Giải bài tập KTPL 12 Bài 4: An sinh xã hội
Mở đầu trang 31 KTPL 12: Em hãy tìm hiểu và chia sẻ với các bạn những hiểu biết của mình về an sinh xã hội và một chính sách an sinh xã hội mà em quan tâm.
Lời giải:
– An sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện, gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên xã hội trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác.
– Hiện nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam bao gồm:
+ Chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo: tăng cường cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người dân.
+ Chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, tai nạn lao động, hết tuổi lao động…..
+ Chính sách trợ giúp xã hội: trợ cấp thường xuyên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật,…) và trợ cấp dột xuất cho người dân gặp rủi ro (thiên tai, dịch bệnh,…) để họ ổn định cuộc sống.
+ Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản: hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin).
1. An sinh xã hội và các chính sách an sinh xã hội
Câu hỏi trang 32 KTPL 12: a) Từ thông tin và trường hợp trên, em hãy cho biết việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chính sách trợ giúp xã hội đã đem lại lợi ích gì cho người dân.
b) Theo em, an sinh xã hội là gì? Em hãy kể tên và nêu vai trò của các chính sách an sinh xã hội trong việc bảo đảm an toàn cuộc sống cho người dân.
c) Theo em, tại sao an sinh xã hội lại cần thiết đối với con người và xã hội? Mỗi cá nhân, tổ chức cần phải làm gì để phát huy trách nhiệm công dân về an sinh xã hội?
Trường hợp. Trước năm 2018, gia đình anh A thuộc diện hộ nghèo. Với sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, anh A đã chịu khó tìm hiểu, vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Đến nay, gia đình anh A đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Thông tin. Năm 2020, cả nước có 3 149 226 người được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng (trong đó: 51 229 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1 812 372 người cao tuổi; 1 096 027 người khuyết tật và 189 598 đối tượng bảo trợ xã hội khác) với tổng kinh phí hơn 18,050 nghìn tỉ đồng, bao gồm chỉ trợ cấp xã hội hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, để khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, Chính phủ đã quyết định xuất cấp tổng cộng 22 989,145 tấn gạo cứu đói cho 265 967 hộ với 1 046 326 khẩu thiếu đói. (Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, molisa.govvn, ngày 20/01/2021) |
Lời giải:
♦ Yêu cầu a)
– Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chính sách trợ giúp xã hội đã:
+ Thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc;
+ Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;
+ Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
♦ Yêu cầu b)
– An sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện, gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên xã hội trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác.
– Hiện nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam bao gồm:
+ Chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo: tăng cường cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người dân.
+ Chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, tai nạn lao động, hết tuổi lao động…..
+ Chính sách trợ giúp xã hội: trợ cấp thường xuyên cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật,…) và trợ cấp dột xuất cho người dân gặp rủi ro (thiên tai, dịch bệnh,…) để họ ổn định cuộc sống.
+ Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản: hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin).
♦ Yêu cầu c)
– An sinh xã hội ra đời nhằm bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trong xã hội trước những rủi ro trong cuộc sống.
– Để phát huy trách nhiệm công dân về an sinh xã hội, mỗi cá nhân, tổ chức cần:
+ Nhận thức đúng đắn về vai trò của an sinh xã hội;
+ Tích cực tham gia và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện các chính sách về an sinh xã hội để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
+ Phê phán, đấu tranh chống lại các hành vi đi ngược lại chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Câu hỏi trang 34 KTPL 12: a) Em hãy đánh giá kết quả của việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020.
b) Theo em, an sinh xã hội có vai trò như thế nào đối với con người và xã hội
Thông tin. Trong giai đoạn 2012 – 2020, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp năm 2013. Năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt 0,71. Chính sách việc làm, thu nhập, giảm nghèo: Hằng năm đã tạo được khoảng 1,5 – 1,6 triệu lượt việc làm cho người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 là 4,25 triệu đồng/tháng, tăng gần 3 lần; thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 3,5 lần,… Chính sách bảo hiểm xã hội: Số người tham gia bảo hiểm xã hội dạt 16,2 triệu người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng lên gần 13,4 triệu người, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,8 triệu người. Chính sách trợ giúp xã hội: Số người được hưởng trợ giúp xã hội đạt 3,509 triệu người. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện hỗ trợ thường xuyên và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và các nguyên nhân khách quan khác. Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản: Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%, tuổi thọ trung bình của dân cư là 74 tuổi; tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,5 %, 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hai đảo được phủ sóng phát thanh, truyền hình,… (Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Kết quả thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, định hướng hoàn thiện chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) |
Lời giải:
♦ Yêu cầu a) Nhận xét:
– Trong giai đoạn 2012 – 2020, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, ví dụ như:
+ Gia tăng việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
+ Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên.
+ Số người được hưởng trợ giúp xã hội đạt 3,509 triệu người. Nhà nước cũng thực hiện hỗ trợ thường xuyên và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và các nguyên nhân khách quan khác.
+ Tỉ lệ biết chữ, tuổi thọ của người dân gia tăng.
– Những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2012 – 2020 của nhà nước Việt Nam đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp năm 2013.
♦ Yêu cầu b) Vai trò của an sinh xã hội:
– Giúp phát huy tinh thần đoàn kết, giúp dỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng, xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho những người không may gặp phải rủi ro trong cuộc sống.
– Là công cụ để phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
– Là một công cụ hiệu quả để Nhà nước thực hiện chính sách xã hội nhằm ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
Luyện tập
Luyện tập 1 trang 34 KTPL 12: Nhận định nào dưới đây là đúng khi nói về an sinh xã hội và chính sách an sinh xã hội?
A. Mọi thành viên trong xã hội đều có quyền hưởng an sinh xã hội.
B. An sinh xã hội tạo ra lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên xã hội.
C. Chính sách an sinh xã hội là một chính sách xã hội cơ bản của Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn thu nhập và cuộc sống cho các thành viên trong xã hội.
D. Hệ thống chính sách an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính: việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội.
Lời giải:
– Ý kiến a. Không đồng tình, vì: Ở Việt Nam, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Như vậy, “quyền được bảo đảm an sinh xã hội” là quyền công dân. Đây không phải là quyền dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành riêng cho công dân Việt Nam; những người không có quốc tịch Việt Nam thì không có quyền này theo Hiến pháp năm 2013.
– Ý kiến b. Đồng tình, vì: Bản chất của an sinh xã hội là tạo ra lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên xã hội trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác.
– Ý kiến c. Đồng tình, vì: Chính sách an sinh xã hội là một chính sách xã hội cơ bản của Nhà nước nhằm thực hiện chức năng phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn thu nhập và cuộc sống cho các thành viên trong xã hội.
– Ý kiến d. Không đồng tình, vì: Ở Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột: 1) Bảo hiểm xã hội; 2) Bảo hiểm y tế; 3) Bảo hiểm thất nghiệp; 4) Cứu trợ xã hội; 5) Trợ giúp và ưu đãi xã hội.
Luyện tập 2 trang 34 KTPL 12: Em hãy nhận xét những ý kiến dưới dây về vai trò của an sinh xã hội và chính sách an sinh xã hội:
A. An sinh xã hội góp phần thực hiện công bằng xã hội.
B. Giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội góp phần duy trì ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
C. Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản là một trong những trụ cột của hệ thống chính sách an sinh xã hội.
D. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro, đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi thành viên trong xã hội.
Lời giải:
– Ý kiến A. Đồng tình. Vì: an sinh xã hội là công cụ để phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
– Ý kiến B. Đồng tình, vì: an sinh xã hội là một công cụ hiệu quả để Nhà nước thực hiện chính sách xã hội nhằm ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
– Ý kiến C. Không đồng tình. Ở Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột: 1) Bảo hiểm xã hội; 2) Bảo hiểm y tế; 3) Bảo hiểm thất nghiệp; 4) Cứu trợ xã hội; 5) Trợ giúp và ưu đãi xã hội.
– Ý kiến D. Đồng tình. Ở Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột: 1) Bảo hiểm xã hội; 2) Bảo hiểm y tế; 3) Bảo hiểm thất nghiệp; 4) Cứu trợ xã hội; 5) Trợ giúp và ưu đãi xã hội. Xét về thực chất, năm trụ cột này là nhằm thực hiện 3 chức năng chiến lược của hệ thống an sinh xã hội: Phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro.
Luyện tập 3 trang 35 KTPL 12: Em đồng tình hay không đồng tình với việc làm nào dưới đây? Vì sao?
A. Một số chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của doanh nghiệp về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
B. Các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân,… tích cực giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo vươn lên xoá đói giảm nghèo.
C. Một số cá nhân giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
D. Một số cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp hỗ trợ đồng bảo ở vùng khó khăn rồi ăn chặn, ăn bớt tiền quyên góp.
Lời giải:
– Tình huống a) Không đồng tình, vì: việc một số chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của doanh nghiệp về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp – là hành vi vi phạm pháp luật lao động; đồng thời không đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động.
– Tình huống b) Đồng tình, vì: hành động giúp đỡ hỗ trợ người nghèo vươn lên xoá đói giảm nghèo, của các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân,… đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
– Tình huống c, d) Không đồng tình, vì: đây là những hành vi vi phạm pháp luật; gây ảnh hưởng xấu và mất niềm tin của người dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Luyện tập 4 trang 35 KTPL 12: Em hãy đọc các tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:
Tình huống a. Anh A là lao động tự do. Khi được tuyên truyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, anh A nghĩ rằng mình đang trẻ, khoẻ mạnh, có việc làm và thu nhập ổn định, nên đã không tham gia.
Trong tình huống trên, anh A đã thực hiện trách nhiệm của công dân về an sinh xã hội như thế nào?
Tình huống b. Anh C là chủ một doanh nghiệp với hơn 80 công nhân. Bên cạnh việc tạo việc làm, trả công theo lao động, đảm bảo các điều kiện làm việc cho người lao động, anh C tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Theo em, hành động của anh C đã góp phần thực hiện tốt những chính sách an sinh xã hội nào?
Lời giải:
– Tình huống a) Trong tình huống trên, anh A đã không thực hiện trách nhiệm của công dân về an sinh xã hội. Vì:
+ Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thiết kế để cung cấp bảo hiểm cho người lao động trong các tình huống như mất việc làm, bị ốm đau hoặc không thể làm việc do sự cố.
+ Khi không tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, anh A phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
– Tình huống b) Những hành động của anh C đã góp phần thực hiện tốt những chính sách về an sinh xã hội, như:
+ Chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo;
+ Chính sách bảo hiểm xã hội;
Vận dụng
Vận dụng trang 35 KTPL 12: Em hãy cùng các bạn xây dựng kế hoạch tuyên truyền về việc thực hiện một chính sách an sinh xã hội tại địa phương nơi em sinh sống.
Lời giải:
(*) Tham khảo: Kế hoạch tuyên truyền “Những quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm y tế”
– Mục tiêu: nâng cao ý thức của người dân, giúp nhười dân hiểu rõ những quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế.
– Đối tượng: người dân trên địa bàn tổ dân phố X
– Nội dung tuyên truyền:
+ Khái niệm và vai trò của Bảo hiểm y tế.
+ Chủ trương, chính sách của nhà nước về Bảo hiểm y tế
+ Những nguyền lợi công dân được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế.
+ Những rủi ro khi không tham gia bảo hiểm y tế.
– Người thực hiện việc tuyên truyền:
+ Học sinh trường THPT X
+ Chi đoàn Tổ dân phố X (thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường ….)
– Thời gian, địa điểm:
+ Thời gian: đầu giờ buổi sáng (6 giờ – 7 giờ 30 phút) và cuối giờ chiều (17 giờ – 18 giờ 30 phút) các ngày cuối tuần.
+ Địa điểm: nhà văn hóa tổ dân phố X
– Kết quả dự kiến:
+ Người tham gia giao thông hiểu biết thêm về vai trò, lợi ích Bảo hiểm y tế
+ Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế tại địa bàn tổ dân phố X tăng lên.
* Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Xem thêm các bài giải bài tập Kinh tế Pháp luật lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 3. Bảo hiểm
Bài 4. An sinh xã hội
Bài 5. Lập kế hoạch kinh doanh
Bài 6. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Bài 7. Quản lí thu, chi trong gia đình
Bài 8. Quyền, nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế