời để không ân hận, hối tiếc vì mình đã đánh mất nhiều điều quý giá.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích . Từ đó, nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một trích văn xuôi
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích; nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài.
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài:
-Tô Hoài là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại.
- “Vợ chồng A Phủ” – một tác phẩm gắn liền với tên tuổi nhà văn Tô Hoài trong hơn nửa thế kỉ qua.
- Sức hấp dẫn của thiên truyện chủ yếu từ hai nhân vật được khắc họa khá thành công với những cá tính nghệ thuật đặc sắc.
- Đặc biệt khi khắc họa nhân vật Mị, nhà văn bộc lộ năng lực khám phá chiều sâu nội tâm con người sâu sắc và tinh tế, đồng thời thể hiện cái nhìn mới mẻ về người nông dân. Cụ thể ở đoạn trích: “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng […].Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau đứt từng mảnh thịt.”
3.2.Thân bài:
3.2.1.Khái quát về tác phẩm, đoạn trích:
3.2.2.Cảm nhận vẻ đẹp nội dung, nghệ thuật về nhân vật Mị trong đoạn trích:
a. Về nội dung:
b. Về nghệ thuật:
3.2.3.Nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài.
- Nhà văn nhìn người nông dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi đã bị chà đạp tàn nhẫn từ thể xác đến tinh thần. Nhưng trong chiều sâu tâm hồn của họ vẫn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu và khát vọng tự do. Tuy sống trong thân phận trâu ngựa, bị đoạ đày giữa địa ngục trần gian nhưng họ không bao giờ chịu đầu hàng số phận, mà vẫn tìm cách vượt ngục tinh thần, tâm hồn được hồi sinh. Đó còn là cái nhìn lạc
quan, tin tưởng vào sức mạnh của người nông dân trong tư tưởng tiến bộ của nhà văn cách mạng Tô Hoài.
- Các nhìn mới mẻ, tin yêu về người nông dân cho thấy tài năng
quan sát, miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán, đặc biệt khả năng diễn tả quá trình phát triển tính cách nhân vật hợp lí, tự nhiên, phong phú, phức tạp mà sâu sắc, phù hợp với quy luật phép biện chứng tâm hồn của nhà văn-người có duyên nợ với mảnh đất và con người Tây Bắc.
3.3.Kết bài:
-Đoạn văn miêu tả tâm trạng nhân vật Mị trong đêm xuân khi bị trói thấm đẫm tính nhân văn, góp phần tô đậm tính cách nhân vật Mị.
-Thể hiện một cách chân thật và cảm động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
—(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)—
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Đồng Đậu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !